Ông Tập Cận Bình vướng vào ba xung đột nội bộ cao tầng của ĐCSTQ
Gần đây, thường xuyên có các tin tức về những vụ việc liên quan đến quan chức cao cấp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “ngã ngựa.” Mặc dù ông Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, nhưng ông không những không củng cố được quyền lực, mà còn rơi vào mâu thuẫn nội bộ gay gắt và cảm giác bất an một lần nữa.
Về vấn đề này, dư luận trong và ngoài nước có nhiều ý kiến trái chiều. Tác giả bài viết cho rằng ông Tập đang vướng vào ba cuộc đấu đá nội bộ.
Thứ nhất, cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Tập và các ông Tăng, Triệu, Hàn, Vương
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ hồi tháng Mười năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã “tiêu diệt” phe Đoàn (phe của ông Hồ Cẩm Đào) nhưng lại để lại ba thành viên chủ chốt của phe ông Giang Trạch Dân: ông Triệu Lạc Tế, ông Hàn Chính, và ông Vương Hỗ Ninh.
Ông Triệu Lạc Tế giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông Hàn Chính giữ chức Phó Chủ tịch nước. Ông Vương Hỗ Ninh là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc.
Sau khi ông Giang Trạch Dân qua đời vào tháng Mười Một năm ngoái, người đứng đầu thực sự của phe ông Giang hiện nay là ông Tăng Khánh Hồng, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và là cựu Phó Chủ tịch nước.
Trong 10 năm của nhiệm kỳ thứ nhất và thứ hai, ông Tập luôn đối đầu với phe Giang-Tăng. Sau khi ông Giang qua đời, cuộc đối đầu giữa ông Tập và ông Tăng Khánh Hồng vẫn tiếp tục. Mà trên thực tế, đây là cuộc đối đầu giữa ông Tập với nhóm ông Tăng, ông Triệu Lạc Tế, ông Hàn Chính và ông Vương Hỗ Ninh.
Vì sao ông Tập Cận Bình và ông Tăng Khánh Hồng lại đấu đá với nhau? Điều mấu chốt là vì ông Giang Trạch Dân đã để lại ba di sản lớn: một là bán nước, hai là tham nhũng, và ba là đàn áp Pháp Luân Công. Ba di sản lớn này chính là ba tội lớn, đều là đại tội, trọng tội, và tử tội. Ba tội lỗi này nhất định phải bị trừng phạt.
Ba đại tội này đã bị phe ông Giang và những người tùy tùng ở Trung Quốc ngày nay cố tình làm ngơ. Tuy nhiên, dù họ vờ như không biết thì đó vẫn là điều quá rõ ràng.
Ông Tăng Khánh Hồng, ông Triệu Lạc Tế, ông Hàn Chính và ông Vương Hỗ Ninh đều liên quan đến ba tội ác lớn này. Vì vậy, họ không yên tâm với ông Tập, luôn lo lắng không biết khi nào ông Tập sẽ “ra tay.” Họ luôn muốn thay thế ông Tập bằng một người mà họ cho là đáng tin cậy, một mặt là để bảo vệ lợi ích của họ, mặt khác là để bảo đảm tội ác của họ không bị trừng phạt.
Biểu hiện cụ thể của cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Tập và ông Tăng như sau:
Vừa qua, có người trong giới cao tầng của ĐCSTQ tiết lộ với ký giả Katsuji Nakazawa của hãng thông tấn Nikkei Asia rằng: tại Hội nghị Bắc Đới Hà mùa hè năm nay, các cựu nguyên lão của ĐCSTQ do ông Tăng Khánh Hồng đứng đầu, đã khiển trách ông Tập theo cách chưa từng thấy từ trước tới nay; các nguyên lão này cho rằng ông Tập đã gây ra tình trạng hỗn loạn về chính trị, kinh tế, xã hội, và điều này có thể gây nguy hiểm cho sự cai trị của ĐCSTQ.
Tin tức này đã được lan truyền rộng rãi ở ngoại quốc. Mặc dù đây có thể là tin giả, nhưng đó là một tín hiệu quan trọng cho thấy các lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ một lần nữa quay lưng lại với ông Tập.
Biểu hiện cụ thể của cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Tập và ông Triệu, Hàn, Vương như sau:
Ông Tập sử dụng thân tín là ông Lý Hi, hiện là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, để liên tục loại bỏ “nội gián” trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật. Không ít người trong số họ được đề bạt trong thời gian ông Triệu Lạc Tế giữ chức vụ Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ông Tập dùng ông Lý để điều tra cấp dưới cũ của ông Hàn Chính ở Thượng Hải, và kết quả là một nhóm quan chức Thượng Hải bị hạ bệ. Việc ông Tập thanh trừng các quan chức trong hệ thống tuyên truyền và ngoại giao có liên quan đến ông Vương Hỗ Ninh, người trước đây đặc trách về vấn đề tư tưởng và can thiệp vào các vấn đề ngoại quốc.
Ở cấp cao nhất của ĐCSTQ ngày nay, ông Tăng Khánh Hồng đang chiếm vị trí độc tôn. Ông Tăng một mình vượt qua phe Thái tử đảng, băng Thượng Hải, băng Giang Tây, băng Dầu khí, băng An ninh Quốc gia, băng Hồng Kông Macao, và băng tuyên truyền đối ngoại.
Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tăng Khánh Hồng chính là đại diện của các thế lực cao tầng ĐCSTQ chống lại ông Tập.
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tăng ở hậu đài, cùng với ông Triệu Lạc Tế, ông Hàn Chính và ông Vương Hỗ Ninh trên chính trường, trở thành thế lực chính trị lớn nhất đối lập với ông Tập Cận Bình.
Vì ông Tăng, Triệu, Hàn, Vương dính líu đến ba tội ác lớn nêu trên, nên cuộc chiến giữa bốn vị này và ông Tập chắc chắn sẽ vô cùng hung hiểm.
Thứ hai, cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Tập Cận Bình, ông Thái Kỳ và ông Lý Cường, ông Đinh Tiết Tường, ông Lý Hi
Đây là cuộc đấu đá nội bộ của “Quân nhà Tập.” Trong phiên họp thứ 20 của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, “Quân nhà Tập” đã chiếm ưu thế chủ đạo. Ngoài ông Triệu Lạc Tế và ông Vương Hỗ Ninh từ phe ông Giang, thì ông Lý Cường, ông Thái Kỳ, ông Đinh Tiết Tường và ông Lý Hi đều là những người thân tín của ông Tập.
Trong số bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, người mà ông Tập tin tưởng nhất không phải là Tổng lý Quốc vụ viện Lý Cường ở Thượng Hải, không phải là Phó Tổng lý thứ nhất Quốc vụ viện Đinh Tiết Tường ở Trung Nam Hải, cũng không phải Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Lý Hy ở Thiểm Tây, quê hương của ông Tập, mà là ông Thái Kỳ, người đã làm việc với ông Tập hơn 20 năm ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Ông Thái Kỳ được ông Tập xem là người trung thành nhất.
Mặc dù ông Thái Kỳ đứng thứ năm trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhưng lại là Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương, đồng thời giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Ban Công tác Trung ương và Nhà nước, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia, Phó chủ nhiệm Ban Cải cách toàn diện Trung ương, Trưởng Ban Tuyên truyền Tư tưởng Trung ương, Trưởng Ban Lãnh đạo Xây dựng Đảng Trung ương, Trưởng Tổ lãnh đạo Trung ương nghiên cứu chủ đề giáo dục “Tư tưởng Tập Cận Bình”, v.v.
Ông Thái Kỳ là trợ thủ quan trọng nhất của ông Tập tại Văn phòng Trung ương đảng, đặc trách về hình thái tư tưởng, bộ máy tuyên truyền, xây dựng đảng và an toàn của ông Tập, v.v.
Kỳ thực chức vụ của ông Thái Kỳ khiến ông trở thành nhân vật đứng thứ hai trong ĐCSTQ sau ông Tập. Còn về mặt hình thức, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Tổng lý Quốc vụ viện Lý Cường là nhân vật đứng thứ hai.
Ông Lý Cường là thủ tướng yếu thế nhất trong 74 năm kể từ khi ĐCSTQ thành lập. Sự tin tưởng của ông Tập đối với ông Thái Kỳ đã buộc ông Lý Cường phải dè chừng, rụt rè về mặt chính trị.
Hội nghị Đảng ủy toàn quốc và Tổng Bí thư Chính phủ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 13/09 đến ngày 14/09. Ông Thái Kỳ đã tham dự và có bài diễn văn quan trọng. Tổng bí thư đảng ủy là cánh tay phải phục vụ cho đảng ủy, Tổng bí thư chính phủ là cánh tay phải phục vụ cho chính phủ.
Tại cuộc họp, ông Thái Kỳ đã truyền đạt chỉ thị của ông Tập, với mục đích thống lĩnh Tổng bí thư đảng và chính phủ toàn quốc. Tổng bí thư chính phủ không chỉ là cánh tay phải của chính phủ, mà còn có thể giám sát các lãnh đạo cao cấp của chính phủ. Ông Thái Kỳ triệu tập cuộc họp này để truyền tải một thông điệp quan trọng tới Tổng bí thư chính phủ, đó là họ có thể “báo cáo” những vấn đề của lãnh đạo cao cấp trong chính phủ với ông.
Ông Đinh Tiết Tường là người trẻ nhất trong bảy thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Theo thông lệ, những thành viên trẻ nhất trong Ban Thường vụ thường được bồi dưỡng làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, sau khi ông Tập sửa đổi hiến pháp vào năm 2018, ý định “cai trị suốt đời” của ông Tập đã trở nên rõ ràng. Cho đến nay, ông Tập vẫn chưa chỉ định người kế nhiệm. Ông Tập thực sự đã đặt ông Thái Kỳ vào vị trí nhân vật số 2. Vì vậy, nếu ông Đinh Tiết Tường có ý định tiếp quản, thì ông Thái sẽ là một “chướng ngại vật.”
Ông Lý Hi là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thứ bảy, có vẻ như ông sẽ không tranh giành quyền lực với ông Lý Cường, ông Thái Kỳ và ông Đinh Tiết Tường. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương do ông Lý Hi điều hành là công cụ quan trọng nhất của ông Tập trong cuộc chiến tranh giành quyền lực. Các vấn đề tham nhũng của ông Lý Cường, ông Thái Kỳ, ông Đinh Tiết Tường và thân tín của họ đều có thể bị báo cáo đến chỗ ông Lý Hi. Nếu thời cơ chín muồi, ông Lý Hi có thể dựa vào những “tài liệu đen” này để giành chiến thắng trong cuộc chiến nội bộ giữa “Quân nhà Tập.”
Sự trọng dụng của ông Tập đối với ông Thái Kỳ khiến ông Lý Cường, ông Đinh Tiết Tường và ông Lý Hi cảm thấy niềm tin của ông Tập dành cho họ là hữu hạn, cũng khiến lòng trung thành của họ đối với ông Tập suy giảm.
Thứ ba, cuộc đấu đá nội bộ giữa ông Tập và các tướng lĩnh quân đội cao cấp
Sau kỳ họp Lưỡng hội của ĐCSTQ hồi tháng Ba năm nay, ông Tập đã loại bỏ các quan chức cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn mà đích thân ông đề bạt trọng dụng. Điều này khơi mào cho cuộc đấu đá nội bộ giữa Tập và các tướng lĩnh quân đội.
Theo thông tin từ các hãng thông tấn trong và ngoài nước Trung Quốc, có thể thấy cho đến nay, ông Tập đã loại bỏ cựu Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn – Thượng tướng Lý Ngọc Siêu, Cựu Chính ủy Lực lượng Hỏa tiễn – Thượng tướng Từ Trung Ba, Cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn – Trung tướng Lưu Quang Bân và Cựu Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn – Trung tướng Trương Chấn Trung.
Cựu Phó tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn đã về hưu – Trung tướng Ngô Quốc Hoa đã treo cổ tự vẫn tại nhà. Có thể ông đã dính líu đến một vụ tham nhũng nghiêm trọng trong Lực lượng Hỏa tiễn.
Cựu Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn – Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã bị điều tra.
Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Quốc phòng và Nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển Thiết bị – Thượng tướng Lý Thượng Phúc đã bị cách chức.
Tư lệnh hiện tại của Lực lượng Chi viện Chiến lược, Thượng tướng Cự Can Sinh, và Phó chỉ huy hiện tại của Lực lượng Chi viện Chiến lược – Trung tướng Thượng Hoành, được cho là đang bị điều tra vì liên quan đến Lực lượng Hỏa tiễn.
Lãnh đạo cao nhất của cơ quan tư pháp quân sự, Viện trưởng Tòa án quân sự PLA Trình Đông Phương đã bị cách chức chỉ 8 tháng sau khi nhậm chức, hiện không rõ tung tích và rất có khả năng đang bị điều tra về tội tham nhũng.
Ngoài ra vào cuối tháng Ba, có tin cho rằng ông Lưu Á Châu, cựu Chính ủy Đại học Quốc phòng, Thượng tướng Không quân, con rể của Cựu Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, đã bị điều tra vì tội tham nhũng nghiêm trọng.
Ngoại trừ ông Lưu Á Châu, các tướng lĩnh cao cấp nêu trên đều được ông Tập Cận Bình đích thân đề bạt trọng dụng. Việc họ bị điều tra đồng nghĩa với việc họ đã “phản bội” ông Tập.
Đối với ông Tập, đây ít nhất sẽ là ba đòn giáng nặng nề: (1) Ngoại giới sẽ đặt câu hỏi về việc ông Tập lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự không thích đáng; (2) Sự phản bội của “Quân nhà Tập” tương đương với việc ông Tập bị “người của mình” đâm sau lưng; (3) Các lãnh đạo quân sự nêu trên bị điều tra sẽ liên lụy tới nhiều sĩ quan cấp trung và cấp thấp hơn.
Vụ chấn động lớn trong quân đội này chắc chắn sẽ khiến tất cả các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội đều cảm thấy nguy hiểm. Vì vậy, ông Tập sẽ ngày càng có nhiều kẻ thù trong quân đội hơn.
Trong khi tiến hành thanh lọc các tướng lĩnh cao cấp nêu trên, ông Tập cũng liên tục thay thế các tướng lĩnh cao cấp.
Hồi tháng Sáu, ông Trịnh Tuyền được thăng chức từ Phó Chính ủy Chiến khu miền Bắc lên Chính ủy Chiến khu miền Bắc; ông Lăng Hoán được thăng chức từ Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Quân ủy Trung ương lên Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự, lên cấp Thượng tướng.
Sau đó, trong tháng Bảy, ông Lưu Thanh Tùng được chuyển từ Chính ủy Chiến khu miền Bắc sang Chính ủy Chiến khu miền Đông.
Đến tháng Tám, ông Kiều Tương Ký được điều động từ Phó tư lệnh Chiến khu miền Tây sang Phó tư lệnh Chiến khu miền Nam kiêm Tư lệnh Không quân; ông Trương Tiễn được điều động từ Tư lệnh quân đội Chiến khu miền Nam sang Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Chiến khu miền Tây; ông Doãn Hồng Văn được điều động từ Phó Chính ủy kiêm Giám đốc Bộ Chính trị Chiến khu miền Đông sang Phó Chính ủy kiêm Giám đốc Bộ Chính trị Chiến khu miền Nam.
Những thay đổi về tướng lĩnh cao cấp nêu trên phần lớn liên quan đến chính ủy. Ý định của ông Tập là làm cho các lãnh đạo quân sự và chính trị của mỗi chiến khu đều không quen biết nhau để giám sát lẫn nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ông Tập kiểm soát quân đội.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập thường xuyên thay thế các tướng lĩnh cao cấp. Cách làm này chắc chắn sẽ khiến những tướng lĩnh này cảm thấy không ai là người thực sự được ông Tập tin tưởng. Vì vậy, họ cũng sẽ không thể thực sự trung thành với ông Tập.
Trong hệ thống của ĐCSTQ, sức mạnh quân sự là tối cao. Xung đột nội bộ giữa “Quân nhà Tập” trong hệ thống quân sự là mối lo ngại lớn nhất của ông Tập.
Ngoài ra, lãnh đạo đảng và nhà nước trẻ nhất do ông Tập đích thân đề bạt trọng dụng – Ủy viên Trung ương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, thăng tiến nhanh chóng và “ngã ngựa” cũng rất nhanh. Có thể “Quân nhà Tập” và các đối thủ chính trị của ông Tập đã cùng hợp tác để hạ bệ ông.
Việc ông Tần Cương ngã ngựa cũng là một đòn giáng mạnh đối với ông Tập.
Kết luận
Từ lịch sử có thể thấy, xung đột nội bộ giữa các lãnh đạo cao tầng của ĐCSTQ luôn là “một sống một còn.”
Trong số hai người kế vị do đích thân ông Mao Trạch Đông lựa chọn là ông Lưu Thiếu Kỳ và ông Lâm Bưu, thì một người đã bị ông Mao bức hại đến thiệt mạng, người còn lại bị ông Mao chèn ép và thiệt mạng trong một vụ tai nạn phi cơ. Ông Hoa Quốc Phong, người kế vị thứ tư do chính ông Mao chọn, đã bắt giữ vợ của ông Mao là bà Giang Thanh sau khi ông Mao qua đời chưa đầy một tháng, v.v. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông đã liên tiếp phế truất ba lãnh đạo của ĐCSTQ là ông Hoa Quốc Phong, ông Hồ Diệu Bang và ông Triệu Tử Dương. Khi ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền, ông đã loại bỏ Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Dương Thượng Côn và Tổng Thư ký Quân ủy Dương Bạch Băng, đề bạt ông Quách Bá Hùng và ông Từ Tài Hậu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, khiến ông Hồ Cẩm Đào chỉ là Chủ tịch Quân ủy Trung ương trên danh nghĩa.
Giờ đây, mọi vấn đề mà ông Mao Trạch Đông, ông Đặng Tiểu Bình, và ông Giang Trạch Dân để lại khi nắm quyền thì ông Tập đều đang gánh chịu. Ông Tập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đối nội và đối ngoại nghiêm trọng nhất trong lịch sử của ĐCSTQ.
Với việc ông Tập Cận Bình vướng vào ba xung đột nội bộ nêu trên, có thể nói ĐCSTQ luôn đấu đá nội bộ và không tin tưởng lẫn nhau. Có rất nhiều người muốn lật đổ ông Tập, kể cả người mới được ông đề bạt và những người thân cận nhất với ông.
Gần đây, có nhiều thông tin cho rằng ông Tập rất lo lắng về những cuộc đảo chính nội bộ, thậm chí là lo bị ám sát. Do đó, ông thường ẩn thân, đồng thời tiến hành thanh lọc quân đội cũng như các cơ quan chức năng khác.
Vương Hữu Quần thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ