Elon Musk: Thế giới vẫn cần dầu và khí đốt, nếu không ‘nền văn minh sẽ sụp đổ’
Doanh nhân công nghệ Elon Musk nói với các phóng viên ở Na Uy hôm 29/08 rằng, thế giới vẫn phải tiếp tục khai thác dầu và khí đốt để duy trì nền văn minh, và việc này nên được thực hiện song song với phát triển nguồn năng lượng bền vững.
Ông Musk đã đưa ra những lời nhận xét này với các phóng viên trước hội nghị Offshore Northern Shore (ONS) ở Stavanger, Na Uy, nơi ông Musk dự kiến sẽ có bài diễn thuyết.
Sau khi đến địa điểm tổ chức hội nghị, ông nói với các phóng viên rằng ông đã đến “để bày tỏ sự cảm kích đối với sự ủng hộ của người dân Na Uy đối với xe điện” và gửi lời cảm ơn đến họ vì “sự ủng hộ vô cùng to lớn”.
Tại hội nghị, Giám đốc Tesla cho biết thêm, ông đang có kế hoạch cung cấp “ý tưởng cho quá trình chuyển đổi sang một thế giới năng lượng bền vững”, bao gồm khả năng mở rộng sản xuất điện gió ở Biển Bắc, vùng nước giữa Vương quốc Anh và Na Uy.
Ông Musk nói: “Những nơi có rất nhiều gió, có thể tiềm ẩn một lượng lớn năng lượng gió và khi được kết hợp với các bộ pin sạc cố định; đây có thể là một nguồn năng lượng rất bền vững và mạnh mẽ vào mùa đông.”
‘Chúng ta cần dầu và khí đốt’
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng dầu và khí đốt có nên tiếp tục được sử dụng hay không, ông Musk đáp lại bằng một lời nhận định.
Ông nói: “Trên thực tế, chúng ta cần sử dụng dầu và khí đốt vì, nếu không nền văn minh sẽ sụp đổ. Để nền văn minh tiếp tục hoạt động, chúng ta vẫn cần dầu và khí đốt,” ông tiếp tục và nói thêm rằng “bất kỳ người nào biết suy nghĩ đều sẽ kết luận điều đó.”
Không chỉ nên tiếp tục sử dụng dầu và khí đốt để duy trì hoạt động của nền văn minh, ông Musk nói rằng việc thăm dò thêm “là chính đáng vào thời điểm này”.
Ông nói thêm: Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên được tiếp tục đồng thời với những nỗ lực không ngừng xung quanh việc “thúc đẩy sự phát triển của năng lượng bền vững”.
Nhận xét của ông Musk về nhu cầu tiếp tục đối với nhiên liệu hóa thạch để duy trì nền văn minh được đưa ra khi ngành công nghiệp dầu khí đang hướng tới tương lai một cách thận trọng.
‘Khát khao có vốn’
Các nhà sản xuất dầu và khí đốt của Mỹ phải đối mặt với việc nguồn cung vốn bị thu hẹp, môi trường pháp lý không thân thiện, cũng như tình trạng thiếu nguyên liệu và lao động hợp lại gây ra những trở ngại đáng kể đối với hoạt động khoan dầu mới.
Ông Anthony Gallegos, Giám đốc điều hành của Independent Contract Drilling, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó, lưu ý rằng các ngân hàng ngày càng không muốn cung cấp các dòng tín dụng quay vòng hoặc các cơ sở cho vay dựa trên tài sản (ABLF) cho ngành công nghiệp dầu khí.
Ông nói thêm: “Có lẽ có một phần ba số ngân hàng ngày nay sẵn sàng cung cấp các quỹ quay vòng và ABLF cho các công ty dịch vụ [dầu khí] so với những gì đã có cách đây sáu năm”.
Các ngân hàng và nhà đầu tư đã và đang cắt giảm tài chính cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, được thúc đây bởi cả yếu tố kinh tế lẫn yếu tố chính trị.
Phù hợp với phong trào các nguyên tắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), hơn 100 ngân hàng đại diện cho 38% tài sản ngân hàng toàn cầu đã ký Tuyên bố Cam kết của Liên minh Ngân hàng Net-Zero (không phát thải ròng) của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, họ cam kết chuyển đổi danh mục cho vay để giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 hoặc sớm hơn. Một số ngân hàng Hoa Kỳ đã ký sáng kiến này.
Bên cạnh phong trào ESG, ngành dầu khí cũng đang thoát khỏi giai đoạn đầu tư quá mức vào các dự án khai thác mỏ mới cách đây một thập niên, trong đó nhiều nhà đầu tư hiện đang tìm cách tiếp cận thận trọng hơn.
Ông Gallegos nói, “Tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ thấy dòng vốn chảy vào ngành này như cách nó đã làm từ năm 2012 đến năm 2014.”
Ông nói, “Các nhà đầu tư đã nói rõ: ‘Chúng tôi không ở đây để tài trợ cho sự phát triển của quý vị chỉ vì lợi ích của sự tăng trưởng; nếu chúng tôi đưa tiền cho quý vị, thì quý vị sẽ phải cho chúng tôi thấy một con đường hướng tới việc tạo ra lợi nhuận, nơi chúng tôi nhận lại được một điều gì đó với tư cách là các nhà đầu tư.”
Bên cạnh sự thận trọng hơn của các nhà đầu tư, còn có một môi trường pháp lý không thân thiện, trong đó Quỹ Di sản gần đây đã mô tả các chính sách năng lượng của chính phủ ông Biden là “cực đoan” và được xây dựng “dựa trên một câu chuyện hư cấu phản đối nhiên liệu hóa thạch đang gây ra khó khăn không cần thiết và khiến người Mỹ phải trả giá đắt.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times