Người trong cuộc: Chính quyền ĐCSTQ đối mặt với sự bất ổn trước ngày tưởng niệm 35 năm vụ thảm sát Thiên An Môn
Ngày 04/06 năm nay đánh dấu 35 năm xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn. Theo một người trong cuộc và các chuyên gia, khi ngày tưởng niệm này cận kề, tại Trung Quốc, sự bất ổn ngày càng tăng từ cấp cơ sở cho tới cấp cao hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quân đội nước này.
Ông Thiên Minh (biệt hiệu) không phải người trong quân đội Trung Quốc. Mới đây, ông nói với The Epoch Times rằng sau thông báo của Bắc Kinh về những cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, nội bộ Chiến khu Trung Bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có sự thay đổi, cùng với các cuộc tập trận nửa đêm diễn ra thường xuyên hơn. Lẽ ra đây là thời gian nghỉ ngơi, nhưng quân đội lại bắt đầu tập luyện. Và trách nhiệm chính của Chiến khu Trung Bộ lại là bảo vệ Bắc Kinh.
Ông Thiên sống ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, gần một căn cứ quân sự địa phương. Ông cho biết sau khi cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra từ tháng 01/2024, mọi gia đình trong khu vực của ông đều nhận được bộ dụng cụ cấp cứu. Ông tin rằng điều đó cho thấy ĐCSTQ đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng, mà trong đó Bắc Kinh là mục tiêu đầu tiên.
Tuy nhiên, ông không tin rằng các khu vực xung quanh Bắc Kinh là an toàn cho các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Ông cho rằng vấn đề chính là sự ổn định nội bộ, bởi vì có vẻ trong giới quân đội đang dấy lên tâm lý bất mãn đối với ông Tập.
Kể từ năm ngoái, tình trạng hỗn loạn trở nên dai dẳng trong nội bộ quân đội ĐCSTQ. Lực lượng Hỏa tiễn Trung Quốc, Bộ Phát triển Trang bị, Bộ Tham mưu Liên hợp thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc cùng các nhánh khác, trong đó có các doanh nghiệp hàng không vũ trụ và quốc phòng, đã bị thanh trừng, đồng thời ít nhất là hàng chục quan chức cấp cao bị cách chức. Trong số này có các cựu chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn gồm Thượng tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), Thượng tướng Chu Á Ninh (Zhou Yaning), và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu).
Hôm 01/06, ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư nhân quyền người Trung Quốc và là chủ tịch Liên đoàn vì một Trung Quốc Dân chủ có trụ sở tại Canada, nói với The Epoch Times rằng tâm lý bài xích ông Tập trong quân đội phản ánh tâm lý đồng thuận rộng rãi trong chế độ. Tâm lý này không còn giới hạn trong công chúng Trung Quốc nữa.
“Chiến dịch chống tham nhũng có chọn lọc của ông Tập Cận Bình đã dẫn đến những cuộc thanh trừng sâu rộng trong nội bộ đảng và quân đội, gây ra phản ứng dữ dội ở các cấp khác nhau,” ông cho biết. “Tâm lý này phản ánh mong muốn rộng rãi trong nội bộ đảng và quân đội để được thấy ông Tập Cận Bình hạ đài. Ngay cả những người tỏ ra trung thành với ông Tập cũng chỉ là những người đã hưởng lợi từ chế độ này. Hầu hết tất cả các quan chức đều hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ sớm thoái vị.”
Cường điệu hóa vấn đề ‘an ninh’ và ‘ổn định’
Hôm 28/05, ĐCSTQ đã triệu tập một hội nghị đại biểu công tác công an toàn quốc tại Bắc Kinh, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp các đại biểu trong ngành công an.
Trong một bản tin do Tân Hoa Xã công bố hôm 29/05, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ Trần Văn Thanh (Chen Wenqing) đã đọc diễn văn tại cuộc họp, nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng lực lượng công an trung thành, kiền tịnh, và có trách nhiệm,” đồng thời cường điệu hóa nhu cầu “toàn lực phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn, và duy trì ổn định.”
Hôm 31/05, Tân Hoa Xã đăng một bản tin khác trong đó nhắc đến “an ninh” 12 lần và “ổn định” tám lần.
Bình luận viên chính trị Trung Quốc cư trú tại Hoa Kỳ Trần Phó Không (Chen Pokong) cho biết trên chương trình YouTube của mình rằng, việc ĐCSTQ triệu tập hội nghị đại biểu công tác công an toàn quốc vào thời điểm này là có hai lý do quan trọng. Thứ nhất, kỷ niệm 35 năm Vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 04/06 đang cận kề, đây là một dịp mà ĐCSTQ hết sức kinh sợ. Thứ hai là ĐCSTQ sẽ tổ chức Hội nghị Toàn thể lần thứ ba trong Tháng Bảy, và điều này có thể liên quan đến việc tái cơ cấu quyền lực trong giới lãnh đạo. Ông Trần tin rằng ông Tập muốn đẩy nhanh tiến trình này, vì vậy ông cần phải triệu tập hội nghị để bảo đảm là sẽ kiểm soát được mọi thách thức tiềm tàng.
Theo ông Lại, trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” trong đại dịch, ĐCSTQ đã tạo ra vô số thảm họa trong đời sống kinh tế và xã hội của người dân Trung Quốc, tích lũy ngày càng nhiều bất mãn trong công chúng. Điều này đã khiến ĐCSTQ cường điệu hóa vấn đề “an ninh” và “ổn định.” Một khi việc duy trì ổn định bất thành, chính quyền ĐCSTQ sẽ gặp nguy hiểm. Ông tin rằng về cơ bản thì hội nghị đại biểu công tác công an là để thảo luận về các biện pháp tiếp theo nhằm kiểm soát chặt chẽ dân chúng, tất cả là để bảo vệ chế độ.
Tuy nhiên, ông Lại cũng cho rằng các biện pháp chỉ có tác dụng hữu hạn.
Tiếp tục cuộc thanh trừng chính trị
ĐCSTQ sẽ tổ chức Hội nghị Toàn thể lần thứ ba trong tháng Bảy. Trước mắt, chính quyền của ông Tập đã tiếp tục cuộc thanh trừng chính trị đối với các quan chức cấp cao.
Hôm 30/05, trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng phó giám đốc Ủy ban Sự vụ Dân tộc Quốc gia Cẩu Trọng Văn (Gou Zhongwen) đang bị điều tra. Từ tháng 10/2016 đến tháng 08/2022, ông giữ chức vụ Giám đốc Tổng cục Thể thao Trung Quốc, phụ trách giám sát các sự kiện như Thế vận hội mùa đông PyeongChang, Thế vận hội mùa hè Tokyo, và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.
Ông Cẩu xuất hiện lần cuối trước công chúng hôm 22/05 để tham dự một diễn đàn về hệ tư tưởng của Tập. Trước khi bị cách chức, một số cấp dưới cũ của ông Cẩu đã bị điều tra và thẩm vấn về việc dính líu đến ông.
Hôm 25/05, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ và Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng Phó Giám đốc Cục Quản lý Độc quyền Thuốc lá Nhà nước Hứa Oánh Thiệp (Xu Yingshe) đang bị điều tra. Ông xếp hạng nhất trong số các phó giám đốc và đã phục vụ được 10 năm. Hôm 14/05 là ngày cuối cùng mà ông xuất hiện trước công chúng.
Trong số các quan chức cấp cao mới bị cách chức có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân tỉnh Hải Nam Lưu Tinh Thái (Liu Xingtai); Phó Chủ tịch Tỉnh ủy Giang Tô thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Vương Hạo (Wang Hao); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện (Tang Renjian); và phó chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Lâu Văn Long (Lou Wenlong).