Trung Quốc: Giới chức trách tăng cường các biện pháp an ninh cho Á vận hội, làm gián đoạn cuộc sống của người dân
Đại hội Thể thao Á Châu (Á vận hội) lần thứ 19 đã khai mạc tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc hôm 23/09, sau một năm bị trì hoãn do chính sách zero COVID nghiêm ngặt của Bắc Kinh vốn đã được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái (2022).
Sự kiện thể thao lớn nhất nước này trong hơn một thập niên quy tụ khoảng 12,000 vận động viên từ 45 quốc gia đến tranh tài ở 40 môn thể thao tại thủ phủ tỉnh Chiết Giang.
Trong khi chính quyền Trung Quốc tăng cường an ninh trước làn sóng vận động viên và du khách đổ về, thì cuộc sống thường nhật của người dân ở Hàng Châu và các thành phố lân cận đã bị gián đoạn, gây ra làn sóng phản đối kịch liệt của dân cư địa phương nhằm chống lại các biện pháp giám sát của Bắc Kinh.
Kiểm tra an ninh nghiêm ngặt
Đại hội Thể thao Á Châu được tổ chức tại 56 địa điểm; 42 địa điểm trong số đó ở Hàng Châu và 14 địa điểm ở năm thành phố lân cận. Giới chức trách Hàng Châu được cho là đã áp đặt các biện pháp an ninh cao nhất.
Một người dân Hàng Châu, đã chia sẻ với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ với yêu cầu ẩn danh, cho biết rằng hành khách đi xe lửa đến thành phố Hàng Châu và các thành phố đăng cai khác phải đi qua nhiều trạm kiểm soát; việc đi lại bị hạn chế đối với xe hơi chở khách, và nhiều con đường đã bị phong tỏa.
Một cư dân mạng đã đăng những bức ảnh lên nền tảng X, trước đây gọi là Twitter, trong đó có ảnh một cửa sổ căn hộ và tủ đựng đồ trong phòng tắm ở Hàng Châu đã bị giới chức trách địa phương niêm phong.
Một cư dân Hàng Châu có bí danh là Đổng Lập Minh (Dong Liming) đã nói với The Epoch Times rằng những nhà chức trách tại Hàng Châu đang giám sát chặt chẽ người dân địa phương.
Ông Đổng nói với ấn phẩm hôm 19/09: “Nếu quý vị nằm trong danh sách đen của họ và ở gần bất kỳ địa điểm thi đấu thể thao nào đó, thì quý vị sẽ nhận được một tin nhắn cảnh báo.”
Những người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem là kẻ thù sẽ bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt là trong các sự kiện trọng đại.
Ví dụ, giới chức trách đã sử dụng mã sức khỏe trên ứng dụng COVID-19 để ngăn chặn người dân tổ chức một cuộc biểu tình phản đối một ngân hàng ở miền trung tỉnh Hà Nam hồi năm ngoái. Sau đó, một số người bị ngân hàng đóng băng trương mục tiết kiệm đã nói với The Epoch Times rằng mã sức khỏe trên ứng dụng của họ chuyển sang màu đỏ ngay khi họ quét mã vạch địa điểm ở thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Mã sức khỏe màu đỏ — cho biết một người có thể bị nhiễm COVID-19 — có nghĩa là người mang virus này sẽ bị cấm tiếp cận tất cả các địa điểm công cộng, từ nhà vệ sinh đến các cửa hàng và cả ga xe lửa, đồng thời phải đối mặt với việc cách ly bắt buộc trong các khu cách ly tập trung.
Ông Đổng cho biết an ninh đã được tăng cường từ giữa tháng Chín. Các chốt bảo vệ và an ninh được bố trí xung quanh các địa điểm thi đấu thể thao để ngăn thường dân đến gần.
Ông nói: “Nếu quý vị mang theo túi và đi bộ trên đường, thì quý vị có thể bị [công an] chặn lại bất cứ lúc nào để kiểm tra an toàn.”
Một người dân khác, ông Lý Yếu Lâm (Li Youlin, bí danh), chia sẻ với ấn phẩm rằng hành khách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng phải bị kiểm tra đồ đạc và phải uống bất kỳ chất lỏng nào họ mang theo trước mặt nhân viên bảo ninh để chứng minh rằng những loại chất lỏng đó không phải là chất nổ hoặc chất độc.
Hơn nữa, ông Lý lưu ý rằng tất cả các loại nắp hố ở Hàng Châu đều được niêm phong an ninh và dán nhãn kiểm định an toàn. Ông nói: “Tất cả nắp hố điện, nắp hố thông tin liên lạc, và nắp cống thoát nước đều đã được kiểm tra. Mỗi hố đều được dán nhãn riêng, và tất cả đều được niêm phong bằng niêm phong kiểm định an toàn đặc biệt.”
Theo Reuters, một khu vực kiểm soát giao thông rộng lớn xung quanh sân vận động Olympic của thành phố đã bị phong tỏa, ít nhất một ga tàu điện ngầm phải dừng hoạt động, và việc giao hàng đã bị gián đoạn vào ngày khai mạc đại hội.
Reuters đã đưa tin hôm 24/09 rằng một cư dân mạng cho biết theo các quy định an toàn này thì chiếc gọt bút chì được anh ấy đặt mua đã không thể được giao tới. “Cái gọt bút chì nguy hiểm đến thế sao?” Cư dân mạng này viết. “Liệu tôi có thể sử dụng cái gọt bút để sát hại các nhà lãnh đạo ngoại quốc không?”
Theo BNN, một chủ doanh nghiệp cho biết rằng mỗi ngày có hơn 30 gói hàng được giao đến Chiết Giang đã bị trả lại kể từ ngày khai mạc đại hội thể thao, và ông ấy phải chi trả hàng ngàn nhân dân tệ tiền phạt do giao hàng chậm trễ.
Những người bất đồng chính kiến bị giám sát
ĐCSTQ đã đàn áp những người bất đồng chính kiến sống ở Hàng Châu và các thành phố lân cận trong thời gian diễn ra Đại hội Thể thao Á Châu.
Trong những thời kỳ “nhạy cảm”, chẳng hạn như các sự kiện trọng đại của quốc gia hoặc quốc tế, các ngày lễ quốc gia, và các hội nghị chính trị, ĐCSTQ đã bịt miệng một cách có hệ thống những người chỉ trích, những người ủng hộ nhân quyền, và những người kháng nghị. Những “phương pháp duy trì ổn định xã hội” này bao gồm rình rập, đe dọa, ép buộc, giam giữ, tra tấn, quản thúc tại gia, hoặc khiến những người này “biến mất.”
Những người kháng nghị là những công dân có khiếu nại muốn trình lên một tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại — chẳng hạn như Văn phòng Tín Phóng (Office of Letters and Visits), một cơ quan có trách nhiệm đóng vai trò hòa giải — ở cấp cao hơn. Những người kháng nghị muốn kháng cáo đòi lại nhà cửa và công việc bị chính quyền hoặc quan chức địa phương lấy đi một cách bất hợp pháp, hoặc các trường hợp khác mà hệ thống pháp luật hoặc tư pháp của Trung Quốc không mang lại công lý cho họ.
Bà Nghiêm (bí danh), một người kháng nghị, đã đi tìm công lý sau khi công ty của bà bị chính quyền cưỡng bức giải thể vào 18 năm trước. Bà bị giam 19 tháng tại một trại tạm giam địa phương. Bà chia sẻ với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 22/09 rằng kể từ đó, bà Nghiêm đã liên tục bị giám sát.
Bà cho biết: “Chính quyền và công an địa phương lại bắt đầu theo dõi tôi vào ngày 19/09, trước thềm khai mạc Đại hội Thể thao Á Châu.”
Bà Nghiêm không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về lý do và quá trình bà bị mất công ty.
Hơn nữa, bà cho biết bà hiện đã mất liên lạc với những người cùng tham gia kháng nghị do bị công an giám sát chặt chẽ.
Hồi tháng Ba, ông Thiệu Minh Lượng (Shao Mingliang), một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đồng thời là nhà phê bình chống ĐCSTQ đến từ thành phố Nam Kinh, đã được trả tự do sau bốn năm bị giam giữ. Kể từ đó, ông đã bị quản thúc tại gia nhưng kể từ khi đại hội thể thao bắt đầu, ông lại bị theo dõi chặt chẽ.
Ông Thiệu nói với ấn phẩm Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 22/09: “Cách đây vài ngày, chính quyền Nam Kinh đã lắp đặt camera giám sát tầm nhìn ban đêm độ phân giải cao, cách nhà tôi khoảng 30 mét. Họ đã lắp đặt ít nhất năm camera giám sát cho lớp an ninh đầu tiên gần nhà tôi.”
Ông nói rằng chính quyền đã thực hiện bốn lớp giám sát khác: một đồn công an cách nhà ông khoảng 20 mét, một xe tải chở công an mặc thường phục cách đó khoảng 50 mét, một trạm kiểm soát cách đó khoảng 80 đến 100 mét, và bọn côn đồ vây quanh nhà ông.
Ông Sử Đình Phúc (Shi Tingfu), một nhà hoạt động nhân quyền đến từ Nam Kinh, được cho là đã bị ép buộc đến Tân Cương, một vùng xa xôi phía tây của Trung Quốc.
Ông Cung Mẫn Canh (Gong Mingeng), một nhà hoạt động nhân quyền đến từ Thượng Hải, đã nói với ấn phẩm Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 01/09 rằng ông ấy được đưa đến một quán trọ nhỏ trên đảo Sùng Minh, một hòn đảo phù sa ở cửa sông Dương Tử thuộc miền đông Trung Quốc, nằm tách biệt với Thượng Hải.
Ông Cung chia sẻ: “Tôi được thông báo rằng tôi sẽ bị cô lập trên đảo ít nhất hai tháng.”
Theo Reuters, chính quyền Hàng Châu đã chi hơn 30 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông, sân vận động, chỗ ở, và các cơ sở khác từ năm 2016 đến năm 2020.
Không có thông tin công khai về việc chi tiêu cho các khoản đầu tư này kể từ năm 2020.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Hy, Trương Đình, Tiêu Luật Sinh, và Reuters
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times