Hội nghị thượng đỉnh EU–Trung Quốc thất bại và phá vỡ các kế hoạch của Bắc Kinh
Các cuộc hội đàm gần đây cho thấy châu Âu cũng rời xa Trung Quốc giống như Hoa Thịnh Đốn, làm cản trở tham vọng của Bắc Kinh nhằm chia rẽ phe đối lập phương Tây
Trung Quốc và Liên minh Âu Châu (EU) vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2019. Hoàn cảnh năm 2023 chắc chắn cho thấy sự khác biệt đã được tạo ra trong 4 năm qua.
Thay vì sự thân thiện và những lời kêu gọi hợp tác nổi lên trong năm 2019, thì các cuộc gặp gần đây chứa đựng nhiều sự căng thẳng và những lời cáo buộc. Nếu Bắc Kinh kỳ vọng gây ra sự chia rẽ giữa Hoa Thịnh Đốn và Brussel ở hội nghị này, thì họ đã thất bại. Ngược lại, các cuộc gặp gỡ cho thấy châu Âu đang khá đồng thuận với phương cách của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc.
Bất kỳ hồi ức nào về lần gặp gỡ trước đó đều tiết lộ mọi thứ đã thay đổi nhiều như thế nào. Bốn năm trước, các cuộc họp, ngập tràn những cơ hội qua những bức ảnh tươi cười, đã tạo ra một tuyên bố chung dài 3,000 từ với đầy những hứa hẹn về sự hợp tác Trung Quốc-EU trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như dư thừa năng lực sản xuất.
Năm 2019, Brussels và Bắc Kinh đều lên tiếng ủng hộ Hiệp định Minsk để đàm phán những khác biệt giữa Nga và Ukraine và, nói chung là, để hợp tác cùng nhau bảo vệ nhân quyền trên khắp thế giới, kể cả ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đặc biệt là ngay trước hội nghị thượng đỉnh năm 2019, EU đã xác định Trung Quốc là một “đối thủ mang tính hệ thống,” tính chất thân thiện của hội nghị thượng đỉnh đó được xem như một tín hiệu mạnh mẽ về tình hữu nghị và hợp tác tiếp tục.
So với giọng điệu của hội nghị thượng đỉnh vừa qua, ngôn ngữ từ thời năm 2019 như thể đến từ một thế giới khác. Năm nay không có bất kỳ một cơ hội với hình ảnh tươi cười nào của những người tham gia. [Quy mô] gặp gỡ nhỏ hơn nhiều so với trước đây, chỉ bao gồm bốn nhân vật chủ chốt: nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, và Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen. Trong khi ông Tập gọi EU là một “đối tác quan trọng” trong hợp tác thương mại và công nghệ, đồng thời khẳng định rằng các bên không cần phải xem nhau như “các đối thủ,” thì người Âu Châu lại đưa ra một danh sách rất nhiều các vấn đề đáng lo ngại về kinh tế và ngoại giao.
Ngay cả trước khi các cuộc họp bắt đầu, EU đã trừng phạt Trung Quốc vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và công bố thêm một cuộc điều tra về tiền trợ cấp của Bắc Kinh cho việc sản xuất xe điện, điều có thể dẫn đến việc áp thuế quan. Đức, nền kinh tế lớn nhất EU cho đến nay, đã tiến đến việc loại bỏ công ty Huawei của Trung Quốc khỏi mạng 5G của họ.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, bà Von der Leyen đề cập đến việc thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc đã tăng gấp đôi chỉ trong hai năm vừa qua lên mức tương đương 400 tỷ USD. Bà đổ lỗi việc thâm hụt nặng nề này là do Bắc Kinh hạn chế các công ty ngoại quốc tiếp cận thị trường, ưu ái cho các hoạt động trong nước, và, trong một số trường hợp, tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở Trung Quốc đã khiến các công ty Âu Châu thiệt hại như thế nào. Bà gần như lặp lại một cách hoàn hảo những lời phàn nàn của Hoa Thịnh Đốn hồi năm 2018, khi chính phủ cựu Tổng thống Trump bắt đầu áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, và vẫn phàn nàn cho đến ngày nay. Giống như Hoa Thịnh Đốn, bà nói về nhu cầu của châu Âu trong việc giảm bớt sự chú trọng vào thương mại với Trung Quốc, mặc dù bà sử dụng từ “giảm rủi ro,” trong khi Hoa Thịnh Đốn sử dụng từ “tách rời.”
Thay vì thúc đẩy tình hữu nghị, người Âu Châu đã vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại để chuyển sang các vấn đề ngoại giao nhạy cảm hơn. Cả ông Michel và bà Von der Leyen đều hối thúc ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin để mang lại một giải pháp ngoại giao nhanh chóng cho cuộc chiến ở Ukraine. Họ đã cảnh báo về “thiệt hại không thể khắc phục đối với mối liên hệ EU-Trung Quốc” nếu Bắc Kinh vũ trang cho Nga trong cuộc xung đột đó hoặc giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Họ nêu lên những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và cảnh báo hai nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực với Đài Loan. Ông Tập nói về sự hợp tác giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông và kế hoạch tương tự của châu Âu, được gọi là Cổng Toàn cầu (Global Gateway). Chắc chắn, người Âu Châu vẫn điềm nhiên vì kế hoạch của họ được thực hiện một cách chính xác như một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh hy vọng làm giảm bớt phương cách cứng rắn của Hoa Thịnh Đốn đối với Trung Quốc bằng cách tạo ra một châu Âu thân thiện hơn thì họ đã thất bại. Người Âu Châu tỏ ra nghi ngờ các tham vọng của Bắc Kinh giống như Hoa Thịnh Đốn. Họ lặp lại nhiều lời phàn nàn và cáo buộc của Hoa Thịnh Đốn về thương mại và đầu tư, và sử dụng ngôn ngữ thậm chí còn mạnh mẽ hơn về vấn đề nhân quyền và Đài Loan. Hội nghị thượng đỉnh lần này đã không bộc lộ sự chia rẽ của phương Tây, như Bắc Kinh kỳ vọng, mà thay vào đó đã tạo ra một hình ảnh về sự thù địch chung của phương Tây, nếu không nói là sự hiệp nhất.
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times