Kinh tế Âu Châu sắp sụp đổ
Tôi đã kinh hoàng khi theo dõi sự leo thang của tình hình kinh tế Âu Châu kể từ giữa tháng Hai. Hôm 21/02, tôi đã đăng một dòng Twitter ngắn nêu chi tiết về trường hợp xấu nhất về kinh tế đối với Âu Châu, nếu chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, như đã xảy ra.
Dự báo này gồm 10 giai đoạn:
- Phương Tây có thể sẽ đáp trả bằng các lệnh trừng phạt.
- Nga sẽ đáp trả bằng cách ngừng cung cấp khí đốt cho Âu Châu.
- Sự đáp trả này sẽ dẫn đến việc giá năng lượng ở Âu Châu tăng đột biến, đẩy châu lục này vào một cuộc suy thoái với áp lực lạm phát cao (lạm phát đình trệ).
- Lạm phát sẽ đạt mức hai con số trong vòng 2-3 tháng.
- Trước tiên, thị trường tài sản sẽ biến động mạnh, rồi sau đó sụp đổ.
- Lạm phát gia tăng sẽ buộc Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) phải tăng lãi suất một cách nhanh chóng và ngừng Chương trình Thu mua Trái phiếu Khẩn cấp trong Đại dịch (PEPP) và nới lỏng định lượng (QE).
- Lĩnh vực ngân hàng của Âu Châu sẽ sụp đổ.
- Lãi suất nợ chính phủ sẽ bùng nổ.
- Khu vực đồng tiền chung Âu Châu sẽ tan rã.
- Âu Châu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.
Giá năng lượng đã tăng vọt, thị trường tài sản đã biến động, và ECB đã ngừng PEPP và QE (đại loại như vậy, xem bên dưới). Lạm phát ở khu vực đồng euro là 9.1% trong tháng Tám và không có dấu hiệu giảm xuống. Vì vậy, chúng ta hầu như sẽ có lạm phát hai chữ số có thể là vào tháng tới. Vì vậy, thật đáng ngại là chúng ta đã “chứng kiến” các dự báo số 1, số 2, số 3, số 4, và số 6 từ dự đoán về “trường hợp xấu nhất.”
Điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới
Các ‘hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng’ (CDS) của Credit Suisse, một ngân hàng Thụy Sĩ lớn được coi là một ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống trên toàn cầu, hay gọi tắt là G-SIB, đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ năm 2009. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm của chính phủ Đức (Bund) hiện đang giao dịch khoảng 100 điểm cơ bản cao hơn lãi suất hoán đổi EUR OIS hai năm, phản ánh lãi suất ECB trong hai năm tới. Chúng ta chưa từng thấy sự khác biệt như vậy kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ Âu Châu năm 2012. Điều này đang dẫn đến một ‘cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp’ rất lớn giữa các ngân hàng, khi giá trị của tài sản thế chấp được sử dụng nhiều nhất (trái phiếu chính phủ) có liên quan đến lãi suất tiền gửi đang giảm.
Một cuộc khủng hoảng ngân hàng sắp bùng nổ
Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đang dao động với mốc 4% được cho là đại diện cho ‘ranh giới’ đối với việc chính phủ Ý không thể trang trải tài chính của mình. ECB đã và đang sử dụng nguồn vốn từ các khoản nợ đáo hạn, chẳng hạn như, của Đức và Hà Lan để mua các khoản nợ từ các chính phủ Hy Lạp, Bồ Đào Nha, và đặc biệt là Ý. Hồi cuối tháng Bảy, danh mục nắm giữ của ECB gồm trái phiếu của Đức, Pháp, và Hà Lan đã giảm 19.3 tỷ USD, trong khi nắm giữ trái phiếu của Ý đã tăng 14.3 tỷ USD. ECB dự kiến sẽ tăng lượng mua hơn nữa trong những tháng tới.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu biện pháp này có đủ để ngăn chặn sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nợ khác hay không?
Lạm phát ở Ý đang ở mức kỷ lục của kỷ nguyên Âu Châu, hơn 8%, và các gia đình và tập đoàn của quốc gia này đang phải gánh chịu hoàn toàn gánh nặng của giá năng lượng tăng vọt và sự gián đoạn dòng khí đốt của Nga sang Âu Châu. Theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu thị trường khí đốt Âu Châu bị chia cắt, đồng nghĩa với việc nguồn cung khí đốt sẽ bị gián đoạn, thì tổng sản phẩm quốc nội của Ý có thể giảm khoảng 6%. Chúng ta đang ở rất gần thời điểm đó sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức (Ý vẫn nhận khí đốt của Nga). Chính phủ Ý cũng đang chuẩn bị cho một quỹ cứu trợ cho những nhà băng nhỏ. Tuy nhiên, họ, những nhà băng nhỏ, không phải là vấn đề thực sự (xem bên dưới).
Ý, và Âu Châu, đang tiến gần một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện
Theo báo cáo của Equinor, một tập đoàn năng lượng Na Uy, các công ty năng lượng đang phải đối mặt với việc hủy bỏ các mức ký quỹ trị giá 1.5 ngàn tỷ USD do phản ứng dữ dội về giá trên thị trường năng lượng Âu Châu. Các công ty năng lượng được yêu cầu duy trì một tỷ lệ ký quỹ tối thiểu trong trường hợp vỡ nợ trước khi cung cấp năng lượng. Tỷ lệ ký quỹ này tăng cao hơn với mức giá điện kỳ hạn tăng vọt, vốn, tuy đã giảm khỏi các mức giá cao, nhưng vẫn đang tăng. Gần đây, Phần Lan đã trở thành quốc gia Âu Châu đầu tiên ký một ‘thỏa thuận cầu nối’ để bảo lãnh các thỏa thuận tài sản thế chấp của Fortum, nhà sản xuất năng lượng lớn nhất Phần Lan. Các chính phủ khác có thể sẽ làm theo.
Giá điện vẫn ở mức cao. Ví dụ, ở Đức, giá giao ngay hiện cao hơn khoảng 10 lần so với mùa hè năm 2021. Nhiều gia đình và tập đoàn đang chứng kiến giá năng lượng của họ tăng gấp 10 lần hoặc hơn trên khắp lục địa.
Than ôi, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự tan rã của nền kinh tế Âu Châu đang diễn ra.
Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Âu Châu đang phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng mạnh mẽ do giá năng lượng cao. Ngay cả các quán bar ở Vương quốc Anh cũng đang suy đoán xem có nên đóng cửa hay không (thực chất là “đóng cửa do năng lượng”) bởi vì họ không đủ khả năng chi trả giá năng lượng. Đồng thời, lạm phát ở Vương quốc Anh có thể lên đến 20% trong năm tới!
Tình trạng trả nợ trễ hạn trong cho vay kinh doanh đang gia tăng trên khắp châu lục (ví dụ như trong bài báo này) và một ‘cơn lũ’ các vụ doanh nghiệp và gia đình phá sản đang sắp xuất hiện. Tất cả là do sức nặng của việc tăng giá điện ồ ạt, lạm phát, lãi suất tăng và một cuộc suy thoái sắp đến.
Do đó, Âu Châu hiện đang đi vào một cuộc suy thoái kinh tế, và tình hình sẽ không dừng lại ở đây. Như tôi đã đề cập trước đó, 10 trong số 30 G-SIB (ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống) của toàn cầu nằm ở Âu Châu (pdf). Để so sánh, Hoa Kỳ có 7 G-SIB, nhưng sự sụp đổ của thị trường nhà ở giai đoạn 2006–2009 vẫn là lý do đã dẫn đến khủng hoảng ngân hàng ở Hoa Kỳ, gần như làm sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu nền kinh tế Âu Châu suy thoái, điều có vẻ như vậy vào thời điểm viết bài này, thì lĩnh vực ngân hàng của họ sẽ bị cuốn theo, và kéo theo hệ thống tài chính toàn cầu, và có thể là đồng tiền chung Âu Châu (euro), cùng với nền kinh tế Âu Châu.
Liệu có thể làm gì để ngăn chặn tất cả những điều này không?
Tôi không nghĩ rằng chúng ta không còn khả năng thoát khỏi một cuộc suy thoái Âu Châu nữa, điều vốn cũng đã kéo dài quá lâu để xảy ra, nhưng vẫn có thể còn thời gian để ngăn cuộc suy thoái này leo thang thành một cuộc đại suy thoái. Mặc dù không được mọi người ưa chịu, nhưng thứ duy nhất có thể mang lại sự cứu trợ ngay lập tức là giúp dòng khí đốt từ Nga sang Âu Châu hoạt động trở lại hoàn toàn, biện pháp này đòi hỏi phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngay cả khi việc tích trữ, cắt giảm nhu cầu, và nguồn cung toàn cầu có thể bổ sung nguồn cung của Nga cho Âu Châu, một khả năng rất khó xảy ra (xem thêm, chẳng hạn như từ bản tin của tôi), thì giá khí đốt tự nhiên có thể vẫn sẽ tăng vọt trên toàn cầu. Giá tăng cao vốn dĩ đã dẫn đến một “cơn sóng thần dừng hoạt động” ở Hoa Kỳ. Hãy nghĩ xem tình hình sẽ trở nên tồi tệ như thế nào nếu giá khí đốt tự nhiên tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với mức hiện tại.
Cần phải thừa nhận một cách đầy đủ rằng, chúng ta phải ở trong tình cảnh này là do các quyết định chính trị. Thứ nhất, là do các chính sách xanh khiến Âu Châu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Thứ hai, là do quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin, quyết định ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn của các nhà lãnh đạo phương Tây, và quyết định đáp trả của chính phủ Nga đã thổi bùng lên cuộc khủng hoảng.
Năm 1924, ông John Maynard Keynes cảnh báo không nên sử dụng các biện pháp trừng phạt, vốn “luôn có nguy cơ không hiệu quả và không dễ phân biệt với các hành động chiến tranh”. Trong ‘kiệt tác’ của mình, “Lý Thuyết Chung về Việc Làm, Lãi Suất và Tiền Tệ” (“The General Theory of Employment, Interest and Money”), ông cũng lập luận rằng một nền kinh tế toàn cầu hóa cuối cùng sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, bởi vì chi phí kinh tế của chiến tranh sẽ trở nên quá khủng khiếp.
Chúng ta đang học bài học này một cách chậm chạp.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times