Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Bắc Kinh: Phiên tòa sai trái đối với cha của một cư dân Berlin
Phiên tòa trá hình chống lại ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande) đã bắt đầu hôm 28/11. Và trong vài ngày tới, các đại diện của EU sẽ công du đến Bắc Kinh cho một hội nghị thượng đỉnh. Liệu có hy vọng nào cho một sự chuyển biến?
Các phiên tòa chiếu lệ nhằm mục đích định tội cho người bị xét xử đã tồn tại từ thời Trung Cổ, trong chế độ độc tài của Liên Xô và Tòa án Nhân dân Quốc gia của Đảng Quốc Xã. Và thậm chí ở Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) cũ, các phiên tòa giả như vậy cũng rất được ưa chuộng. Ngày nay, việc xét xử trá hình vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các quốc gia có chế độ toàn trị như Iran, hoặc những nơi như Trung Quốc cộng sản.
Phiên tòa giả như thời Stasi
*Stasi là Bộ An ninh Quốc gia Đức thời Đức Quốc Xã
Hôm 28/11 là ngày diễn ra một phiên tòa giả tại thành phố cảng Nhật Chiếu, ở tỉnh Sơn Đông thuộc miền đông Trung Quốc. Ông Đinh Nguyên Đức (Ding Yuande), một nông dân trồng trà giản dị, đang phải đối mặt với án phạt. Tòa án đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐSCTQ) ấn định để xét xử một vụ án nhạy cảm với đảng hôm 28/11.
Hiệp hội Những người Bị đe dọa chi nhánh tại Đức (STPI) có trụ sở tại Göttingen viết trong một tuyên bố về cái gọi là “tội ác” của người cha già này: “Là một học viên của môn thiền định Pháp Luân Công, ông Đinh đã tìm ra con đường thiền định và tu luyện cho bản thân mình, một pháp môn đối lập với chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật của Đảng Cộng sản Trung Quốc độc tài.”
Bà Jasna Causevic, phát ngôn viên và chuyên viên về Phòng chống Diệt chủng của tổ chức nhân quyền có tư cách cố vấn tại Liên Hiệp Quốc này, cho biết các cáo buộc đối với ông Đinh Nguyên Đức cũng “tùy tiện và phi lý” như những hoàn cảnh xung quanh vụ bắt giữ ông.
Theo bà Causevic, lý do là bởi vì ngay cả theo luật pháp Trung Quốc thì toàn bộ vụ bắt giữ cũng như phiên tòa này đều “không có cơ sở”, điều mà chính chế độ cộng sản cũng biết. Bà không chỉ gọi phiên tòa này là một “phiên tòa trá hình”, mà còn là một “trò hề pháp lý” dựa trên một “chiến dịch đàn áp tàn nhẫn” của nhà cầm quyền chống lại những người tu luyện Pháp Luân Công trong 24 năm qua.
Đột kích vào cánh đồng trà
Sáng sớm ngày 12/05, nhiều nam giới mặc thường phục đã xông vào cánh đồng trà nhỏ của cặp vợ chồng già Đinh Nguyên Đức và Mã Thụy Mai (Ma Ruimei) ở làng Diêm Gia Trang. Cả hai người đều là học viên Pháp Luân Công và đang làm việc ngoài đồng thì bị bắt.
Trong tuyên bố của Hiệp hội Những người Bị đe dọa chi nhánh tại Đức (STPI), diễn biến tiếp theo của hành động giống Stasi này là như sau: “Trong cuộc khám xét nhà trái phép tiếp theo, họ phát hiện các kinh sách của Pháp Luân Công và tờ thông tin nói về cuộc đàn áp tàn bạo đối với môn tu luyện này kể từ năm 1999.”
Theo thông tin thu thập được, cặp vợ chồng này đã biến mất một cách bí ẩn trong vòng hai tuần mà không để lại chút dấu vết nào. Tuy nhiên, những người làm việc cho nhà cầm quyền lại không ngờ đến sự chú ý và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Con trai của họ, anh Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding), đã đến Đức cách đây mười năm và hiện đang sống tại Berlin. Với sự giúp đỡ của những người bạn, anh đã trình bày tình hình của cha mẹ mình với các chính trị gia và người dân. Nỗ lực đã thành công một phần, vì mẹ anh đã được trả tự do.
Ông Đinh Nguyên Đức phải đối mặt với nguy cơ bị tra tấn trong khi bị giam giữ
Bà Causevic cho biết, sau “sự phản đối quốc tế của nhiều tổ chức nhân quyền và các chính trị gia khác nhau”, ngày 24/05, bà Mã Thụy Mai đã được trả tự do có điều kiện. Bà Mã trở về nhà trong sự giám sát nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, chồng bà vẫn bị giam giữ tại đồn cảnh sát và bị chuyển đến Trại giam Nhật Chiếu vào ngày 13/06, nơi ông Đinh đang chờ xét xử kể từ đó.
Chuyên gia Phòng chống diệt chủng Causevic khẳng định: “Nếu bị hệ thống tư pháp kết án, thì ông Đinh sẽ phải đối mặt với sự tra tấn dã man và không được điều trị y tế trong tù.”
Gói trừng phạt cho hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc ở Bắc Kinh?
Trước hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc sắp diễn ra vào ngày 07-08/12 tại Bắc Kinh, Hiệp hội Những người Bị đe dọa đang gửi lời kêu gọi khẩn cấp tới Ủy ban Âu Châu và các quốc gia thành viên EU, đặc biệt là tới chính phủ liên bang Đức: Hãy đề ra các biện pháp trừng phạt cụ thể!
Chuyên gia về Phòng chống Diệt chủng của hiệp hội này cho biết: “Điều này cũng nên bao gồm các biện pháp truy tố hình sự đối với những người và công ty có liên quan đến các tội ác chống lại các học viên Pháp Luân Công, vốn đã diễn ra trong hơn hai thập niên.”
Bà Causevic cũng nêu ra những ví dụ thực tế về các biện pháp trừng phạt, chẳng hạn như “từ chối cấp thị thực, phong tỏa tài sản, trục xuất khỏi lãnh thổ EU, truy tố hình sự, hoặc khởi xướng cáo buộc hình sự quốc tế.”
Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền
Ngoài tư cách cố vấn cho Liên Hiệp Quốc, Hiệp hội Những người Bị đe dọa còn có tư cách cố vấn cho Ủy hội châu Âu. Tổ chức nhân quyền này đề cập đến tình hình pháp lý quốc tế liên quan đến Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
Theo đó, “mỗi người […] đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do biểu đạt tôn giáo hoặc tín ngưỡng của mình khi ở một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, ở nơi công cộng hoặc riêng tư, thông qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phượng, và thực hiện các nghi lễ.”
Làn sóng bắt giữ trước Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
Nhiều người tin rằng cuộc tấn công của công an mặc thường phục đối với hai nông dân trồng trà này có liên quan đến một ngày nhạy cảm sắp tới của ĐCSTQ.
Vào ngày 13/05 hàng năm, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới sẽ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới và sinh nhật của nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại Sư Lý Hồng Chí. Điều này được thấy rõ hơn bởi thực tế là có thêm khoảng 70 học viên Pháp Luân Công trong khu vực đã bị bắt trong làn sóng bắt giữ này. Họ phải đối mặt với những thử thách tương tự như phiên tòa trá hình đối với ông Đinh Nguyên Đức.
Những bài giảng đạo đức cổ xưa về các nguyên lý phổ quát chân, thiện, nhẫn và năm bài tập thiền định mà Đại Sư Lý Hồng Chí truyền ra đã chạm đến trái tim người dân Trung Quốc vào giữa những năm 1990, do vậy môn tu luyện này đã nhanh chóng phổ biến và có khoảng 70 triệu người theo học trên khắp Trung Quốc chỉ sau vài năm (theo ước tính của Cục Thể thao Trung Quốc).