Giá điện ở Âu Châu lần đầu tiên cao hơn 1,000 euro, tăng 1,000% so với năm ngoái
Hôm 29/08, giá điện của Đức, theo tiêu chuẩn Âu Châu, lần đầu tiên đạt 1,000 euro/megawatt-giờ (MWh), sau khi lên đến mức 850 euro hôm 26/08, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực tăng cao vì các lệnh trừng phạt chống lại Nga gây ra tình trạng thiếu các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.
Giá thành điện ở Âu Châu đã tăng 1,000% so với năm ngoái.
Giá dầu toàn cầu cũng tăng do lo ngại sẽ có thêm các đợt cắt giảm sản lượng.
Theo Bloomberg, tính đến giữa buổi sáng hôm 29/08 ở Đức, hợp đồng giao điện hàng năm của Đức cho năm 2023 đã tăng tới 6.6%, giao dịch ở mức 1,050 euro/MWh, đã tăng lên từ 850 euro/MWh hồi cuối tuần trước (27-28/08).
Các hợp đồng điện năm 2024 và năm 2025 của Đức cũng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Cũng trong tuần trước, các hợp đồng điện của Pháp đã tăng trên mức 1,000 euro, do nước này đang trải qua sụt giảm sản xuất điện hạt nhân và hạn hán nghiêm trọng.
Các nhà giao dịch tương lai đã giao dịch giá điện của Pháp ở mức giá cao chóng mặt: 1,600 euro/MWh cho tháng Mười Hai.
Sự gia tăng chi phí trở nên nghiêm trọng hơn vào hôm 26/08, khi giá điện ở Đức và Pháp tăng hơn 25% vì lo ngại rằng phía Nga sẽ thắt chặt hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Liên minh Âu Châu (EU).
Giá năng lượng tăng vọt sau khi công ty năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga thông báo đóng cửa đường ống Nord Stream 1 trong ba ngày để bảo trì, bắt đầu từ ngày 31/08 đến ngày 02/09.
Gazprom hứa rằng họ sẽ nối lại các dòng chảy khí đốt nếu không phát hiện ra vấn đề gì.
Hạn hán và thiếu hụt
Trong khi đó, việc các nhà máy điện hạt nhân Pháp gặp vấn đề bảo trì nghiêm trọng và việc cung cấp than toàn khu vực gặp trục trặc do thời tiết đã khiến một số hợp đồng điện ở Âu Châu lập mức đỉnh mới trong hôm 29/08.
Đợt hạn hán nghiêm trọng lịch sử khiến mực nước sông Rhine ở Đức giảm gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu than tại các nhà máy điện.
Đợt hạn hán này cũng làm giảm lượng nước cần thiết để làm mát một số lò phản ứng hạt nhân còn lại ở Đức, cũng như giảm khối lượng nước cần thiết để vận hành các đập thủy điện; tuy nhiên, căng thẳng đã dịu bớt phần nào sau khi Tây Âu có mưa cuối tuần qua.
Giá năng lượng đã tăng trên toàn thế giới kể từ khi kết thúc các biện pháp phong tỏa do đại dịch hồi năm ngoái (2021), nhưng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, do nước này xâm lược Ukraine, đã khiến tình hình tồi tệ hơn.
Cho đến nay có vẻ nền kinh tế Nga chống chịu các lệnh trừng phạt tốt hơn nhiều so với dự kiến, trong khi đó phần còn lại của Âu Châu phải chịu thiệt hại do thiếu hụt năng lượng, lương thực, và nguyên liệu thô.
Đặc biệt, Đức đã phải gánh chịu cảnh giá năng lượng tăng vọt do dòng khí đốt chậm lại từ phía Nga, quốc gia ngày càng miễn cưỡng trong việc cung cấp khí đốt.
Nhiều nhà máy điện ở Âu Châu trông chờ vào khí đốt tự nhiên của Nga để có thể sản xuất điện, điều này đã gây ra hậu quả tai hại cho nền kinh tế Đức, một nước có được phần lớn khí đốt của mình từ Nga.
Trong thập niên qua, Đức đã theo đuổi các giải pháp thay thế “năng lượng xanh” để sản xuất điện, cũng như đóng cửa mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân, nhưng kế hoạch đóng cửa các nhà máy hạt nhân còn lại hiện đã bị đình trệ.
Trong khi đó, hồi tuần trước công ty cung cấp điện Uniper của Đức tuyên bố rằng họ sẽ khởi động lại một trong những nhà máy nhiệt điện than của mình để sản xuất thêm điện đến cuối tháng 04/2023.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hủy bỏ dự án đường ống Nord Stream 2 sau cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng Hai.
Gần đây, các chuyến hàng khí đốt đến Đức đã bị thiếu hụt, điều mà Moscow cho rằng nguyên nhân là do các vấn đề kỹ thuật với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng các cơ sở lưu trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy nhanh hơn so với kế hoạch, với dữ liệu ngành cho thấy lấp đầy ở mức 82.2%.
Mặc dù phía Pháp không từ bỏ điện hạt nhân như Đức, nhưng giá khí đốt tăng cao vẫn ảnh hưởng nặng nề đến nước này, bởi 24 trong số 56 nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang gặp trục trặc kỹ thuật.
Công ty cung cấp điện quốc doanh Électricité de France thông báo rằng họ đang phải đối mặt với các vấn đề bảo trì nghiêm trọng vì các cơ sở hạt nhân bị ăn mòn, khiến sản lượng điện của Pháp giảm xuống mức thấp lịch sử.
Mặc dù hôm nay sản lượng điện hạt nhân của Pháp tăng 2% so với cuối tuần trước, lên 43% công suất, khiến giá điện giao ngay của EU giảm, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tình trạng thiếu hụt năng lượng đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại hai nền kinh tế hàng đầu EU này, đưa đến những dấu hiệu tình trạng bất ổn và lo ngại bạo loạn trên diện rộng, trong bối cảnh nhiều người dân phải chịu các hóa đơn tiền điện cao hơn và lo ngại về một mùa đông lạnh hơn.
Chủ tịch Liên minh Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết trong bài diễn văn hôm 29/08 tại Hội nghị thượng đỉnh Chiến lược Bled ở Slovenia, “Vì những lý do khác nhau, giá điện tăng vọt hiện đang bộc lộ những hạn chế trong cơ cấu thị trường điện hiện tại của chúng ta.”
Tuần qua (22-28/08), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đánh dấu “tình trạng dư thừa đã chấm dứt”, kêu gọi nước này cùng nhau “nỗ lực đoàn kết” cắt giảm mức tiêu thụ điện.
Bài diễn văn của ông Macron nhanh chóng bị chỉ trích nặng nề sau việc ông được cho là đạo đức giả khi lái mô tô nước trong kỳ nghỉ ở French Riviera, mà lại yêu cầu phần còn lại của đất nước hy sinh quyền lợi cá nhân.
Hôm 29/08, Thủ tướng Đức đã đến thăm Praha để gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala, nhằm chuẩn bị cho một hội nghị khẩn cấp sắp diễn ra vào tháng tới về khủng hoảng năng lượng Âu Châu.
Ông Scholz nói rằng EU phải điều chỉnh chính sách năng lượng để liên minh này sẽ “không còn phải chịu mức giá cao như chúng ta đang chứng kiến nữa” và chuẩn bị thêm cho mùa đông.
Ông nói rằng các nhà lãnh đạo EU “sẽ cùng hành động nhanh chóng”, vì điều đó là “cần thiết để chúng ta thực hiện những thay đổi về cơ cấu góp phần làm cho giá điện giảm nhanh trở lại và đủ cung cấp” điện.
Cộng hòa Séc, hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng năng lượng EU hôm 09/09.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times