Trung Quốc khai trừ hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng do cáo buộc tham nhũng
Chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh đã bắt giữ hai quan chức quân sự hàng đầu mới bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 27/06, khoảng 20 quan chức cấp cao thuộc Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tham dự cuộc họp tại Bắc Kinh và xem xét các báo cáo liên quan đến kết quả điều tra đối với hai cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe).
Theo một tuyên bố đăng trên Tân Hoa Xã hôm 27/06, kể từ tháng 08/2023, ông Lý đã bị điều tra khi chính quyền cho rằng ông “vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.” Đây là lối nói khác được sử dụng để chỉ tham nhũng.
Tháng 10/2023, sau hai tháng vắng mặt trước công chúng mà không có bất cứ lời giải thích nào, ông Lý đã bị chính quyền Trung Quốc cách chức khỏi chức vụ bộ trưởng. Sự việc bất ngờ và đột ngột diễn ra trong vòng chưa đầy bảy tháng sau khi ông Lý được bổ nhiệm làm bộ trưởng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về một cuộc thanh trừng chống tham nhũng trong quân đội.
Trong một tuyên bố khác hôm 27/06, Bắc Kinh đã tuyên bố điều tra ông Ngụy Phương Hòa, người tiền nhiệm của ông Lý, với cáo buộc tương tự kể từ tháng 09/2023.
Cũng như ông Lý, ông Ngụy, 70 tuổi, cũng đã vắng mặt trước công chúng kể từ khi ông thôi chức trong một cuộc cải tổ thường kỳ vào tháng 03/2023.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan giám sát quân sự của ĐCSTQ là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng ông Lý bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi cho người khác” và nhận “số tiền lớn.” Ngoài ra, cơ quan này cho biết “ông cũng bị tình nghi phạm tội nhận hối lộ.”
Các nhà chức trách cáo buộc ông Ngụy đã nhận nhiều hối lộ nhưng không xác định số tiền hối lộ cụ thể và cũng không hợp tác với cuộc điều tra.
Theo Tân Hoa Xã, ông Lý và ông Ngụy đều bị khai trừ khỏi ĐCSTQ, và vụ kiện của hai vị này đã được chuyển sang cho các công tố viên quân sự.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ra quyết định cao nhất giám sát Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc — Quân ủy Trung ương Trung Quốc — đã quyết định khai trừ hai quan chức này khỏi quân đội và tước quân hàm đại tướng của họ.
Mặc dù các nhà chức trách gán ghép việc sa thải hai cựu bộ trưởng quốc phòng với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng nhưng một số nhà phân tích cho rằng có thể lý do thực sự không phải là tham nhũng.
Nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng do chính phủ Đài Loan tài trợ Tô Tử Vân (Su Tzu-yun) cho rằng sự việc này có lẽ là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ĐCSTQ.
“Vào thời điểm này, chúng ta chưa thể biết được [lý do thực sự],” ông Tô nói với The Epoch Times hôm 27/06. Tuy nhiên, việc khai trừ hai cựu bộ trưởng quốc phòng từng được thăng chức dưới thời ông Tập và việc sa thải cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương cho thấy “hẳn là có những yếu tố bất ổn ở nội bộ ĐCSTQ.”
Tháng 07/2023, một tháng sau khi ông Tần vắng mặt không rõ nguyên nhân, chính quyền Trung Quốc đã sa thải ông. Hồi tháng Hai, Bắc Kinh thông báo rằng ông Tần đã từ chức ở Quốc hội, cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ. Sự từ chức đột ngột của ông hiện vẫn còn là một bí ẩn.
Kể từ khi ông Tần bị truất phế, Bắc Kinh đã chính thức sa thải hơn chục quan chức quân sự cấp cao cùng lãnh đạo các công ty công nghệ quốc phòng lớn nhất cả nước. Các quan chức nằm trong tầm ngắm gồm có những vị chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn, một đơn vị quân đội giám sát phi đạn hạt nhân và phi đạn thông thường của quốc gia. Ông Ngụy cũng là người đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2017.
Theo một số nhà phân tích chính trị, hàng loạt cải tổ trong quân đội cho thấy sự bất ổn trong việc cai trị của ông Tập.
“Cuộc thanh trừng quân sự hiện tại mang một nghịch lý trớ trêu rằng chỉ mới tám năm về trước, tức vào năm 2015, ông Tập Cận Bình đã mạnh mẽ cải tổ toàn bộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc theo quan điểm của ông,” nhà Hán học người Đức Frank Lehberger nói với The Epoch Times vào tháng 09/2023.