Ngoại trưởng Blinken và các nhà lập pháp lưỡng đảng tưởng nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989
Nhân dịp tưởng niệm vụ thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã kêu gọi mọi người quan tâm đến cuộc áp bức nhân quyền đang diễn ra của Trung Quốc cộng sản.
Trong một tuyên bố hôm 04/06, ông Blinken nói: “Hôm nay, nhân dịp 35 năm xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn, chúng tôi tưởng nhớ đến hàng chục ngàn người biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ Trung Quốc đã bị tấn công dã man vì đã đứng lên cho tự do, nhân quyền, và chấm dứt tham nhũng.”
“Ba mươi lăm năm sau, số người thực sự thiệt mạng kể từ ngày đó vẫn còn là ẩn số, nhưng chúng tôi tôn vinh tất cả những người bị sát hại và bị cầm tù vào ngày 04/06/1989 và những ngày sau đó.”
Vào ngày hôm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh cho quân đội nổ súng vào những sinh viên biểu tình và thường dân không mang vũ khí tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc phủ nhận việc đã phát động một cuộc trấn áp quyết liệt. Ngoài ra, bất kỳ cuộc thảo luận nào về phong trào biểu tình này đều bị coi là điều cấm kỵ ở Trung Quốc và Hồng Kông.
Ước tính số người thiệt mạng dao động từ hàng trăm đến hàng ngàn. Một bức điện tín của Anh quốc năm 2017 được giải mật cho biết vào ngày hôm đó, ít nhất 10,000 người đã thiệt mạng.
Ông Blinken cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với “nhiều tiếng nói hiện đã bị làm cho câm lặng trên khắp đất nước này, kể cả ở Tân Cương, Tây Tạng, và Hồng Kông.” Ông cũng cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế để “thúc đẩy trách nhiệm giải trình” về các cuộc áp bức nhân quyền của Bắc Kinh ở Trung Quốc và các nơi khác.
Ông cũng kêu gọi Bắc Kinh trả tự do vô điều kiện cho những người mà họ đã giam giữ một cách tùy tiện và bất công.
Ủy ban Điều hành-Quốc hội về Trung Quốc (CECC) có một cơ sở dữ liệu về tù nhân chính trị trên trang web của mình. Theo báo cáo thường niên năm 2023 của ủy ban, cơ sở dữ liệu này ghi lại việc bỏ tù bất công 10,889 tù nhân lương tâm; trong đó có 2,615 người đã bị giam giữ tính đến ngày 30/06/2023.
Ông Chu Phong Tỏa (Chu Fengsuo), giám đốc điều hành của tổ chức Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại New York, là một người sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Hôm 04/06, ông Chu đã tham gia một phiên điều trần của CECC để xem xét lại di sản của các cuộc biểu tình năm 1989.
Theo lời khai bằng văn bản của mình, ông Chu, một lãnh đạo sinh viên vào thời điểm đó, cho biết ông là một trong những người cuối cùng rời khỏi quảng trường khi xe tăng bắt đầu tiến vào. Ông nói thêm rằng ông đã chứng kiến “cuộc thảm sát tàn bạo” của quân đội Trung Quốc nhắm vào những người biểu tình ôn hòa, và mô tả những gì mà ông coi là một “cuộc chiến do quân đội của ĐCSTQ tiến hành nhắm vào người dân Trung Quốc.”
“Trong khi Bắc Kinh cố gắng ngăn chặn việc tưởng nhớ về ngày 04/06 thì Hoa Kỳ luôn đoàn kết với những người tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và tự do cá nhân,” ông nói. “Lòng dũng cảm và đức hy sinh của những người đã đứng lên tại Quảng trường Thiên An Môn 35 năm trước sẽ không bị lãng quên.”
Cũng trong hôm 04/06, các Thượng nghị sỹ Ben Cardin (Dân Chủ-Maryland), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), và Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) đã đưa ra một nghị quyết để tưởng niệm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn.
“Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tái khẳng định cam kết của mình trong việc ủng hộ nguyện vọng của người dân Trung Quốc, chịu trách nhiệm về những cuộc áp bức nhân quyền của CHND Trung Hoa trong và ngoài nước, đồng thời chống lại những nỗ lực khả nghi của CHND Trung Hoa nhằm định nghĩa lại nhân quyền theo hướng có lợi cho quyền lực nhà nước,” ông Mr. Cardin cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến tên chính thức của Trung Quốc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông nói thêm: “Tôi tự hào khi nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong việc giới thiệu nghị quyết này và tái khẳng định sự ủng hộ không ngừng của Hoa Kỳ dành cho người dân Trung Quốc cũng như những người đứng lên chống lại sự chuyên chế và bất công.”
Theo một tuyên bố, nghị quyết này kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngừng kiểm duyệt thông tin về vụ thảm sát Thiên An Môn và cho phép điều tra các sự kiện ngày hôm đó. Nghị quyết cũng chỉ trích “xu hướng” đàn áp xuyên quốc gia “ngày càng tăng” của ĐCSTQ nhắm vào các nhóm người Hoa ở hải ngoại và những nhóm khác, cũng như gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm “phá hoại và xác định lại các chuẩn mực nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn đa phương khác.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times