Viện nghiên cứu Úc: ĐCSTQ ‘trấn áp sự thật và lan truyền xảo ngôn’ ở Quần đảo Solomon
Một báo cáo mới của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã tiết lộ rằng Bắc Kinh đang lan truyền tin giả ở Quần đảo Solomon nhằm làm suy yếu liên kết đối tác của quốc đảo này với Úc và Hoa Kỳ.
Báo cáo có nhan đề “Trấn áp Sự thật và Lan truyền Xảo ngôn: Cách ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến môi trường thông tin của Quần đảo Solomon”, được công bố hôm 05/10, đã nghiên cứu cách Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng phương tiện truyền thông địa phương và tin giả để làm lung lạc quan điểm của công luận và phá hoại liên kết đối tác hiện có của Solomon với các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ trong cuộc biểu tình hàng loạt ở thủ đô Honiara hồi năm ngoái (2021).
Trong một cuộc biểu tình hồi tháng 11/2021, hàng trăm người biểu tình đã tập trung đông đảo bên ngoài tòa nhà quốc hội để phản đối sự đình trệ trong phát triển kinh tế, chủ nghĩa thân hữu, và nạn tham nhũng của chính phủ.
Những người biểu tình bày tỏ sự lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở trong nước và yêu cầu Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức. Ông Sogavare là người đã chuyển sự gắn bó sắt son về ngoại giao của quốc gia này từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Việc chính quyền thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình đã dẫn đến tình trạng bất ổn trên diện rộng. Các cửa hàng ở khu phố Tàu đã bị cướp phá và thiêu rụi trong cuộc biểu tình này.
ĐCSTQ đổ lỗi cho Hoa Kỳ, Úc, và Đài Loan về tình trạng bất ổn ở Solomon
Theo báo cáo, ngay sau khi xảy ra bạo loạn ở Honiara, ĐCSTQ đã tìm cách đổ lỗi cho Úc, Hoa Kỳ, và Đài Loan vì đã kích động bạo loạn.
Một tuyên bố của ASPI viết, “Trong những tuần sau đó, các quan chức ĐCSTQ cũng tích cực thúc đẩy một luận điệu rằng ‘các thế lực ngoại quốc với dụng ý xấu’ đang muốn làm hoen ố mối bang giao giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc.”
“Luận điệu đó đã được các phương tiện truyền thông của đảng-nhà nước (cả bằng Anh ngữ lẫn Hoa ngữ) lan truyền thông qua các tuyên bố của giới chức Trung Quốc được Đại sứ quán Trung Quốc chia sẻ, đăng trên các phương tiện truyền thông địa phương và được các ký giả địa phương trích dẫn.”
Hoa Kỳ và Úc được mô tả là ‘những kẻ ác bá cường hào theo chủ nghĩa thực dân’
Sau khi một thỏa thuận an ninh được đề xướng giữa ĐCSTQ và Quần đảo Solomon bị rò rỉ trên mạng hồi tháng 03/2022, nhà cầm quyền cộng sản này đã “tìm cách phá hoại hơn nữa mối bang giao của Quần đảo Solomon với Úc và Hoa Kỳ.”
Vào thời điểm đó, cả Hoa Kỳ lẫn Úc đều tìm kiếm các cuộc gặp cấp lãnh đạo với Thủ tướng Sogavare để thảo luận về những lo ngại của họ về thỏa thuận an ninh nói trên.
Ngoài ra, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã từ chối tham dự một cuộc họp với Đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Tiếu Thiên (Xiao Qian), khi nói rằng cuộc gặp này là một dấu hiệu của “sự yếu nhược”.
Trong thời gian đó, ĐCSTQ đã thúc đẩy một luận điệu tương tự rằng “Úc và Hoa Kỳ là những kẻ ác bá cường hào theo chủ nghĩa thực dân đang đe dọa đến chủ quyền của Quần đảo Solomon”.
Trong hai giai đoạn được quan sát này (tổng cộng 18 tuần), các hãng thông tấn đảng-nhà nước của ĐCSTQ đã đăng tổng cộng 67 bài báo về các sự kiện ở Quần đảo Solomon. Trong số 67 bài báo đó, 47 bài (70%) hỗ trợ trực tiếp cho những luận điệu trên của ĐCSTQ nhằm cố gắng phá hoại các mối bang giao hiện có của Quần đảo Solomon (chủ yếu là với Hoa Kỳ và Úc). 30% còn lại đưa tin về vấn đề này mà không có đường hướng rõ ràng.
Ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với truyền thông địa phương
Theo phân tích của ASPI, kênh có ảnh hưởng đáng lo ngại nhất của ĐCSTQ trong việc định hình môi trường thông tin của Solomon là “việc phát hành các bài báo chính thức do ĐCSTQ dẫn dắt trên các phương tiện truyền thông địa phương,” bao gồm các bài bình luận, thông cáo báo chí, và các bài báo được sản xuất tại địa phương mà hầu như không có trích dẫn trực tiếp từ các quan chức ĐCSTQ.
Báo cáo nêu rõ, “Những ấn phẩm này được gói ghém trong cái vỏ bọc của một nguồn truyền thông địa phương đáng tin cậy và cho phép ĐCSTQ truyền bá thông điệp của mình đến nhiều đối tượng hơn, dẫn đến sự thâm nhập và tham gia nhiều hơn.”
“Trong trường hợp của các cuộc bạo loạn tại thủ đô Honiara này, các quan chức ĐCSTQ đã có hầu hết các tuyên bố được đăng trên các phương tiện truyền thông địa phương thảo luận về nguyên nhân của các cuộc bạo loạn như thể do chính các quan chức chính phủ của Quần đảo Solomon [tuyên bố].”
Các tác giả của báo cáo này cũng nhận thấy rằng Đại sứ quán Trung Quốc có mối liên hệ mật thiết với một số cơ quan truyền thông ở Quần đảo Solomon.
Ví dụ, Hiệp hội Hữu nghị Trung Quốc-Quần đảo Solomon, vốn là một phần của hệ thống Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, bị phát hiện có liên hệ với một số nhà hoạch định chính sách và ký giả của Quần đảo Solomon.
Giải pháp là gì?
Để đối phó với các chiến dịch tin giả của ĐCSTQ, các nhà phân tích của Viện Chính sách Chiến lược Úc khuyến khích các công ty truyền thông xã hội cung cấp thông tin theo ngữ cảnh về thông tin sai lệch bằng tiếng quốc ngữ ở Thái Bình Dương và gắn nhãn ‘trực thuộc nhà nước’ đối với các thông điệp từ những tổ chức do nhà nước kiểm soát.
Báo cáo viết, “Các công ty truyền thông xã hội có thể khuyến khích xã hội dân sự báo cáo những thông điệp ‘trực thuộc nhà nước’ và cung cấp bằng chứng để giúp các công ty thực thi chính sách của họ.”
Các tác giả cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và Úc hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Thái Bình Dương.
Họ viết: “Các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ cần hỗ trợ khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng trong khu vực.”
“Ví dụ, Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn nữa để chứng minh rằng những luận điệu của ĐCSTQ là sai, chẳng hạn như chứng minh sự quan tâm thực sự của Hoa Thịnh Đốn trong việc hỗ trợ khu vực bằng cách đáp lại lời kêu gọi của người dân địa phương ở Quần đảo Solomon là phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết sạch sẽ số bom mìn chưa nổ còn sót lại từ thời Đệ nhị Thế chiến trên đảo Guadalcanal.”
“Chính phủ Úc nên phối hợp với các đối tác ngoại quốc khác của Quần đảo Solomon, bao gồm Hoa Kỳ, New Zealand, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu (EU), để hỗ trợ nhiều hơn cho các hãng truyền thông địa phương ở khu vực Thái Bình Dương trong việc tuyển dụng, đào tạo, và giữ chân các ký giả chuyên nghiệp chất lượng cao.”
Tương tự, một học giả Đài Loan cũng kêu gọi Úc thức tỉnh hơn nữa trước “sự bành trướng nguy hiểm” của Bắc Kinh và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn ở Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Lý Dậu Đàm (David Yeau-Tarn Lee), một giáo sư trợ giảng tại Viện Nghiên cứu Phát triển Sau đại học của Đại học Quốc lập Chính trị, trước đây có nói với The Epoch Times rằng, “Mối bang giao mà Quần đảo Solomon [đã từng] có với Úc thật là tốt đẹp biết bao! Nhưng vô luận quý vị có đối xử tốt với quốc đảo ấy đến đâu, thì ĐCSTQ cũng sẽ mua chuộc [các quan chức của nơi này].”
“Việc Úc phải đối mặt với hậu quả của sự bành trướng nguy hiểm [của ĐCSTQ] là điều không thể tránh khỏi,” ông nói. “Vì vậy, tôi nghĩ Úc cần thức tỉnh hơn nữa.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times