Bắc Kinh và Quần đảo Solomon thiết lập liên kết đối tác ‘chiến lược toàn diện’
Mối bang giao giữa Bắc Kinh và giới lãnh đạo Quần đảo Solomon tiếp tục sâu sắc hơn sau khi Thủ tướng Manasseh Sogavare đồng ý thiết lập “liên kết đối tác chiến lược toàn diện” với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Sogavare đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường trong chuyến thăm kéo dài một tuần tới Trung Quốc. Chuyến công du này sẽ khép lại sau khi thủ tướng dự lễ khai trương đại sứ quán chính thức của Solomon tại Bắc Kinh.
Hôm 10/07, ông Sogavare đã ký tổng cộng chín thỏa thuận với ĐCSTQ để củng cố bang giao giữa hai nước, bao gồm tăng cường hợp tác trong ngành công an, cũng như thương mại, hàng không dân dụng và thể thao.
Hành động này diễn ra một năm sau khi chính phủ ông Sogavare ký kết một thỏa thuận an ninh với ĐCSTQ vốn kích khởi những hồi chuông cảnh báo ở Úc và Hoa Kỳ và diễn ra bốn năm sau khi Quần đảo Solomon chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Thủ tướng Lý nói với Thủ tướng Sogavare: “Chỉ trong bốn năm, mối bang giao giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã phát triển nhanh chóng và giờ đây chúng ta có thể nói rằng sự hợp tác này rất thành công.”
Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết về một “kỷ nguyên mới” giữa hai chính phủ trong khi cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây tuyên truyền “tâm lý Chiến tranh Lạnh và quyền bá chủ.”
Đổi lại, ông Sogavare cam kết duy trì hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trình bày tại Diễn đàn về Hành động Toàn cầu vì Phát triển Chung ở Bắc Kinh, ông nói: “Chúng ta phải duy trì sự hợp nhất trong quan điểm của mình về việc tạo ra các con đường hợp tác đầy sáng tạo để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.”
Theo ông Ngưu Lệ (Niu Li), giám đốc điều hành tại Đại học Nghiên cứu Ngoại giao Bắc Kinh, việc không ngừng nâng cấp liên kết giữa ĐCSTQ và ông Sogavare nhằm mục đích củng cố sự hợp tác rộng lớn hơn trên khắp khu vực Thái Bình Dương.
“Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon sẽ là hình mẫu cho các quốc đảo Thái Bình Dương khác,” ông nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.
Phản ứng trước việc ký kết thỏa thuận
Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã phản ứng trước cuộc gặp gỡ này, nói rằng họ tôn trọng khả năng của các quốc gia trong việc “đưa ra quyết định có chủ quyền vì lợi ích tốt nhất cho người dân của họ” đồng thời kêu gọi Bắc Kinh và Solomons công bố bản ghi hội đàm từ các cuộc họp để “tăng tính minh bạch” xung quanh những tác động của thỏa thuận này đối với an ninh khu vực.
Trong khi đó, ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation cho biết thỏa thuận mới nhất này sẽ khắc sâu hơn nữa dấu ấn của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương.
Ông viết trên Twitter, “Quần đảo Solomon: hãy cung cấp cho chúng tôi cơ sở hạ tầng, đầu tư, và đào tạo cảnh sát. Trung Quốc: hãy cung cấp cho chúng tôi quyền tiếp cận quân sự vào các hòn đảo của quý quốc.”
“Cho đến nay, ‘liên kết đối tác chiến lược toàn diện’ này đang tiến triển đúng như mong đợi.”
Chính phủ Solomon thắt chặt bang giao với Bắc Kinh
Thỏa thuận đối tác chiến lược là bước đi mới nhất của chính phủ ông Sogavare nhằm củng cố bang giao với Bắc Kinh trong khi vẫn hưởng lợi từ sự chi viện liên tục từ Úc và New Zealand.
Cuối năm ngoái (2022), chính phủ Quần đảo Solomon đã đồng ý vay 448.9 triệu nhân dân tệ (66.15 triệu USD) từ Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước để tài trợ cho dự án xây dựng 161 tháp viễn thông của tập đoàn viễn thông gây tranh cãi Huawei.
Giám đốc Phân tích Chiến lược Úc, ông Michael Shoebridge, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây với The Epoch Times, “Thỏa thuận này là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang tiến nhanh và đi trên một con đường rộng lớn để tạo ra nhiều đòn bẩy hơn đối với chính phủ Quần đảo Solomon.”
Bắc Kinh đã sử dụng các chương trình cho vay như một công cụ để xây dựng mối bang giao với các chính phủ của các nước đang phát triển nhưng cũng gài bẫy họ một khi họ không trả được nợ (còn gọi là chính sách ngoại giao bẫy nợ), buộc chính quyền địa phương phải bàn giao các tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng các quốc gia lớn ở Thái Bình Dương như Fiji, Samoa, Solomons, và Tonga nợ Ngân hàng Phát triển Á Châu khoảng 38%, trong đó có 22% nợ Trung Quốc.
Trong khi đó, hồi tháng 03/2022, Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh cho phép ĐCSTQ sắp đặt vũ khí, quân đội, và tàu hải quân trong khu vực, làm dấy lên lo ngại về khả năng mở rộng hoạt động quân sự bên ngoài Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times