Diễn đàn Tinh anh: Nhiều tình tiết bí ẩn trong vụ hai giám đốc điều hành Công ty Hoa Dung bị tuyên án tử hình ở Trung Quốc
Việc ông Bạch Thiên Huy (Bai Tianhui) bị tuyên án tử hình liệu phải chăng là ‘nước cờ thí’ cho Hội nghị Trung ương lần thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Tham nhũng tài chính và những bí mật đằng sau Công ty Hoa Dung (Huarong International Financial Holdings Limited) cho thấy sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân như thế nào? Điều quan trọng của quy tắc ngầm trong tù của quan chức ĐCSTQ là việc có khai báo lãnh đạo cũ hay không?
ĐCSTQ đang ra sức chống tham nhũng, nhưng càng chống thì càng tham nhũng. Gần đây, có một vụ án khá kỳ lạ, đó là vụ án của ông Bạch Thiên Huy, cựu Tổng Giám đốc công ty Quốc tế Hoa Dung. Trước hết, tòa án xác định rằng ông Bạch Thiên Huy đã khai báo nhiều vấn đề, lập được công lao lớn, nhưng ông vẫn bị tuyên án tử hình. Trước đó, Chủ tịch Hoa Dung Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin) bị tuyên án tử hình và đã thi hành án. Rất hiếm thấy có chuyện một công ty có hai người bị tuyên án tử, vì vậy, chắc chắn vụ án này có nhiều tình tiết ẩn giấu.
Tình hình phòng chống tham nhũng trong ngành tài chính ngày càng quyết liệt, ông Bạch Thiên Huy bị kết án tử hình
Nhà sản xuất phim truyền hình độc lập Lý Quân (Li Jun) nói trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) rằng, ông Bạch Thiên Huy bị bắt vào năm 2019 và sau 5 năm mới bị kết án. Điều này không hề đơn giản. Ngày 27/05, cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ đã xem xét quy định trách nhiệm về việc phòng ngừa và giải quyết rủi ro tài chính, nhấn mạnh rằng quản lý tài chính phải được thực hiện [chiến dịch] “răng dài gai nhọn” (phòng chống rủi ro). Kết quả là ngay ngày hôm sau, ông Bạch Thiên Huy bị tuyên án tử hình. Có lẽ đây cũng là một yếu tố, bởi vì khi đã “gai nhọn” thì phải hành động.
Từ Đại hội thứ 13 của ĐCSTQ đến nay, các vụ án bị kết án tử hình sơ thẩm bao gồm vụ ông Lý Kiến Bình (Li Jianping) ở Hohhot tham nhũng số tiền khoảng 3 tỷ nhân dân tệ, vụ ông Trương Trung Sinh (Zhang Zhongsheng) ở tỉnh Sơn Tây tham nhũng 1.04 tỷ nhân dân tệ, và cựu Chủ tịch Hoa Dung Lại Tiểu Dân tham nhũng 1.78 tỷ nhân dân tệ. Lần này, số tiền mà ông Bạch Thiên Huy tham nhũng là 1.108 tỷ nhân dân tệ. Thế nên, về cơ bản, vượt quá 1 tỷ nhân dân tệ đã trở thành ranh giới sinh tử. Thực ra, so sánh với số tiền tham nhũng của các quan chức khác trong ĐCSTQ, 1.108 tỷ không phải là con số đặc biệt lớn. Khi ông Lý Quân còn ở Trung Quốc, ông biết một giám đốc khu phát triển ở Giang Tô nhận hối lộ hơn 10 tỷ nhân dân tệ. Sau đó, người trong nội bộ chính phủ cho biết rằng một cán bộ cấp sở tham nhũng hơn 10 tỷ nhân dân tệ. Họ không dám báo lên vì vụ việc này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng. Do đó, ngược lại, những quan chức tham nhũng đặc biệt lớn của ĐCSTQ có thể an toàn. Ngay cả khi bị điều tra, họ cũng chỉ dám báo cáo một phần nhỏ. Ông Lý nghĩ cái gọi là ranh giới sinh tử 1 tỷ nhân dân tệ chỉ là cái cớ để ĐCSTQ sát nhân.
Ông Lý Quân cho biết, vụ án Hoa Dung thực sự rất đặc biệt vì có hai người chịu án tử hình. Chủ tịch Tổng công ty Hoa Dung Lại Tiểu Dân là cấp trên của ông Bạch Thiên Huy, tổng giám đốc một công ty con của Hoa Dung; hai người có mối quan hệ khá thân thiết.
Chính quyền ĐCSTQ cho biết, ông Bạch Thiên Huy là trợ thủ quan trọng của ông Lại Tiểu Dân trong nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Trong những năm trước khi ông Lại Tiểu Dân bị bắt, Công ty Quốc tế Hoa Dung ở Hồng Kông đã đầu tư rất nhiều vào thị trường vốn, và ông Bạch Thiên Huy là người điều hành chủ chốt những khoản đầu tư này, liên quan đến rất nhiều vốn và lợi ích vô cùng lớn.
Ông Lý Quân nói, có thể do ông Lại Tiểu Dân muốn giữ mạng sống nên đã khai ra ông Bạch Thiên Huy. Vì trong bản án của ông Lại Tiểu Dân có viết rằng, ông đã tố cáo hành vi phạm tội của cấp dưới mà cơ quan kiểm sát không biết. Vì vậy, ông Lại Tiểu Dân bị bắt vào năm 2018, và sau đó ông Bạch Thiên Huy bị bắt vào năm 2019. Hai người cùng kiếm tiền và cùng bị tử hình, cũng coi như anh em cùng hoạn nạn. ĐCSTQ cho biết ông Bạch Thiên Huy có công lao lớn, nên có thể ông đã tố cáo cấp trên để lập công. Ông Bạch nói trong phim tài liệu truyền hình rằng, nhiều dự án vi phạm pháp luật mà ông Lại Tiểu Dân giao cho ông là nhiệm vụ của lãnh đạo. Vậy những lãnh đạo này là ai, chỉ có thể là những lãnh đạo cấp cao hơn của ĐCSTQ. Mọi người đều biết ông Lại Tiểu Dân có quan hệ rất tốt với gia tộc của ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), vì vậy ông Lý Quân cho rằng chuyện này càng phức tạp hơn.
Quy tắc ngầm trong tù: Sẽ gặp hậu quả nghiêm trọng khi tố cáo lãnh đạo cũ
Ông Đỗ Văn, học giả về luật pháp Trung Quốc đang sống ở châu Âu, từng đảm nhận chức Trưởng phòng Pháp luật Chính phủ Khu tự trị Nội Mông, đã nói chuyện trên “Diễn đàn Tinh anh” rằng ông Bạch Thiên Huy được công nhận là cấp dưới của ông Lại Tiểu Dân, và hai người là đồng môn. Ông Bạch cũng đóng vai trò trợ lý đắc lực cho ông Lại Tiểu Dân. Ông Lại Tiểu Dân vướng vào vòng lao lý sẽ liên lụy đến ông Bạch Thiên Huy. Ông Bạch Thiên Huy đã sử dụng nguồn lực to lớn của Hoa Dung ở Hồng Kông và lợi dụng quy định lỏng lẻo của cổ phiếu Hồng Kông để thao túng và đầu cơ cổ phiếu rác. Đây là một hành vi lừa đảo bằng vốn nhà nước, có thể giúp kiếm nhiều tiền nhưng cũng tạo ra nhiều tội ác thực sự đáng khinh. Việc ông Bạch Thiên Huy “ngã ngựa” khiến nhiều nạn nhân vui mừng. Tuy nhiên, về vấn đề lập công của ông Bạch Thiên Huy, ông Đỗ Văn cho rằng không liên quan đến gia tộc ông Tăng Khánh Hồng. Ông Đỗ nghe nói rằng nguyên nhân ông ấy bị tuyên án tử hình là do tố cáo nhiều quan chức đã tặng quà và có mối quan hệ tham nhũng.
Ông Đỗ Văn cho biết, nhiều quan chức ĐCSTQ đều phải đối mặt với một vấn đề trong khoảng thời gian tạm giam: Có nên tố cáo cấp trên của mình hay không? Mọi người nhận thấy một quy luật, hầu như ai bị bắt cũng hy vọng rằng người đứng sau sẽ bảo vệ họ, sẽ lên tiếng bảo vệ họ, sẽ để lại cho họ một con đường sống, hoặc sẽ an bài tốt cho người thân của họ. Nếu mạo hiểm tố cáo cấp trên thì chẳng khác gì tự đào mồ chôn mình. Thực tế diễn ra đúng như vậy. Các nhân vật lớn thường bố trí người của mình trong tổ chức kỷ luật để giám sát tình hình nhằm ngăn chặn tổn thất lan rộng. Tổ chức kỷ luật sẽ nhắc nhở quan chức bị điều tra rằng, hiện giờ anh bị bắt thì anh chỉ cần khai báo vấn đề của mình thôi. Ông Đỗ đã thấy rằng hậu quả của những người tố cáo cấp trên thật sự rất kinh khủng.
Lấy một ví dụ về ông Bạch Chí Minh (Bai Zhiming), Phó Bí thư Khu tự trị Nội Mông, Trưởng phòng 610, và từng là Phó Bí thư kiêm Bí thư Ủy ban Kỷ luật Khu tự trị Tích Lâm Quách Lặc. Khi bị Ủy ban Kỷ luật thẩm vấn, ông này đã tố cáo việc tặng quà 700,000 nhân dân tệ cho ông Bạt Nhĩ. Kết quả là ông Bạch đột nhiên bị Ủy ban Kỷ luật tra tấn dẫn đến xuất huyết não, hôn mê và phải phẫu thuật mở sọ não. Bác sỹ nói rằng ông đã trở thành người thực vật, không còn hy vọng sống, nên được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt trong 20 ngày. Sau đó, ông ấy bỗng nhiên hồi phục, nhưng không thể nói chuyện hay đi lại. Sau khoảng 4 năm, ông ấy vẫn đi lại khó khăn. Sau đó, ông bị kết án tù chung thân với nhiều tội danh. Hiện ông đã thụ án 15 năm, năm nay đã 75 tuổi. Đáng lẽ, tù chung thân thụ án 15 năm là có thể được tha bổng, nhưng hiện tại ông ấy vẫn bị tù chung thân và không được giảm án. Nhà tù không xin giảm án cho ông, không chuyển án thành có thời hạn, và họ tìm đủ mọi lý do để không xin giảm án cho ông ấy.
Vì ông Bạch Chí Minh sức khỏe quá yếu, bị nhiều căn bệnh, nên sau đó Ủy ban Y tế của Cục Quản lý Nhà tù đã ký tên tập thể, đề nghị cho ông ấy tại ngoại để điều trị y tế. Kết quả là các bác sỹ ký tên đã bị bắt trong chiến dịch trấn áp tội phạm, trở thành bạn tù của ông Bạch Chí Minh. Những việc tương tự rất nhiều, không kể hết với mục đích rất rõ ràng, đó là không bao giờ để họ có thể ra khỏi tù, phải để họ qua đời trong tù như một hình thức diệt khẩu. Vì vậy, có một câu nói rằng, “dù có bị đánh chết cũng không được khai báo,” vì nếu khai báo thì sẽ bị đánh đến chết.
Những bí mật đằng sau Hoa Dung, ĐCSTQ đang giết gà dọa khỉ
Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, nói trong “Diễn đàn Tinh anh” rằng, Công ty Hoa Dung được thành lập vào năm 1999, thực ra là một tổ chức chuyên trông coi nợ xấu của các ngân hàng nhà nước. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa vào các khoản đầu tư của chính quyền. Phương pháp của họ là vay tiền từ các ngân hàng lớn chuyên cho các doanh nghiệp nhà nước và dự án quốc doanh vay. Kết quả là chúng ta đều biết, nhiều doanh nghiệp và dự án thua lỗ, phá sản, số tiền đầu tư không thể thu hồi, trở thành nợ xấu của ngân hàng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm 1999, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc trở nên rất nghiêm trọng. ĐCSTQ học theo cách làm của hai công ty Goldman Sachs và Morgan Stanley của Hoa Kỳ để thành lập bốn công ty chuyên lo liệu về tài sản. Mỗi công ty trông coi nợ xấu của một ngân hàng. Công ty Hoa Dung phụ trách lo liệu nợ xấu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Hoa Dung đã tiếp nhận khoảng 80-90 tỷ nợ xấu từ Ngân hàng Công thương; đây là điều chưa từng xuất hiện ở Trung Quốc trước đây. Nhìn từ bề mặt, loại hình kinh doanh này rất khó làm, vì nợ xấu là những khoản nợ khó đòi, làm sao có thể kinh doanh được? Vì vậy, lúc đó không ai muốn tiếp nhận công việc này.
Khi đó, ông Lại Tiểu Dân còn là một Trưởng phòng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ông có trình độ đại học, được coi là một thanh niên tài giỏi, có tương lai, và làm việc trong một cơ quan tốt. Lúc ấy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đới Tướng Long (Dai Xianglong) rất thích ông, và cử ông đến Công ty Hoa Dung. Ông Lại Tiểu Dân ban đầu không muốn đi, sau này ông đưa ra điều kiện là phải trao quyền cho mình. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương chấp thuận, và ông Lại Tiểu Dân đồng ý đến Hoa Dung. Vì vậy, Hoa Dung có tất cả các giấy phép kinh doanh tài chính của Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, đánh giá tài sản, quỹ, và nhiều thứ khác. Sau đó, tham nhũng trong giới quan chức ĐCSTQ bùng nổ. Chúng ta đều biết tham ô 1.3 tỷ nhân dân tệ như ông Lại Tiểu Dân thực ra chỉ là chuyện nhỏ, số tiền tham nhũng của người đứng sau ông mới thật sự là con số lớn. Vì vậy, những người như ông Lại Tiểu Dân và ông Bạch Thiên Huy cũng chỉ là tay sai của người khác mà thôi.
Ông Đỗ Văn nói trong Diễn đàn Tinh anh rằng, ông Lại Tiểu Dân và ông Bạch Thiên Huy đều xuất thân từ tầng lớp thấp, không có hậu thuẫn mạnh mẽ hoặc lý lịch phức tạp. Mối quan hệ của họ với người hậu thuẫn, nếu có, cũng là khá gián tiếp, và nằm ngoài tường lửa rủi ro. Ông Tập Cận Bình xử tử ông Bạch Thiên Huy và ông Lại Tiểu Dân với mục đích chính là giết gà dọa khỉ, không gặp trở ngại gì, điều này hoàn toàn hợp lý. Một lý do khác là Tòa án Tối cao ĐCSTQ đã đưa ra cách giải thích tư pháp về cái gọi là ranh giới sinh tử 1 tỷ nhân dân tệ [tiền hối lộ], mà số tiền của ông Bạch Thiên Huy và ông Lại Tiểu Dân vừa hay lại vượt trên con số này một chút. Tất nhiên, trong vụ này, ĐCSTQ muốn lấy mạng họ để răn đe những người khác. Nếu không muốn sát hại những người này thì ĐCSTQ chỉ cần giảm mức tiền tham nhũng dẫn đến án tử xuống một chút là được. Họ có nhiều không gian để thao túng. Hiện nay, rủi ro lớn nhất của ĐCSTQ là về tài chính. Hệ thống tài chính là nơi tham nhũng rất nhiều, chỉ cần sơ suất một chút là có thể dẫn đến rủi ro không kiểm soát được. Ông Tập Cận Bình phải tạo ra một bầu không khí vô cùng căng thẳng và nghiêm ngặt trong hệ thống tài chính, mới có thể trấn áp được những kẻ tham nhũng này. Hiện tại, ảnh hưởng của Hoa Dung tương đối nhỏ, rủi ro tương đối dễ kiểm soát, nên việc đối phó mạnh tay với Hoa Dung cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông Đỗ Văn, nếu ông Tập Cận Bình muốn đối phó với các gia tộc quyền lực thì cũng không thiếu chứng cứ, nhưng đây lại là một quyết định chính trị. Vụ án của ông Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) thuộc loại chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Ông Tiêu thực sự là một minh chứng rõ ràng về việc có chỗ chống lưng vững chắc vì ông là người của gia tộc họ Tăng, hoặc có thể nói ông có quan hệ khá mật thiết với ông Tăng Khánh Hồng. Hơn nữa, ông Tiêu có quốc tịch ngoại quốc và thuộc doanh nghiệp tư nhân nên vụ án này có nhiều chỗ để thao túng. Tuy nhiên, ông Tiêu đã nhận một bản án không nhẹ, 13 năm tù giam. Đây là một khoảng thời gian dài, nên ông ấy khó có thể sống tới ngày ra tù.
Bà Quách Quân nói trong “Diễn đàn Tinh anh” rằng năm ngoái Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ cho biết, năm nay có năm lĩnh vực chống tham nhũng thì dẫn đầu là lĩnh vực tài chính. Những vụ tham nhũng lớn trong nội bộ ĐCSTQ đều xảy ra trong thị trường tài sản và vốn, với số tiền hàng tỷ và hàng chục tỷ nhân dân tệ. Đối với ông Tập Cận Bình và nhóm quan chức cấp cao nắm thực quyền của ĐCSTQ, ‘Hồng nhị đại’ và ‘Quan nhị đại’ là những người nắm giữ giang sơn. Các quan chức khác thực ra chỉ là người quản lý, điều hành. Giống như một công ty, ông chủ lấy một ít tiền để làm gì đó thì dường như không có vấn đề gì, nhưng nếu người quản lý bên dưới lấy tiền thì sẽ là vấn đề rất lớn.
Đó là lý do cơ bản mà trong những năm qua, chúng ta thấy rằng các cuộc chiến chống tham nhũng của ĐCSTQ hầu như không hề đụng đến ‘Hồng nhị đại’ và thân quyến của họ, nhưng lại kết án hàng triệu quan chức cấp dưới. Vì đất nước này không phải của nhân dân cũng không phải của tất cả mọi người, mà là của những ‘Hồng nhị đại’. Họ mới là những chủ nhân thật sự của đất nước.