Phân tích: Việc Trung Quốc thắt chặt hạn chế xuất cảnh đối với công chức có liên quan đến tranh đấu nội bộ
Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau ba năm đại dịch, nhưng có thông tin cho biết, chính quyền nước này vẫn thắt chặt hạn chế xuất cảnh đối với công chức, thậm chí mở rộng ra cả nhân viên bình thường của các doanh nghiệp và tổ chức công lập. Gần đây, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc tuyên bố họ sẽ tăng cường tìm bắt “nội gián.” Các nhà phân tích cho rằng việc mở rộng thu hồi hộ chiếu có liên quan đến cuộc tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ. Hiện nay, không chỉ dân chúng phẫn nộ, mà sự bất mãn với chính quyền còn lan rộng như cháy rừng bên trong thể chế của ĐCSTQ.
Hôm 06/06, tờ Nam Hoa Tảo Báo của Hồng Kông loan tin, mặc dù ĐCSTQ dần mở cửa sau đại dịch COVID-19, nhưng chính quyền vẫn liên tục thắt chặt kiểm soát xuất cảnh đối với công chức và nhân viên các tổ chức công lập. Phạm vi kiểm soát cũng được mở rộng, không chỉ bao gồm hầu hết các công chức mà còn cả phần lớn nhân viên doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, cũng như lãnh đạo các trường học và bệnh viện.
Trong một năm qua, từ trung ương đến địa phương, chính quyền liên tục ban hành các quy định mới hạn chế xuất cảnh cá nhân. Những người bị hạn chế đều phải giao nộp hộ chiếu. Nếu muốn du lịch ra ngoại quốc, họ phải viết đơn xin “mượn” hộ chiếu, nhưng thủ tục phê chuẩn phức tạp và không minh bạch.
Theo tin tức của Nam Hoa Tảo Báo, những nhân viên giữ chức vụ cao hoặc vị trí nhạy cảm có liên quan đến các bí mật trong hệ thống ĐCSTQ bị hạn chế nghiêm ngặt hơn. Các quan chức từ cấp cục trưởng trở lên, ngay cả sau khi về hưu, đều sẽ bị hạn chế vĩnh viễn không được xuất cảnh. Các cơ quan công an và kiểm soát biên giới liên tục cập nhật danh sách kiểm soát biên giới, giám sát hành vi xuất cảnh trái phép.
Không chỉ vậy, các tập đoàn truyền thông chính thức bắt đầu thu hồi hộ chiếu của tất cả các ký giả. Hôm 06/06, Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) dẫn lời một cựu nhân viên cấp trung của cơ quan truyền thông nhà nước ĐCSTQ, cho biết do tính chất nghề nghiệp đặc biệt, các ký giả ngành báo có nhiều cơ hội tiếp cận các tài liệu nội bộ của chính quyền, nên trong bối cảnh ĐCSTQ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia thì ký giả cũng trở thành một nghề nhạy cảm bị kiểm soát xuất cảnh.
Cựu doanh nhân Trung Quốc, ông Hồ Lực Nhậm (Hu Liren), nói với đài RFA rằng hiện nay ngay cả việc xuất cảnh của các chủ doanh nghiệp tư nhân có mối quan hệ chặt chẽ với tài chính địa phương cũng bị kiểm tra nghiêm ngặt.
Vào cuối thế kỷ trước, ĐCSTQ đã thắt chặt hạn chế đi lại đối với quan chức, chủ yếu để ngăn chặn các quan chức cấp cao chuyển tiền tham nhũng ra ngoại quốc hoặc bản thân bỏ trốn. Nhưng đến năm 2014, cùng với chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của chính quyền ông Tập Cận Bình, việc xuất cảnh của công chức dần dần bị thắt chặt. Hai năm gần đây, khi căng thẳng địa chính trị giữa ĐCSTQ với Hoa Kỳ và các đồng minh gia tăng, Bắc Kinh đã nâng cao luận điệu “an ninh quốc gia.” Ông Tập Cận Bình cũng liên tục bày tỏ lo ngại về an ninh của chế độ với nội bộ ĐCSTQ.
Từ năm ngoái, Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ vốn lâu nay ẩn mình trong bóng tối đã xuất hiện công khai và can thiệp vào các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, tài chính. Bộ An ninh Quốc gia công bố nhiều vụ án, cho rằng có nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, thậm chí của các cơ quan trung ương, bị ngoại quốc dụ dỗ vì họ có thể tiếp cận bí mật chính trị và kỹ thuật khi ra hải ngoại. Nhưng các nước bên ngoài nghi ngờ tính xác thực của những gián điệp mà ĐCSTQ nhắc đến.
Vào tháng Tư năm nay, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tân (Chen Yixin) đã viết bài đề xướng “chống lật đổ, chống bá quyền, chống chia rẽ, chống khủng bố, chống gián điệp,” và tuyên bố sẽ “tiêu trừ nội gián”.
Vào hôm 07/06, ông Vương Hách (Wang He), chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, hiện nay toàn bộ xã hội giống như một nhà tù lớn. Ngoài việc kiểm soát sự lan truyền thông tin trong và ngoài nước, chính quyền còn kiểm soát xuất cảnh đối với một số nhân viên liên quan đến các bí mật nhạy cảm. Phạm vi hạn chế ngày càng mở rộng, thậm chí trưởng thôn ở nông thôn cũng phải nộp hộ chiếu lên trên.
“Đó là vì ĐCSTQ cảm thấy mình đang lâm nguy, nên việc phòng ngừa trở nên nghiêm ngặt hơn. Họ cũng biết người dân không hài lòng, nên tạo ra một cái cớ dưới danh nghĩa an ninh quốc gia để bắt nội gián. Họ [giả vờ như] khắp nơi đều có gián điệp, tạo ra bầu không khí căng thẳng.”
Ông Vương Hách cho rằng đợt mở rộng hạn chế xuất cảnh đối với công chức mới nhất này có liên quan đến hướng đi của cuộc tranh đấu nội bộ trong ĐCSTQ. Kể từ khi ông Lý Hy (Li Xi), thân tín của ông Tập Cận Bình, lên làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, số lượng cán bộ cấp trung bị bắt giữ nhiều hơn so với các nhiệm kỳ trước. Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa nhóm quan liêu và chính quyền ngày càng gay gắt. Ngoài việc chống tham nhũng thông thường, các biện pháp chỉnh đốn quan trường của chính quyền ĐCSTQ còn thực hiện biện pháp khai báo các vấn đề quan trọng nội bộ và kiểm soát hộ chiếu.
Mặt khác, ông Vương Hách cho rằng cảm giác khủng hoảng của ĐCSTQ càng lớn, kiểm soát càng chặt chẽ thì kết quả sẽ càng tệ hơn. Hiện nay không chỉ người dân chán ghét ĐCSTQ, mà các quan chức đảng này cũng mang tâm lý lo sợ. Họ đều biết chế độ này có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nên không muốn bị buộc chung một chỗ với chính quyền ĐCSTQ. “Hiện tại chính quyền nắm quyền lực lớn, mọi người không dám hành động gì, nhưng ngọn lửa dưới lòng đất đang rực cháy, chờ khi cơ hội đến thì sẽ có biến động lớn.”