Diễn biến xung đột nội bộ ĐCSTQ: Vụ việc tham nhũng của vợ và con gái Thủ tướng Lý Cường bị tiết lộ
Tình hình chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên khó đoán. Mới đây, thông tin chi tiết về vợ và con gái của Thủ tướng Lý Cường cùng các mối quan hệ chính trị, kinh doanh của họ đã bị tiết lộ trên mạng Internet. Điều này phản ánh xung đột trong nội bộ ĐCSTQ đã vượt ra ngoài cấp Ủy viên Quốc vụ viện (như Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc), và đến tận tầng cốt lõi (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị).
Những nội dung được tiết lộ rất nhiều, sau đây là các điểm chính:
(1) Vợ và con gái Thủ tướng Lý Cường lợi dụng mối quan hệ quyền lực, ước tính có vốn cổ phần hơn 50 tỷ nhân dân tệ (RMB) tại tập đoàn Ant Financial do ông Jack Ma sáng lập; khối tài sản gia đình ít nhất từ 80 tỷ đến 90 tỷ RMB;
(2) Ông Jack Ma xuất hiện tại Hàng Châu hồi tháng Ba năm nay. Chính Thủ tướng Lý Cường đã thuyết phục ông Jack trở về Trung Quốc thông qua vợ mình và nhóm ông Cao Hồng Băng, nhằm xoay chuyển nhận thức của ngoại giới về hoàn cảnh tồi tệ của nền kinh tế Trung Quốc;
(3) Ông Tập Cận Bình là cha đỡ đầu của cô Lý Dĩnh, con gái của Thủ tướng Lý Cường. Tuy nhiên, ông Tập không hoàn toàn tin tưởng ông Lý Cường. Nguyên nhân là vì bà Lâm Hoàn (vợ ông Lý) quá thân thiết với ông Jack Ma, trong khi ông Jack lại có liên hệ với gia tộc ông Giang Trạch Dân;
(4) Mối quan hệ của ông Lý Cường với ông Lý Hi (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, hiện là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương) và bà Tề Kiều Kiều (chị gái của ông Tập Cận Bình) là ở mức trung bình. Vợ của ông Lý Cường có mối quan hệ họ hàng với ông Lý Trường Xuân, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thuộc “phe Giang.”
Bốn điều bị tiết lộ này là có dụng ý:
(1) Làm mất uy tín của ông Lý Cường bằng các cáo buộc tham nhũng;
(2) Năm 2020, tập đoàn Ant Financial của ông Jack Ma đã bị ông Tập Cận Bình chặn lại ngay trước khi niêm yết. Mối quan hệ thân thiết giữa ông Lý Cường và ông Jack Ma bị tiết lộ. Điều này là nhằm kích động ông Tập, ly gián mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lý;
(3) Ám chỉ các giao dịch tài chính của vợ và con gái ông Lý Cường không liên quan gì đến gia tộc ông Tập. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ông Lý Hi “cứ việc ra tay.”
Câu hỏi đầu tiên là những tiết lộ này là thật hay giả? Thứ hai, ai là người tiết lộ, là thế lực chống ông Tập hay là nội bộ thân tín của ông Tập?
Về câu hỏi đầu tiên, tác giả bài viết cho rằng những tiết lộ này thật có mà giả cũng có. Xét theo mức độ chi tiết của thông tin thì việc này không thể là do một người thích “nhiều chuyện” nào đó có thể làm được, mà phải do một thế lực nào đó thực hiện nhằm đạt được mục đích chính trị cụ thể. Tuy nhiên, những tiết lộ đó chỉ cung cấp các thông tin chung chung và bề mặt, còn những chỗ then chốt thì chỉ dùng những từ ngữ mang tính suy đoán. Hoặc là người tiết lộ chưa nắm vững tài liệu thực, hoặc là còn có phần tiếp theo, tài liệu thực sẽ lần lượt được tiết lộ. Điều này còn phải tiếp tục quan sát.
Về câu hỏi thứ hai, tác giả cho rằng có nhiều khả năng là thế lực chống ông Tập. Trước hết cần nói rõ rằng ông Tập vô cùng thận trọng, có sự hiểu biết lâu dài, toàn diện và sâu sắc đối với ông Lý Cường. Độ tín nhiệm trong mối quan hệ giữa ông Tập và ông Lý không thể thay đổi chỉ đơn thuần bằng việc tiết lộ tin tức. Hơn nữa, ông Lý Cường không có thế lực riêng, nên nếu ông Tập thực sự muốn hạ thủ ông Lý thì không cần dùng thủ đoạn vụng về như vậy. Do đó gần như không thể nói rằng chính ông Tập muốn thanh trừng ông Lý.
Tuy nhiên, trong nội bộ thân tín của ông Tập có rất nhiều phe phái. Tư chất và năng lực của ông Lý không vượt trội lắm nhưng lại đột nhiên trở thành nhân vật số hai, điều này tự nhiên khiến người khác ghen tị và cừu hận. Từ góc độ này, không thể loại trừ khả năng người trong nội bộ muốn công kích ông Lý.
Bất quá, việc ông Lý Cường đảm nhận chức vụ Thủ tướng Quốc vụ viện hoàn toàn là do ông Tập Cận Bình lựa chọn. Vì vậy, thách thức vị trí Thủ tướng của ông Lý chính là thách thức ông Tập. Mặt khác, tình thế hiện tại khó khăn, vinh quang bề ngoài của chức vị Thủ tướng thực ra là một hố lửa. Vậy thì còn ai trong nội bộ thân tín của ông Tập có đủ năng lực và nguyện ý làm chức Thủ tướng này? Từ góc độ này, việc công kích ông Lý để ly gián nội bộ thân tín của ông Tập, làm lung lay sự thống trị của ông Tập và chờ cơ hội lật đổ ông Tập, giống như một kế hoạch được các thế lực chống ông Tập sắp đặt.
Ở đây có một nghi vấn: Tại sao thế lực chống ông Tập lại chọn ông Lý Cường để nhắm mục tiêu? Đây là nhắm trúng vấn đề căn bản về quyền lực và nhân sự của ông Tập Cận Bình.
ĐCSTQ là hệ thống lãnh đạo kép giữa đảng và chính phủ. Mặc dù ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “đảng lãnh đạo chính phủ,” nhưng “chính phủ” (ở đây ám chỉ Quốc vụ viện) dù sao cũng không thể yếu kém được, nếu không trung khu sẽ bất ổn, việc thống trị sẽ bị rối loạn. Ông Lý Khắc Cường đã yếu thế, ông Lý Cường lại càng yếu thế hơn, điều này thực sự là vô cùng bất lợi cho ông Tập. Hơn nữa, ông Lý Cường hoàn toàn dựa vào ông Tập, không thể gây ra mối đe dọa nào cho ông Tập nếu không có thế lực của chính mình. “Dùng người thì không nghi người.” Có lẽ ông Tập rất ủng hộ ông Lý Cường, để ông Lý đặc trách và sử dụng quyền trung ương ra lệnh cho tứ phương để ứng phó với nguy cơ.
Tuy nhiên, có vẻ như để làm nổi bật địa vị “cốt lõi” của mình, nên ông Tập nhất quyết giữ khoảng cách với ông Lý Cường – “cánh tay phải” trên danh nghĩa, khiến ông Lý trở nên nhỏ bé. Dưới đây là hai ví dụ. Thứ nhất, ông Lý đi ngoại quốc bằng phi cơ của hãng hàng không dân dụng, chứ không phải chuyên cơ. Đây không phải là vấn đề ông Lý tự hạ mình và nâng cao ông Tập, mà là vấn đề lớn liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia và hệ thống quản lý ở cấp bậc cao nhất. Thứ hai, ông Lý đã đến thăm nhiều nơi, đi cùng với các quan chức đảng và chính quyền địa phương, nhưng các hãng thông tấn trong nước không hề đề cập đến điều này, cố tình phớt lờ ông.
Sự nhỏ bé của ông Lý có thể không quan trọng đối với bản thân ông, nhưng lại rất quan trọng đối với đảng và nhà nước. Một mặt, ông Lý không có quyền uy, thì Quốc vụ viện có thể có quyền uy được chăng? Chính quyền địa phương có thể mua chuộc Quốc vụ viện ở mức độ nào? Từ khi lên nắm quyền, ông Tập luôn chấn chỉnh lại các “chư hầu kinh tế,” giờ đây Quốc vụ viện yếu kém, thì làm sao có thể thiết lập quyền lực của chính quyền trung ương một cách hiệu quả? Mặc dù ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh đến quyền lực của “Đảng,” củng cố quyền lực của “Đảng,” nhưng chỉ dựa vào hệ thống công tác của đảng thì tương đương với việc tê liệt một cánh tay, hơn nữa cũng không đi đúng hướng (đảng và chính phủ là hai đầu tuyến khác nhau, nhưng hỗ trợ lẫn nhau).
Về phân bổ quyền lực thực tế, ông Tập đã trao quyền lực chủ yếu của “đảng” cho ông Thái Kỳ. Ông Thái giữ chức vụ Ban Bí thư Trung ương kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia. Mặc dù ông Thái đứng thứ năm trong số các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nhưng quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông lớn hơn cả ông Lý Cường, người đứng thứ hai.
Một ví dụ nổi bật về quyền lực của ông Thái Kỳ. Từ ngày 13/09 đến ngày 14/09, “Hội nghị Tổng Bí thư Chính phủ và Đảng ủy toàn quốc” được tổ chức, với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị duy nhất tham dự cuộc họp, ông Thái truyền đạt “chỉ thị quan trọng” của ông Tập, yêu cầu các bí thư “nâng cao lập trường chính trị” và “duy trì sự nhất quán cao độ với Trung ương Đảng”, v.v. Trước đây, “Hội nghị Tổng Bí thư Đảng ủy toàn quốc” và “Hội nghị Tổng Bí thư Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng toàn quốc” được tổ chức riêng biệt, nhưng hiện nay được kết hợp với nhau, hơn nữa do hệ thống đảng ủy điều hành. Điều này tương đương với việc đoạt quyền từ trong tay ông Lý Cường, nhằm giám sát ông Lý và Quốc vụ viện.
Trên thực tế, việc tái cấu trúc quyền lực của đảng, chính phủ và cải cách thể chế kể từ Đại hội 20 đã định vị Quốc vụ viện là “cơ quan chấp hành của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.” Nhiều quyền lực của Quốc vụ viện mà ông Lý Khắc Cường nắm giữ khi còn đang nhậm chức đã được quy về các công việc của đảng. Ví dụ, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện giờ đây chỉ là một cái nhãn kèm theo của Văn phòng Công tác Hồng Kông và Macao mới được hành lập của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.
Nói cách khác, cán cân quyền lực và bố trí nhân sự ở thứ bậc cao nhất của ĐCSTQ đã bị phá vỡ, và đang ở trong tình trạng mất cân bằng. Điều này được thể hiện rõ qua sự gia tăng quyền lực của Bí thư Trung ương Đảng Thái Kỳ và sự “khiêm tốn, phụ họa” của ông Lý Cường trong Quốc vụ viện.
Hơn nữa, kể từ tháng Sáu, trong hệ thống Quốc vụ viện đã liên tiếp xảy ra sự cố. Đầu tiên là ông Tần Cương bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao sau khi “biến mất” một tháng. Sau đó lại có tin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức; Bộ trưởng Ngoại giao đương nhiệm Vương Nghị cũng bị tiết lộ là đang viết bản kiểm điểm ở nhà. Điều này càng cho thấy hệ thống Quốc vụ viện đang rối ren, ông Lý Cường càng không thể trụ vững.
Thế lực chống ông Tập đã nhìn thấy rõ tất cả những điều này và thực hiện hai hành động mà mọi người đều có thể thấy. Một là khoa trương việc ông Tập Cận Bình gặp áp lực tại cuộc họp Bắc Đới Hà, ông Tập bị các nguyên lão khiển trách [theo cách chưa từng có từ trước tới nay]. Hai là phơi bày sự việc tham nhũng của vợ và con gái ông Lý Cường. Những điều này chính là làm cho tình hình chính trị trở nên hỗn loạn hơn, để có thể thừa nước đục thả câu.
Vương Hách thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ