Ba nhà lãnh đạo Thái Bình Dương không tham dự hội nghị quan trọng trong khu vực
Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương được xem là bức tường thành quan trọng chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực.
Nguyên thủ của ba quốc gia Thái Bình Dương — Papua New Guinea (PNG), Vanuatu, và Quần đảo Solomon — đã từ chối tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) năm nay.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các quốc gia trong khu vực tiếp tục xây dựng mối bang giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đang ngày càng bành trướng ảnh hưởng của mình trong khu vực trong những năm gần đây.
Thay vào đó, ba nhà lãnh đạo này sẽ cử các bộ trưởng tới PIF, được tổ chức tại Rarotonga, Quần đảo Cook, từ ngày 06 đến ngày 10/11/2023.
Ông John Rosso, Phó Thủ tướng Papua New Guinea, sẽ đại diện cho đất nước của ông, trong khi Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu Ralph Regenvanu sẽ dẫn đầu phái đoàn Vanuatu.
Cả hai nước đều không giải thích lý do tại sao thủ tướng của họ vắng mặt.
Trong khi đó, chính phủ Quần đảo Solomon cho biết Ngoại trưởng Jeremiah Manele sẽ thay mặt Thủ tướng Manasseh Sogavare tham dự sự kiện này vì ông “còn vướng bận một số nhiệm vụ trong vai trò Người chủ trì Đại hội Thể thao Thái Bình Dương” và phải làm việc với Nghị viện.
Thế vận hội sẽ được tổ chức tại Honiara, Quần đảo Solomon, từ ngày 19/11 đến ngày 02/12/2023.
Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương là một tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 18 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Đại Dương.
Một mục tiêu quan trọng của chính phủ Tổng thống Biden và chính phủ Đảng Lao Động của Thủ tướng Albanese là xây dựng mối bang giao với các chính phủ Thái Bình Dương, đồng thời đóng vai trò như một bức tường thành chống lại tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã đến Quần đảo Cook để dự hội nghị.
Ông Albanese nói với các phóng viên: “Hợp tác cùng nhau qua Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương là rất quan trọng để bảo đảm một cộng đồng Thái Bình Dương hòa bình, an toàn, và thịnh vượng.”
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của PNG sau Úc và cũng là nguồn đầu tư chính yếu của quốc đảo này.
Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng và lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên của PNG, đồng thời cung cấp sự trợ giúp đáng kể cho PNG dưới hình thức tài trợ, cho vay, và trợ giúp kỹ thuật.
Dưới tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ, PNG đã công khai ủng hộ nhiều chính sách quốc tế do Bắc Kinh đưa ra, bao gồm chính sách Một Trung Quốc cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Vanuatu, có chủ nợ ngoại quốc lớn nhất là Trung Quốc, cũng bị thu hút bởi những lợi ích kinh tế của ĐCSTQ. Cựu Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman được cho là duy trì mối bang giao chặt chẽ với Bắc Kinh để tìm kiếm viện trợ và tài trợ phát triển. Năm 2022, chính phủ đương thời của ông đã tuyên bố ủng hộ chính sách Một Trung Quốc.
Trong khi đó, ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Quần đảo Solomon cũng ngày càng gia tăng khi một Nghị sĩ của Quần đảo Solomon cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc đã thâm nhập vào đất nước của ông ở mọi cấp độ.
Hồi tháng Bảy, chính phủ Quần đảo Solomon đã lật đổ thành công một tỉnh trưởng, người chỉ trích ĐCSTQ lâu năm, làm dấy lên các cuộc biểu tình và xô xát trong khu vực. Có cáo buộc cho rằng các thành viên của chính phủ quốc gia đã nhận hối lộ từ ĐCSTQ để buộc cựu lãnh đạo này từ chức.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Stacey và Daniel Y. Teng
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times