Ngày của Cha vắng bóng cha
Hai chị em sống ở Hoa Kỳ và Úc đoàn tụ sau 8 năm
Chủ Nhật đầu tiên của tháng Chín là ngày những người Úc gửi tình yêu thương tới cha của họ.
Hai chị em cô Cathy (Vương Tỳ) và anh Allen Wang (Vương Phục Ngọc) đoàn tụ tại Sydney sau 8 năm xa cách nhưng họ không còn có thể chúc cha của mình là ông Vương Hiếu Thâm (Wang Xiaoshen) một Ngày của Cha vui vẻ nữa.
Ông Vương là giáo viên tiếng Anh tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ thông tin Sơn Đông được nhiều sinh viên yêu mến.
Năm 1998, ông biết đến Pháp Luân Đại Pháp khi đang mua sắm ở một hiệu sách. Từ đó, ông bước chân vào con đường tu luyện.
Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần dựa trên các nguyên lý chân, thiện, nhẫn, cũng như một bộ các bài tập thiền định với những động tác khoan thai. Đến năm 1999, môn tu luyện này đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu học viên ở Hoa lục.
“Một lần, có một sinh viên không muốn đến trường và không nghe lời ai. Cha tôi đã khuyên nhủ riêng anh ấy. Sau này anh ấy chỉ nghe lời cha tôi, ngưỡng mộ ông, và trở nên chịu học,” anh Allen nhớ lại.
Trong tâm trí anh, “cha tôi có thể làm bất cứ điều gì.”
“Ông đọc rất nhiều sách, thích nghiên cứu, và có kiến thức rất rộng. Ông luôn có thể trả lời tất cả các câu hỏi của tôi,” anh Allen nói.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), coi sự phổ biến của môn tu luyện này là mối đe dọa đối với sự cai trị của mình, đã ra lệnh xóa sổ Pháp Luân Công vào năm 1999. ĐCSTQ phát động một chiến dịch giam giữ thô bạo các học viên Pháp Luân Công và tống họ vào các nhà tù, trung tâm tẩy não, và trại lao động cưỡng bức.
Vào thời điểm đó, cô Cathy bảy tuổi và anh Allen ba tuổi không hiểu điều gì đang chờ đợi gia đình bốn người [của mình].
Cha của hai chị em này đã bị giam cầm bất hợp pháp hơn 10 năm qua vì ông không từ bỏ đức tin của mình.
Thế nhưng sau khi ông được thả ra, ông Vương vẫn thực hiện công việc của mình một cách nghiêm túc ngay cả khi ông được giao nhiệm vụ canh cửa trước và dọn dẹp ký túc xá, và luôn giúp đỡ các sinh viên.
Cô Cathy nhớ lại: “Trong 5 năm ngồi tù lần thứ hai, cân nặng của ông đã giảm từ 180 pound xuống còn 130 pound.”
Cô biết được về một số cách tra tấn mà cha cô [phải chịu đựng] qua những cuộc trò chuyện của ông với các học viên khác và với mẹ cô: “Vào mùa đông, người ta dội nước lạnh lên đầu ông; ông không được phép ngủ trong hơn 20 ngày, khiến ông phát điên; sau khi tuyệt thực, ông bị ép đặt nội khí quản và bức thực … Tôi không cách nào biết được chi tiết, nhưng tôi biết rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về sự tra tấn mà cha tôi đã phải trải qua.”
Vì hoàn cảnh gia đình như vậy nên anh Allen luôn bị bắt nạt ở trường.
“Các bạn cùng lớp đánh đập và mắng mỏ tôi, nhưng tôi không ghét họ vì các nguyên lý ‘Chân, Thiện, Nhẫn’ của Đại Pháp đã khắc sâu vào tâm tôi từ lâu,” anh nói.
Cuộc đàn áp vẫn đang tiếp diễn này khiến gia đình họ phải vật lộn để kiếm sống, mẹ của hai chị em phải làm việc nhiều giờ để chu cấp cho việc học của họ.
Nỗi đau mất gia đình
Năm 2015, ông Vương qua đời sau hơn một thập niên ở trong tù.
Khi đó cô Cathy vừa mới đến Hoa Kỳ để du học, cảm thấy như sét đánh ngang tai.
“Tôi đã khóc nhiều ngày, chuyện đó nặng nề đến mức tôi không thể thở được. Tôi đã không ra khỏi nhà trong một tuần. Tôi không ngủ nhiều. Tôi không ăn nhiều. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực và tuyệt vọng,” cô nói.
Cô gái trẻ này đã thử nhiều phương pháp khác nhau để giảm bớt nỗi đau, nhưng chính những lời dạy về Chân, Thiện, Nhẫn cuối cùng đã khiến cô bình tĩnh lại.
“Tôi đã thử mọi cách. Tôi đã gọi điện cho bạn bè và người thân. Tôi lên mạng và tra cứu ‘điều gì xảy ra khi một người qua đời,’ nhưng không điều nào trong số này làm tôi bình tĩnh lại cho đến khi tôi nghĩ đến việc học các bài giảng của Pháp Luân Công. Sau đó tôi nghe đoạn ghi âm của Sư phụ [Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp], và sau đó tôi bình tâm lại.”
Khi biết tin xấu về cha mình, anh Allen vẫn đang học đại học ở Trung Quốc.
Hôm đó, giáo viên bảo anh phải nhanh chóng về nhà càng sớm càng tốt. Biết ở nhà đã xảy ra chuyện, anh Allen không dám nghĩ tới nữa vì những gì anh đã trải qua từ thời thơ ấu.
Chú của anh đang đợi anh ở giao lộ trên đường về nhà. Khi chú báo tin cha anh qua đời, anh Allen đã [cố] kìm nén những giọt nước mắt.
Nhưng ngay khi bước vào nhà và nhìn thấy mẹ, anh đã “ôm mẹ mà không cầm được nước mắt.”
Tình yêu của một người cha
Trong suốt 10 năm họ có thể ở bên nhau, cha của Allen đã để lại cho anh những kỷ niệm hạnh phúc.
“Mặc dù phần lớn tuổi thơ của tôi chứa đầy đau đớn và khổ sở, nhưng khoảng thời gian cha ở bên tôi tràn ngập những kỷ niệm đẹp. Cha chơi bóng với tôi khi ông ấy không làm việc. Cha dạy tôi cách trở thành một người tốt,” anh Allen nhớ lại.
“Trong tâm tôi, cha luôn vị tha … Đúng như triết lý giáo dục của mình, ông sẵn sàng làm nguồn dinh dưỡng, không ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho tôi và các học trò của mình để chúng tôi trưởng thành, không quan tâm đến việc mình có bị tổn hại hay không.”
“Tôi không chỉ học được kiến thức từ cha mà còn cả trách nhiệm, sự cam kết, và tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, vì ông luôn chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc bảo vệ mẹ và gia đình tôi trong những vụ bắt giữ trái pháp luật.”
Người Trung Quốc có câu: Công cha như núi. Nhưng Allen tin rằng cha anh giống nước hơn, “làm dịu mát mọi thứ mà không tranh giành danh lợi, và luôn điềm tĩnh trước những thăng trầm cuộc đời.”
Đoàn tụ trong xã hội tự do
Trải nghiệm khắc nghiệt mà Cathy trải qua thời thơ ấu đã khiến cô mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
“Tôi sẽ bắt đầu lo lắng nếu gia đình tôi không nhấc điện thoại … Trong một thời gian dài sau khi tôi đến Hoa Kỳ, khi mẹ tôi không bắt máy, tôi đã rất, rất lo lắng,” cô nói.
Hiện là giáo viên tại một trường tiểu học công lập ở tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, Cathy đã nộp đơn xin thị thực đến Úc cùng chồng ngay sau khi cô nhận được thẻ xanh vào tháng Bảy.
Khoảnh khắc nhìn thấy em trai sau chuyến đi kéo dài 26 tiếng, cô vui mừng khôn xiết.
“Tôi đã chờ đợi nhiều năm [cho khoảnh khắc này],” cô bộc bạch.
Những ám ảnh đeo bám theo cô suốt thời niên thiếu giờ bắt đầu mờ dần.
“Sống ở hải ngoại càng lâu, tôi càng cảm thấy an toàn hơn. Khi còn ở Trung Quốc, tôi luôn lo lắng rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra, và tôi không cảm thấy an toàn,” cô chia sẻ.
Anh Allen, người đã không được gặp gia đình mình trong 8 năm, cho biết anh rất vui khi thấy chị gái mình có một gia đình hạnh phúc.
Giờ đây Cathy nhận ra rằng cha mẹ cô, những người đã chiến đấu cho công lý và đức tin của họ “là những người hùng thực sự, những người mà tôi nên tự hào.”
Ngọc Liên và Tố Như biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times