Âu Châu đang có dấu hiệu suy thoái, người dân gặp khó khăn khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao
Âu Châu đang có các dấu hiệu suy thoái khi nhiều cuộc khảo sát kinh tế cho thấy các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất của khu vực này đang chậm lại và một số lượng lớn công dân của lục địa này đang gặp khó khăn trong việc ứng phó với giá cả tăng cao.
Chỉ số sản lượng tổng hợp cho khu vực đồng tiền chung Âu Châu của S&P đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 tháng hồi tháng Tám, đạt mức 48.9, theo một thông cáo hôm 05/09 (pdf).
Khu vực tư nhân thuộc khu vực đồng euro đã “tiến xa hơn vào vùng thu hẹp” trong tháng Tám. Cả dịch vụ và sản lượng sản xuất đều giảm trong tháng. Chỉ số Sản lượng PMI Tổng hợp của Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực đồng euro, ở mức thấp nhất trong 27 tháng là 46.9. Tại Pháp — nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực — chỉ số này ở mức thấp nhất trong 17 tháng là 50.4.
Trong tháng Tám, chỉ số Sản xuất PMI của S&P Global/BME Đức ở mức thấp nhất trong 26 tháng là 49.1. Một cuộc khảo sát khác của S&P cho biết có “sự suy giảm mạnh kéo dài” trong các đơn đặt hàng mới làm ảnh hưởng đến mức sản xuất và làm chậm tốc độ tạo việc làm của các nhà máy (pdf).
Lĩnh vực dịch vụ của nước này chứng kiến hoạt động giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Tám, với tăng trưởng việc làm ở mức thấp nhất trong 18 tháng (pdf).
Tại Pháp, mức sản xuất đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Mặc dù áp lực lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng các công ty vẫn mua ít nguyên liệu đầu vào hơn do giá cao. Khu vực dịch vụ có sự sụt giảm về số lượng đơn đặt hàng mới.
“Các cuộc khảo sát về PMI báo hiệu rằng khu vực đồng euro đang bước vào suy thoái sớm hơn chúng ta nghĩ trước đây, dẫn đầu bởi nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức, và giờ đây chúng ta đang chứng kiến khu vực đồng euro đang ‘tận hưởng’ một cuộc suy thoái dài hơn, đang ở quý thứ ba,” ông Peter Schaffrik tại Ngân hàng Hoàng gia của Canada nói với Reuters.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm được đưa ra khi người dân trên khắp Âu Châu đang gặp khó khăn với lạm phát. Một cuộc thăm dò gần đây (pdf) do tổ chức bất vụ lợi More In Common công bố cho thấy chỉ có 20% người dân ở Đức “ứng phó tốt” với giá cả tăng cao. Ở Pháp và Ba Lan, chỉ có 5% số người thừa nhận điều tương tự.
Tại Đức, 64% người dân dự kiến cắt giảm hệ thống sưởi trong nhà vào mùa đông này do giá năng lượng cao. Tỷ lệ này là 60% ở Pháp và 50% ở Ba Lan.
Đức đang chậm lại
Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch chi tiêu 65 tỷ euro (64.3 tỷ USD) nhằm bảo vệ người dân và doanh nghiệp khỏi lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, một số kinh tế gia không nhận thấy bất kỳ hiệu ứng tích cực nào đến từ hành động này.
Nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank nói với Reuters: “Gói cứu trợ không thể thay đổi thực tế là Đức đã trở nên nghèo hơn với tư cách là một nước nhập cảng ròng năng lượng.”
Ông cho hay, “Các công ty phải cắt giảm việc sử dụng năng lượng vốn đã trở nên đắt đỏ, và do đó họ phải cắt giảm sản lượng.” Ông Kraemer đang kỳ vọng Đức sẽ “rơi vào suy thoái vào mùa thu.”
Việc Đức phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên đã khiến nước này rơi vào tình thế khó khăn khi giá khí đốt tăng cao không kiểm soát được. Trước khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, hơn 55% khí đốt của Đức được mua từ Moscow. Hôm 29/08, giá khí đốt ở Đức lần đầu tiên vượt quá 1,000 euro/megawatt-giờ.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times