Chuyên gia: ĐCSTQ sụp đổ ‘là xu hướng không ai có thể lay chuyển được’
Nhân Ngày Quốc khánh của ĐCSTQ, các chuyên gia tập trung vào vấn đề nan giải của Trung Nam Hải
Tiệc chiêu đãi kỷ niệm 74 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền đã được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh vào tối ngày 28/09. Đánh giá từ đoạn video được công bố, bầu không khí tại hội trường rất kỳ lạ, ông Tập Cận Bình mang vẻ mặt lo lắng khi nói chuyện. Các chuyên gia cho rằng Trung Nam Hải hiện đang gặp nhiều khó khăn, mà sự tan rã của các chế độ toàn trị thường xảy ra đột ngột.
Trung Nam Hải đang gặp khó khăn trùng điệp
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cả bảy Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ đều đã tham dự tiệc chiêu đãi vào tối ngày 28/09. Ông Tập Cận Bình có bài diễn văn thừa nhận “con đường phía trước sẽ không thuận buồm xuôi gió” v.v.
Mặc dù ông Tập nói trong bài diễn văn của mình rằng “chúng ta đoàn tụ vui vẻ,” nhưng đoạn video tin tức cho thấy nét mặt ông Tập có vẻ lo lắng, một số thành viên khác trong Ban Thường vụ thì có vẻ mặt đờ đẫn.
Chiến dịch zero COVID kéo dài 3 năm của ông Tập Cận Bình khiến lòng người phẫn nộ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân. Sau khi chiến dịch này được dỡ bỏ vào cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục trì trệ. Do nền kinh tế yếu kém, nên ĐCSTQ đã phong tỏa số liệu kinh tế, đồng thời chỉ trích truyền thông ngoại quốc nói xấu nền kinh tế của Trung Quốc, thậm chí còn ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt của thanh niên hồi tháng Tám.
Nhà văn kiêm nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tình hình chính trị của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế trong tương lai; mà vấn đề lớn nhất của Trung Quốc là tình trạng khó khăn về kinh tế.
“Tiêu dùng trì trệ, nền kinh tế suy thoái, xuất cảng rớt giá, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, thu nhập của người dân chỉ giảm không tăng, dân chúng bất mãn, các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra … Đây là tình hình ở Trung Quốc,” ông Thái cho hay.
Tập đoàn Evergrande Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nợ lớn. Hôm 28/09, tập đoàn này thông báo chủ tịch hội đồng quản trị Hứa Gia Ấn bị “thực hiện các biện pháp cưỡng chế,” Evergrande đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Ông Thái Thận Khôn cho biết hiện tại trong ngành không có biện pháp hóa giải nào tốt hơn để giải quyết vấn đề nợ nần, và những vụ việc “bom tấn” sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Ngoài ra, ĐCSTQ còn phải đối mặt với tình thế khó khăn trong chiến dịch chống tham nhũng. Sau khi thân tín của ông Tập Cận Bình là ông Lý Hi đặc trách Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, tính đến ngày 05/09, số quan chức trung ương bị “ngã ngựa” trong năm nay đã lên tới 33 người.
Ông Thái nói rằng tất nhiên việc chống tham nhũng sẽ tiếp tục, nhưng nếu làm tiếp thì sẽ không thể làm được nữa, vì các quan chức chủ chốt đều là do đích thân ông Tập lựa chọn.
Phân tích: Ông Tập chọn sai hướng đi, hình thế cấp tốc chuyển biến xấu
Hôm 29/09, ông Vương Hách, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng tình hình chính trị hiện tại ở Trung Quốc đặc biệt kỳ lạ. Đầu tiên là những người ở cấp cao nhất của ĐCSTQ và Bộ Chính trị Trung ương đều là “quân nhà Tập.” Đây là điều ông Mao Trạch Đông không làm được, nhưng ông Tập đã làm được.
Ông Vương nói: “Ông Mao Trạch Đông có ông Chu Ân Lai bí mật đối phó; ông Đặng Tiểu Bình có ông Trần Vân và ông Lý Tiên Niệm kiềm chế; ông Giang Trạch Dân đấu đá với ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình đã phá vỡ quy tắc này và khởi động nhiệm kỳ thứ ba. Lẽ ra ông ấy có thể thư thả nghỉ ngơi, [nhưng] kết quả lại là tình hình cấp tốc chuyển biến xấu. Trung Quốc thời xưa có câu ‘vật cực tất phản’. Ông Tập Cận Bình càng leo cao thì càng ngã đau. Hiện tại cho dù là người trong hay ngoài đảng, cũng như trong hay ngoài nước, đều đang mắng ông ấy. Hình thế này đang phát triển nhanh chóng vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người.”
Theo ông Vương: “Một người làm sai một việc là chuyện rất bình thường, nhưng ông Tập Cận Bình đã làm sai mọi việc. Ông ấy lên nắm quyền bằng cách đả hổ. Lúc đó, ông ấy có những con bài rất tốt. Tuy nhiên, ông đã chọn sai phương hướng, khiến tình hình cấp tốc biến thành tồi tệ. [Ông ấy] trở thành người đẩy nhanh sự diệt vong của chính quyền ĐCSTQ.”
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ cho đến kỳ họp Lưỡng hội năm nay, các quan chức do đích thân ông Tập lựa chọn đã nắm giữ các vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc vụ viện và quân đội. Tuy nhiên vài tháng gần đây, các quan chức cao cấp của Lực lượng Hỏa tiễn đã bị thay thế, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc lần lượt “mất tích.” Tại tiệc chiêu đãi Quốc khánh ngày 28/09, cả tướng Lý Thượng Phúc và tướng Tần Cương đều không xuất hiện.
Ông Vương Hách nói rằng những thân tín do đích thân ông Tập đề bạt đã bị “ngã ngựa” từng người một, đây là sự đả kích rất lớn đối với ông. Ông Tập nắm quân quyền được mười năm, kết quả là các tướng lĩnh do ông đề bạt thì không rõ là hiện có còn đáng tin hay không. Trước đây, tình trạng này không hề tồn tại ở ĐCSTQ.
“Cái kết của ông Tập Cận Bình có thể sẽ rất bi thảm. Những sai lầm lớn như vậy trong việc dùng người là dấu hiệu cho thấy quyền lực của ông ấy không ổn định,” ông Vương nhận định. Ông Vương cho rằng ĐCSTQ là một nền chính trị trong hộp đen, vậy nên người ngoài thực sự khó có thể tưởng tượng được bên trong “đao quang kiếm ảnh” như thế nào.
Chuyên gia: ĐCSTQ sụp đổ “là xu hướng không ai có thể lay chuyển”
Năm 2002, ở thôn Chưởng Bố, huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, đã phát hiện một tảng đá có niên đại 270 triệu năm. Trên tảng đá này có viết sáu chữ “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong,” được người đời gọi là “Tàng tự thạch.” Theo chuyên gia Lý Đình Đống (Li Tingdong), Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và là nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, các ký tự trên tảng đá này được hình thành một cách tự nhiên, không có bất kỳ dấu vết chạm khắc nhân tạo nào.
Sự xuất hiện bất ngờ của khối “Tàng tự thạch” cách đây 21 năm này được xem là một đại sự tiết lộ thiên cơ, cho thấy ĐCSTQ đang bước vào giai đoạn lịch sử “Trung Quốc Cộng Sản Đảng Vong.”
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, rất nhiều người cảm thấy thất vọng vì chế độ Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa sụp đổ.
Về vấn đề này, ông Vương Hách giải thích rằng sự sụp đổ của các chế độ toàn trị đều là “một giây trước gió yên biển lặng, một giây sau đột ngột phong ba.” Lý do là vì kiểu thể chế này có tính chất khép kín rất mạnh, nhìn bề ngoài có vẻ vững như thành đồng, nhưng kỳ thực bên trong có thể đã nguy ngập rồi.
Thử tìm kiếm trên Internet, quý vị sẽ phát hiện trong 5 năm qua, ông Tập Cận Bình đưa ra cảnh báo không dưới 10 lần rằng ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với một “khảo nghiệm trọng đại vô cùng nguy hiểm.” Ông Tập đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của đảng, hơn nữa càng ngày càng thường xuyên hơn.
Ông Vương nói rằng kỳ thực, ông Tập nhận thức rất rõ về cuộc khủng hoảng của chế độ, ông ấy đang cố gắng hết sức để tránh điều đó, muốn trì hoãn thời điểm sụp đổ của đảng. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện tại, chuyện gì phải đến tất sẽ đến, chỉ là rất khó phán đoán thời điểm cụ thể.
“Hiện tại không ai nguyện ý đồng lòng với ông Tập Cận Bình. Tình hình chính trị ở Trung Quốc chắc chắn là mang tính đột ngột. Nó không giống như một quốc gia dân chủ, mọi thứ đều công khai minh bạch, có thể đoán trước được. Đây là chỗ đen tối của tình hình chính trị ở Trung Quốc,” ông Vương nói.
Ông cho rằng tình hình chính trị sẽ thay đổi đột ngột, sự sụp đổ của ĐCSTQ có thể chỉ là chuyện của vài năm tới.
Giới trẻ thẳng thắn nói muốn sống lâu hơn ông Tập Cận Bình
Mặc dù ĐCSTQ đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt đối với các cuộc biểu tình của quần chúng trong nước, nhưng “Phong trào giấy trắng” phản đối lệnh phong tỏa vẫn phát sinh hồi tháng Mười Một năm ngoái. Người dân đã hô vang khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình.”
Ở ngoại quốc cũng ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc thức tỉnh và nhìn rõ bản chất của ĐCSTQ. Anh Lý Thế Tưởng (Li Shixiang), một thanh niên Trung Quốc đang du học ở Anh quốc, mới đây đã nhận lời phỏng vấn độc quyền của Đài phát thanh Quốc tế Đài Loan (RTI). Anh nói về việc “vượt tường lửa” khi còn học trung học và chấn động vì “Trung Hoa Dân Quốc vẫn tồn tại.” Sau khi tham gia phong trào chống dẫn độ ở Hồng Kông, anh cảm thấy như được một cây chùy nặng đánh cho thức tỉnh.
Anh Lý tin rằng sẽ có một ngày nhìn thấy ĐCSTQ sụp đổ, bởi vì “những người trẻ tuổi sẽ sống lâu hơn ông Tập Cận Bình.”
Ông Vương Hách cho rằng đây là sự thay đổi trong suy nghĩ của mọi người. Những người trẻ tuổi khá nhạy cảm với chính trị, họ thường là nhóm người dũng cảm và có cái nhìn rõ ràng hơn đối với thời đại. Trong lịch sử Trung Quốc cận đại, sinh viên thường là người ở tuyến đầu. Theo ông Vương, lời nói của chàng trai trẻ này là dấu hiệu rõ ràng cho sự thức tỉnh của người dân Trung Quốc.
Học giả: Dưới vỏ ngoài cường đại và ổn định của ĐCSTQ, có một ngọn lửa đang cháy dữ dội
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả hiện đang sống ở Úc nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hồi đầu năm nay rằng, những người cai trị Trung Nam Hải đang thể hiện vẻ ngoài cường đại và ổn định, nhưng trên thực tế họ đang che giấu một cuộc khủng hoảng chính trị rất lớn. “Nguy cơ lớn nhất của ông Tập Cận Bình là ông ấy gần như đã đắc tội với mọi tầng lớp trong xã hội Trung Quốc. Ông Mao Trạch Đông trước đây đã đắc tội với một số người, nhưng luôn có một bộ phận phe Đại cách mạng văn hóa ủng hộ ông ấy, ” ông Viên nói.
Ông Viên cho rằng chính quyền không chỉ trấn áp các doanh nghiệp tư nhân mà còn thực hiện lệnh phong tỏa theo kiểu trại tập trung trong ba năm xảy ra đại dịch, do đó đã đắc tội với tất cả người dân ở tầng lớp phổ thông.
Ông Viên còn cho biết ông Tập tiến hành giám sát toàn diện các quan chức ĐCSTQ, nhưng quanh ông ấy gần như đều là những “kẻ hai mặt,” nhiều quan chức đã nảy sinh bất mãn trong lòng.