Fiji sẽ hoàn tất thỏa thuận quân sự với New Zealand, xem xét lại hiệp định cảnh sát với Trung Quốc
Tuần tới, Fiji và New Zealand sẽ hoàn tất một thỏa thuận quân sự nhằm thắt chặt liên kết an ninh, nhà lãnh đạo Fiji cho biết hôm 07/06, cũng là thời điểm quốc đảo Thái Bình Dương này xem xét lại thỏa thuận hợp tác cảnh sát với Trung Quốc.
Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka đã đưa ra lời nhận định nói trên trong chuyến thăm New Zealand tuần này, nơi ông hội đàm với Thủ tướng Chris Hipkins và các quan chức chính phủ khác.
Thỏa thuận quân sự mới này sẽ cho phép giới chức quốc phòng Fiji “tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm xây dựng năng lực và nâng cao kỹ năng cũng như tiếp xúc với các công nghệ mới, khả năng phối hợp và trợ giúp về mặt kỹ thuật, cùng nhiều lĩnh vực khác,” ông Rabuka cho hay.
Cạnh tranh địa chính trị trong khu vực Thái Bình Dương đã gia tăng kể từ khi Trung Quốc ký một thỏa thuận quân sự vào năm ngoái với Quần đảo Solomon mà các quốc gia Thái Bình Dương lo ngại rằng có thể cho phép Trung Quốc đóng quân và vũ khí ở đó.
Ông Rabuka tin rằng quân sự hóa có thể được ngăn chặn bằng cách theo đuổi “ngoại giao và các cuộc thảo luận chung với các nước lân bang”. Ông cũng gợi ý về khả năng Fiji chấm dứt thỏa thuận trị an với Trung Quốc, mà người tiền nhiệm của ông, ông Frank Bainimarama, đã ký vào năm 2011, viện dẫn sự khác biệt trong các hệ thống và giá trị tương ứng của họ.
“Nếu các hệ thống và giá trị của chúng ta khác nhau, thì chúng ta có thể nhận được sự hợp tác nào từ họ?” ông Rabuka nói, đề cập đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền.
“Chúng ta cần xem xét lại điều đó trước khi quyết định liệu chúng ta có quay lại với thỏa thuận này hay chúng ta tiếp tục cách mà chúng ta đã làm trong quá khứ bằng cách hợp tác với những quốc gia có các giá trị và hệ thống dân chủ tương đồng với chúng ta.”
Ông Hipkins cho biết quốc gia của ông sẽ cung cấp thêm 11.1 triệu đô New Zealand (6.75 triệu USD) để giúp Fiji về biến đổi khí hậu, đồng thời lưu ý rằng mối bang giao song phương của họ được hình thành dựa trên “tình hữu nghị và sự tôn trọng lẫn nhau”.
Thỏa thuận trị an Fiji-Trung Quốc cho phép các sĩ quan cảnh sát Fiji được đào tạo tại Trung Quốc và các sĩ quan Trung Quốc được khai triển tới Fiji trong các chương trình đính kèm thỏa thuận này.
Trước đây ông Rabuka đã nói rằng lực lượng an ninh Fiji sẽ làm việc với các nhân viên từ Úc và New Zealand, những người mà ông tin rằng có các hệ thống tương đồng với Fiji.
Mối lo ngại của Fiji về Trung Quốc
Ông Rabuka cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh và Truyền hình Úc (Australian Broadcasting Corp.), sự tái xuất của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương có khả năng “thay đổi bầu không khí hòa bình hiện chúng ta đang có.”
“Đó là điều chúng ta phải tránh, và có thể tránh được bằng cách đối thoại thẳng thắn có trách nhiệm,” ông nói với hãng thông tấn này.
Ông Rabuka tin rằng Úc và Hoa Kỳ có một cách tiếp cận lỗi thời trong quan hệ ngoại giao và hợp tác với Fiji. So sánh hai đối tác này với Trung Quốc, ông nói rằng ông thấy quốc gia Á Châu này có một chiến lược khác.
“Trung Quốc bước vào đây với một tờ giấy trắng. Họ chỉ xem chúng tôi là các đối tác phát triển (*),” ông nói.
Ông Bainimarama và cựu ủy viên cảnh sát Sitiveni Qiliho, người giám sát thỏa thuận trị an với Trung Quốc, phải đối mặt với cáo buộc hình sự về hành vi lạm quyền của họ, cũng như cựu Tổng Chưởng lý Aiyaz Sayed-Khaiyum, người được nhiều người xem là cánh tay phải đắc lực của ông Bainimarama.
Hôm 22/05, Papua New Guinea đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ để củng cố mối bang giao song phương của họ. Hoa Thịnh Đốn cũng đã ký các thỏa thuận với Palau và Liên bang Micronesia.
Bản tin có sự đóng góp của Victoria Kelly-Clark và The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Time