Ông Tập ‘tán tỉnh’ các CEO Hoa Kỳ giữa những nỗi đau kinh tế của Bắc Kinh và cuộc đào thoát của các nhà đầu tư ngoại quốc
Bắc Kinh đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc đồng thời thúc đẩy sự kiểm soát tập trung hơn nữa.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đang tán tỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc — nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc trong bối cảnh niềm tin ngày càng sụt giảm đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tại hội trường ở rìa phía tây của Quảng trường Thiên An Môn, ông Tập đã gặp khoảng 20 giám đốc điều hành và học giả Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong khi nhấn mạnh rằng nền kinh tế Trung Quốc còn chưa phát triển đến đỉnh điểm.
Trong số những người tham dự có giám đốc điều hành của quỹ đầu tư tư nhân Blackstone Stephen Schwarzman, người đứng đầu tập đoàn giao hàng lớn FedEx của Hoa Kỳ Raj Subramaniam, chủ tịch của nhà sản xuất vi mạch Qualcomm Cristiano Amon, giám đốc điều hành của công ty bảo hiểm Chubb Evan Greenberg, trưởng khoa và sáng lập viên Trường Chính phủ John F. Kennedy của Harvard kiêm cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính phủ Tổng thống Bill Clinton Graham Allison, và chủ tịch của Brookfield Asset Management và Bloomberg Inc. Mark Carney.
Các đoạn clip và thông tin được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy ông Tập mỉm cười nói với những người tham gia rằng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “tươi sáng” trong lúc các đại diện của Hoa Kỳ chăm chú ghi chép.
Do nhiều nhóm thân Bắc Kinh của Hoa Kỳ tổ chức sau khi Diễn đàn Phát triển Trung Quốc thường niên kết thúc, cuộc họp này diễn ra sau một năm nền kinh tế xấu đi và một đợt tháo chạy đáng kể các nguồn vốn ngoại quốc. Luật chống gián điệp, các lệnh cấm xuất cảnh, những vụ đột kích vào các công ty Hoa Kỳ, và những căng thẳng trong mối bang giao Mỹ-Trung chỉ làm tăng thêm những lo âu của các nhà đầu tư.
Hồi tháng Hai, đầu tư trực tiếp của ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm xuống 33 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 30 năm, đánh dấu mức giảm 82% so với năm trước (2023). Dòng tiền chảy vào Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Hai đã thấp hơn gần 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Trong bài diễn văn đêm giao thừa, ông Tập đã có lời thừa nhận hiếm hoi về những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, gồm cả việc doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính và người lao động khó tìm được việc làm. Trong bài diễn văn vào đầu tháng Ba trước cơ quan lập pháp chỉ trên danh nghĩa của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường nói rằng “nền tảng cho sự phục hồi kinh tế bền vững là không đủ vững chắc,” nêu lên thực trạng ngân sách chính quyền địa phương eo hẹp, đổi mới công nghệ yếu, những bất ổn bên ngoài, và “nhiều rủi ro và tiềm ẩn nguy hiểm.”
Hôm 25/03, thủ tướng đã không tổ chức họp báo vào cuối diễn đàn, phá vỡ truyền thống hơn 20 năm. Một cuộc họp báo thường niên thường diễn ra sau kỳ họp Lưỡng hội cũng bị hủy bỏ mà không có lời giải thích.
Cuộc gặp của ông Tập với các giám đốc điều hành Hoa Kỳ cũng diễn ra sau khi Diễn đàn Phát triển Trung Quốc thường niên kết thúc. Diễn đàn diễn ra tại thủ đô của Trung Quốc này có sự tham gia của khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lưu ý rằng khoảng ⅓ trong số những vị khách mời này đến từ Hoa Kỳ.
Chính quyền ĐCSTQ đã tăng cường nỗ lực thu hút thêm đầu tư ngoại quốc trong những tháng gần đây. Vào giữa tháng Ba, Quốc vụ viện đã ban hành một văn bản hứa hẹn mang lại nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư ngoại quốc về nhà ở, đào tạo ngôn ngữ, và giáo dục cho con em họ.
Một số nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra hoài nghi về tính chân thành trong những nỗ lực của Bắc Kinh.
Ông Đinh Thụ Phạm (Ding Shuh-fan), giáo sư danh dự tại Đại học Quốc lập Chính trị của Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Quý vị không thể chỉ nghe những gì ông ấy nói.” “Mà quý vị hãy xem xem họ làm những gì.”
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cảnh báo rằng quỹ đạo chung của tâm lý toàn cầu không có lợi cho ĐCSTQ.
Ông nói, các lãnh đạo doanh nghiệp chạy theo đồng tiền, và chi phí cũng như rủi ro tại thị trường Trung Quốc của ĐCSTQ đều quá lớn để họ có thể ở lại.
Trong bối cảnh nhà cầm quyền ngày càng giám sát chặt chẽ hơn đối với việc kiểm soát dữ liệu và hoạt động gián điệp, Bắc Kinh hồi tháng Hai đã mở rộng luật bí mật nhà nước để thắt chặt kiểm soát những gì được xem là thông tin nhạy cảm, đề ra khái niệm “bí mật công việc” khiến các doanh nghiệp ngoại quốc càng thêm lo lắng.
Năm ngoái (2023), chính quyền cũng đã đột kích văn phòng của các công ty tư vấn Hoa Kỳ và bắt giữ các nhân viên của họ, sau đó phạt văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz vì tham gia vào “các cuộc điều tra thống kê liên quan đến ngoại quốc” mà không có sự chấp thuận của nhà nước cộng sản.
Hồi tháng Năm năm 2023, Bắc Kinh đã kết án chung thân một người Mỹ 78 tuổi về tội danh gián điệp. Trước đó hồi tháng Một, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận việc một doanh nhân Anh bị kết tội làm gián điệp. Theo một báo cáo cùng tháng, Trung Quốc đã ban hành các lệnh cấm xuất cảnh, cấm khoảng hai chục công dân Mỹ rời khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.
Ông Lại Vinh Vĩ (Lai Jung-wei), giảng viên quan hệ quốc tế và nghiên cứu Đông Á tại Đại học Khoa học và Công nghệ Long Hoa (LHU) ở Đài Loan, cho biết hàng loạt cuộc đàn áp, cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục của Trung Quốc và đấu tranh chính trị leo thang đã gửi những tín hiệu trái chiều đến các doanh nghiệp ngoại quốc.
“[Họ] liên tục bảo chúng ta đầu tư vào Trung Quốc,” ông nói với The Epoch Times khi nhận xét về Bắc Kinh. “Nhưng chúng tôi phải xem liệu có hệ thống nào sẵn sàng trợ giúp cho những hứa hẹn của họ hay không.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns mới đây cũng bày tỏ quan điểm tương tự như ông Lại.
“Một số quan chức cấp cao của chính quyền Trung Quốc nói rằng đầu tư của khu vực tư nhân được chào đón ở Trung Quốc, khoản đầu tư của quý vị sẽ được bảo vệ. Nhưng sau đó, những công ty này cũng đang nghe thấy một thông điệp khác,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông. “Tôi nghĩ những tiếng nói mà họ đang nghe từ chính quyền Trung Quốc về an ninh quốc gia là những tiếng nói mạnh mẽ và lớn nhất hiện nay.”
Các cuộc thăm dò gần đây dường như đã xác nhận những quan sát này.
Vào tháng Một, hai tháng sau khi một loạt các lãnh đạo doanh nghiệp chi hàng ngàn USD để ăn tối với ông Tập trong hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Trung Quốc ở San Francisco, hơn 100 thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Bắc Kinh cho biết trong một cuộc khảo sát rằng họ không có dự định tăng đầu tư vào Trung Quốc.
Nhiều người được hỏi cho biết họ nhìn nhận Trung Quốc ít chào đón các doanh nghiệp hơn và ⅓ trong số 343 người được hỏi cho biết họ bị đối xử bất công so với các đối tác Trung Quốc.
Đánh giá về các điều kiện kinh tế và quy định hiện tại của ĐCSTQ, ông Lại nói rằng việc rời khỏi Trung Quốc có vẻ “chính thường hơn.”