Đồng nhân dân tệ mất giá, dữ liệu giả, và sự tách rời Mỹ-Trung: Những thách thức kinh tế của Trung Quốc hiện nay có ý nghĩa gì?
Sau khi bước sang năm 2024, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng USD đã giảm dần. Hôm 22/3, đồng nhân dân tệ đã trải qua ngày tồi tệ nhất trong vòng hai tháng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, tìm cách kích thích đầu tư và chi tiêu trong nền kinh tế trì trệ của quốc gia này.
NTD, một mạng truyền hình Hoa ngữ độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, hôm 28/03 đã phát sóng “Diễn đàn Tinh anh” (Pinnacle View), một chương trình hội thảo về tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc. Người dẫn chương trình, ông Thạch Sơn (Shi Shan), và ba diễn giả đã thảo luận về tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc. Ba tham luận viên là ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập của Trung Quốc, bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, và ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một ký giả và nhà bình luận Trung Quốc kỳ cựu sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
Dữ liệu giả mạo
Ông Thái cho biết trên chương trình rằng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu kinh tế trong hai tháng đầu năm nay vào tháng Ba và những số liệu này còn nhiều nghi vấn. Ví dụ, cục này khoe rằng đầu tư tài sản cố định từ tháng Một đến tháng Hai là 5.0847 ngàn tỷ nhân dân tệ (753.9 tỷ USD), tăng 4.2% so với năm trước. Tuy nhiên, con số cùng thời kỳ năm ngoái là 5.3577 ngàn tỷ nhân dân tệ, tức là giảm 5.1% chứ không phải tăng. Điều này cho thấy có sự chênh lệch rất lớn trong số liệu của Cục Thống kê.
Về đầu tư địa ốc, ông nêu rằng Cục Thống kê tuyên bố lĩnh vực này chỉ giảm 9%, nhưng mức giảm thực tế của địa ốc là 13.7% nếu so sánh với dữ liệu của năm trước. Về doanh số bán địa ốc, cục công bố con số này đã giảm 20.5%, nhưng so với số liệu năm ngoái, mức giảm đã lên tới 29%.
“Những dữ liệu này có ý nghĩa gì?” ông Thái mạnh mẽ hỏi. “Nó cho thấy Cục Thống kê đang tuân theo quan điểm của chính quyền trung ương về ‘triển vọng kinh tế tươi sáng’ khi công bố dữ liệu mà về căn bản là sai lệch và xa rời thực tế.”
Báo cáo công tác chính phủ của Quốc Vụ viện thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm trong năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp thực tế trong giới trẻ ở Trung Quốc đã chạm tới mức khoảng 50% vào năm ngoái. Hiện nay, hàng chục triệu người ở Trung Quốc đang trong tình trạng thất nghiệp toàn diện. Thêm 12 triệu việc làm mới trong năm nay hoàn toàn không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng thất nghiệp hiện nay.
Giá địa ốc giảm
Ông Lý cho biết trên chương trình rằng trong tháng Một và tháng Hai, doanh số bán địa ốc ở Trung Quốc đã giảm khoảng 50%, và giá vẫn tiếp tục giảm nhưng chưa thấy đáy.
Giá địa ốc ở Bắc Kinh luôn thuộc vào hạng cao nhất, đặc biệt là ở những khu vực như quận Hải Điến. Nhà ở tại khu học chính Trung Quan Thôn từng có giá 220,000 nhân dân tệ (30,960 USD) mỗi mét vuông, với một ngôi nhà rộng 100 mét vuông (1,076 feet vuông) có giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (1.4 triệu USD). Tuy nhiên, theo ông Lý, giá gần đây đã giảm mạnh tới hàng triệu nhân dân tệ.
Ngoài ra, theo dữ liệu từ năm ngoái, số lượng nhà ở bị tịch thu ở Trung Quốc đã tăng 40% so với năm trước, với mức tăng 35% trong nửa đầu năm và tăng 45% trong nửa cuối năm. Ông nói: “Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục vào năm 2024.”
Đồng nhân dân tệ mất giá
Ông Thạch, người dẫn chương trình “Diễn đàn Tinh anh”, cho biết giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng USD ở hải ngoại đã giảm đáng kể vào một tuần trước. Bây giờ giá nhân dân tệ là khoảng 7.25 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD.
Trong quý đầu tiên của năm nay, nguồn cung tiền rộng M2 của Trung Quốc đã vượt quá 300 ngàn tỷ nhân dân tệ (42.2 ngàn tỷ USD), với mức tăng 1.7 ngàn tỷ nhân dân tệ (240 tỷ USD) mỗi tháng. Tổng cung tiền rộng của Trung Quốc đã vượt qua cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu cộng lại.
“Về mặt lý thuyết, nguồn cung tiền tăng sẽ dẫn đến giá cả tăng hoặc lạm phát, nhưng Trung Quốc chưa từng trải qua điều này,” ông Thạch cho biết. “80% [nguồn cung tiền mới phát hành] thực sự là do giới tinh hoa trong chính quyền, các tổ chức tài chính, và doanh nghiệp nhà nước hấp thụ.”
Ông Thái cho rằng tương lai của giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng USD là mối quan tâm lớn ở cả trong nước và quốc tế.
“Tổng nguồn cung tiền USD hiện tại là khoảng 20.78 ngàn tỷ USD, trong khi tổng nguồn cung tiền của Trung Quốc thực tế đã đạt tương đương 42 ngàn tỷ USD, gấp đôi so với Hoa Kỳ,” ông nói. “Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc so với đồng USD là không bền vững. Tỷ giá hối đoái hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiểm soát ngoại hối mạnh mẽ của chính quyền. Nếu Bắc Kinh nới lỏng kiểm soát vốn và cho phép đồng nhân dân tệ có thể chuyển đổi hoàn toàn và vốn có thể tự do lưu thông, thì tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ sẽ không có triển vọng. Khi tôi còn ở Bắc Kinh vài năm trước, tôi đã từng thảo luận chủ đề này với ông Lý Dương (Li Yang), cựu lãnh đạo Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Lúc đó ông ấy đã buột miệng nói với tôi rằng tỷ giá hối đoái nên là 1 USD đổi 15 nhân dân tệ.”
Ông Thái giải thích rằng ĐCSTQ sẽ làm mọi cách có thể để duy trì tỷ giá hối đoái hiện tại vì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá sẽ dẫn đến tổng GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sụt giảm.
Sự tách rời Mỹ-Trung
Bà Quách cho rằng sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ảnh hưởng đến đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc. Đây là xu hướng “tách rời Mỹ-Trung” ngày càng gia tăng.
“Trong hơn một thập niên, Wall Street đã đóng một vai trò to lớn ở Trung Quốc đại lục, nhưng hiện tại Wall Street đang gặp nhiều trở ngại do chính trị nội bộ của ĐCSTQ,” bà nói. “ĐCSTQ hiện đang làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự gia tăng của vốn ngoại quốc [ở Trung Quốc], thực thi Luật Bí mật Nhà nước mới và Luật Chống gián điệp [ở Trung Quốc], Luật An ninh Quốc gia và Điều 23 Hiến Pháp được công bố mới đây [ở Hồng Kông], tất cả đều nhằm mục đích nhắm tới ảnh hưởng từ ngoại quốc và các doanh nghiệp ngoại quốc.”
Theo bà Quách, các công ty công nghệ của Trung Quốc và các công ty công nghệ ngoại quốc hiện đều đang ở trong tình thế rất khó khăn, do dòng vốn ngoại quốc rút đi gần đây. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng vốn ngoại quốc vẫn đang vào Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích ở Hồng Kông đã phát hiện ra rằng phần lớn vốn gần đây vào Trung Quốc thực sự là từ các công ty Trung Quốc ở ngoại quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times