Luật sư nhân quyền David Matas: Tiến trình chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức là ‘quá chậm chạp’
Luật sư nhân quyền đã quay trở lại Úc, một lần nữa kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống.
Luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã đưa ra nhận xét rằng tiến trình chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn ra “quá chậm chạp.”
Nghề nghiệp của ông Matas khiến ông dành hết công sức vào các nỗ lực chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, đàn áp dưới thời Liên Xô, và các chế độ độc tài ở Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, ông cho biết tiến trình của thế giới tự do trong việc xóa bỏ hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống của chính quyền Trung Quốc là hết sức chậm chạp.
“Tôi đã thụ lý vụ này từ năm 2006. Đã 18 năm rồi,” ông nói với Epoch Times hôm 04/06 trong chuyến thăm Nghị viện Úc. “Thật chậm chạp.”
Tháng 07/2006, ông Matas cùng cựu Quốc vụ khanh Canada kiêm luật sư nhân quyền David Kilgour đã công bố báo cáo của họ, trong đó kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Nguồn nội tạng chính được phát hiện là của các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện Phật gia dạy các học viên sống theo nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, và đã bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp kể từ năm 1999.
ĐCSTQ xem Pháp Luân Công là ‘Kẻ thù chính trị’
Pháp Luân Công được phổ biến rộng rãi và thậm chí còn được các quan chức Trung Quốc ca ngợi trong suốt những năm 1990, cho đến khi lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã đơn phương phát động một chiến dịch bạo lực vào thời điểm thiên niên kỷ cũ sắp kết thúc.
Sự phổ biến của môn tu luyện này cùng với sự chú trọng vào các giá trị đạo đức, vốn gợi nhớ đến nền văn hóa thấm nhuần [tư tưởng] Phật giáo và Đạo giáo của Trung Hoa trước khi có chính quyền cộng sản, được xem là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của quốc gia này.
Hậu quả của cuộc đàn áp là hàng ngàn học viên Pháp Luân Công bị bắt vào các nhà tù, trại giam, bệnh viện tâm thần, và các trung tâm tẩy não trong suốt 25 năm qua, đồng thời họ phải chịu đựng sự tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó có cấm ngủ, đánh đập, bức thực, và lạm dụng tình dục.
Ông Matas cho biết: “Việc sát hại hàng loạt tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ là để nhằm phục vụ cho mục tiêu kép của ĐCSTQ.”
“Những vụ sát hại này đã loại bỏ những người mà ĐCSTQ xem là kẻ thù chính trị.”
Úc theo sau các quốc gia khác nhưng có thể ‘trở thành một tấm gương’
Ông Matas cho biết việc giải quyết vấn đề thu hoạch nội tạng đã có tiến triển, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là chấm dứt tội ác này.
“Kể từ thời điểm đó, đã có những thay đổi, và có một số quốc gia đã ban hành luật hay ngăn chặn việc đồng lõa đối với hành vi lạm dụng cấy ghép tạng ở hải ngoại,” ông cho biết. “Nhưng Úc thì chưa.”
Luật sư đã liệt kê tính chất gián đoạn của hoạt động phản đối nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Ông cho biết: “Năm 2018, Ủy ban Nhân quyền [công bố] một bản báo cáo. Chính phủ đã phúc đáp bản báo cáo đó và chấp nhận các khuyến nghị về mặt pháp luật.”
“[Họ đưa ra] một kế hoạch hành động 5 năm về nạn buôn người. Họ đã công bố những phát hiện vào tháng 03/2023, và hiện vẫn đang tiến hành tham vấn ý kiến,” ông Matas nói thêm.
“Có một dự luật của Thượng viện về việc thu thập dữ liệu thông qua các tờ khai quan thuế, và ủy ban Thượng viện đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với dự luật năm 2018.”
Mặc dù Úc là một quốc gia nhỏ với tầm ảnh hưởng nhỏ hơn so với Hoa Kỳ và Canada, nhưng vị luật sư nhân quyền này nhấn mạnh rằng bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở thành tấm gương thông qua luật pháp và có một mặt trận thống nhất trong việc giải quyết những vấn đề này.
“Tôi nghĩ Úc không có được tầm ảnh hưởng toàn cầu như Hoa Kỳ, nhưng họ có thể trở thành tấm gương. Mặt trận của họ về vấn đề này càng thống nhất, thì việc này sẽ càng trở nên hiệu quả hơn.” ông Matas cho biết.
“Quan điểm của tôi là: đây là việc cần đến sự nỗ lực không ngừng.”
Thượng nghị sỹ Đảng Tự Do tham gia kêu gọi tự do
Thượng nghị sĩ Đảng Tự Do Paul Scarr cũng kêu gọi chính phủ Úc can thiệp để phản đối cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công phải đối diện.
Ông cho biết nhiều người Úc đã liên lạc với ông để báo cáo về việc các thành viên trong gia đình họ bị bức hại.
Ông Scarr nói với Epoch Times: “Với những trường hợp đại diện đó, tôi nghĩ rằng tôi có nghĩa vụ đạo đức phải bước ra ngày hôm nay.”
“Bản chất của vấn đề là: khi ai đó bị bức hại vì niềm tin tôn giáo, vấn đề lương tâm mà không phải là vấn đề khác, thì tôi tin rằng những người yêu tự do trên toàn thế giới có một nghĩa vụ đạo đức là phải đứng lên phản đối.”
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times