Nga cho ngừng dòng chảy khí đốt đến EU qua đường ống chính, Đức ‘không có lý do để báo động’
Hôm thứ Tư (31/08), Nga đã ngừng cung cấp khí đốt thông qua một đường ống cung cấp quan trọng của Âu Châu với lý do các vấn đề bảo trì, trong một hành động mà một số quốc gia Âu Châu coi là sự trả đũa vì ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến và điều đó đã khiến giá cả tăng cao trong ngày.
Đại tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga cho biết Nord Stream 1, đường ống lớn nhất chở khí đốt cho khách hàng hàng đầu của họ là Đức, sẽ được bảo trì cho đến ngày 03/09.
Gazprom cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS trích dẫn, “Nguồn cung qua Nord Stream đã bị ngừng hoàn toàn, hôm nay công việc phòng ngừa theo lịch trình đang bắt đầu tại đơn vị bơm khí.”
Nhà vận hành đường ống này, Nord Stream AG, đã xác nhận vào sáng thứ Tư rằng không có khí đốt chảy qua tuyến Nord Stream 1.
Việc cắt giảm nguồn cung đã khiến giá khí đốt ở Âu Châu tăng hơn 5% trên sàn giao dịch ICE London, với giá sau đó giao dịch xuống khoảng 7% vào lúc 7 giờ 30 phút sáng theo giờ New York.
Các quốc gia Âu Châu đang chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ trước mùa đông để giảm bớt tác động của việc giảm dòng chảy từ Nga, với một số nhà phân tích cho rằng dự trữ ngày càng tăng giảm nhẹ tác động của việc giá khí đốt tăng.
Liên minh Âu Châu cũng có kế hoạch can thiệp vào thị trường năng lượng để giữ ổn định chi phí, một hành động cũng gây áp lực giảm giá trong những ngày gần đây.
‘Vũ khí chiến tranh’ hay ‘các vấn đề công nghệ’
Giá khí đốt Âu Châu đã tăng cao kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm. Trước khi ngừng hoạt động hôm thứ Tư, các dòng chảy qua Nord Stream 1 đã hoạt động ở mức 20% công suất, với lý do Moscow gặp sự cố về thiết bị.
Nhưng Liên minh Âu Châu đã bác bỏ lời biện minh của Nga về việc giảm dòng chảy, thay vào đó cáo buộc Moscow vũ khí hóa năng lượng vì sự hỗ trợ của khối dành cho Ukraine trong cuộc xung đột đã kéo dài đã sáu tháng.
Hôm thứ Ba (30/08), Pháp cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung cấp năng lượng cho Âu Châu như một “vũ khí chiến tranh”.
Khi được các phóng viên hỏi một ngày trước khi dự kiến đóng cửa Nord Stream 1 rằng liệu có bất kỳ đảm bảo nào để các dòng khí đốt sẽ hoạt động trở lại hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov liên kết việc ngừng hoạt động với các vấn đề kỹ thuật liên quan đến các lệnh trừng phạt.
Ông nói: “Có những đảm bảo rằng, ngoài các vấn đề công nghệ do các lệnh trừng phạt gây ra, không có gì cản trở nguồn cung cấp này.”
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine, trong đó Moscow tuyên bố hành động này đã cản trở khả năng tiến hành bảo trì đường ống của nước này.
Ông Peskov nói: “Các nước Âu Châu, Canada, Hoa Kỳ, Anh Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga, không cho phép thực hiện công việc bảo trì và sửa chữa bình thường, đồng thời cũng không cho phép đăng ký hợp pháp việc đưa các linh kiện và cụm lắp ráp trở lại nơi hoạt động của chúng.”
Ông nói thêm: “Không có trở ngại nào khác để Nga thực hiện các nghĩa vụ của mình.”
‘Không có lý do để báo động vào lúc này’
Moscow đã phủ nhận việc vũ khí hóa các dòng năng lượng, khẳng định việc cắt giảm nguồn cung là do các vấn đề kỹ thuật, nhưng những nhận xét của ông Peskov cho thấy rõ ràng rằng Nga coi việc gián đoạn nguồn cung cấp có liên quan đến các lệnh trừng phạt.
Âu Châu và cơ sở công nghiệp của khối phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, với nguồn cung giảm khiến giá cả tăng vọt và làm tăng triển vọng suy thoái.
Ông Klaus Muller, chủ tịch cơ quan quản lý mạng lưới của Đức (Bundesnetzagentur), nói với Reuters hôm thứ Tư rằng các nhà chức trách Đức “không thực sự hiểu nhu cầu kỹ thuật đối với việc bảo trì mới này từ Nga, nhưng trong khi đó, Đức hiện đã chuẩn bị tốt hơn.”
Ông Muller cho biết trong một bài đăng hôm thứ Tư trên Twitter rằng Đức đã chuẩn bị tốt hơn để vượt qua tình trạng mất điện vì kho khí đốt của họ đã được lấp đầy gần 85% và họ đang bảo đảm được nguồn cung từ các nguồn khác.
Ông Mueller viết trong thông điệp: “Chúng ta có thể lấy khí đốt từ kho vào mùa đông, chúng ta đang tiết kiệm khí đốt (và cần tiếp tục làm như vậy!), các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sắp ra mắt, và nhờ Bỉ, Hà Lan, Na Uy (và sắp tới là Pháp), khí đốt đang chảy.”
Trong nhận xét với Reuters, ông Muller đã coi nhẹ tác động ngắn hạn của việc cắt giảm nguồn cung của Moscow, với lý do nhiệt độ mùa hè ấm áp.
Ông nói: “Không có lý do gì để báo động vào lúc này. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu chúng ta có đang nói về ba ngày hoặc liệu sau đó Nga có đưa ra quyết định khác bằng cách nào đó hay không.
Ông cho biết thêm: “Hiện tại, tôi tin tưởng rằng, bất chấp tất cả những kinh nghiệm trong vài tháng qua, Nga sẽ quay trở lại mức giao hàng ít nhất 20%. Nhưng không ai thực sự có thể đưa ra một dự đoán đáng tin cậy ngay bây giờ.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times