Gặp cản trở thương mại ở châu Á và châu Âu, chính phủ TT Biden bị phân tâm trong cuộc đối đầu với Trung Quốc
Việc ông Biden không đạt được các hiệp định thương mại ở châu Âu và châu Á sẽ không chỉ làm suy yếu khả năng ứng phó với Trung Quốc của Hoa Kỳ mà còn làm tổn hại đến cơ hội tái tranh cử của ông.
Chính phủ Tổng thống Biden từ khá lâu đã tích cực theo đuổi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Họ đã giữ nguyên tất cả các mức thuế mà Tòa Bạch Ốc của ông Trump áp đặt đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc trong những năm 2018 và 2019. Họ đã cấm xuất cảng vi mạch bán dẫn cao cấp của Mỹ sang cho Trung Quốc và bảo đảm được sự hợp tác với lệnh cấm đó từ các đồng minh của Mỹ, Nhật Bản, và Hà Lan. Tổng thống Joe Biden cũng đã ký lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc. Hơn nữa, ông còn bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không thu được lợi ích gì từ việc bán xe điện ở Hoa Kỳ bằng cách không cho phép áp dụng bất kỳ khoản giảm thuế nào do Đạo luật Giảm Lạm Phát đề ra đối với các phương tiện sản xuất tại Trung Quốc hoặc có sự đóng góp đáng kể của Trung Quốc.
Tổng thống Biden chắc chắn sẽ tiến xa hơn thế nếu chính sách thương mại của ông không bị đảo ngược ở châu Âu và các nơi khác ở châu Á. Những vấn đề đó có thể sẽ khiến ông không thể tiếp tục hành động chống lại Trung Quốc.
Những thất bại bi thảm nhất đã xảy ra với châu Âu. Mặc dù Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên mức thuế của ông Trump áp lên hàng nhập cảng từ Trung Quốc, nhưng ông đã đình chỉ trong hai năm (nhưng không bãi bỏ) các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt đối với thép và nhôm Âu Châu, 25% đối với hàng nhập cảng với Trung Quốc và 10% đối với hàng nhập cảng từ châu Âu. Tổng thống và nhóm của ông hy vọng việc đình chỉ này sẽ tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận thương mại chính thức với Liên minh Âu Châu, đặc biệt là một cách để giải quyết tình trạng dư thừa công suất toàn cầu do Trung Quốc sản xuất các kim loại này.
Tổng thống Biden cũng hy vọng đạt được một thỏa thuận hợp tác giữa Hoa Thịnh Đốn và Brussels về các vấn đề khí hậu. Nhưng phần lớn do sự kiên quyết của Mỹ đối với các tiêu chuẩn lao động và môi trường, cũng như việc duy trì các khoản trợ cấp trong nước được quy định trong Đạo luật Giảm Lạm Phát, hai bên đã không thể đạt được sự hòa hợp và duy trì tình trạng không đạt được thỏa thuận được rất nhiều người mong đợi này. Điều tốt nhất mà tổng thống có thể làm là gia hạn thời gian đình chỉ thuế quan thêm hai năm để đổi lấy lời hứa của châu Âu về việc không áp dụng thuế đáp trả đối cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Ở châu Á, Tòa Bạch Ốc đã có được hai thành công nhỏ. Hồi tháng Sáu năm 2023, Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận thương mại và đầu tư với Đài Loan. Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng đạt được thỏa thuận vào tháng Ba năm 2023 về những vật liệu quan trọng cho xe điện. Một thỏa thuận tương tự với Vương quốc Anh có vẻ như sắp đạt được.
Nhưng Tổng thống Biden đã hy vọng nhiều hơn thế. Ông và nhóm của ông muốn xác định rõ những phác thảo mơ hồ về hiệp ước hợp tác kinh tế năm 2022 của Hoa Thịnh Đốn với 13 quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đặc biệt, Hoa Thịnh Đốn mong muốn giải quyết các quy tắc cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm chuyển dữ liệu xuyên biên giới về hải quan và chuỗi cung ứng. Những điều đó đã không xảy ra. Giống như Âu Châu, sự khăng khăng của Mỹ về các tiêu chuẩn lao động và môi trường đã khiến phần lớn châu Á cảnh giác với các cam kết. Sự thất bại của một thỏa thuận kỹ thuật số đặc biệt gây ra lo ngại rằng Bắc Kinh giờ đây sẽ can thiệp và thiết lập các quy tắc tham gia.
Trước tình hình hiện nay, Tổng thống Biden có rất ít cơ hội để mang lại những thành công thực sự về thương mại cho cử tri Mỹ vào mùa thu tới. Trong một số môi trường, điều đó sẽ không mấy quan trọng, có lẽ ngoại trừ đối với các thành phần thuộc cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Nhưng năm nay, việc thiếu các hiệp định thương mại mạnh mẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm. Về cơ bản, những thất bại này làm suy yếu cam kết phổ biến hiện nay ở cả Quốc hội và công chúng để đối trọng với Trung Quốc ở châu Á và ngăn chặn những nỗ lực của nước này nhằm thống trị và đạt được bá quyền trong thương mại. Thứ hai, việc thiếu các thỏa thuận làm tăng khả năng có một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump vào năm 2025, một nhiệm kỳ mà sẽ áp dụng lại thuế quan đối với thép và nhôm Âu Châu và như cựu tổng thống đã hứa, áp đặt mức thuế 10% trên toàn diện.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times