Hoa Kỳ: Lạm phát tại cửa hàng bách hóa tăng vọt với tốc độ nhanh nhất trong 43 năm
Lạm phát tiếp tục bòn rút ví tiền của người Mỹ và đặt ra tình thế khó xử về chính trị cho Tổng thống Joe Biden, khi người tiêu dùng đang cảm thấy khốn khổ, đặc biệt là về chi phí thực phẩm mua trong siêu thị và các cửa hàng tạp hóa.
Theo dữ liệu hôm 13/09 từ Cục Thống kê Lao động (BLS), mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm tổng thể của Mỹ đạt mức 8.3% vào tháng Tám, nhưng giá trong danh mục “thực phẩm tại nhà” đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 43 năm.
Chi phí mua thực phẩm để tiêu dùng tại nhà đã tăng 13.5% trong một năm vào tháng Tám, con số cao nhất trong danh mục chi tiêu này kể từ tháng 03/1979.
Nhà phân tích kinh tế cao cấp Mark Hamrick của Bankrate nói với The Epoch Times qua email khi bình luận về dữ liệu lạm phát của BLS rằng, “Có rất nhiều điều bất ngờ không mấy thú vị được phát hiện từ Chỉ số giá tiêu dùng tháng Tám ” hay còn gọi là CPI.
Trong khi lạm phát ở cửa hàng tạp hóa gia tăng đặc biệt nóng, danh mục thực phẩm tổng thể bao gồm cả thực phẩm mua trong nhà hàng (tăng 8.0% so với cùng kỳ năm ngoái), cũng là mức cao nhất trong hơn bốn thập niên.
Ông Hamrick cho biết: “Giá các nhu yếu phẩm tiếp tục thúc đẩy ngọn lửa này, bao gồm cả chỗ ở, thực phẩm và chăm sóc y tế.” “Báo cáo lưu ý rằng chỉ số lương thực đã tăng 11.4% trong năm qua, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng Năm năm 1979”.
Giá bánh mì tăng 16.2% so với cùng kỳ năm ngoái, sữa tăng 17%, trái cây và rau củ tăng 9.4%, và trứng tăng 39.8%.
Dữ liệu lạm phát của BLS cũng cho thấy giá thịt nhìn chung hầu như đều tăng, với thịt bò tươi sống xay tăng 7.8%, thịt lợn tăng 6.8%, giăm bông tăng 9.2%, và thịt gà tăng 16.6%.
Lạm phát khiến cổ phiếu lao dốc
Các chỉ số chứng khoán chính của Wall Street sụt giảm hôm 13/09 sau khi lạm phát tăng cao hơn so với dự kiến của thị trường, với dữ liệu giá cho thấy Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục theo đuổi xu hướng diều hâu và tiếp tục thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 1,276 điểm, tương đương 3.94% vào hôm thứ Ba, ngày tồi tệ nhất kể từ tháng Sáu năm 2020. Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 632 điểm, tương đương 5.16% và chỉ số S&P 500 chuẩn giảm 177 điểm, tương đương 4.32%.
Các nhà phân tích của ING cho biết trong một lưu ý rằng những con số lạm phát nóng hơn dự kiến làm dấy lên bất cứ hy vọng nào rằng Fed có thể đưa ra một đợt tăng lãi suất ít hơn, lên 50 điểm cơ bản (bps), thay vì 75 bps như dự kiến, tại cuộc họp chính sách sắp tới vào hôm 20–21/09.
Các nhà phân tích của ING nói: “Rõ ràng kết quả này gạt bỏ đi bất kỳ lời bàn tán nào về việc Fed có khả năng gây ngạc nhiên với mức tăng 50 điểm cơ bản vào tuần tới, nhưng nó không đủ tai hại để tạo ra một cú thúc lớn để tăng lên 100 điểm cơ bản,” và nói thêm rằng họ giữ nguyên dự đoán trước đó của họ về mức tăng 75 điểm cơ bản.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times