Pháp hướng đến năng lượng hạt nhân để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng do Nga gây ra ở Âu Châu
Pháp đang hướng đến lựa chọn năng lượng hạt nhân nhằm bảo đảm nguồn cung cho chính mình cũng như cung cấp năng lượng cho Âu Châu, nơi đang đối mặt với cái được coi là hành động trả đũa của Nga đối với các nước đồng minh của Ukraine – quốc gia mà quân đội Nga đã tiến hành xâm lược hồi tháng Hai – bằng cách cắt giảm xuất cảng năng lượng sang châu lục này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố các kế hoạch xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân mới và, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, ông cũng đang cân nhắc việc xây dựng thêm tám lò tùy theo nhu cầu tiêu thụ điện.
Hôm 27/07, đại tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga một lần nữa đã giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, gây thêm căng thẳng về nguồn cung sẵn có ở Âu Châu.
Đức đã lên án đây là hành động chính trị, mặc dù Nga lại đổ lỗi cho các vấn đề kỹ thuật.
Khả năng Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của Âu Châu bằng cách cắt giảm khí đốt tự nhiên đã tăng lên và dẫn đến giá khí đốt tăng gần 2%.
Ông James Huckstepp, giám đốc mảng phân tích khí đốt EMEA tại S&P Global, nói với Financial Times, “Mọi người trên thị trường đều dự đoán lượng khí đốt của Nga sẽ giảm. Nhưng thị trường không ngờ lưu lượng sẽ giảm nhanh như vậy.”
Lần cắt giảm này của Nga chỉ là lần mới nhất trong một loạt các đợt cắt giảm và đưa lượng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống xuống còn 20% công suất.
Trong một bài diễn văn hôm 25/07, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga “tống tiền bằng khí đốt” bởi vì Âu Châu ủng hộ đất nước của ông chống lại cuộc xâm lược của Nga.
“Nga đang tiến hành một cuộc chiến khí đốt công khai chống lại một Âu Châu thống nhất — đây chính xác là cách nhìn nhận sự việc này. Nga không quan tâm điều gì sẽ xảy đến với mọi người, họ sẽ phải tổn thất thế nào — chịu đói do phong tỏa bến cảng hoặc chịu giá rét và đói nghèo vào mùa đông … hoặc công việc của họ. Đây chỉ là những hình thức khủng bố khác nhau.”
Hôm 24/02, Nga đã xâm lược Ukraine, làm trầm trọng thêm một cuộc xung đột kéo dài từ năm 2014. Nhằm đáp trả và nỗ lực kiềm chế cuộc xâm lược của Nga, Hoa Kỳ đã phối hợp với các nước G-7 và Liên minh Âu Châu bắt đầu tiến hành một loạt các biện pháp trừng phạt ngày càng leo thang.
Theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế, ban đầu là các biện pháp trừng phạt tài chính: Hoa Kỳ đã chặn các ngân hàng lớn của Nga như VEB và Promsvyazbank. Sau đó, Hoa Kỳ và các nước đồng minh đã trừng phạt hàng chục công ty quốc phòng Nga, cùng với giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ, nhằm cắt hỗ trợ và viện trợ tài chính cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngay sau đó là việc phong tỏa tài sản của hai trong số các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga: Sberbank và Alfa Bank.
Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này đã không ngăn được Nga tấn công vào Ukraine, và đến ngày 08/03, Tổng thống Joe Biden ký một sắc lệnh cấm nhập cảng dầu của Nga. Trước lệnh cấm, Hoa Kỳ nhập cảng khoảng 700,000 thùng dầu mỗi ngày.
Đức và Ba Lan cũng cam kết cấm dầu của Nga bằng cách đến cuối năm nay sẽ giảm lượng dầu nhập cảng qua đường ống.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, hôm 03/06 Liên minh Âu Châu đã tham gia vào các lệnh trừng phạt nhập cảng dầu của Nga bằng cách áp đặt lệnh cấm vận một phần lên dầu của Nga — bắt đầu với việc nhập cảng dầu thô qua đường biển vào tháng 12 tới và nhập cảng dầu mỏ vào tháng 02/2023.
Quan trọng là, lượng nhập cảng qua đường ống được miễn các lệnh cấm trong tương lai vì các nước thành viên EU như Slovakia, Hungary, và Cộng hòa Séc phụ thuộc vào chúng để sản xuất năng lượng.
Để đáp trả, Nga cam kết sẽ tìm những nước khác nhập cảng dầu của mình — cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Putin ký một sắc lệnh yêu cầu bên ngoại quốc mua khí đốt tự nhiên phải thanh toán bằng đồng rúp, đồng thời Nga bắt đầu cắt giảm xuất cảng khí đốt tự nhiên sang Âu Châu.
Đan Mạch, Phần Lan, Bulgaria, và Ba Lan đều từ chối tuân thủ sắc lệnh nói trên, và Nga ngừng cung cấp khí đốt cho những nước này.
Sau đó, Nga cắt giảm một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập cảng của Slovakia và Ý, đồng thời cắt hoàn toàn lượng khí đốt sang Pháp. Đức bác bỏ lời giải thích về các vấn đề kỹ thuật của Nga. Hôm 23/07, Nga tiếp tục cắt giảm cung cấp khí đốt cho một số nước Âu Châu.
Đáng chú ý, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước Âu Châu đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng đang dần hình thành ở đó, vì Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho khối 27 quốc gia này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong báo cáo triển vọng tháng Bảy: “Lưu lượng của đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Âu Châu đã giảm mạnh xuống còn khoảng 40% so với mức của một năm trước đó, góp phần khiến giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong tháng Sáu.”
Điện Kremlin đáp trả
Hơn nữa, những lệnh trừng phạt năng lượng đã ảnh hưởng không đáng kể đến nền kinh tế của Nga và tác động rõ rệt đến Âu Châu.
IMF cho biết: “Kinh tế Nga được ước tính sẽ thu hẹp trong quý II ít hơn so với dự kiến trước đó, với xuất cảng dầu thô và phi năng lượng duy trì tốt hơn so với dự kiến.”
“Ngoài ra, nhu cầu trong nước cũng đang cho thấy một số khả năng phục hồi nhờ việc hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với khu vực tài chính trong nước và sự suy yếu thấp hơn dự đoán của thị trường lao động.”
IMF cho biết: “Trong khi đó, tác động của chiến tranh đối với các nền kinh tế lớn ở Âu Châu tiêu cực hơn dự kiến, do giá cả năng lượng cao hơn cũng như niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và động lực sản xuất chậm hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và chi phí đầu vào tăng.”
Đáng lo ngại hơn, IMF đã phân tích tác động tiềm tàng của việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức và nhận thấy rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 1.5% vào năm 2022, 2.7% vào năm 2023, và khiến lạm phát tăng 2 điểm phần trăm trong cả năm 2022 và 2023.
Thêm vào đó, nếu không giảm ít nhất 9% lượng tiêu thụ khí đốt, thì người Đức sẽ gặp phải tình trạng thiếu khí đốt, tập trung vào những tháng mùa đông.
Năm 2000, Đức đã ban hành Đạo luật về các Nguồn Năng lượng Tái tạo (EEG), trong đó yêu cầu 6% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo.
Vào năm 2017, đạo luật trên đã được sửa đổi, yêu cầu 40 đến 45% năng lượng phải từ năng lượng tái tạo vào năm 2025, và lên đến 65% vào năm 2030, theo Bộ về các Vấn đề Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang.
Do đó, [nước này] đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, được gọi là Energiewende, sang năng lượng tái tạo.
Vào năm 2017, năng lượng hạt nhân đã giảm xuống còn 11.7% tổng sản lượng điện của Đức, than non và than cứng giảm xuống còn 36.6%. Năng lượng tái tạo đã tăng lên và chiếm 33.3% tổng sản lượng điện của Đức, trong đó năng lượng gió là chủ đạo và tổng công suất xấp xỉ 110 terawatt giờ (TWh).
Năng lượng gió và mặt trời
Mặc dù tỷ lệ phần trăm năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch đã giảm ở Đức, nhưng năng lượng tái tạo không thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, năm 2017, khí đốt tự nhiên chiếm 13.2% tổng năng lượng của Đức, đến năm 2019, khí đốt tự nhiên đã tăng lên 25% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức.
Bà Sarah Lohmann, một thành viên tham gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đức Đương đại của Mỹ tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Thật không may, trong niềm đam mê dẫn đầu khối này, Đức đã không làm tốt phép toán của mình.”
“Nước này đã không tạo ra đủ năng lượng tái tạo để thay thế hạt nhân và than đá mà họ từng quyết tâm loại bỏ dần. Khi lò phản ứng hạt nhân cuối cùng bị ngừng hoạt động vào năm tới, thì có thể sẽ thiếu mất 4.5 gigawatt, hoặc tương đương với những gì mà 10 nhà máy nhiệt điện than lớn sẽ cung cấp.”
Ở Đức, “các gia đình trung bình phải trả nhiều hơn 43% so với mức trung bình phải trả cho các hóa đơn điện ở 27 quốc gia khác trong Liên minh Âu Châu, do các loại thuế và phí chiếm 50% của hoá đơn, và số tiền đó là phải trả cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo,” bà nói thêm.
Một phần vì để bù đắp cho sự thiếu hụt này, Đức đã quay sang Nga. Tuy nhiên, vì Nga hiện đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề, và phản ứng bằng hành động tương tự, vào tháng Bảy, Quốc hội Đức đã gấp rút thông qua luật cho phép nước này đưa các nhà máy điện than đã ngừng được hoạt động trở lại.
Trong báo cáo hồi tháng Bảy, IMF đã cho rằng Hungary, Slovakia, Czechia, Ý, và Đức đều là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước cuộc xâm lược năng lượng của Nga do họ phụ thuộc vào việc nhập cảng năng lượng. Ngược lại, điều này đã làm nổi bật các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, và Anh được xem như là những nước ít bị ảnh hưởng.
Quan trọng hơn, ngoài việc tương đối an toàn trước các hành động khiêu khích năng lượng của Nga, Pháp còn là nhà xuất cảng điện lớn nhất của Âu Châu (chủ yếu sang Anh và Ý), xuất cảng hơn 70 TWh mỗi năm trong thập niên vừa qua, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Độc lập về năng lượng
Thật vậy, Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, và 17% là từ nhiên liệu hạt nhân tái chế.
“Theo kết quả của một quyết định năm 1974, Pháp hiện tuyên bố mức độ độc lập về năng lượng đáng kể và chi phí điện thấp hơn mức trung bình ở Âu Châu,” Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho biết trong một tờ thông tin hồi tháng Ba. “Họ cũng có mức phát thải carbon dioxide trên đầu người vô cùng thấp từ việc phát điện, vì hơn 80% điện năng của nước này đều là từ hạt nhân hoặc thủy điện.”
Cô Katie đưa tin về năng lượng và chính trị cho The Epoch Times. Trước khi bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một ký giả, cô Katie tự hào phục vụ trong Lực lượng Không quân với tư cách là Kỹ thuật viên Tác chiến Đường không trên Hệ thống Radar Tấn công Mục tiêu Giám sát Chung (JSTARS). Cô lấy bằng Triết học Phân tích và bằng chuyên ngành phụ về Nghiên cứu Nhận thức tại Đại học Colorado. Các bài viết của cô Katie đã xuất hiện trên CNSNews.com, The Maverick Observer, The Motley Fool, First Quarter Finance, The Cheat Sheet, và Investor.com. Quý vị có thể liên lạc với cô qua địa chỉ thư điện tử [email protected].