Trung Quốc nói châu Á nên tự quản lý an ninh khu vực mà không cần đến Hoa Kỳ, các chuyên gia bày tỏ hoài nghi
Các chuyên gia nói rằng chính Bắc Kinh đang gây nguy hiểm cho hòa bình ở châu Á, điều sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của khu vực này và thế giới.
Các nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục vẽ nên những đề nghị màu hồng tại Diễn đàn Bác Ngao Châu Á năm 2024, mới vừa kết thúc vào ngày 29/03.
Tại diễn đàn Bác Ngao, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) — người đứng đầu cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của ĐCSTQ — đã kêu gọi châu Á “tự quản lý an ninh của chính mình”, trong bối cảnh Hoa Kỳ củng cố liên minh giữa các nền dân chủ tự do trong khu vực để chống lại các chính quyền độc tài toàn trị. Các chuyên gia đã nêu lên rằng ngược lại, chính ĐCSTQ mới là bên đang hành xử hung hăng và gây nguy hiểm cho hòa bình ở châu Á, điều sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của khu vực này và thế giới.
Bắc Kinh cũng nhắc lại đề nghị rằng họ sẽ là một lực lượng mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của thế giới trong năm nay, viện dẫn những nỗ lực của họ trong việc cắt giảm quy định đối với thị trường trong nước bất chấp việc chính quyền trung ương đang khai triển các chính sách ngày càng tả khuynh. ĐCSTQ đang cố gắng hết sức để thu hút đầu tư ngoại quốc, vốn đang thoái lui khỏi Trung Quốc kể từ khi thảm họa đại dịch COVID-19 xảy ra.
Với tư cách là chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ, ông Triệu đã có bài diễn văn chính tại Diễn đàn. Cấp bậc của ông thấp hơn so với các diễn giả của những năm trước, khi bài diễn văn này thường do chủ tịch nước hoặc thủ tướng Trung Quốc thực hiện.
Năm nay, các quốc gia tới dự diễn đàn Bác Ngao hầu hết đều là những quốc gia đang tìm kiếm viện trợ tài chính từ Trung Quốc hoặc đang nợ Trung Quốc khoản tiền lớn vì rơi vào bẫy nợ Sáng kiến Vành đai Con đường của ĐCSTQ do vay số tiền lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như Sri Lanka.
Trong bài diễn văn chính, ông Triệu nói rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn, tiếp tục giảm danh sách cấm tiếp cận đầu tư đối với một số công ty ngoại quốc, hủy bỏ các hạn chế đối với khả năng tiếp cận sản xuất, và đối đãi với các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc giống như các công ty trong nước. Ông nói “cánh cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn” và khẳng định Trung Quốc sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của thế giới trong năm nay.
Các nhà phân tích xem đây là một nỗ lực khác của ĐCSTQ nhằm thu hút số tiền đầu tư ngoại quốc mà họ đang rất cần đến để cứu vãn nền kinh tế đang suy thoái của mình.
Năm ngoái (2023), Bắc Kinh đã công bố một loạt các chính sách kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng và thu hút đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngoại quốc tiếp tục lo ngại về luật chống gián điệp có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của ĐCSTQ — được thực thi kể từ tháng 07/2023 — thì những lệnh cấm xuất cảnh và những cuộc đột kích vào các công ty tư vấn và kiểm toán ngoại quốc cũng đã tăng lên. Các công ty ngoại quốc đang tìm cách “giảm thiểu rủi ro” và chuyển chuỗi cung ứng cũng như hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc và tránh xa sự can thiệp của ĐCSTQ.
Theo dữ liệu chính thức của ĐCSTQ, năm 2023, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 8%; trong hai tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Quốc đạt xấp xỉ 215.1 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ USD), giảm gần 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ngành địa ốc Trung Quốc vẫn còn yếu và nợ chính quyền địa phương tiếp tục tăng, làm suy giảm niềm tin vào sự phát triển kinh tế của nước này.
Ông Trịnh Chính Bỉnh (Cheng-Ping Cheng), giáo sư của Khoa Tài chính tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc lập Vân Lâm (NYUST) ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 29/03 rằng những tuyên bố của ông Triệu là sai sự thật và mơ hồ, và có khả năng cao là sẽ không mang lại kết quả.
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế và Kinh doanh tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 29/03 rằng mặc dù ông Triệu nói Trung Quốc hiện đã cởi mở hơn với các nhà đầu tư ngoại quốc, nhưng Trung Quốc không thể dẫn đầu xu hướng hội nhập kinh tế của toàn bộ khu vực châu Á do những vấn đề hiện tại của nền kinh tế nước này.
“Hoa lục thực sự đang phải đối diện với tình huống nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ, và liên tục được vận động về mặt chính trị.”
Ông Tôn nói, “ĐCSTQ nói rằng họ đang mở cửa nền kinh tế, nhưng những gì thế giới bên ngoài chứng kiến chỉ là sự mở cửa hời hợt. Thực tế, sự kiểm soát đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn, nên việc mở cửa chỉ là khẩu hiệu.”
Ông Trịnh cho rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đặt an ninh của ĐCSTQ ở vị trí hàng đầu và nền kinh tế là thứ hai. Quan điểm này có tác động tiêu cực rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc và có thể là cả nền kinh tế châu Á.
Ông nói, “Gần đây, số lượng phi cơ và tàu quân sự mà ĐCSTQ điều động đến Biển Đông và Biển Hoa Đông đã ngày càng tăng. Các nhà đầu tư ngoại quốc không chỉ nghe những gì các vị nói mà còn quan sát hành động của các vị.”
An ninh châu Á
Ông Triệu nói với những người tham gia diễn đàn rằng châu Á nên quản lý an ninh của chính mình và đừng để bản thân trở thành “đấu trường cho các cuộc cạnh tranh địa chính trị,” ngụ ý rằng nguồn gốc chính của sự bất ổn là Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn, ông cố gắng mô tả Trung Quốc và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của quốc gia này như một khuôn khổ cho hòa bình thế giới.
Ông Triệu nói: “Chúng ta nên khai triển GSI.”
GSI được lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2022. GSI gợi ý giải quyết xung đột thông qua đối thoại. Tuy nhiên, đằng sau khái niệm mơ hồ này, mục tiêu của ĐCSTQ là làm suy yếu vai trò của Hoa Kỳ đối với an ninh toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, như các nhà phân tích quốc tế đã cảnh báo.
ĐCSTQ đã gia tăng các hoạt động gây hấn và đe dọa quân sự xung quanh Đài Loan và ở Biển Đông trong những năm gần đây. Cuộc đối đầu của họ với Philippines về vùng lãnh hải tranh chấp đã leo thang trong những tháng gần đây.
Để kiềm chế ĐCSTQ, Hoa Kỳ đã tìm cách tăng cường các liên minh với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, và Úc.
Ông Trịnh cho biết: “Vấn đề lớn nhất ở châu Á hiện nay là nguy cơ chiến tranh. ĐCSTQ nói rằng họ muốn trở thành động lực mạnh mẽ cho thế giới nhưng bây giờ có vẻ như ĐCSTQ là nhân tố tàn phá lớn nhất. Nỗ lực sáp nhập Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình hoặc vũ lực quân sự của họ, việc đề ra các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, và cuộc xung đột gần đây với Philippines, v.v., đều gây nguy hiểm cho hòa bình trong khu vực.”
Ông Trịnh nói thêm rằng ông Tập không sẵn lòng từ bỏ liên minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoặc từ bỏ nỗ lực sáp nhập Đài Loan, hoặc giảm khai triển quân sự chống lại Đài Loan. Dưới tác động của những chính sách địa chính trị như vậy, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ trở nên tệ hại hơn khi tham vọng của ĐCSTQ thách thức trật tự thế giới dân chủ tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu.
“Trong quá khứ, (Trung Quốc) là động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới và họ cũng thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia Á Châu. Nhưng động lực và khả năng này đã biến mất,” ông Trịnh nói. “Nếu ông Tập nhất quyết tập trung vào địa chính trị và an ninh chính trị của chế độ, thì sự chú trọng này chỉ đơn giản là một yếu tố gây hại.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Time