Cảnh sát Hồng Kông bị chỉ trích vì bắt giữ những người tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn
‘Nỗ lực đáng hổ thẹn của chính quyền nhằm ngăn cấm người dân đánh dấu ngày tưởng niệm sắp tới là sự một sự xúc phạm đối với những người đã bị sát hại trong cuộc trấn áp ở Thiên An Môn.’
Các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích chính quyền Hồng Kông về việc bắt giữ sáu người, trong đó có luật sư kiêm nhà hoạt động nổi tiếng Trâu Hạnh Đồng (Tonyee Chow Hang-tung, 鄒 幸 彤) vì đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm ngay trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.
Hôm 28/05, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ sáu người trong độ tuổi từ 37 đến 65 tuổi với cáo buộc “hành động với ý đồ xúi giục nổi loạn” theo luật có tên là Điều 23 (Pháp lệnh Bảo vệ An ninh Quốc gia) mới được thông qua gần đây. Các nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh đã sử dụng luật an ninh mới toàn diện này để xóa sổ nền tự do đang dần suy yếu tại thành phố này.
Theo một bản tuyên bố của cảnh sát, cơ quan này cáo buộc một phụ nữ bị tình nghi lợi dụng “một dịp nhạy cảm sắp tới để liên tục đăng các bài bằng tên ẩn danh trên một nền tảng xã hội với ý đồ xúi giục nổi loạn cùng với sự trợ giúp của ít nhất sáu người đã bị bắt giữ từ tháng 04/2024, với nội dung kích động thù ghét đối với Chính quyền Trung ương và Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông cùng với Cơ quan Tư pháp, cũng như kích động cư dân mạng tổ chức hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp liên quan ở bước tiếp theo.”
“Thời điểm nhạy cảm sắp tới” không được nêu rõ này có vẻ như là ngày 04/06, ngày tưởng niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn. Vào ngày 04/06/1989, chính quyền cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đã điều động quân đội và xe tăng đến trung tâm thủ đô của Trung Quốc và nổ súng nhắm vào các sinh viên không có vũ trang tham gia biểu tình kêu gọi ủng hộ dân chủ và một xã hội cởi mở hơn. Kể từ đó, bất cứ nội dung nhắc đến vụ thảm sát này đều bị chính quyền Hoa lục kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Trong số những người bị bắt giữ có bà Trâu Hạnh Đồng, phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc. Bà đã bị giam giữ kể từ năm 2021 và phải đối diện với nhiều cáo buộc, trong đó có một số cáo buộc liên quan đến vai trò của bà trong việc tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trước đó để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ thảm sát Thiên An Môn.
Trong ba thập niên vừa qua, ngoài Đài Loan ra, Hồng Kông, từng là một thuộc địa của Anh quốc, vẫn là nơi duy nhất trên lãnh thổ Trung Quốc tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm công khai để tưởng nhớ hàng ngàn sinh viên bị sát hại dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hành động của chính quyền hôm 28/05 đánh dấu vụ bắt giữ đầu tiên theo Điều 23 mới của Hồng Kông kể từ khi luật này được ban hành hồi tháng 03/2024. Hành động này đã nhấn sâu thêm mối lo ngại về sự xói mòn các quyền tự do của cư dân Hồng Kông bằng việc bành trướng quyền lực của chính quyền để giải quyết những hành động bất tuân luật lệ tiềm tàng, chẳng hạn như trừng phạt tội phản quốc và tội nổi loạn, với mức án lên tới tù chung thân. Theo luật này, những người vi phạm bị khép tội có hành động xúi giục nổi loạn hay buông lời xúi giục nổi loạn sẽ phải đối diện với án tù tối đa là 7 năm.
Năm người bị bắt còn lại gồm có mẹ của bà Trâu Hạnh Đồng là bà Trâu Lưu Hóa Trân (Chow Lau Wah-chun), 65 tuổi; bà Lưu Gia Nghi (Lau Ka-yee), cựu thành viên Ủy ban Thường vụ thuộc Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, cùng ông Quan Chấn Bang (Kwan Chun-bong), 52 tuổi; bà Trần Kiếm Cầm (Katrina Chan Kim-kam), 37 tuổi, cựu ủy viên ủng hộ dân chủ thuộc Hội đồng Quận Thuyên Loan (Tsuen Wan); và nha sỹ Lý Doanh Tư (Lee Ying-chi), 55 tuổi.
Một đạo luật ‘đáng hổ thẹn’
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ trích các vụ bắt giữ này là “đáng hổ thẹn” và là một “sự xúc phạm” đối với những người đã bị sát hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989.
Bà Sarah Brooks, Giám đốc khu vực Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một tuyên bố: “Chính quyền Hồng Kông lại một lần nữa tiến hành đàn áp quyền tự do diễn đạt khi họ cố gắng ngăn cản người dân tưởng nhớ về sự kiện kinh hoàng diễn ra vào ngày 04/06/1989.”
“Ngày thứ 1,000 bà Trâu Hạnh Đồng bị giam giữ do những cáo buộc về an ninh quốc gia rơi vào tuần tới — đúng vào ngày 04/06 — và chính quyền dường như có ý đồ khiến cho cuộc tranh đấu vì tự do của bà bị kéo dài hơn bằng cách đưa thêm cái gọi là tội mới vào hồ sơ của bà.”
“Nỗ lực đáng hổ thẹn của chính quyền trong việc ngăn cấm người dân đánh dấu ngày tưởng niệm sắp tới là sự một sự xúc phạm đối với những người đã bị sát hại trong cuộc trấn áp ở Thiên An Môn và đối với người thân của họ.”
Bà Brooks nói rằng những người bị bắt giữ, chỉ đơn giản là thực thi quyền tự do diễn đạt của mình, nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.
“Cảnh sát Hồng Kông cần phải tiết chế việc đàn áp các hoạt động tưởng niệm ôn hòa về thảm kịch năm 1989. Việc tưởng niệm vụ trấn áp Thiên An Môn không phải và sẽ không bao giờ là một hành vi phạm tội,” bà nói.
Vương quốc Anh kêu gọi lên tiếng và hành động
Tổ chức Theo dõi Hồng Kông (Hong Kong Watch), một tổ chức từ thiện ghi danh ở Vương quốc Anh làm việc chặt chẽ với các nhóm cộng đồng người Hồng Kông ở hải ngoại, cũng lên tiếng chỉ trích.
Ông Benedict Rogers, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Hong Kong Watch, cho biết: “Chúng ta cần xem xét kế hoạch của chính quyền Hồng Kông một cách nghiêm túc trong việc hình sự hóa các hoạt động ôn hòa và hoàn toàn có thể chấp nhận được phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, và đối phó một cách phù hợp.”
“Sau vụ bắt giữ đầu tiên theo Điều 23 này, chính phủ Vương quốc Anh nên tuyên bố rằng dự luật này vi phạm Tuyên bố Chung Trung-Anh. Chính phủ Vương quốc Anh cũng cần áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng Đặc khu Hồng Kông John Lee để buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng và ban hành dự luật vi phạm Tuyên bố Chung và luật pháp quốc tế này.”
“Chúng ta phải đáp trả bằng các biện pháp mạnh mẽ để báo hiệu cho chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho những mối đe dọa ngày càng leo thang đối với nhân quyền và các giá trị mà chúng ta trân trọng tại Hồng Kông cũng như cộng đồng hải ngoại đông đảo hơn.”
‘Tìm kiếm sự trợ giúp về mặt pháp lý là một quyền căn bản’
Một trong những bên tham gia phản đối còn có Trung tâm Nhân quyền Hồng Kông, một tổ chức được thành lập năm 2022 bởi một nhóm nhà bảo vệ nhân quyền đến từ Hồng Kông chuyên nghiên cứu về chính sách và pháp lý.
“Chính quyền Hồng Kông đã vũ khí hóa luật này để xâm phạm quyền hợp pháp của công dân được thực thi tự do ngôn luận,” một tuyên bố của trung tâm này viết.
“Phương thức này của chính quyền khẳng định mối lo ngại của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc ban hành luật an ninh quốc gia mới này. Các chuyên gia nêu ra rằng các điều khoản về việc xúi giục nổi loạn là rất chung chung, không nói rõ ràng điều gì tạo thành việc quy kết một công dân là “thù ghét,” “xem thường” hay “bất mãn” đối với chính quyền.
“Ngoài ra, các hành động chịu trừng phạt không hẳn đều liên quan đến việc kích động bạo lực hoặc gây tổn hại thân thể. Các chuyên gia lưu ý rằng những khái niệm mơ hồ trong luật hình sự này có thể bị lạm dụng và áp dụng một cách tùy tiện, gây ra những rủi ro thực sự đối với những người bất đồng chính kiến. Ngoài ra, các hình phạt nghiêm khắc theo luật này có thể thúc đẩy việc tự kiểm duyệt và làm xói mòn không gian dân sự vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Hồng Kông.”
Trung tâm Nhân quyền Hồng Kông cũng lo ngại rằng, theo Mục 79 và 80 của Pháp lệnh Bảo vệ An ninh Quốc gia, liệu cảnh sát có hạn chế quyền đại diện pháp lý của sáu người bị bắt trong thời gian bị cảnh sát giam giữ hay không.
“Nguyên tắc Cơ bản của Liên Hiệp Quốc về Vai trò của Luật sư quy định rằng ‘tất cả mọi người đều có quyền kêu gọi sự trợ giúp của luật sư mà họ lựa chọn để bảo vệ và xác lập các quyền của họ cũng như bào chữa cho họ trong tất cả các bước tố tụng hình sự.’ Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc tìm kiếm sự trợ giúp về mặt pháp lý này là một quyền căn bản, và việc trì hoãn hay hạn chế quyền này sẽ gây bất lợi đối với người bị giam giữ và gây ra một nguy cơ xảy ra sự bất công về mặt pháp lý,” tuyên bố viết.
Trung tâm kêu gọi chính quyền Hồng Kông trả tự do ngay lập tức cho sáu cá nhân này và tuân thủ yêu cầu năm 2022 của Nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về Việc giam giữ Tùy tiện phải trả tự do ngay lập tức cho bà Trâu Hạnh Đồng, đồng thời cấp cho bà các quyền có thể thực thi được đối với việc bồi thường và bồi thường thiệt hại khác theo luật pháp quốc tế.
Theo bản ý kiến được đưa ra cho chính quyền Hồng Kông vào ngày 01/05/2023, Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Việc giam giữ Tùy tiện nhận thấy việc bắt giữ và giam cầm bà Trâu Hạnh Đồng xuất phát từ việc nhắm mục tiêu và sách nhiễu lâu dài của chính quyền Hồng Kông đối với việc thực hiện quyền tự do diễn đạt và hội họp một cách ôn hòa, và do đó là có tính chất tùy tiện khi chính quyền Hồng Kông có sự phân biệt đối xử. Nhóm công tác kết luận rằng việc tước đoạt quyền tự do của bà Trâu Hạnh Đồng được xem là giam giữ tùy tiện, vi phạm Điều 2, 9, 14, 19, 21, và 26 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.