9 quyết sách sai lầm khác của ông Tập Cận Bình
Hôm 13/09, nhà bình luận thời sự chính trị Vương Hữu Quần đã có bài viết “9 quyết sách sai lầm của ông Tập Cận Bình trong 11 năm cầm quyền” đăng trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. Trong bài viết tiếp theo này, ông Vương sẽ tiếp tục nói về 9 quyết sách sai lầm khác của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thứ nhất, quyết định giữ lại ba thành viên quan trọng của “phe Giang”
Đối với việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo Đảng và chính quyền hiện nay, ông Tập có một quyết định, đó là giữ lại ba thành viên quan trọng của phe ông Giang, gồm: ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và ông Hàn Chính (Han Zheng).
Ông Triệu Lạc Tế đảm nhận vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Ông Vương Hỗ Ninh là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính ĐCSTQ và Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc. Ông Hàn Chính là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Phe Giang” do ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng đứng đầu, cũng là thủ phạm chính trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Kể từ khi ông Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999 cho đến nay, chính quyền ĐCSTQ đã không từ thủ đoạn, không tiếc chi phí, bất chấp hậu quả để cưỡng ép các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin vào “chân, thiện, nhẫn” của họ.
Một trong những tội ác tàn bạo nhất của ĐCSTQ là thu hoạch nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống với quy mô lớn. Tội ác này được xem là “tà ác chưa từng có trên hành tinh này.”
Đây là cuộc tàn sát tàn bạo nhất, dã man nhất, đẫm máu nhất kể từ thảm họa diệt chủng người Do Thái do chính quyền Đức Quốc Xã tiến hành vào những năm 1930 cho đến nay.
Ông Triệu Lạc Tế, ông Vương Hỗ Ninh, và ông Hàn Chính đều là các thành viên quan trọng thực hiện chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công dưới sự lãnh đạo của ông Giang và ông Tăng.
Pháp Luân Công không phải là một môn khí công thông thường, mà là một môn tu luyện Phật Pháp. Từ xưa cho đến nay, đàn áp Phật Pháp là tội ác to lớn vô cùng.
Ông Triệu Lạc Tế đã hai lần ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 05 và tháng 06/2020, trong thời điểm đại dịch đang lan rộng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Ông Vương Hỗ Ninh được xem là “quân sư tối cao”. Ông được ông Giang và ông Tăng đề bạt và trọng dụng, thường cung cấp “lý luận” để ông Giang và ông Tăng áp dụng đàn áp Pháp Luân Công.
Ông Hugh Hewitt, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Hoa Kỳ, gọi ông Vương Hỗ Ninh là “người nguy hiểm nhất trên thế giới.”
Ông Hàn Chính cũng là đồng thủ phạm quan trọng nhất của ông Giang và ông Tăng trong việc đàn áp Pháp Luân Công tại Thượng Hải.
Theo ông Vương Hữu Quần, việc ông Tập Cận Bình tiếp tục sử dụng ông Triệu Lạc Tế, ông Vương Hỗ Ninh, và ông Hàn Chính sẽ chỉ khiến cho tình hình đối nội và ngoại giao của ĐCSTQ càng trượt xuống vực thẳm.
Thứ hai, bổ nhiệm các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội
Điều này được thể hiện rõ trong việc ông Tập bổ nhiệm các quan chức như ông Lý Thượng Phúc (Thượng tướng), ông Lý Ngọc Siêu (Thượng tướng), ông Từ Trung Ba (Thượng tướng), ông Lưu Quang Bân (Trung tướng), ông Trương Chấn Trung (Trung tướng), v.v.
Tháng 03/2023, ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, Bộ trưởng Quốc phòng.
Ông Lý là một trong những tướng lĩnh quân đội có cấp bậc cao nhất trong các Bộ, Ủy ban thuộc Quốc vụ viện, và là một trong những lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, quân đội và quốc gia.
Tuy nhiên, đến ngày 30/08/2023, ông Lý đã “biến mất.”
Hôm 15/09, ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), cựu phóng viên người Trung Quốc đã tiết lộ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: ông Lý Thượng Phúc đã bị bắt giữ hôm 01/09. Sau đó, Bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy đã bắt giữ tổng cộng 8 người, trong đó có 6 người ở cấp thứ trưởng và 2 người ở cấp Cục. Tất cả 8 người này đều do ông Lý Thượng Phúc chỉ điểm.
Trước đây, ông Lý từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị của Quân ủy Trung ương.
Hôm 22/09, Reuters đưa tin cho hay, vụ mất tích của ông Lý Thượng Phúc là vụ mất tích bí ẩn mới nhất trong danh sách các quan chức cao cấp của ĐCSTQ. Nhiều nguồn tin cho biết ông Lý đang bị điều tra về vấn đề tham nhũng trong việc mua sắm trang thiết bị quân sự.
Nói cách khác, ông Lý Thượng Phúc được ông Tập Cận Bình đề bạt trở thành người lãnh đạo của ĐCSTQ, nhưng ông đã bị điều tra tham nhũng trong vòng chưa đầy nửa năm.
Ngày 31/07/2023, ông Tập trao quân hàm Thượng tướng cho Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn Vương Hậu Bân (Wang Houbin), và Chính ủy Lực lượng Hỏa tiễn Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng) tại Tòa nhà Bát Nhất ở Bắc Kinh.
Điều này cho thấy: Thượng tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), nguyên Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, và Thượng tướng Từ Trung Ba (Xu Zhongbo), nguyên Chính ủy Lực lượng Hỏa tiễn, đã bị cách chức.
Ông Lý Ngọc Siêu được ông Tập trọng dụng đề bạt làm Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, thăng cấp lên làm Thượng tướng chỉ được một năm rưỡi, “trúng tuyển” làm Ủy viên Trung ương khóa 20 chỉ được 9 tháng, sau đó đã bị cách chức. Ông Từ Trung Ba được ông Tập trọng dụng đề bạt làm Chính ủy Lực lượng Hỏa tiễn, thăng cấp lên làm Thượng tướng chỉ được 3 năm, “trúng tuyển” làm Ủy viên Trung ương chỉ được 9 tháng, đã bị cách chức.
Tại sao hai tướng Lý, Từ bị cách chức? Tổng hợp nguồn tin từ truyền thông trong và ngoài nước đưa tin, thì hai người này bị điều tra về tội tham nhũng.
Ông Lưu Quang Bân (Liu Guangbin), Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, được ông Tập đề bạt trọng dụng, ông Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), nguyên Phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn, hiện là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương, cũng bị điều tra về việc tham nhũng.
Lực lượng Hỏa tiễn là quân chủng mới có kỹ thuật công nghệ cao nhất được thành lập sau cuộc cải tổ quân sự năm 2015 của ông Tập. Đây là lực lượng chủ chốt của ông Tập trong việc thực hiện chiến lược uy hiếp bằng vũ lực đối với Đài Loan, Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới.
Theo lý thuyết, thì việc tuyển chọn và bổ nhiệm các tư lệnh, chính ủy, phó tư lệnh của Lực lượng Hỏa tiễn phải hết sức thận trọng, chọn người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất, được tín nhiệm về mặt chính trị và đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ông Lý Ngọc Siêu và những người khác được ông Tập trọng dụng đề bạt chưa được bao lâu thì đã bị bắt. Điều này cho thấy ông Tập có vấn đề nghiêm trọng trong việc nhận biết, chọn lựa, và dùng nhân sự.
Ông Dennis Wilder, cựu chuyên gia cao cấp về các vấn đề quân sự Trung Quốc của Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ, cho biết: “Nếu Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo Lực lượng Hỏa tiễn bị cách chức vì tham nhũng, điều này cho thấy trình tự thẩm tra cho việc tuyển chọn quan chức cao cấp của ông Tập Cận Bình có sai sót nghiêm trọng. Đồng thời cho thấy mặc dù ông Tập đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng kéo dài mười năm, nhưng tham nhũng vẫn phổ biến trong thể chế.”
Thứ ba, xây dựng “Tân khu Hùng An”
Ngày 01/04/2017, Tân Hoa Xã, Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) và một số hãng thông tấn Trung Quốc khác cùng loan tin về việc thành lập “Tân khu Hùng An” cấp quốc gia, bao gồm ba huyện Hùng, Dung Thành, và An Tân thuộc tỉnh Hà Bắc.
Tin tức cho biết, đây là một quyết định chiến lược mang tính lịch sử to lớn của Trung ương Đảng với vai trò chủ chốt của ông Tập Cận Bình; đây là một khu vực mới có ý nghĩa quốc gia sau Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Tân khu Phổ Đông Thượng Hải, là “thiên niên đại kế, quốc gia đại sự” (kế hoạch to lớn hàng ngàn năm, việc quan trọng của quốc gia).
Xây dựng “Tân khu Hùng An” là một trong những quyết định quan trọng nhất sau khi ông Tập nắm quyền lãnh đạo.
Tuy nhiên, quyết sách này là sai lầm. Hồ Bạch Dương nằm trong khu vực Hùng An, là hồ nước lớn nhất ở tỉnh Hà Bắc và cũng là hồ trũng tự nhiên lớn nhất trên đồng bằng Hoa Bắc. Nguồn nước chảy vào hồ Bạch Dương chủ yếu từ các sông như Cự Mã, Tiểu Thanh, Bạch Câu, Bình, Bộc, Phủ, Đường, Hiếu Nghĩa, Trư Long, v.v.
Điều này có nghĩa là “Tân khu Hùng An” là “vùng trũng tiếp nhận nước của chín dòng sông.” Nơi này hẳn nên là “vùng để xả lũ,” chứ không phải là nơi xây dựng “Tân khu Hùng An.”
Thứ tư, quyết sách “quốc tiến, dân thoái”
Khi Cuộc cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ĐCSTQ đẩy đến bờ vực sụp đổ. Nguyên nhân quan trọng nhất là do Đảng lũng đoạn kinh tế.
Kết quả của việc Đảng lũng đoạn kinh tế là: trên toàn quốc chỉ có hai chế độ sở hữu, một là chế độ sở hữu của nhà nước, hai là chế độ sở hữu tập thể, nhưng trên thực tế đều thuộc sở hữu của Đảng.
Biểu hiện nổi bật của “sở hữu của Đảng” là mọi lĩnh vực, mọi phân đoạn của kinh tế, từ con người, tài sản, hàng hóa, sản xuất, cung cấp, đến tiêu thụ, cuối cùng đều do Đảng lãnh đạo.
Kết quả thảm hại của Đảng lãnh đạo là: khi quản lý thì cứng nhắc, bảo thủ; khi mở cửa thì rối loạn; đang rối loạn thì lại quản lý, càng quản càng cứng nhắc, tệ hơn; vòng ác tính tuần hoàn cứ như vậy, đến cuối cùng, sức sống của nền kinh tế bị bóp nghẹt.
Trong tháng 12/1978, ĐCSTQ buộc phải tiến hành cải cách mở cửa để tự cứu chính mình.
Cải cách mở cửa là gì? Chính là nới lỏng một chút tư tưởng của những người dân bị ĐCSTQ kiểm soát gắt gao, nới lỏng một chút về quyền tự do hành động của họ, nới lỏng một chút sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ đối với người, tài sản, hàng hóa, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ, mở cửa quốc gia.
Mặc dù quyền lực của ĐCSTQ vẫn có mặt khắp mọi nơi trong lĩnh vực kinh tế, nhưng chỉ với một chút buông lỏng như vậy, nền kinh tế tư nhân đã lập tức thể hiện sức sống mạnh mẽ.
Tuy nhiên, sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông đã từng bước quay trở lại việc Đảng độc quyền tất cả. Điều lệ Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ 19 được ông Tập chỉ thị thông qua nêu rõ: “Đảng, chính quyền, quân đội, nhân dân, giới học tập, Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm, tất cả đều do Đảng lãnh đạo.”
Ông Tập nhấn mạnh “Đảng lãnh đạo tất cả,” và biểu hiện nổi bật của việc Đảng lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế chính là: “quốc tiến, dân thoái.”
Tại “Hội nghị nghiên cứu khép kín Tân Mạc Can Sơn mùa thu năm 2019”, ông Thái Hiểu Bằng (Cai Xiaopeng), từng là đại diện của Thương hội Nông sản Hội liên hiệp công thương nghiệp Quốc gia, nói: “Quý vị cảm thấy doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tốt không? Tôi cảm thấy không tốt. Tôi có hai nhóm, có hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân, không ai nói tốt cả.”
Kể từ cuối năm 2020 cho đến nay, khi ông Tập khai triển một cuộc quản lý giám sát và điều chỉnh mới đối với doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế tư nhân chịu tổn thất nặng nề. Doanh nhân Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu) cùng nhiều doanh nhân của các công ty tư nhân khác lần lượt bị bắt giam.
Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) của Đại học South Carolina, Hoa Kỳ, cho biết gần đây ĐCSTQ đã trả tự do cho hơn 2,200 doanh nhân tư nhân. Sau khi họ được thả tự do, mọi người mới nhận ra là có nhiều doanh nhân tư nhân bị bắt giữ đến như vậy.
Từ 2020 đến 2022, trong ba năm diễn ra đại dịch, kinh tế tư nhân chịu nhiều tổn thất nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.
Trong vài năm gần đây, nền kinh tế tư nhân đã thực sự “suy thoái.” Nhưng kinh tế quốc doanh liệu có “tiến triển” không?
Trong bài viết “Xét lại kinh tế 8 tháng đầu năm 2023,” sau khi trích dẫn một loạt số liệu cụ thể, nhà kinh tế Lão Man nói rằng kinh tế của ĐCSTQ đã đạt đến tình cảnh “bốn thị trường cùng giảm,” bao gồm thị trường chứng khoán, thị trường ngoại hối, thị trường địa ốc và thị trường trái phiếu.
Ông viết: “Theo quan điểm của kinh tế học, chỉ khi nội bộ của một quốc gia gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng kết hợp với khủng hoảng tài chính, đồng thời đối ngoại xuất hiện khủng hoảng tín dụng chủ quyền, cả ba loại khủng hoảng phát sinh cùng một lúc, thì mới có thể xuất hiện cục diện ‘bốn thị trường cùng giảm.’ Để tập hợp đủ những điều kiện khủng hoảng như vậy, có thể nói là vô cùng khó khăn, thậm chí có thể nói đó là hình thức ‘khủng hoảng hoàn mỹ.’”
Vì sao “quốc tiến, dân thoái” lại dẫn đến tình trạng “bốn thị trường cùng giảm”?
Bởi vì nền kinh tế thị trường đòi hỏi thị trường phải đóng vai trò quyết định trong việc phân phối nguồn tài nguyên. Trên thực tế, chính sách “quốc tiến, dân thoái” của ông Tập làm cho quyền lực của ĐCSTQ trở thành có tác dụng quyết định trong việc phân phối nguồn tài nguyên. Điều này đã vi phạm quy luật của kinh tế thị trường.
Thứ năm, sửa đổi vấn đề hạn chế nhiệm kỳ trong Hiến pháp
Ngày 11/03/2018, phiên họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ đã thông qua tu chính án Hiến pháp, bãi bỏ quy định Chủ tịch nước “không được đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.”
Hạn chế nhiệm kỳ cho nguyên thủ quốc gia là cơ sở thể chế quan trọng của một quốc gia cộng hòa, là tiêu chí quan trọng để xác định một quốc gia có phải là chế độ cộng hòa hay không, và được hầu hết các nước cộng hòa hiện nay áp dụng.
“Nhà nước ĐCSTQ” được đặt tên là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Nếu là một nước cộng hòa, thì nguyên thủ của nước đó nên có quy định hạn chế về nhiệm kỳ.
Sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền vào ngày 01/10/1949, ông Mao Trạch Đông trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trọn đời. Mặc dù về sau ông Mao không còn danh hiệu Chủ tịch nước nữa, nhưng ông vẫn là người lãnh đạo cao nhất của “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Vì ông Mao tập trung quyền lực lớn nhất của Đảng, Chính phủ và Quân đội của “Nhà nước ĐCSTQ” vào tay của mình, nên ông đã trở thành một người chuyên quyền thực sự. Những quyết sách quan trọng sai lầm liên tiếp của ông Mao đã gây ra từng trận, từng trận thảm họa tồi tệ cho Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc, và dân tộc Trung Hoa. Thảm họa lớn nhất là cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa” kéo dài mười năm, được gọi là “Mười năm đại nạn.”
Sau khi “Đại Cách mạng Văn hóa” kết thúc, tiếp nhận bài học kinh nghiệm từ sự tập trung quyền lực của ông Mao, vào năm 1982, khi ông Đặng Tiểu Bình chỉ thị sửa đổi Hiến pháp, ông đã đặc biệt đặt ra quy định chủ tịch nước “không được đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.”
Về phương diện cải cách thể chế chính trị, ông Đặng Tiểu Bình để lại rất ít di sản, nhưng việc “Bãi bỏ chế độ chức vụ suốt đời của cán bộ lãnh đạo” được xem là một trong số ít di sản đó.
Năm 2018, khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp về hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã phạm ba sai lầm:
(1) Vi phạm yêu cầu về quốc thể một nước cộng hòa.
(2) Là một bước thụt lùi lớn trong thể chế chính trị sau Đại Cách mạng Văn hóa, đã mở ra cánh cửa để khôi phục chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời.
(3) Đối với ĐCSTQ, thực quyền cao nhất của ĐCSTQ nằm trong tay Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Điều lệ đảng của ĐCSTQ không giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Chức vụ Chủ tịch nước chỉ là tượng trưng và mang tính hình thức. Chính vì điều này, ông Đặng Tiểu Bình không cần phải là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước, nhưng ông nhất định phải đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Việc ông Tập sửa đổi về hạn chế nhiệm kỳ của Chủ tịch nước không có ý nghĩa thực tế nào khác ngoài việc mang lại danh tiếng xấu cho ông Tập. Lúc đó, truyền thông hải ngoại thường gọi ông Tập là “Hoàng đế Tập,” “Chủ tịch trọn đời,” “quốc vương,” v.v.
Rất nhiều người thuộc phái cải cách từng đặt kỳ vọng vào ông Tập, nhưng từ khi ông bắt đầu sửa đổi Hiến pháp, họ đã hoàn toàn thất vọng, hoặc không còn ôm hy vọng nào nữa.
Thứ sáu, chấm dứt chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông trước thời hạn 27 năm
Phong trào phản đối luật dẫn độ của Chính phủ Hồng Kông nổ ra vào năm 2019. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến phong trào này là sau khi nhận lại Hồng Kông vào ngày 01/07/1997, ĐCSTQ liên tục xâm phạm quyền tự do và tự trị của Hồng Kông. Sau 22 năm dồn nén, mâu thuẫn giữa người dân Hồng Kông với ĐCSTQ đạt đến mức đỉnh điểm, và cuối cùng đã bùng nổ.
Ngày 24/11/2019, sau hơn 5 tháng ĐCSTQ tiếp tục leo thang đàn áp bạo lực đối với phong trào chống dẫn độ, kết quả tuyển cử ủy viên hội đồng quận của Hồng Kông được công bố: trong tổng số 452 ghế hội đồng ở 18 quận, đảng dân chủ ủng hộ phong trào chống dẫn độ đạt được 389 ghế, các đảng thân ĐCSTQ chỉ giành được 59 ghế. Kết quả này là sự thể hiện chân thực nhất về dân ý chủ lưu của Hồng Kông.
Nếu ông Tập thuận theo dân ý này, ông nên đáp ứng trực tiếp các yêu cầu hợp lý của họ trong cuộc biểu tình phản đối dẫn độ. Tuy nhiên, ông đã không làm như vậy.
Khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, ĐCSTQ thúc đẩy áp dụng “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông,” chấm dứt chế độ “một quốc gia, hai chế độ” của Hồng Kông sớm hơn 27 năm so với thời hạn dự kiến.
“Cảng nhân trị cảng, cao độ tự trị” (người dân Hồng Kông quản trị Hồng Kông với mức độ tự chủ cao) đã biến thành “những người yêu Đảng cai trị Hồng Kông, mọi việc đều tuân theo sự chỉ đạo của Đảng.” Chế độ “Tam quyền phân lập” của Hồng Kông đã trở thành “cảnh sát có quyền lực tối cao.” Quyền tự trị của Hồng Kông không còn tồn tại, các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông như tự do ngôn luận đã bị hạn chế toàn diện.
Hồng Kông, “Hòn ngọc Phương Đông” từng có những đóng góp quan trọng trong công cuộc cải cách và mở cửa của ĐCSTQ mà không thành phố nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế, đã không còn sáng lung linh rực rỡ như ban đầu nữa.
Thứ bảy, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”
Tháng 09/2013, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đề nghị sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” và xem đây là một chiến lược quan trọng của “ngoại giao cường quốc,” bắt đầu đầu tư quy mô lớn trên khắp thế giới.
Đến tháng 09/2023, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” do ông Tập đề nghị đã tròn 10 năm. Kết quả như thế nào?
Báo cáo “Đánh giá sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’ của Trung Quốc” của tổ chức nghiên cứu “Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới” (Center for a New American Security – CNAS) của Hoa Kỳ cho thấy khoản đầu tư của ĐCSTQ đã mang đến 7 vấn đề lớn cho thế giới:
(1) Xói mòn chủ quyền quốc gia;
(2) Thiếu minh bạch trong các hợp đồng đầu tư;
(3) Khủng hoảng nợ do gánh nặng tài chính không bền vững;
(4) Rời bỏ nhu cầu kinh tế địa phương, không chuyển giao công nghệ cho người lao động địa phương;
(5) Kéo theo rủi ro địa chính trị;
(6) Tác động tiêu cực đến môi trường;
(7) Rủi ro tham nhũng lớn.
Trong quá trình thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, Một con đường,” Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau trận đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã yêu cầu ĐCSTQ giảm hoặc xóa nợ. Đối với Trung Quốc, nhiều khoản đầu tư có thể vô ích và không thể thu hồi được.
Trong một bài báo của hãng thông tấn BBC hôm 10/09, phóng viên hỏi: “Một vành đai, Một con đường đã thất bại hay chưa?” Ông Trần Công (Chen Gong), người sáng lập Viện Nghiên cứu An Bang trả lời: “Có thể đánh giá đại khái là sáng kiến này đã thất bại.”
Thứ tám, quyết sách “rải tiền tỷ”
Đầu năm 2021, một bài viết đề cập đến vấn đề “rải tiền tỷ” của ông Tập Cận Bình, trong đó có viết:
“Trong gần bốn năm qua, tổng viện trợ cho ngoại quốc của Trung Quốc đạt 6,036.5 tỷ nhân dân tệ, trong đó viện trợ cho Nga là 400 tỷ USD, Venezuela 65 tỷ USD, Indonesia 50 tỷ USD, châu Mỹ Latinh 118 tỷ USD, Brazil 10 tỷ USD, Ecuador 12 tỷ USD, châu Phi 60 tỷ USD, Angola 7.4 tỷ USD, các nước Trung Đông 55 tỷ USD.”
“Nếu số tiền viện trợ ngoại quốc của Trung Quốc được phân bổ bình quân cho 3,000 công ty niêm yết trong nước, mỗi công ty sẽ nhận được 2 tỷ nhân dân tệ. Nếu dùng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước vay, có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề khó khăn tài chính của tất cả 10 triệu doanh nghiệp nhỏ, trung bình mỗi doanh nghiệp sẽ nhận 600 ngàn nhân dân tệ. Nếu được dùng cho ‘Tam nông’ (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), thì có thể thực hiện một lần là đạt được mục tiêu toàn bộ 100 triệu nông dân có cuộc sống khá giả, bình quân mỗi gia đình sẽ nhận được 60 ngàn nhân dân tệ. Nếu chia đều cho từng người dân Trung Quốc, mỗi người sẽ nhận được 4,378.28 nhân dân tệ.”
Đặc biệt, ở Trung Quốc vẫn còn có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1,000 nhân dân tệ, trong đó có 280 triệu người chỉ có thu nhập hàng tháng 537 nhân dân tệ, tương đương 2.53 USD mỗi ngày. Họ phải sống với mức chi tiêu dưới 2 USD mỗi ngày. Dựa trên tiêu chuẩn cơ bản về nghèo của quốc tế là 19 USD mỗi ngày do Liên Hiệp Quốc đặt ra, 280 triệu người này thực sự ở dưới mức nghèo theo chuẩn quốc tế.
Trong bối cảnh có nhiều người dân Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kiếm sống, sinh con, điều trị bệnh, nhà ở, giáo dục, dưỡng lão, thì quyết sách “rải tiền tỷ” của ông Tập chắc chắn là sai lầm.
Thứ chín, quyết sách “cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại”
Ông Tập Cận Bình thường xuyên đề cập đến việc xây dựng “cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại. Điều này có nghĩa là gì? Thực chất đó là một cách diễn đạt khác của câu nói “giải phóng toàn thể nhân loại” của ông tổ ĐCSTQ, Karl Marx.
Để xây dựng “cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại,” nhất định phải có một điều kiện tiên quyết, đó là thừa nhận những giá trị phổ quát tồn tại trong xã hội nhân loại. Tuy nhiên, ĐCSTQ chỉ độc tôn chủ nghĩa Marx-Lenin, không thừa nhận các giá trị phổ quát.
Chủ nghĩa Marx-Lenin là gì? Nếu lột bỏ hết lớp vỏ “đẹp đẽ” của chủ nghĩa Marx-Lenin, thì bên trong nó còn lại ba chữ: “giả, ác, đấu” (giả dối, tà ác, đấu tranh).
Thế giới “cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại” được xây dựng dưới sự dẫn dắt của “giả, ác, đấu” thì sẽ như thế nào?
Tiểu Minh lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ