Lạm phát ở Đức tăng cao kỷ lục khi Ngân hàng Trung ương Âu Châu có kế hoạch tiếp theo
Lạm phát ở Đức đạt mức cao kỷ lục 8.8% trong tháng Tám do giá năng lượng tăng cao, gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) khiến họ phải tăng lãi suất ồ ạt vào cuộc họp tới.
Đức, nền kinh tế lớn nhất của Liên minh Âu Châu, đã không có tỷ lệ lạm phát cao như vậy kể từ mùa đông năm 1973–1974, khi giá cả trên toàn cầu được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.
Giá lương thực và năng lượng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, một phần lớn là do cuộc chiến ở Ukraine. Giá năng lượng ở Đức đã tăng 35.6% trong tháng Tám so với cùng thời điểm năm 2021, và giá thực phẩm đã tăng 16.6%.
Hôm 30/08, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết tác động của việc tăng giá trong hai danh mục đó đã được bù đắp một phần bằng viện trợ tạm thời của chính phủ kể từ tháng Sáu, bao gồm giảm thuế đối với nhiên liệu và giảm giá đối với phương tiện giao thông công cộng.
Tuy nhiên, cả hai biện pháp cứu trợ này sẽ hết hạn vào ngày 31/08, điều này có thể khiến giá cả tăng cao hơn nữa.
Văn phòng thống kê cho biết những gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra vẫn còn có thể cảm thấy trong nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Đức, Bundesbank, cho biết trong báo cáo tháng Tám rằng “tỷ lệ lạm phát có thể tăng lên khoảng 10% vào mùa thu,” mặc dù họ lưu ý rằng triển vọng lạm phát của nước này là “vô cùng bấp bênh” vì sự không chắc chắn trên thị trường hàng hóa do chiến tranh ở Ukraine.
Phần còn lại của Âu Châu
Báo cáo lạm phát của Khu vực đồng tiền chung Âu Châu được nhiều người chờ đợi, sẽ được công bố vào ngày 31/08, dự kiến sẽ cho thấy lạm phát ở mức 9%, tăng từ mức 8.9% trong tháng Bảy.
ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất Âu Châu thêm 50 điểm căn bản vào cuộc họp tiếp theo được tổ chức hôm 08/09, nhưng mức tăng 75 điểm căn bản có thể được cân nhắc đến, đặc biệt nếu lạm phát đạt một kỷ lục khác.
ECB có thách thức kép, vừa phải kiểm soát lạm phát gia tăng trong khối vừa phải tránh tăng thêm chi phí sinh hoạt.
Nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB đã cảnh báo về một bước đi lớn hơn trong việc kiểm soát giá cả tăng cao, khi các nhà hoạch định chính sách khác trong hội đồng 25 thành viên của ngân hàng trung ương này đang kêu gọi đưa ra một chính sách mạnh mẽ hơn để giải quyết lạm phát.
Tại một cuộc thảo luận của hội đồng ngân hàng trung ương ở Barcelona hôm 29/08, ông Lane cho biết điều quan trọng là phải có một tốc độ ổn định, không quá nhanh cũng không quá chậm.
Ông tin rằng việc tăng lãi suất 50 điểm căn bản vào tháng Chín thông qua “một loạt các mức tăng được hiệu chỉnh nhiều bước” “thay vì một số lượng nhỏ hơn các lần tăng lãi suất lớn hơn” sẽ ít có khả năng khiến nền kinh tế rộng lớn hơn phải đối mặt với những tác động bất lợi từ một hành động như vậy.
Thành viên ban điều hành ECB Isabel Schnabel cho biết tại hội nghị kinh tế Jackson Hole, Wyoming hôm 27/08 rằng phải có “quyết tâm mạnh mẽ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu một cách nhanh chóng,” và cần phải xem xét một mức tăng lớn hơn.
Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung Âu Châu cao gấp bốn lần tỷ lệ mục tiêu là 2%, do dòng khí đốt của Nga đang dần bị cô lập khỏi phần còn lại của lục địa này, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Bà nói thêm: “Nếu công chúng mong đợi các ngân hàng trung ương hạ thấp cảnh giác trước những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế, tức là nếu họ từ bỏ cuộc chiến chống lạm phát, thì chúng ta có nguy cơ chứng kiến một đợt điều chỉnh mạnh hơn nhiều.”
Có một số tin tức tích cực hôm 30/08 sau khi giá năng lượng tiêu chuẩn của Âu Châu giảm, khi Ủy ban Âu Châu công bố các kế hoạch quản lý tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times