Nguồn cung tiền rộng của Trung Quốc vượt cả Hoa Kỳ và EU cộng lại
Giáo sư kinh tế tài chính cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào bẫy thanh khoản
Số liệu chính thức mới nhất của Trung Quốc cho thấy vào cuối tháng Hai, nguồn cung tiền rộng (M2) của Trung Quốc đã đạt 299.56 ngàn tỷ nhân dân tệ (42.16 ngàn tỷ USD). Con số này cao hơn lượng cung tiền của cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) cộng lại.
M2, hay cung tiền rộng, được tính bằng cách cộng tổng lượng tiền đang lưu hành, tiền gửi không kỳ hạn, và tiền gửi có kỳ hạn.
Theo dữ liệu chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tính đến cuối tháng 01/2024, số dư M2 là 297.63 ngàn tỷ nhân dân tệ (41.88 ngàn tỷ USD). Có nghĩa là chỉ trong vòng một tháng, ĐCSTQ đã bổ sung thêm 1.93 ngàn tỷ nhân dân tệ (0.27 ngàn tỷ USD) tiền mới phát hành.
Điều đáng ngạc nhiên hơn mức độ tăng trưởng nguồn cung tiền tệ là tốc độ tăng trưởng của nguồn cung này. Năm 1956, tổng cung tiền của Trung Quốc là 17.5 tỷ nhân dân tệ (7.1 tỷ USD). Phải mất 57 năm cho đến tháng 03/2013 thì M2 của Trung Quốc mới lần đầu tiên vượt mức 100 ngàn tỷ nhân dân tệ (16 ngàn tỷ USD). Đến tháng 01/2020, trong vòng chưa đầy 7 năm, M2 đã vượt mức 200 ngàn tỷ nhân dân tệ (29 ngàn tỷ USD). M2 của Trung Quốc dự kiến sẽ chạm mức 300 ngàn tỷ nhân dân tệ (42.25 ngàn tỷ USD) vào cuối tháng này (tháng 03/2024, nghĩa là chỉ sau 4 năm 2 tháng).
Để so sánh, M2 của Hoa Kỳ vào cuối tháng 01/2024 là 20.8 ngàn tỷ USD, quy đổi sang nhân dân tệ theo tỷ giá hối đoái hiện tại là 150 ngàn tỷ nhân dân tệ, bằng khoảng một nửa M2 của Trung Quốc. M2 của khu vực đồng euro vào cuối tháng Một là 15.1 ngàn tỷ euro, tương đương với 16.4 ngàn tỷ USD hay 118.4 ngàn tỷ nhân dân tệ. Nói cách khác, chỉ xét riêng về nguồn cung tiền rộng, thì có đủ lượng nhân dân tệ Trung Quốc để đổi lấy tất cả số USD và euro hiện hữu trên toàn thế giới.
Chính sách tiền tệ nới lỏng
Hôm 25/03, ông Trịnh Chính Bỉnh (Cheng-Ping Cheng), giáo sư tài chính và kinh tế tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc lập Vân Lâm (NYUST) ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng có thể dự đoán khối lượng M2 của Trung Quốc sẽ cao hơn sau tháng Ba, cho thấy ĐCSTQ sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ.
Ông giải thích rằng về mặt tài khóa, ĐCSTQ đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, bao gồm việc phát hành trái phiếu trung và dài hạn của các chính quyền trung ương và địa phương. Về mặt tiền tệ, họ có thể hoặc là tăng cường phát hành tiền tệ, cụ thể là tăng nguồn cung tiền rộng M2, hoặc là giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc và điều chỉnh cả lãi suất dài hạn và ngắn hạn giảm theo. Xu hướng này sẽ không thay đổi vì mục đích của họ là kích thích đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả của các chính sách này còn rất hạn chế.
“[Trung Quốc] sẽ rơi vào bẫy thanh khoản,” ông Trịnh nói. “Cái gọi là bẫy thanh khoản có nghĩa là chính quyền cứ tiếp tục tăng nguồn cung tiền, nhưng việc nguồn cung tăng lên có tác động hạn chế đối với lãi suất. Ngoài ra, đầu tư và tiêu dùng tư nhân vẫn trì trệ. Vì vậy, trong ngắn hạn, sẽ rất khó để thoát khỏi tình trạng giảm phát.”
Ông giải thích thêm rằng trong điều kiện kinh tế bình thường, việc chính phủ phát hành tiền tệ hàng loạt sẽ gây ra lạm phát do có quá nhiều tiền để theo đuổi một lượng hàng hóa hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang trong tình trạng giảm phát, với các công ty không muốn đầu tư và người tiêu dùng không muốn chi tiêu, vì vậy nhà cầm quyền cộng sản đang liều lĩnh in tiền. Tuy nhiên, mức lạm phát dự kiến không thể thành hiện thực vì lượng tiền tăng lên không được sử dụng để thúc đẩy bất kỳ loại hoạt động kinh tế nào.
Ông Ngô Gia Long (Henry Wu Chia-lung), nhà kinh tế vĩ mô người Đài Loan và trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế tại AIA Capital, cũng nói với The Epoch Times rằng các chính phủ thường nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm nỗ lực kích thích nền kinh tế khi nền kinh tế thực không tốt.
Theo dữ liệu chính thức của ĐCSTQ hồi tháng Một, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 0.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong hơn 14 năm và thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường. Số liệu này cho thấy việc tăng cung tiền ồ ạt chưa đạt được mục tiêu kích thích tiêu dùng và giải cứu nền kinh tế.
Nguồn cung tiền dư thừa
Ông Ngô phân tích, nguồn cung tiền dư thừa của Trung Quốc nhiều khả năng vẫn tồn tại trong lĩnh vực tài chính, đang sửa chữa cho bảng cân đối kế toán của các ngân hàng và tổ chức tài chính thay vì đi vào nền kinh tế thực để lưu thông. Ví dụ, khi Trung Quốc phát hành tiền dưới hình thức các khoản cho vay, thì số tiền này tăng lên đáng kể dưới dạng tiền gửi và tiết kiệm, thay vì được sử dụng làm phương tiện để tiêu dùng và đầu tư.
“Chính quyền ĐCSTQ có thể nghĩ rằng nguồn cung tiền vẫn chưa đủ và sẽ tăng cường nỗ lực tiếp tục nới lỏng,” ông nói. “Nếu việc nới lỏng này tiếp tục thì rất có thể dẫn đến nới lỏng quá mức, khiến dòng tiền chảy ra ngoài, và vấn đề sẽ được phản ánh qua sự mất giá của đồng nhân dân tệ.”
Theo dữ liệu chính thức vào năm 2023, lượng tiền mới phát hành gần như phù hợp với tốc độ tăng trưởng của các khoản cho vay và tiền gửi.
Ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), một cựu doanh nhân Trung Quốc sống lưu vong ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng những đồng tiền mới phát hành của ĐCSTQ đã được bơm vào dưới dạng các khoản cho vay, và sau đó số tiền này được chuyển thành tiền gửi.
Dữ liệu cho thấy đến cuối năm 2023, các khoản cho vay bằng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 22.75 ngàn tỷ nhân dân tệ (3.23 ngàn tỷ USD) trong cả năm, đồng thời, tiền gửi tăng 25.74 ngàn tỷ nhân dân tệ (3.65 ngàn tỷ USD) trong cả năm.
Ông Lục giải thích thêm rằng các khoản cho vay thương mại chiếm gần 80%, nghĩa là các khoản tiền này chủ yếu tới tay các doanh nghiệp nhà nước lớn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những khoản tiền này không được đầu tư vào các lĩnh vực có thể phát triển nền kinh tế. Thay vào đó, một số tiền đã được tiết kiệm và chuyển thành tiền gửi, và một số khác đã được phân chia một cách gián tiếp cho giới quyền quý của ĐCSTQ. Kết quả là, những khoản tiền này không thể thực sự được đưa vào lưu thông.