CEO JPMorgan cảnh báo: Sắp tới thời kỳ ‘nguy hiểm nhất’, có thể làm lu mờ bất cứ diễn biến nào kể từ Đệ nhị Thế chiến
Ông nói: ‘Hãy cẩn thận với lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế.’
Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng đầu tư JPMorgan Jamie Dimon đã đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ về nền kinh tế Hoa Kỳ, nói rằng những nguy cơ mà người Mỹ phải đối mặt ngày nay có thể là tồi tệ nhất kể từ thời Đệ nhị Thế chiến, đồng thời cảnh báo những rủi ro tiêu cực có thể làm tiêu tan kỳ vọng của thị trường về một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.
Ông Dimon đã đưa ra những nhận xét trên trong bức thư thường niên gửi các cổ đông, trong đó ông nói rằng các nhà đầu tư có thể đang xem nhẹ mức độ rủi ro khi họ tìm kiếm phương hướng trong một thế giới phức tạp và nguy hiểm.
“Chúng ta có thể đang bước vào một trong những kỷ nguyên địa chính trị nguy hiểm nhất kể từ thời Đệ nhị Thế chiến,” ông Dimon viết, đồng thời cảnh báo rằng tác động của các lực lượng kinh tế và địa chính trị lớn — từ các mức nợ cao và chính sách kích thích tài khóa, đến các cuộc chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông — có thể mang tới những bất ngờ khó chịu cho thị trường.
Ông cho biết ông lo lắng về tình trạng chi tiêu thâm hụt tái diễn của chính phủ Tổng thống Biden, những tác động chưa biết của việc thắt chặt định lượng, khả năng lạm phát sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, và các động lực của quá trình phi toàn cầu hóa.
“Tác động của các lực lượng địa chính trị và kinh tế này là rất lớn và có thể nói là chưa từng có,” ông Dimon cảnh báo. “Chúng ta có thể sẽ không hiểu được tường tận những diễn biến này cho đến khi chúng diễn ra hoàn toàn trong nhiều năm.”
Lạm phát, lo ngại suy thoái
Mặc dù nhiều chỉ số kinh tế trông có vẻ tốt và thậm chí có thể đang cải thiện, bao gồm cả số liệu lạm phát, nhưng ông Dimon cho biết những chỉ số này có thể chỉ là ảo ảnh.
Ông Dimon viết: “Dường như có rất nhiều áp lực lạm phát dai dẳng, tình trạng có thể sẽ tiếp tục diễn ra.”
Ông nhận định, lạm phát tiếp tục bị đẩy lên cao hơn vì các yếu tố như chính sách kích thích tài khóa đang diễn ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu trải qua một quá trình tái cấu trúc lớn, quá trình tái quân sự hóa thế giới, và nhu cầu vốn của nền kinh tế xanh mới.
Các mức thâm hụt ngày nay làm lu mờ những mức thâm hụt trong quá khứ, và điểm khác biệt của thời kỳ hiện nay là chính sách kích thích tài khóa đang diễn ra trong một thời kỳ tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là nhằm để kéo đất nước thoát khỏi suy thoái.
“Tôi vẫn lo ngại về việc nới lỏng định lượng hơn hầu hết mọi yếu tố khác, và lo về sự đảo ngược của quá trình này, trước đây nới lỏng định lượng chưa từng được thực hiện ở quy mô như thế này,” ông nói, cảnh báo về những tác động chưa rõ của việc mở rộng mạnh mẽ nguồn cung tiền trong những năm gần đây.
Ông nói rằng “cuộc khủng hoảng ngân hàng nhỏ” năm ngoái đã kết thúc nhưng có nguy cơ rằng tình trạng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn cần phải được duy trì để cố gắng thoát khỏi lạm phát dai dẳng. Điều này có thể làm đảo lộn một số kỳ vọng lạc quan của thị trường, vốn mong mỏi rằng giai đoạn lãi suất cao đang diễn ra sẽ hạ nhiệt nền kinh tế vừa đủ để giảm lạm phát nhưng không đủ để gây ra một cuộc suy thoái.
“Thị trường dường như đang định giá theo xác suất 70% đến 80% xảy ra hạ cánh mềm, tăng trưởng khiêm tốn, cùng lạm phát và lãi suất giảm,” ông Dimon viết. “Tôi tin rằng xác suất để kịch bản này xảy ra là thấp hơn thế rất nhiều.”
Giám đốc JPMorgan nói rằng tình trạng bất ổn liên quan đến các sự kiện xảy ra trong năm ngoái — bao gồm các cuộc chiến tranh lớn, lạm phát cao, bất ổn kinh tế, hoạt động khủng bố ngày càng tăng, và căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang với Trung Quốc cộng sản — đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nước Mỹ.
Cảnh báo về một cuộc “tái cấu trúc trật tự toàn cầu tiềm năng”, khi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ bị thách thức bởi các quốc gia khác ở bên ngoài và sự phân cực giữa các cử tri ở bên trong, ông Dimon cho biết các nhà đầu tư nên lưu ý đến những rủi ro tiêu cực.
“Các cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông tiếp tục có khả năng làm gián đoạn thị trường năng lượng và thực phẩm, tình trạng di cư, cũng như các mối quan hệ quân sự và kinh tế, bên cạnh những tổn thất khủng khiếp về con người,” ông nói. “Những lực lượng đáng kể và có thể nói là chưa từng có này khiến chúng ta phải thận trọng.”
Cần phải làm gì đây?
Ông Dimon cảnh báo không nên dựa vào dự báo kinh tế và nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân nhắc nhiều kịch bản có thể xảy ra — và chuẩn bị.
Một phần của vấn đề là có quá nhiều vấn đề địa chính trị và kinh tế đang diễn ra và chúng ta không biết những yếu tố này có thể tương tác với nhau như thế nào, cũng như tương tác với nhau vào khoảng thời gian nào.
Ông nói: “Ví dụ, tình hình địa chính trị có thể hầu như không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế thế giới hoặc cũng có thể là yếu tố quyết định.”
Các doanh nghiệp nên lập kế hoạch cho một phạm vi lãi suất “rất rộng”, từ 2% đến cao nhất là 8% hoặc thậm chí cao hơn.
Các nhà đầu tư cũng nên dự phòng cho một kịch bản hạ cánh mềm — cũng như cho tình huống lạm phát vẫn ở mức cao nhưng suy thoái kinh tế lại xảy ra, gọi là “lạm phát đình trệ” (stagflation).
Ông viết: “Về mặt kinh tế, trường hợp xấu nhất sẽ là lạm phát đình trệ, không chỉ đi kèm với lãi suất cao hơn mà còn dẫn đến tổn thất tín dụng cao hơn, khối lượng kinh doanh thấp hơn, và thị trường khó khăn hơn.”
Một số đồng sự của ông Dimon ở Wall Street cũng có cùng mối lo ngại về lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times