Văn nhân không đỗ khoa cử, bất ngờ trở thành thầy dạy học của Hoàng Đế
Trong những năm Khang Hy triều Thanh, có một văn nhân rời xa quê nhà, vượt ngàn dặm xa xôi đi tới kinh thành tham gia khoa cử. Mặc dù người này tài hoa xuất chúng, học thức uyên bác, nhưng kỳ lạ là cuối cùng lại không đỗ bảng vàng, rất nhiều người đều cảm thấy tiếc thay cho ông.
Sau khi chán nản thất vọng, ông thu dọn hành lý trở về quê, chờ đến năm sau thi lại. Vào đêm trước ngày trở về, ông đột nhiên nghe thấy tiếng gõ cửa, âm thanh có chút gấp gáp. Vị tiên sinh này giật mình, nghĩ thầm: Mình chưa quen thuộc cuộc sống trong kinh thành, cũng không có bạn bè thân thích, nửa đêm khuya khoắt thế này, là ai đến tìm chứ? Chẳng lẽ mình đã phạm phải chuyện gì, nay quan phủ tìm tới cửa?
Ông bèn mở cửa hỏi thăm, nhìn thấy có mấy người mặc trang phục người hầu, đưa lên quà tặng, nói rằng chủ nhân của mình là một vị phú ông, muốn mời tiên sinh làm thầy dạy học cho công tử. Vị tiên sinh rất đỗi kinh ngạc, trong khi ông đang thất thần thì vị chủ nhân kia đã đi vào phòng. Sau khi chào hỏi, người này nói: “Mặc dù tôi với tiên sinh vốn không quen biết, nhưng đối với đạo đức văn chương của tiên sinh, thì tôi nghe tiếng đã lâu. Nhà tôi có một đứa cháu nhỏ, hy vọng có thể phó thác cho tiên sinh chỉ dạy.” Vị tiên sinh vừa vui mừng vừa lo sợ, vội vàng khiêm nhường đáp: “Tôi chẳng qua chỉ là một người đọc sách từ phương Nam, lần này đến kinh thành dự thi mà không đỗ, bây giờ đang chuẩn bị hành lý, sắp sửa về quê rồi, sao dám vọng tưởng làm thầy của người khác? E rằng khó mà tuân mệnh.”
Vị chủ nhân này vẫn kiên trì thỉnh cầu, nói: “Chị dâu tôi góa chồng, chỉ có một người con trai còn nhỏ, vẫn luôn muốn tìm một vị thầy giỏi đến dạy cháu bé. Tiên sinh đã đến kinh thành rồi, sao không ở lại nơi này chờ đợi lần thi tiếp theo, như vậy cũng tránh được nỗi vất vả phải bôn ba qua lại.”
Vì thấy người chủ nhân này liên tục thỉnh cầu, vị tiên sinh bèn nghĩ lại: Mình bôn ba qua lại cũng lãng phí không ít thời gian, chi bằng ở lại đây, trước thì làm thầy dạy học ba năm, đợi khoa thi lần sau vậy. Thế là ông bèn nhận lời. Vị chủ nhân kia liên tục nói lời cảm ơn, lúc gần rời đi thì nói với ông rằng: “Tiên sinh tạm thời đợi ở nơi này, qua vài ngày tôi sẽ phái người tới đón ngài.” Ông cung kính đồng ý, đợi sau khi những người kia đi rồi, ông nghĩ thầm sự việc này quá sức đường đột, không khỏi cảm thấy có chút bán tín bán nghi.
Qua mấy ngày, cũng là vào lúc đêm khuya, quả nhiên người hầu lần trước lại dẫn theo mấy người khác đến, dắt theo một con ngựa cao to. Người hầu này mời vị tiên sinh lên đường, còn mấy người khác thì khiêng giúp hành lý, một đoàn người im lặng cầm đuốc đi về phía trước. Vị tiên sinh ngồi trên lưng ngựa, trong lòng cảm thấy run sợ, đoạn đường này ông chưa từng đi qua. Trong bóng đêm mịt mùng, cũng không biết đi đã đi được bao lâu, cuối cùng cả đoàn người đi đến một nơi ở có tường cao ngõ sâu, bên trong quy mô rộng lớn, xem ra vị chủ nhân này không giàu sang thì cũng tôn quý. Người hầu dẫn ông đến một gian nhà trong đó, rồi mời ông xuống ngựa, dỡ hành lý xuống, đồng thời căn dặn ông: “Tiên sinh ở đây nghỉ ngơi, tuyệt đối không nên đi lung tung, nếu đói bụng hoặc khát nước, chỉ cần gọi chúng tôi là được rồi. Ngày mai, chủ nhân của tôi sẽ đến gặp ngài.”
Ngày hôm sau, vị chủ nhân của nhà này quả nhiên dẫn theo một đứa bé, hướng đến vị tiên sinh làm lễ bái sư. Ông quan sát thấy người đệ tử này của mình tuổi còn rất nhỏ, tóc vừa mới che trán, nhưng có vẻ từng trải, trưởng thành hơn so với tuổi. Vị chủ nhân nói với ông rằng: “Chị dâu tôi rất yêu chiều đứa nhỏ này, tiên sinh tuyệt đối không nên trách phạt nó.” Thế là, vào mỗi buổi chiều hàng ngày, tiểu đệ tử này đều đến nơi đây đọc sách, so với những đứa trẻ bình thường thì cậu thông minh hơn rất nhiều. Vị tiên sinh cũng tận tâm tận lực dạy cậu, hai người đối với nhau khá thân thiết. Vị chủ nhà tiếp đãi ông rất sung túc, thỉnh thoảng cũng tới trò chuyện để ông đỡ buồn. Còn về phần thù lao thì không đưa trực tiếp cho ông, mà đều là gửi đến tận nhà của ông. Đến cuối năm ông nhận được thư nhà báo bình an, đồng thời nói rằng: “Đã nhận được một khoản tiền”. Cứ như vậy, ông đã ở nơi này được ba năm.
Một buổi tối nọ, khi vị chủ nhà kia tới, ông bèn nói rằng năm nay có kỳ thi, ông muốn nghỉ dạy học để tham gia thi cử. Thế nhưng, vị chủ nhà không chịu đồng ý, chỉ cười ha ha nói rằng: “Tiên sinh không cần lo lắng, ngày sau ngài nhất định sẽ thăng quan tiến chức, tạm thời cứ dạy cháu nhỏ nhà tôi thêm ba năm nữa nhé.” Ông không thể làm gì hơn, cứ như vậy lại ba năm nữa trôi qua, trong lòng không khỏi có chút oán trách. Một hôm, vị chủ nhà đi tới, cảm tạ nói rằng: “Cháu tôi nhờ có tiên sinh dạy bảo, bây giờ có thể trưởng thành tự lập. Tiên sinh nóng lòng cầu công danh, không còn dám giữ lại nữa, xin được cung kính tiễn tiên sinh.”
Ông mừng rỡ, liền sắp xếp hành lý chuẩn bị rời đi. Đến một đêm nọ, người hầu lại dẫn ông đi đến một nơi rồi nói: “Tiên sinh tạm ở đây chờ đợi một lúc, đến khi trời sáng tôi sẽ đưa ngài ra ngoài.” Không lâu sau, ông nghe thấy bên ngoài có tiếng triệu kiến, lập tức có mấy người mặc trang phục thái giám tiến đến dẫn ông đi. Những nơi đi qua đều là cung điện nguy nga tráng lệ, ông chưa từng nhìn thấy những cảnh tượng này, bất giác hoảng sợ.
Cuối cùng họ cũng đi tới một cung điện, trên điện có người ngồi trên ghế rồng ở trên cao. Ông lén nhìn lên một cái, vừa nhìn thì bị dọa sợ đến hồn bay phách tán. Người ngồi trên điện lại chính là đệ tử mà mình đã dạy học sáu năm qua, thì ra người ấy chính là đương kim Hoàng Thượng Khang Hy. Ông sợ hãi vội vàng phủ phục trên mặt đất. Sau đó, tiểu Hoàng Đế truyền lệnh cho tiên sinh có thể đứng lên, ban cho tiên sinh chức quan Từ Lâm. Vị tiên sinh bái tạ xong rồi đi ra khỏi cung điện, mồ hôi ướt đẫm cả lưng, y phục cũng đều bị ướt hết.
Sử sách không có ghi chép họ tên của vị tiên sinh này, chỉ gọi ông là “Nam sĩ.”