ĐỘC QUYỀN: Sự thâm nhập của Trung Quốc Cộng sản vào Quần đảo Solomon ‘ngày càng mạnh mẽ hơn’
Một nghị sĩ cho biết, Trung Quốc Cộng sản đang thâm nhập vào Quần đảo Solomon, tìm cách tạo ra các lợi thế thuận lợi về kinh tế, ngoại giao, và quân sự cho bản thân mình.
HOA THỊNH ĐỐN — Một tiếng nói có ảnh hưởng lớn trong Nghị viện Quần đảo Solomon cho hay chế độ cộng sản Trung Quốc đang thâm nhập vào đất nước của ông ở mọi cấp độ.
Ông Peter Kenilorea Jr., một nghị viên kiêm chủ tịch Ủy ban Ngoại giao của Quần đảo Solomon cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường thâm nhập vào đất nước này kể từ khi ông Manasseh Sogavare, một chính trị gia thân Trung Quốc, đảm nhận chức vụ thủ tướng một lần nữa vào năm 2019.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, ông Kenilorea cho biết Quần đảo Solomon hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng dư luận, một bên là luận điệu ủng hộ và một bên là luận điệu chống ĐCSTQ, vốn đang chia rẽ người dân nước này.
“Sự thâm nhập đó đã trở nên mạnh mẽ hơn. Đây thực sự là một cuộc chiến trong tâm trí. Đó là những gì đang xảy ra ở Quần đảo Solomon hiện nay,” ông Kenilorea nói.
“Đó không chỉ là về chính phủ. Sự việc này thực sự đang đến với chính người dân. … [Đó] là thứ mà người địa phương chúng ta ở Quần đảo Solomon gọi là ‘sự chuyển đổi.’”
“Sự chuyển đổi” đó ám chỉ quyết định của ông Sogavare vào năm 2019, về việc rút lại sự công nhận ngoại giao của quốc gia này đối với Đài Loan và chuyển sang ủng hộ ĐCSTQ.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tràn ngập Quần đảo Solomon
Cuộc phỏng vấn của ông Kenilorea với The Epoch Times diễn ra sau cuộc gặp mặt của ông với Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Hoa Kỳ về ĐCSTQ.
Ông Kenilorea cho biết, chủ đề về sự thâm nhập của ĐCSTQ là mối quan tâm chính trong cuộc thảo luận giữa hai quan chức và ông hy vọng rằng trong tương lai, sự giao thiệp nhiều hơn của Mỹ quốc với Quần đảo Solomon có thể giúp xóa nhòa tinh thần ủng hộ Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Ông nói: “Chúng tôi đã bàn về những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, sự thâm nhập của ĐCSTQ vào Quần đảo Solomon và một số viễn cảnh mà tôi nhìn thấy liên quan đến sự thâm nhập xã hội đang diễn ra đó.”
“Đồng thời, rất nhiều người hy vọng về sự kết giao mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ.”
Ngày nay, việc kết giao như vậy là không hề dễ dàng. Chính phủ của ông Sogavare đã đồng ý thiết lập liên kết đối tác chiến lược toàn diện với ĐCSTQ hồi đầu năm nay.
Thỏa thuận đó tiếp nối một thỏa thuận khác vào cuối năm 2022, trong đó chính phủ của ông Sogavare đồng ý vay hơn 66 triệu USD từ một ngân hàng nhà nước Trung Quốc để tài trợ cho dự án xây dựng 161 tháp viễn thông của đại công ty viễn thông Huawei.
Năm ngoái (2022), chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã tự mở một cuộc điều tra về Huawei, cho biết các tòa tháp tương tự được xây dựng ở Hoa Kỳ được trang bị thiết bị có thể thu thập thông tin nhạy cảm từ các căn cứ quân sự và hầm chứa hỏa tiễn mà công ty này sau đó có thể truyền sang Trung Quốc.
Ông Kenilorea than thở về các giao dịch “bẫy nợ” với Trung Quốc và cho biết chế độ này đã “nhắm mục tiêu” vào các cử tri ở Quần đảo Solomon thông qua việc tuyên truyền, nhằm giành được sự ủng hộ cho các tòa tháp này.
“Tôi đã khá nhất quán với thông điệp của mình. Đáng lẽ chúng ta không nên làm điều này,” ông bày tỏ.
Ông Kenilorea không phải là người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối liên hệ chặt chẽ của chính phủ ông Sogavare với ĐCSTQ. Tuy nhiên, việc lên tiếng không còn dễ dàng như trước đây và những luận điệu chống ĐCSTQ trong nước đôi khi phải đương đầu với sự trả đũa.
Đó là trường hợp của cựu Thủ hiến tỉnh Malaita ông Daniel Suidani, người đã nói với The Epoch Times hồi tháng Tư rằng, các thành viên chính phủ quốc gia ủng hộ việc truất phế ông đã nhận hối lộ từ ĐCSTQ.
Sau cuộc bỏ phiếu buộc ông Suidani từ chức, ông Alfred Sasako, một ký giả ở Quần đảo Solomon có liên hệ với mạng lưới tuyên truyền của ĐCSTQ, đã đăng một tin tức cáo buộc ông Suidani kích động nổi dậy và gặp gỡ người Mỹ để âm mưu ám sát thủ tướng.
Bằng chứng duy nhất cho tin tức này là lời khai từ các nguồn ẩn danh. Tuy nhiên, bằng chứng đó đã được dùng để biện minh cho việc bắt giữ và thẩm vấn ông Suidani.
Ông Kenilorea nói rằng các cơ chế tương tự giờ đây dường như đang chống lại ông. Các nhóm lợi ích trong nước được ĐCSTQ hậu thuẫn đang bắt tay với nhau để hủy hoại danh tiếng của ông và ngăn cản ông tiếp tục tại vị.
Ông Kenilorea nói: “Họ đang nhắm mục tiêu rất nhiều vào các cử tri và người dân của tôi để khiến … tâm trí của họ không còn nghĩ đến việc bỏ phiếu cho tôi trong thời gian tới.”
Ông Sogavare được Trung Quốc hậu thuẫn đang tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ
Chính phủ TT Biden đã ưu tiên giao hảo với các quốc đảo Thái Bình Dương như một phần của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng hoạt động này có mục đích là kiềm chế sự trỗi dậy của họ trên vũ đài thế giới.
Chính phủ ông Sogavare được ĐCSTQ hậu thuẫn đã tìm cách làm hoen ố ý tưởng về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” trên trường quốc tế, đi xa đến mức loại bỏ cụm từ này khỏi các tài liệu công cộng.
“‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ đối với Thủ tướng Sogavare là một cụm từ gây phản cảm. Ông ấy căm ghét những cụm từ đó,” ông Kenilorea cho biết.
“Nếu có bất kỳ tuyên bố nào có [cụm từ ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương’] trong đó, ông ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để cố gắng loại bỏ nó.”
Ông Kenilorea cho biết những nỗ lực của chính phủ TT Biden nhằm soạn thảo các thỏa thuận mới với chính phủ ông Sogavare hồi đầu năm, đã bị đình trệ vì những nỗ lực của ông Sogavare nhằm loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một khu vực gắn kết.
Ông Kenilorea nói về chính phủ ông Sogavare: “Tôi có thông tin rằng họ đang đấu tranh quyết liệt để tống khứ những tham chiếu đó.”
Liên quan đến vấn đề này, ông Kenilorea cho biết có rất nhiều thông tin sai lệch cho thấy khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mâu thuẫn với lợi ích của Quần đảo Solomon hoặc các cơ cấu chính trị hiện có như Partners in the Blue Pacific (Các đối tác tại Thái Bình Dương Xanh), một nhóm không chính thức nhằm thúc đẩy kinh tế và hoạt động tiếp xúc ngoại giao giữa các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương.
Do đó, Hoa Kỳ và Quần đảo Solomon cần bảo đảm “tiếp tục kết giao” ở cấp lãnh đạo trên khắp Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác quốc tế liên tục, ông nói.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times