Sự khờ khạo khiến Âu Châu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng mất ổn định
Cuộc khủng hoảng năng lượng và một mùa đông lo ‘sưởi ấm hay là ăn’ (‘heat or eat’) có thể gây ra bất ổn chính trị tồi tệ nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, tuy nhiên nguyên nhân phần lớn là do bản thân họ tự gây ra.
Chủ nghĩa bành trướng của Nga là một thực tế, và các khía cạnh của cuộc khủng hoảng năng lượng đang hiện hình ở Âu Châu rộng và sâu sắc hơn những dự đoán của các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu hồi tháng Hai.
Giá khí đốt tự nhiên hiện cao hơn gần 10 lần so với mức trung bình 10 năm trước đó. Thật trùng hợp, những mức giá này cũng mắc hơn khoảng 10 lần so với ở Hoa Kỳ.
Ông Alex Munton, một chuyên gia về thị trường khí đốt toàn cầu tại Rapidan Energy Group, cho biết: “Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở Âu Châu.”
Nhưng làm thế nào mà Âu Châu lại phải đối mặt với hoàn cảnh tồi tệ nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến, và điều đó có nghĩa gì với mùa đông đang đến và sau này nữa?
Phụ thuộc vào một đối thủ địa chính trị là kém khôn ngoan
Một cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc và tức thời như vậy là có thể dự đoán được và thậm chí có thể tránh được. Nguyên nhân thật đơn giản và có sức tàn phá khủng khiếp, và phần lớn sai lầm nằm ở các nhà lãnh đạo Âu Châu. Cho đến gần đây, họ đã không thể nắm bắt được thực tế của hai lỗi lầm trọng yếu trong chính sách của mình.
Thứ nhất, trong nhiều thập niên, chính sách của Liên minh Châu Âu là thu hút Nga về mặt kinh tế và trả giá bằng an ninh năng lượng đa dạng thực sự. Điều đó thật kém khôn ngoan. Không hiểu làm sao mà ban lãnh đạo EU đã không nhận ra rằng sự phụ thuộc quá mức đối với khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga sẽ trao cho Nga quyền lực, để rồi Nga sẽ lợi dụng quyền lực này vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Thời điểm trong tương lai đó chính là hôm nay, như những gì mà người dân Âu Châu hiện chắc chắn nhận thức được.
Việc thờ ơ không nhận ra những nguy cơ do phụ thuộc năng lượng vào Nga — một đối thủ địa chính trị và quân sự — cho thấy sự thiếu hiểu biết lịch sử một cách đáng kinh ngạc. Dựa vào một nguồn cung của đối thủ để nhập phần lớn nhiên liệu cần cho các nhà máy và thành phố vận hành cũng như để sưởi ấm các tòa nhà và nhà riêng của mình là một chính sách vô cùng khiếm khuyết do tầm nhìn thiếu lý trí gây ra.
Về bản chất, các nhà lãnh đạo Âu Châu đã nhầm lẫn khi cho rằng Nga cần thị trường Âu Châu giống như Âu Châu cần năng lượng của Nga.
Cách nhìn nhận thiếu thông tin như thế đã có từ thời của cựu Tổng thống Reagan. Thật không may, nhiều quốc gia Âu Châu — đặc biệt là Đức đã nhập 55% khí đốt tự nhiên và 34% dầu từ Nga trước cuộc xâm lược Ukraine — đã nhiều lần bỏ qua cảnh báo từ Hoa Kỳ về nguy cơ do phụ thuộc vào nhiên liệu Nga.
Do đó, Âu Châu hiện đang hối hả thay thế nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga khi châu lục này phải đối mặt với viễn cảnh thực tế là nguồn cung khí đốt mùa đông sẽ bị ngắt hoàn toàn. Đức đang đàm phán với Qatar để xây dựng các cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đồng thời nước này cũng đang kích hoạt lại các nhà máy nhiệt điện than. Nhưng các nguồn cung năng lượng mới sẽ không có sớm được. Âu Châu sẽ không thể tránh khỏi một cuộc suy thoái kinh tế nặng nề cùng với bất ổn dân sự tiềm ẩn ở mức cao trong mùa đông này.
Đó là dấu hiệu cho thấy sự thất bại thứ hai trong chính sách của Âu Châu: Họ không có khả năng dự liệu rằng những phản ứng của họ trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ gây ra hậu quả gì. Liên minh Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga với giả định sai lầm rằng Nga cần thị trường năng lượng Âu Châu và nguồn tiền mà châu lục này mang lại, nhiều hơn mức cần có để chinh phục Ukraine.
Sự ảo tưởng của người Âu Châu phản ánh thực tế họ không nắm bắt được đầy đủ nỗi lo sợ của Nga đối với việc NATO kết nạp thêm Ukraine và khả năng Ukraine trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu. Hồi tháng 11/2021, 62% người dân Ukraine muốn gia nhập Liên minh Châu Âu, và 58% ủng hộ gia nhập NATO. Moscow tuyên bố rõ ràng là cả hai việc này đều không thể chấp nhận được đối với các giả định an ninh của họ. Những cảnh báo của Moscow phần lớn bị Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo NATO ở Âu Châu phớt lờ.
Chủ nghĩa đế quốc Nga sẽ mãi ở đây
Mặc dù Nga không thể cạnh tranh với phương Tây về kinh tế hay quyền lực mềm, nhưng nước này vẫn thể hiện các mục tiêu đế quốc của mình trong hai thập niên vừa qua. Những khát vọng đế quốc đó có nghĩa là giành lại lãnh thổ mà nước Nga Xô Viết từng kiểm soát. Moscow đã hành động theo những khát vọng đó ở Moldova, Georgia, Crimea, và bây giờ là Ukraine. Moscow đã nhiều lần thể hiện họ sẵn sàng theo đuổi các mục tiêu quốc gia và bảo vệ các lợi ích quốc gia như họ nhìn nhận.
Khi Ukraine thể hiện đầy tự tin như vậy, Nga sẵn sàng cạnh tranh với người Âu Châu (và phương Tây nói chung) về mặt quân sự để vẫn xứng đáng là một cường quốc, ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là viện đến chiến tranh. Các khát vọng và quy mô hành động của Nga ít nhất đã không được coi trọng một cách nghiêm túc.
Tại sao Âu Châu bị bất ngờ khi Nga đột nhiên theo đuổi chính sách ngoại giao theo hướng đế quốc?
Các nhà hoạch định chính sách Âu Châu đã bị chia rẽ về nhận thức của họ về Nga. Một số người cho rằng Moscow sẽ hành động trong khuôn khổ đã được thiết lập từ thời kỳ hậu chiến, vốn hầu như do các thể chế chính trị của Âu Châu và Hoa Kỳ thiết lập. Khi làm như vậy, họ đã phớt lờ thực tế rằng Nga quan tâm và tham vọng những gì, và Nga sẵn sàng để đạt được cả hai một cách bất cân xứng. Đó là, Nga nhận ra rằng lựa chọn tốt nhất của họ sẽ là thay đổi các điều khoản cam kết nhằm có lợi cho vị thế chiến lược của mình, chứ không phải quyền lực mềm của Âu Châu và khuynh hướng hiện trạng của họ.
Nga đã liệu trước các biện pháp trừng phạt và giành được ưu thế
Hơn nữa, không thể tin được nếu cho rằng Nga đã không lường trước được phản ứng của Âu Châu đối với cuộc xâm lược này. Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải cân nhắc trước khi quyết định tấn công Ukraine. Moscow chắc chắn xuất cảng được ít khí đốt tự nhiên và dầu hơn sang Liên minh Châu Âu, nhưng họ đang kiếm được gấp 10 lần giá trung bình cho những thứ họ xuất cảng. Giá ngũ cốc cao hơn, cũng như việc Trung Quốc tăng cường nhập cảng lương thực và năng lượng kỷ lục từ Nga, là một phần bù đắp cho mức xuất cảng qua EU thấp hơn. Ấn Độ cũng đang nhập cảng từ Nga lượng dầu kỷ lục.
Về phương diện này, các sự kiện liên quan đến sức mạnh và ảnh hưởng của Nga trước và sau cuộc xâm lược đã tự thuyết minh, ít nhất là trong ngắn hạn. Mặc dù Âu Châu, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của Nga, nhưng kể từ cuộc xâm lược Ukraine, ảnh hưởng của Nga lại càng gia tăng.
Còn nữa, Nga hiện kiểm soát các cảng của Ukraine và do đó, kiểm soát tới 28% lượng ngũ cốc xuất cảng của thế giới. Điều này có nghĩa là Nga đã giành được ảnh hưởng lớn đối với các thị trường lương thực toàn cầu, làm tăng chi phí lương thực ở Âu Châu, Trung Đông, và Phi Châu. Thực tế là tầm ảnh hưởng của Moscow đã tăng lên ở cả thị trường năng lượng và ngũ cốc toàn cầu. Trước cuộc chiến Ukraine thì không tồn tại những hậu quả này.
Điệu bộ đạo đức tự do chẳng là gì đối với chính trị thực tế
Ngược lại, chính sách Ukraine của Nga và phản ứng của Âu Châu đã khiến Liên minh Châu Âu suy yếu. Những bất ổn kinh tế và chính trị sắp xảy ra do sự phụ thuộc năng lượng cùng những thách thức về bất ổn dân sự phần lớn là do bản thân họ tự chuốc lấy.
Hơn nữa, khi nói đến sự tồn vong của quốc gia, Nga đã phủ nhận các giả định về trật tự kinh tế tự do, chứng tỏ rằng sức mạnh quân sự thô sơ vượt trội so với quyền lực mềm. Thế giới đang dần thấy rằng khái niệm về những nỗi khát vọng siêu việt, những giá trị chung và khát vọng xanh của phương Tây có rất ít quyền lực đối với một quốc gia như Nga, quốc gia không thể cạnh tranh trên những điều kiện cao cả như vậy.
Do Âu Châu tự mãn về chính trị và có quan điểm phi lý về thực tế, nên họ đã hiểu sai nỗi sợ hãi mà Moscow đã nói rất rõ đối với việc NATO xâm lấn và khát vọng của NATO trong việc tái thiết một đế chế Nga.
Những hậu quả này là rõ ràng. Nga hiện đang chiếm thế thượng phong về khả năng kinh tế cũng như ổn định chính trị của Âu Châu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times