26 nhóm nhân quyền kêu gọi Thủ tướng Úc giúp chấm dứt cuộc đàn áp nhóm tín ngưỡng ở Trung Quốc
Một lời khẩn cầu đã được gửi tới các nhà lãnh đạo Úc để chấm dứt các hành vi đàn áp nhân quyền nhắm vào tù nhân lương tâm, trong đó có nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Hội nghị Duy Ngô Nhĩ Thế giới đã gửi một bức thư chung tới Thủ tướng Úc Anthony Albanese kêu gọi ông thực hiện hành động nhằm ngăn chặn “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” nhắm vào nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Tổ chức Theo dõi Diệt chủng, Tổ chức Vận động Hành lang Cơ đốc giáo Úc, Liên đoàn Nhân quyền Ý, và Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản nằm trong số 26 tổ chức quốc tế ủng hộ lời kêu gọi này.
Bức thư được đăng trên trang web của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới hôm 19/06 cho biết, “Chúng tôi … vô cùng lo ngại về những hành vi đàn áp nhân quyền đang diễn ra nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, vốn vi phạm các hiệp ước nhân quyền quốc tế.”
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc lập tức đưa ra hành động để ngăn chặn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.”
Bức thư chung kêu gọi Thủ tướng Úc Albanese thông qua một kiến nghị yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp này, cũng như trả tự do vô điều kiện cho toàn bộ học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác, đặc biệt là thân nhân của công dân và cư dân Úc.
Bức thư cũng kêu gọi ông Albanese thực hiện các biện pháp trừng phạt theo kiểu Magnitsky đối với các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc đàn áp học viên Pháp Luân Công, và trình bày vấn đề này trước Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Năm 2021, Nghị viện Úc đã thông qua bộ luật dựa trên Đạo luật Magnitsky này.
Khác với các biện pháp trừng phạt thông thường, các luật kiểu Magnitsky tập trung vào cá nhân những người vi phạm nhân quyền — cũng như thân nhân của họ — và có thể phong tỏa tài sản của họ ở ngoại quốc.
Các mục tiêu nhắm đến của luật này có thể bao gồm tin tặc mạng, tướng lĩnh tham nhũng, hoặc quan chức chịu trách nhiệm về những tội ác vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, và những người bị kết tội đó có thể bị cấm nhập cảnh vào Úc.
Ngày càng nhiều bằng chứng tiết lộ quy mô của cuộc đàn áp tàn bạo
Bức thư chung cho biết nhiều tổ chức đã ghi chép rõ ràng rằng các học viên Pháp Luân Công đã “bị sát hại theo yêu cầu như nguồn nội tạng chính cho ngành cấy ghép tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.”
Năm 2019, Tòa án Độc lập Điều tra Trung Quốc (China Tribunal) kết luận rằng “hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trong nhiều năm ở Trung Quốc trên một quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công là một và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính.”
Năm 2021, 12 chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng đã chính thức viết thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy về thông lệ này.
The World Uyghur Congress has signed a joint letter calling on Australian Prime Minister Anthony Albanese to help end the persecution of Falun Gong in China. ⤵️https://t.co/hJh5iQ7OPi pic.twitter.com/nYPffyyLai
— World Uyghur Congress (@UyghurCongress) June 19, 2024
Bức thư lưu ý rằng Úc “có trách nhiệm bảo vệ nhân quyền” theo Hiệp ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Hiệp ước chống Tra tấn và các hình thức Đối xử hoặc Trừng phạt Tàn ác, Vô nhân đạo hoặc Hạ nhục Khác, cũng như Hiệp ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng
Lời kêu gọi này diễn ra sau khi Nghị viện Âu Châu phê chuẩn một nghị quyết hồi đầu năm nay, trong đó “kêu gọi mạnh mẽ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] chấm dứt ngay cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác, trong đó có cả người Duy Ngô Nhĩ, và người Tây Tạng.”
Ngày 20/07 năm nay cũng đánh dấu 25 năm kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu chiến dịch ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công trên toàn quốc.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện gồm một bộ công pháp tĩnh tại, khoan thai và các bài giảng tập trung vào nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Pháp môn này lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Đến cuối những năm 1990, ước tính chính thức chỉ ra rằng có 70 triệu đến 100 triệu người Trung Quốc đang thực hành môn này.
Tuy nhiên, vào năm 1999, ĐCSTQ bắt đầu đàn áp tàn bạo nhóm tín ngưỡng này.
Các học viên, những người được chú ý vì có sức khỏe tốt và lối sống trong sạch, đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Thông lệ được nhà nước hậu thuẫn này dẫn đến việc sát hại hàng loạt những người bị giam giữ để bán nội tạng của họ.
Hoạt động thu hoạch nội tạng mang về cho ĐCSTQ 9 tỷ USD mỗi năm
Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế đã dành 18 năm để vạch trần hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống của ĐCSTQ, ước tính rằng hàng năm, chính quyền này kiếm được khoảng 9 tỷ USD từ thông lệ này.
“Tổng số tiền tôi tìm ra được là 8.9 tỷ USD mỗi năm. Chúng tôi đã tự tính toán tổng chi phí bằng cách truy cập vào các trang web của bệnh viện và cộng những con số đó lại,” ông Matas nói. “Con số này thật là lớn và khủng khiếp.”
Thượng nghị sỹ Đảng Tự Do Úc Paul Scarr cũng đã kêu gọi chính phủ Úc can thiệp.
“Bản chất của lời kêu gọi này là: khi ai đó đang bị bức hại không vì lý do nào khác ngoài niềm tin tôn giáo của mình, cũng như các vấn đề về lương tâm, thì tôi tin rằng nghĩa vụ đạo đức của những người yêu tự do trên toàn thế giới là phải đứng lên,” ông Scarr nói với The Epoch Times.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times