Ước tính của luật sư: ĐCSTQ thu về gần 9 tỷ USD lợi nhuận thường niên từ cuộc diệt chủng y tế
Ông Matas cho biết con số chính thức về các ca cấy ghép nội tạng là 10,000 nội tạng mỗi năm, nhưng cho rằng con số này có thể cao hơn gấp 10 lần.
Chuyên gia nhân quyền quốc tế David Matas đã nêu bật quy mô của cuộc diệt chủng y tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện, ước tính hàng năm chính quyền này có thể thu về gần 9 tỷ USD (tương đương 13.5 tỷ AUD) từ việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
“Con số là quá lớn và quá khủng khiếp,” ông Matas, luật sư nhân quyền quốc tế, nói trong phần vấn đáp sau buổi chiếu phim tài liệu “State Organs” (Nội tạng Nhà nước), bộ phim vạch trần những tội ác bí mật của nhà cầm quyền cộng sản này.
“Con số tổng mà tôi tính toán được là 8.9 tỷ USD mỗi năm.”
Bộ phim tài liệu đạt giải thưởng này kể về hành trình đầy nguy hiểm để tìm kiếm hai người trẻ tuổi mất tích một cách bí ẩn ở Trung Quốc.
Nhưng những gì mà thân nhân của họ phát hiện ra còn tàn ác hơn nhiều: một ngành công nghiệp được nhà nước bảo trợ nhắm vào những công dân vô tội, khỏe mạnh để lấy nội tạng của họ, rồi sau đó đưa nội tạng của họ ra đem bán cho mục đích cấy ghép trên toàn cầu.
Ông Matas nói rằng con số chính thức của ĐCSTQ về các ca cấy ghép nội tạng là 10,000 cơ quan nội tạng một năm, nhưng tính toán của ông cho ra con số lớn hơn gấp 10 lần.
“Chúng tôi đã tự tính toán ra số lượng này bằng cách truy cập các trang web bệnh viện rồi cộng các con số lại với nhau. Số liệu chính thức của Trung Quốc là tổng cộng 10,000 nội tạng mỗi năm, nhưng tính toán của chúng tôi là 100,000 nội tạng mỗi năm,” ông nói. “Như thế là quá nhiều người.”
Ông đề cập đến những hành động tàn bạo trên quy mô lớn nhưng đôi khi khó nắm bắt, trích dẫn câu nói của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin rằng “mỗi cái chết đều là một thảm kịch, một triệu cái chết là một con số thống kê.”
Bộ phim tài liệu sẽ ‘khiến người Úc rùng mình’
Bà Kerry Wright, một khán giả và là cựu giáo viên trung học, cho biết bộ phim là lời nhắc nhở kịp thời về những mối lo ngại đạo đức xung quanh việc cấy ghép nội tạng và sự cần thiết phải có những quy định nghiêm ngặt hơn khi các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ đây là bộ phim sẽ khiến người Úc rùng mình,” bà Wright, người tham gia phong trào Tây Tạng, nói với The Epoch Times hôm 19/06.
Các học viên Pháp Luân Công không phải là tù nhân lương tâm duy nhất là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Người Tây Tạng, tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia, và người Duy Ngô Nhĩ cũng là nạn nhân.
“Họ đã biết về điều đó, nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người không muốn cảm nhận hay để mắt tới. Chỉ là quá … vượt xa tầm hiểu biết của họ, nhưng bộ phim này đã làm rất tốt điều đó.”
Một trong những câu chuyện sâu sắc trong phim là về anh Trâu Tùng Đào (Sonny Zou), bị giam giữ và tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh được phóng thích một thời gian ngắn nhưng bị lừa quay trở lại đồn công an vào năm 2000, rồi bị kết án ba năm trong một trại lao động.
Ngày hôm sau, anh Trâu lâm bệnh và qua đời; thi thể của anh đã được hỏa táng mà không có sự chấp thuận của gia đình. Anh Trâu khi đó 28 tuổi, để lại vợ và một con gái mới 11 tháng tuổi.
Người vợ góa của anh phải đối mặt với sự đe dọa và giám sát của công an vì phản đối cái chết của chồng mình, và cô đã mất tích ba tháng sau đó. Cái chết của vợ chồng anh Trâu vẫn còn là bí ẩn cho đến ngày nay.
Bà Wright nói rằng bộ phim nên được tất cả các nhà lập pháp xem.
“Tôi thực sự khuyến nghị đây là chương trình bắt buộc phải xem đối với tất cả những người hoạt động chính trị từ tất cả các đảng phái. Tôi không nghĩ đây là một vấn đề đảng phái,” nhà giáo dục người Úc này nói.
Nguồn gốc của ngành công nghiệp thu hoạch nội tạng bí mật
Ông Matas đã dành gần hai thập niên để cống hiến cho việc phơi bày hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống của chính quyền Trung Quốc.
Thành quả điều tra của ông, bao gồm cả cuốn sách mà ông là đồng tác giả với cố nghị sỹ Canada David Kilgour, “Thu hoạch đẫm máu các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc” (Bloody Harvest of Falun Gong Practitioners in China) đã được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Trong tác phẩm của mình, họ phát hiện ra rằng nguồn nội tạng chính bắt nguồn từ các học viên của Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện Phật gia truyền thống dạy các học viên sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Theo ước tính chính thức, Pháp Luân Công đã nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi nhờ những lợi ích sức khỏe mà môn tu luyện này mang lại. Số người theo tập đã tăng lên khoảng 70-100 triệu chỉ riêng ở Trung Quốc vào năm 1999.
Do đố kỵ với sự phổ biến của Pháp Luân Công và xem đó là mối đe dọa đối với sự cai trị toàn trị của nhà cầm quyền cộng sản, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với môn tu luyện này. Chiến dịch bức hại đang diễn ra bao gồm và không giới hạn ở việc giam giữ tùy tiện, tra tấn, cưỡng bức lao động, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Sự phổ biến và nhấn mạnh vào các giá trị đạo đức truyền thống của môn tu luyện này, giống như nền văn hóa đậm chất Phật Giáo và Đạo Giáo của Trung Quốc trước thời cộng sản, bị xem là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của nhà cầm quyền này.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times