Trung Quốc thắt chặt an ninh tại Á vận hội, đồ ‘gọt bút chì’ cũng bị cấm
Hôm 23/09, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc Á vận hội lần thứ 19 tại thành phố Hàng Châu. Khung cảnh hùng tráng bên trong hội trường hoàn toàn trái ngược với an ninh được nâng cấp toàn diện bên ngoài địa điểm tổ chức. Có ý kiến cho rằng ông Tập đi đến đâu thì an ninh được thắt chặt đến đó, và có phần thái quá. Có cư dân đặt mua một chiếc gọt bút chì nhưng không được giao vì quy định an ninh, dẫn đến bất bình trong dân chúng.
Ban đầu, Á vận hội lần thứ 19 dự kiến được tổ chức vào năm 2022, nhưng bị trì hoãn một năm do các biện pháp phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt của ĐCSTQ. Hôm 23/09, an ninh ở thành phố Hàng Châu được nâng lên mức cao nhất khi ông Tập Cận Bình và các quan chức quốc tế tham dự lễ khai mạc. Phần lớn quan chức quốc tế tham dự lễ khai mạc đều thuộc các quốc gia nhỏ, trong đó có Thái tử Sheikh Meshal của Kuwait, Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, Thủ tướng Xanana của Đông Timor, Quốc vương Norodom Sihamoni của Campuchia, Chủ tịch Hạ viện Malaysia Johari Abdul, Thủ tướng Nepal Prachanda, v.v. Nam Hàn cũng cử Thủ tướng Han Duck-soo tới tham dự.
Tại lễ khai mạc, ông Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố quan trọng về việc tổ chức một sự kiện thể thao mang “bản sắc Trung Quốc,” gây ra nhiều lời phàn nàn trong dân chúng.
Hàng Châu như đang gặp địch lớn
Một “khu vực kiểm soát giao thông” rộng lớn xung quanh sân vận động Trung tâm thể thao Olympic Hàng Châu đã bị phong tỏa hôm thứ 23/09. Từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối ngày 23/09, tổng cộng 25 ga trên tuyến tàu điện ngầm số 6 Hàng Châu đã bị đình chỉ hoạt động, gây bất tiện cho người dân đi lại. Ngoài ra, dịch vụ giao hàng cũng bị gián đoạn.
Theo hãng thông tấn Reuters, một số người cho rằng bất cứ nơi nào ông Tập Cận Bình đến, thì an ninh đều được thắt chặt nghiêm ngặt. Những biện pháp này có phần thái quá. Ông Lý Kiện (Li Jian), một cư dân Hàng Châu, nói rằng: “Tôi nghĩ điều đó cho thấy họ quá lo lắng, phải không nào?”
Ông Ngô, một công chức ở thành phố Vũ Hán, cho biết ông không hề quan tâm đến Á vận hội: “Bởi vì sau khi ông Tập lên nắm quyền, mỗi lần có đại hội thể thao hay hội nghị thượng đỉnh, ông ấy đều chi rất nhiều tiền để duy trì ổn định với áp lực cao. Nếu ông ấy đích thân đến đó thì sẽ càng như ‘thảo mộc giai binh’ [cây cối cũng là địch]. Tôi cảm thấy [lần này] không có gì mới mẻ cả.”
Một cư dân mạng tại địa phương nhận được thông báo cho biết đồ gọt bút chì mà anh đặt hàng không thể giao được do các quy định an ninh tại Á vận hội. Cư dân mạng này hỏi: “Đồ gọt bút chì nguy hiểm đến thế sao?” “Tôi có thể sát hại một nhà lãnh đạo ngoại quốc bằng món đồ này không?”
Đánh giá từ các bài đăng được cư dân mạng đăng trên mạng xã hội, an ninh ở Hàng Châu đã được nâng cấp toàn diện. Có cư dân mạng đăng ảnh lên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter), nói rằng: “Trong khi diễn ra Á vận hội, nhà của người dân Hàng Châu đã bị niêm phong.” (Bấm vào đây để xem hình ảnh). Trên giấy niêm phong là dòng chữ “Đóng cửa sổ trong thời gian diễn ra Á vận hội.” Cư dân mạng này còn đăng tải một bức ảnh khác cho thấy trên tủ vệ sinh ở ga tàu điện ngầm Hàng Châu cũng bị dán giấy niêm phong.
Một cư dân mạng khác nói rằng: “Không ít tòa nhà dân cư không được phép mở cửa sổ trong thời gian diễn ra Á vận hội ở Hàng Châu. Hơn nữa, để bảo đảm người dân tuân theo mệnh lệnh, chính quyền đã niêm phong cửa sổ bằng giấy! Không biết liệu các quốc gia khác theo chế độ tư bản ‘xấu xa’ có ‘quản trị tốt’ như vậy khi đăng cai Á vận hội hay Olympic không?”
The Epoch Times chưa thể kiểm chứng tính chân thực của các bức ảnh này.
Các nhà tổ chức Á vận hội hy vọng lễ khai mạc công nghệ cao hôm 23/09 sẽ giúp khơi dậy sự nhiệt tình đối với Thế vận hội. Tuy nhiên, do nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, nên một số người đã đặt câu hỏi về chi phí tổ chức các sự kiện quy mô lớn này, trong khi công chúng không mấy quan tâm đến Á vận hội. Trước đây, chính quyền thành phố Hàng Châu từng tiết lộ rằng họ đã chi hơn 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng giao thông, địa điểm thể thao, chỗ ở và các cơ sở khác trong vòng 5 năm, tính đến năm 2020.
Tình hình địa chính trị ảnh hưởng tới Á vận hội
Chính quyền ĐCSTQ cho biết khẩu hiệu chính thức của sự kiện này là “Từ trái tim tới trái tim, hướng đến tương lai,” thể hiện mục tiêu đoàn kết người dân và các quốc gia ở châu Á thông qua các môn thể thao. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và tính cạnh tranh có thể sẽ làm lu mờ nỗ lực đó.
Một ngày trước khi khai mạc Á vận hội (22/09), ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ hiếm hoi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một người bị phương Tây cô lập. Ông Tập đã kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria.
Cũng trong ngày 22/09, một tranh chấp ngoại giao mới đã xảy ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc quyết định “chiếu khán không hợp lệ” đối với ba vận động viên Ấn Độ tham gia Á vận hội. Tuyên bố cũng cho biết Bộ trưởng Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur đã hủy chuyến tham dự đại hội này để phản đối vụ việc.
Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã lan sang các cuộc thi đấu thể thao. Ba nữ vận động viên Ấn Độ đối mặt nguy cơ buộc phải rút lui khỏi cuộc thi vì đến từ khu vực đang tranh chấp. Họ đến từ Arunachal Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ, khu vực mà ĐCSTQ gọi là “Nam Tây Tạng.” Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
Trương Đình thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ