Công an Trung Quốc gửi giấy trắng cho gia đình học viên Pháp Luân Công thay cho thông báo bắt giữ
‘Thật đáng kinh ngạc khi họ thực sự có thể sử dụng một tờ giấy trắng để đại diện cho một văn bản pháp lý chính thức … Không từ ngữ nào diễn tả được sự điên rồ và phi lý này.’
Công an Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận khi gửi một tờ giấy trắng đến gia đình của một học viên Pháp Luân Công để trả lời cho lý do đằng sau việc bắt cóc bà. Một chuyên gia tin rằng hành động này là phi lý và có thể là một nỗ lực của công an nhằm trốn tránh trách nhiệm về cuộc bức hại đối với môn tu luyện này trong tương lai.
Theo Minh Huệ (Minghui.org), một trang web chuyên đưa tin về cộng đồng Pháp Luân Công trên toàn thế giới, hôm 21/05, bà Tả Tú Vân (Zuo Xiuyun), một học viên Pháp Luân Công, đã bị đội An ninh Quốc gia (một cơ quan công an chìm) bắt cóc ở quận Tấn An, thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến thuộc miền nam Trung Quốc.
Vào ngày hôm đó, công an đã tiến hành lục soát trái phép nhà của người học viên này, thu giữ các vật dụng cá nhân như máy in, máy điện toán, và nhiều cuốn sách. Theo Minh Huệ, bà Tả hiện đang bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại tạm giam số 2 thành phố Phúc Châu.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm linh và thiền định với các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Môn tu luyện này được Đại sư Lý Hồng Chí truyền ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992, và kể từ đó đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Pháp Luân Công hiện đang được luyện tập tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
Tháng 07/1999, lãnh đạo đương thời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo nhằm xóa sổ Pháp Luân Công cùng 100 triệu học viên của môn tu luyện này trong vòng sáu tháng. Chiến dịch bức hại mang tính toàn quốc này bao gồm các hình thức đàn áp như tra tấn, ngược đãi tâm thần, và sát hại các học viên để lấy nội tạng. Nhiều người tin rằng ông Giang cảm thấy bị đe dọa trước thực tế rằng có nhiều người tập Pháp Luân Công hơn số lượng đảng viên của ĐCSTQ.
Sáng hôm 23/05, gia đình bà Tả gọi điện cho ông Lưu Vệ Bình (Liu Weiping), đội trưởng Đội An ninh Quốc gia, hỏi tại sao bà bị bắt và khi nào bà sẽ được phóng thích.
Ông Lưu trả lời: “Chúng tôi sẽ gửi thông báo.”
Đến sáng hôm 24/05, gia đình nhận được thư từ đội An ninh Quốc gia quận Tấn An. Khi mở bức thư ra, họ thấy một mảnh giấy trắng không có lấy một chữ nào trên đó.
Sau đó, gia đình đã cố gắng gọi cho ông Lưu nhưng cả ngày số điện thoại của ông đều không thể liên lạc được.
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, tin rằng vụ việc này “rất phi lý” và có thể là một nỗ lực của công an thuộc lực lượng an ninh quốc gia nhằm tìm cách tránh để lại bằng chứng vì lo ngại phải chịu nhận trách nhiệm về sau.
Ông Ngô cho biết ĐCSTQ không thể bắt giữ bà Tả chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công.
Ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Cho dù dựa trên các dữ kiện thực tế hay niềm tin, từ các báo cáo liên quan, có vẻ như bà Tả Tú Vân không gây ra bất kỳ tổn hại nào cho xã hội hoặc tham gia bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào.”
Ông cho biết quyền tự do tín ngưỡng của các học viên Pháp Luân Công được Hiến Pháp Trung Quốc bảo vệ. Điều 36 của Hiến Pháp quy định công dân Trung Quốc được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.
Hiến Pháp Trung Quốc nêu rõ: “Không cơ quan Nhà nước, tổ chức công cộng hay cá nhân nào có thể ép buộc công dân tin hoặc không tin vào bất kỳ tôn giáo nào; họ cũng không được phân biệt đối xử với những công dân tin hoặc không tin vào bất kỳ tôn giáo nào.”
“Thứ nhất, điều đó rất vô lý… Chuyện như vậy chưa từng xảy ra”, ông Ngô nói về việc công an địa phương sử dụng một tờ giấy trắng để giải thích lý do bắt cóc và giam giữ bà Tả. “Họ hoàn toàn coi thường pháp luật và hơn thế nữa, họ còn coi thường cả những người liên quan.”
“Thật đáng kinh ngạc khi họ thực sự có thể sử dụng một tờ giấy trắng để đại diện cho một văn bản pháp lý chính thức… Không từ ngữ nào diễn tả được sự điên rồ và phi lý này.”
Gợi nhớ đến phong trào giấy trắng
Mặt khác, tờ giấy trắng khiến ông Ngô nhớ đến phong trào “cách mạng Giấy Trắng” đã xảy ra ở Trung Quốc nhằm phản ứng với chính sách phong tỏa “zero COVID” của ĐCSTQ.
Hồi tháng 11/2022, các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối các biện pháp phong tỏa do COVID-19 diễn ra trên khắp Trung Quốc. Làn sóng này được khơi mào bằng một cuộc biểu tình của một người đàn ông trên một cây cầu ở Bắc Kinh và nhanh chóng tăng mạnh sau khi một vụ hỏa hoạn ở một chung cư tại thủ phủ Urumqi của tỉnh Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc khiến ít nhất 10 người thiệt mạng một cách thảm thương, do nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận được hiện trường vì có các chướng ngại vật được dựng lên để phong tỏa do COVID-19 trên khắp khu dân cư này.
Phong trào này được đặt tên dựa theo hành động mang tính biểu tượng của người dân địa phương: giương cao những tờ giấy trắng để phản đối việc hạn chế ngôn luận.
Trong làn sóng được cho là phong trào biểu tình và tập hợp phản đối chính phủ lớn nhất xảy ra ở Hoa lục kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, ngoài việc phản đối chính sách phong tỏa hà khắc, những người biểu tình còn kêu gọi giải pháp cho những điều phi lý khác diễn ra trong xã hội Trung Quốc.
“Có phải họ đang dùng tờ giấy trắng này để nhắc nhở mọi người về Cách mạng Giấy Trắng?” ông Ngô hỏi. “Có phải họ đang dùng tờ giấy trắng này để bày tỏ sự bất bình với ĐCSTQ?”
Tránh để lại bằng chứng
Cuối cuộc phỏng vấn, ông Ngô đề ra một giả thuyết khác rằng cũng có thể là công an Trung Quốc gửi giấy trắng để tránh để lại bằng chứng để sau này không phải chịu trách nhiệm.
“Phải chăng họ đang lo sợ?” ông hỏi.
“Bởi vì họ biết rằng [cuộc bức hại Pháp Luân Công] này là tàn ác, chắc chắn sẽ được ghi vào lịch sử. Một khi xã hội Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi, thì những người tham gia vào những hành động tàn ác như vậy có thể sẽ phải chịu trách nhiệm.”
“Vì vậy, họ có thể không muốn để lại bất kỳ dấu vết nào, cũng có thể là vậy.”
Năm 2023, có 209 trường hợp mới về các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến tử vong được báo cáo, theo Bitter Winter, một tạp chí có trụ sở tại Ý về tự do tôn giáo và nhân quyền, tổng hợp từ các báo cáo về Pháp Luân Công.
“Trong số 175 học viên bị bức hại đến tử vong có số tuổi đã biết, người trẻ tuổi nhất là 23 và người lớn tuổi nhất là 93; với 134 người từ 60 tuổi trở lên,” bài báo viết. “Năm 2023, phong trào được biết rằng có 1,188 học viên Pháp Luân Công khác bị kết án tù, ngoài những trường hợp được nêu trong các báo cáo công bố những năm trước.”
“Các báo cáo đề cập đến nhiều hình thức tra tấn mà các học viên phải chịu đựng: bị ép mặc áo bó tay chân, bị sốc điện bằng dùi cui, rắc ớt, làm phỏng chân, bị bức thực bằng dầu mù tạt, hoặc bị cấm ăn và ngủ. Một số phụ nữ đã bị tấn công tình dục.”