Việc tỷ phú Warren Buffett bán cổ phiếu BYD có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư phổ thông
Khi Berkshire Hathaway, công ty đầu tư của ông Warren Buffett, bắt đầu giảm bớt cổ phần của mình trong nhà sản xuất xe điện và pin Trung Quốc BYD, các tin đồn bắt đầu lan truyền về ý nghĩa của việc này đối với BYD, thị trường chứng khoán Trung Quốc, và các nhà đầu tư phổ thông theo đuổi chứng khoán Trung Quốc.
Nhưng đối với những nhà đầu tư phổ thông thường theo dõi ông Buffett, việc này có ý nghĩa rất nhỏ.
Nhìn bề ngoài, việc bán cổ phiếu có vẻ kỳ lạ. Sau tất cả, BYD hiện là nhà sản xuất pin xe điện (EV) lớn thứ hai thế giới, vượt qua công ty LG của Nam Hàn. Doanh số bán xe điện của hãng cũng đang tăng nhanh. Thu nhập ròng nửa đầu năm 2022 của hãng này tăng gấp 3 lần. BYD cũng chiếm 30% thị phần dẫn đầu trong thị trường xe điện đang mở rộng của Trung Quốc. Đó là tất cả những tin tốt mà tự thân chúng cũng đủ để khiến cổ phiếu của công ty này tăng vọt.
Nhưng theo các hồ sơ chứng khoán thì Berkshire, một trong những cổ đông lớn nhất của BYD, hiện đã bán 18 triệu cổ phiếu. Hành động này đã khiến cổ phiếu BYD lao dốc trong giao dịch tại Hồng Kông. Tính đến hôm 06/09, cổ phiếu BYD đã giảm gần 30% kể từ ngày 01/07.
Hiện giờ, Berkshire vẫn sở hữu khoảng 220 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 20% cổ phần sở hữu trong “cổ phiếu H” của công ty. Mặc dù khó xác định chính xác số lượng cổ phiếu Berkshire sở hữu vào bất kỳ thời điểm nào, nhưng số lượng cổ phiếu mà Berkshire đã bán chỉ chiếm rất ít trong tổng số cổ phiếu nắm giữ.
Vậy điều gì đang xảy ra ở đây?
Đầu tiên, một số chuyên gia đang dự tính việc bán ra cổ phiếu nhiều hơn có thể kéo giá xuống. Bà Lưu Ương (Yang Liu), Giám đốc đầu tư của Atlantis Investment, nói với đài CNBC hôm 31/08: “Đây là một xu hướng phổ biến đối với các nhà đầu tư bắt đầu chuyển đổi ra tiền mặt.” Mặc dù đó là một nhận định khá rõ ràng, nhưng khối lượng lớn cổ phiếu mà ông Buffett sở hữu có thể dễ dàng tác động tới thị trường. Nếu Berkshire quyết định bán toàn bộ gần 20% cổ phần của mình trong công ty này, thì 220 triệu cổ phiếu của Berkshire tương ứng với 25 lần khối lượng giao dịch cổ phiếu trung bình trong một ngày. Nếu Berkshire không thể thu xếp việc bán một khối lượng cổ phiếu lớn với một ngân hàng đầu tư, thì Berkshire có thể mất nhiều tháng để bán cổ phiếu trên thị trường mở, và những giao dịch mua bán này dĩ nhiên sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu của BYD.
Tất cả những điều đó ảnh hưởng rất ít đến những nền tảng căn bản, tài chính, kinh tế, hoặc triển vọng của BYD. Hành động bán cổ phiếu đơn giản này sẽ gây áp lực lên giá cổ phiếu của công ty.
Và tại sao các nhà đầu tư kỳ vọng Berkshire tiếp tục bán ra? Quỹ này đã kiếm được rất nhiều tiền từ khoản đầu tư của mình.
Ông Buffett là người đề nghị chiến lược đầu tư giá trị, tập trung vào việc nâng cao giá trị dài hạn và mua các công ty có bảng cân đối kế toán tốt với mức giá thấp. Nhưng BYD không phải là một khoản đầu tư điển hình của ông Buffett theo câu thần chú đầu tư giá trị. Berkshire đã đầu tư vào BYD với giá 1 USD/cổ phiếu vào năm 2008 theo gợi ý của ông Lý Lục (Li Lu) — nhà sáng lập công ty đầu tư Himalaya Capital — người đã giới thiệu BYD cho đối tác kinh doanh lâu năm của ông Buffett là ông Charlie Munger. Đó là ba năm trước khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Số cổ phiếu mà Berkshire bán gần đây đạt mức trung bình 35 USD/cổ phiếu. Đó là bội số lợi nhuận thực gấp gần 35 lần. Berkshire đã nắm giữ cổ phiếu trong 14 năm, một khoảng thời gian dài hơn nhiều nhà đầu tư bán lẻ — hoặc thậm chí là nhà đầu tư tổ chức — sẽ nghĩ về việc nắm giữ cổ phiếu của họ. Điều này cho chúng ta thấy lợi nhuận rất lớn mà công ty này đang sở hữu, và sẽ là hoàn toàn hợp lý khi công ty này bắt đầu bán cổ phiếu BYD trước những bất ổn xung quanh thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Đây có phải là điều mà các nhà đầu tư bán lẻ theo dõi “nhà tiên tri xứ Omaha” có thể lặp lại? Không có khả năng. Đây là một trò chơi chỉ thích hợp cho số ít, vốn đặt Berkshire vào vị trí của một công ty đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn cuối. Berkshire đã không thoái vốn khi BYD phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi năm 2011, và giữ cổ phiếu của công ty này ngay cả trong giai đoạn hỗn loạn 2014-2016 khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chịu biến động to lớn. Berkshire đã tiếp tục giữ số cổ phiếu này trong thời kỳ hồi sinh của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm năm qua.
Và cuối cùng, sau khi tâm lý chính sách ở Bắc Kinh dần trở nên đối địch với các công ty công nghệ và chính sách COVID của nước này phá hoại nền kinh tế Trung Quốc dẫn đến một tương lai mù mịt, Berkshire đã quyết định bắt đầu thoái số cổ phần rất lớn của mình tại BYD. Và thậm chí chúng tôi còn chưa đề cập đến các yếu tố trực tiếp hơn ảnh hưởng đến triển vọng tài chính của BYD, vốn rất sáng sủa nhưng đang gặp phải nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu thô cho pin EV sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của công ty. Và bất chấp sự sụt giảm gần đây của giá cổ phiếu, BYD vẫn tiếp tục giao dịch ở mức bội số cao hơn các công ty cùng ngành và bội số tuyệt đối rất cao. BYD cũng bị Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cáo buộc có liên quan đến lao động cưỡng bức trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Tất cả những yếu tố này, cùng với khoản lợi nhuận rất lớn trên báo cáo mà ông Buffett đã đạt được, cho thấy Berkshire nên bán. Có lẽ Berkshire nên bắt đầu bán sớm hơn. Và đối với các nhà đầu tư phổ thông tình cờ sở hữu cổ phiếu BYD, có lẽ đây cũng là thời điểm tốt để bán do bức tranh vĩ mô và những thách thức cụ thể đối với cổ phiếu được định giá cao của công ty này.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times