Sinh viên đại học Trung Quốc bị tạm giam và bị dọa đuổi học vì gỡ bỏ bích chương tuyên truyền
Theo một báo cáo trên Minghui.org, một sinh viên đại học tại Đại học Dược Quảng Đông ở thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã bị công an địa phương giam giữ sau khi cáo buộc cô xé bỏ tấm bích chương trong khuôn viên trường hồi tháng Một. Báo cáo cho biết các nhà quản lý trường đại học cũng đe dọa sẽ đuổi học cô.
Theo Minghui.org, cô Tạ Hiểu Đình (Xie Xiaoting) đã nhìn thấy tấm bích chương trong khuôn viên trường vào sáng ngày 09/01 và được cho là đã bị camera giám sát ghi hình lại khi cô gỡ nó ra.
Trang web này cho biết, vào khoảng 11 giờ sáng cùng ngày, ba nhà quản lý của trường đại học – một quan chức cấp cao họ Lý thuộc Đảng ủy nhà trường và hai cố vấn sinh viên họ Sái (Cai) và họ Hoàng (Huang) – đã cưỡng chế cô Tạ đến đồn công an Thạch Cổ.
Các cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc thường có các cố vấn sinh viên, còn được gọi là “cố vấn chính trị.” Chức năng chính của những cố vấn như vậy ở các trường đại học Trung Quốc là truyền bá các lý thuyết của ĐCSTQ cho sinh viên và giám sát sinh viên hàng ngày.
Công an đã thẩm vấn cô Tạ, đe dọa sẽ đuổi cô khỏi trường và buộc cô ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình. Họ cũng gây áp lực buộc cô phải cung cấp thông tin về các học viên Pháp Luân Công ở quê nhà, nhưng cô Tạ đã từ chối làm theo.
Cô đã nói với họ rằng cô gỡ bỏ tấm bích chương vì nó gây hiểu lầm và chứa những tuyên truyền thù hận.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, tấm bích chương này là một phần trong chiến dịch tuyên truyền gần đây của ĐCSTQ trên toàn quốc nhằm vu khống Pháp Luân Công và mong giành được sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc bức hại đang nhắm vào môn tu luyện này.
Năm 1999, ĐCSTQ đã khởi xướng một chiến dịch lớn nhắm vào Pháp Luân Công dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, người đã tìm cách “xóa sổ” Pháp Luân Công trong vòng ba tháng. Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc lấy chân, thiện, và nhẫn làm nguyên lý cốt lõi. Cuộc đàn áp hiện vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Trong khi cô Tạ bị giam giữ, công an địa phương đã ập vào ký túc xá nơi cô ở và tịch thu máy điện toán xách tay cùng điện thoại di động của cô. Cô được phóng thích sau 11 giờ đêm. Còn máy điện toán xách tay và điện thoại di động của cô vẫn chưa được trả lại, theo báo cáo.
Báo cáo của Minghui.org cho biết, kể từ đó, công an địa phương và ba nhà quản lý của trường đại học có lúc đã tùy tiện giam giữ cô Tạ hàng giờ liền tại đồn công an và các văn phòng của đảng ủy ĐCSTQ của trường đại học.
Mỗi lần như vậy, cô Tạ đều nói với họ rằng cô đã được hưởng lợi ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công và rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ là bất hợp pháp, bao gồm cả nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống do nhà nước hậu thuẫn.
Nhờ những cải thiện to lớn về đạo đức và thể chất, Pháp Luân Công đã được phổ truyền nhanh chóng ở Trung Quốc từ năm 1992 đến năm 1999, với ước tính chính thức là 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc trước khi cuộc đàn áp của ĐCSTQ bắt đầu vào tháng 07/1999.
Hôm 24/04, cô Tạ bị buộc phải đến “trạm an ninh” mà công an địa phương đã thiết lập trong khuôn viên trường. Trong cùng ngày, nhà của cha mẹ cô ở thành phố Hưng Ninh đã bị công an đột kích. Cha của cô, ông Tạ Ngọc Quân (Xie Yujun), bị bắt cóc vào ngày hôm sau, và công an địa phương đã thông báo cho vợ ông Tạ để nhận lệnh bắt giữ chính thức đối với ông vào ngày 27/05.
Ông Tạ cũng là một học viên Pháp Luân Công. Ông từng bị giam ở Trại lao động Tam Thủy hai lần và bị kết án 5 năm ở Nhà tù Mai Châu. Ông Tạ bị tra tấn dã man ở cả trại lao động và nhà tù ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ lý do cho vụ bắt giữ ông Tạ gần đây.
The Epoch Times đã liên lạc với đồn công an Thạch Cổ để yêu cầu bình luận.
Hôm 13/06, The Epoch Times đã liên lạc với “trạm an ninh” trong khuôn viên trường qua điện thoại. Một viên chức họ Thi (Shi) đã trả lời cuộc gọi. Ông Thi nói rằng ông không biết về trường hợp của cô Tạ và nói thêm, “Nếu quý vị thực sự quan tâm [về trường hợp này], thì quý vị nên đích thân đến trường để điều tra.”
Vào tháng 12/2000, chỉ một năm sau khi ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times được thành lập, hơn 30 nhân viên của The Epoch Times đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt giữ vì đưa tin về Trung Quốc. Một số bị tra tấn dã man trong các trại giam và nhà tù ở Trung Quốc và một số bị kết án 10 năm tù vì đã đưa tin.
Trường học sách nhiễu, công an làm ‘trái pháp luật’
Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng các nhà chức trách của trường đại học và công an địa phương đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi sách nhiễu cô Tạ.
Ông Ngô cho biết hành động gỡ bỏ tấm bích chương đó là “dựa trên nhận thức, quan sát xã hội, cũng như sự nhận định về giá trị của một công dân.” Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Ngô nói: “Cô ấy đã gỡ bỏ những điều mà cô ấy cho là không đúng mà không gây ra bất kỳ điều gì gọi là tác động tiêu cực đến xã hội. Điều này được thực hiện dựa trên các quyền cơ bản về tự do quan điểm và biểu đạt, và cô ấy không vi phạm pháp luật. Hiến Pháp Trung Quốc quy định rằng các quyền cơ bản được bảo vệ.”
Ông Ngô cũng nói rằng việc công an và các nhà quản lý trường đại học tiếp tục sách nhiễu cô Tạ là “bất hợp pháp.”
Theo ông Ngô, hành vi sách nhiễu của công an và trường đại học đối với cô Tạ là “xâm phạm quyền cá nhân của cô ấy” và lời đe dọa đuổi học của họ là “xâm phạm quyền được học tập của cô ấy.” Hơn nữa, việc ép cô viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình là “vi phạm quyền tự do tôn giáo” và hành động của họ đã “vượt quá thẩm quyền.” Ngoài ra, việc họ tịch thu máy điện toán xách tay và điện thoại của cô được coi là “sự chiếm hữu bất hợp pháp.”
Các điều 35, 36, 37, và 46 của Hiến Pháp Trung Quốc quy định rằng công dân Trung Quốc được hưởng “quyền tự do ngôn luận,” “quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,” “quyền tự do cá nhân” và “có quyền và nghĩa vụ được học tập.”
Điều 37 cũng quy định rằng: “Không công dân nào có thể bị bắt giữ trừ phi có quyết định của Viện kiểm sát nhân dân hoặc Tòa án nhân dân và do cơ quan công an thi hành án. Việc giam giữ bất hợp pháp, tước đoạt hoặc hạn chế quyền tự do cá nhân của công dân bằng các biện pháp khác đều bị nghiêm cấm.”
Sinh viên bị bức hại tàn bạo
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã nhắm vào các sinh viên đại học tập Pháp Luân Công.
Theo báo cáo năm 2022 của Minghui.org, ít nhất 456 học viên, bao gồm cả sinh viên đại học, cao học, và nghiên cứu sinh tiến sĩ, đã bị các cơ quan chấp pháp và tổ chức pháp lý khác nhau của ĐCSTQ bắt cóc và đàn áp.
Những tổ chức này bao gồm Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, bao gồm cả Phòng 610 – một tổ chức ngoài vòng pháp luật được thành lập vào ngày 10/06/1999 để chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo của Minghui cho biết 94 trường đại học, bao gồm cả Đại học Thanh Hoa danh tiếng, có liên quan đến cuộc đàn áp các sinh viên theo học Pháp Luân Công. Trong số 456 sinh viên bị bức hại, thì có 101 người bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại lao động, 77 người bị giam giữ trái pháp luật, ít nhất 23 người đã bị tra tấn đến tử vong, và một người bị tàn tật.
Do sự kiểm duyệt nghiêm ngặt nên việc thu thập thông tin về luật pháp hà khắc của ĐCSTQ cũng như mức độ của cuộc bức hại ở Trung Quốc là vô cùng khó khăn. Con số thực tế các sinh viên bị bức hại vì tín ngưỡng và thực hành niềm tin của họ có thể cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận.
Theo báo cáo của Minghui năm 2022, anh Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), 22 tuổi, sinh viên Đại học Sơn Đông, trước đây gọi là Đại học Công nghiệp Sơn Đông, đã bị công an bắt cóc ở huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc hồi tháng Năm. Sự việc diễn ra khi anh và ba học viên Pháp Luân Công khác đang phát tờ rơi về “vụ tự thiêu giả” trên Quảng trường Thiên An Môn mà ĐCSTQ dàn dựng để vu khống các học viên Pháp Luân Công.
Anh Trương và ba học viên Pháp Luân Công khác đã bị công an tra tấn tại Trại giam Thang Âm, và họ đã tuyệt thực để phản đối sự đối xử tàn bạo này. Vào ngày tuyệt thực thứ sáu, công an đã trói anh vào một chiếc ghế dài và nhét một cái ống vào mũi để bức thực anh. Cả bốn lần, công an đều không nhét được ống vào, và khi họ thử đến lần thứ năm, một vết thương chí mạng đã khiến anh Trương tử vong.
Anh Trâu Tùng Đào (Zou Songtao), một nghiên cứu sinh tiến sĩ 28 tuổi tại một trường cao đẳng hàng hải ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc, đã bị tra tấn và thiệt mạng trong một trại lao động địa phương vào ngày 03/11/2000, hai giờ sau khi công an trưởng trại tạm giam có một cuộc nói chuyện riêng với anh, báo cáo nêu rõ.
Năm 2020, Minghui đã xuất bản cuốn sách dài 437 trang có tiêu đề “Báo cáo Minghui: Cuộc bức hại Pháp Luân Công 20 năm ở Trung Quốc,” trong đó ghi lại thông tin về cuộc bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999 đến năm 2019 dựa trên các cuộc điều tra của tổ chức bất vụ lợi này.
Ông Michael J. Carson – một nhà phê bình cấp cao của Midwest Book Review (MBR) viết rằng: “Cuốn sách này “là một nghiên cứu độc đáo, đặc biệt, và toàn diện, và đặc biệt được khuyến nghị dành cho việc sưu tập thông tin và danh sách đọc nghiên cứu bổ sung về Pháp Luân Công trong thư viện cá nhân, cộng đồng, trường cao đẳng, và đại học.”
Quốc hội kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại
Hôm 25/04, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc mít tinh ở nhiều thành phố khác nhau tại Hoa Kỳ, đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện chính phủ cho phép tự do tu luyện.
Ủy ban Điều hành của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc (CECC) đã lên tiếng ủng hộ, yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công kéo dài hàng thập niên qua.
Bản tin có sự đóng góp của Aaron Pan và Frank Fang
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times