Hạ viện Delaware thông qua nghị quyết lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
Nghị quyết này kêu gọi các nhà lập pháp khuyến khích cộng đồng y tế Delaware nên truyền đạt cho người dân biết về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra ở Trung Quốc.
DOVER, Delaware—Hôm 20/06, Hạ viện Delaware đã đồng thuận thông qua một nghị quyết lên án ngành công nghiệp sinh lợi từ việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc. Nghị quyết này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan đến việc sang Trung Quốc để được cấy ghép nội tạng nhanh chóng.
Nghị quyết Đồng thời của Hạ viện 143 (HCR143), kêu gọi các nhà lập pháp khuyến khích cộng đồng y tế Delaware truyền đạt cho người dân về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức xảy ra ở Trung Quốc, để giúp ngăn người dân Delaware trở thành vô tình tham gia vào ngành công nghiệp do nhà nước Trung Quốc điều hành để sát hại tù nhân lương tâm vì mục đích thu hoạch và bán nội tạng. Nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, cũng như các Phật tử Tây Tạng, những tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia, và các thành viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.
Người bảo trợ chính cho nghị quyết này là Dân biểu tiểu bang Delaware Michael Ramone, đồng thời là lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện và là một ứng cử viên thống đốc. Đồng bảo trợ dự luật còn có Thượng nghị sỹ Gerald Hocker và các nghị sỹ từ cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, gồm Thượng nghị sỹ tiểu bang David Lawson, Thượng nghị sỹ Brian Pettyjohn, Dân biểu Paul Baumbach, Dân biểu Richard Collins, Dân biểu Jeff Holvey, Dân biểu Michael Smith, và Dân biểu Lyndon Yearick.
Ông Ramone nói với The Epoch Times rằng phải mất rất nhiều thời gian và kiên trì để giới thiệu được nghị quyết này.
“Chủ yếu là do thiếu sự truyền đạt và hiểu biết. Và một khi chúng tôi làm được tốt hơn trong việc nói chuyện với từng đại diện và từng bên trong Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, thì có vẻ như chúng tôi đã có … cả hội trường bỏ phiếu cho nghị quyết này. Đó là điều mà tôi nghĩ sẽ khiến chúng ta chú ý đến nhu cầu giáo dục người dân ở đất nước chúng ta, khi nghĩ tới việc đến Trung Quốc để có được một nội tạng vì thời gian nhanh chóng mà họ nhận được nội tạng, thì họ phải hiểu được tại sao điều đó lại đang xảy ra,” ông chia sẻ.
Ông Ramone nhấn mạnh sự cần thiết của giáo dục để ngăn cản việc tham gia vào các hoạt động trái với luân thường đạo lý, đồng thời kêu gọi các cá nhân tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế thay thế không nên tha thứ cho những hành động bất lương như vậy. Ông bày tỏ lo ngại sâu sắc về các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ảnh hưởng đến hàng triệu sinh mạng, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nhận thức và ủng hộ trên toàn cầu.
“Nếu chúng ta ngăn chặn tất cả mọi người trên đất nước của chúng ta tiếp cận phương thức thực hiện cấy ghép nội tạng đó, thì nhu cầu sẽ thay đổi rất nhiều và hy vọng là sẽ cứu được nhiều sinh mạng,” ông Ramone nói. “Bởi vì không ai tin rằng chúng ta sẽ làm gì đó để tước đoạt sinh mạng một người rồi có thể bán từng bộ phận [cơ thể] để cứu một người khác. Điều đó hoàn toàn trái luân lý.”
Trong phiên họp lập pháp, Dân biểu tiểu bang Madinah Wilson-Anton, người trước đây đã tham gia nhiều nghiên cứu về châu Á tại Đại học Delaware và hiện là trợ giảng, đã bày tỏ sự biết ơn nghị quyết này. Bà cho biết bà chưa bao giờ nghe nói đến thảm kịch thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
Bà Wilson-Anton nói: “Tôi thực sự đánh giá cao cơ hội để tất cả chúng ta tìm hiểu về vấn đề này và truyền đạt nhận thức và bảo đảm rằng những người thân yêu và thành viên cộng đồng của chúng ta không đi thực hiện các loại hình cấy ghép tạng này.” Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lan truyền nhận thức về những hoạt động cấy ghép tạng cưỡng bức như vậy, mặc dù việc này đang diễn ra trên phạm vi quốc tế.
Ông Yearick đồng bảo trợ cho nghị quyết, lên án hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ là khủng khiếp và không muốn trở thành đồng lõa.
“Tôi có thể hiểu được nhu cầu của một người đang mong muốn có được kết quả chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người thân yêu của họ, tuy nhiên, cách họ sẽ đạt được điều đó thì quả thật đầy bi kịch. Thật kinh hoàng với sư khủng khiếp của nạn thu hoạch nội tạng đang diễn ra trên thế giới này và thị trường nhờ đó mà tồn tại,” ông Yearick nói với The Epoch Times.
Ông Yearick cho biết cách đây vài năm, ông nghe nói đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Ông muốn hiểu rõ hơn về thảm cảnh này.
Ông nói: “Hoạt động đang diễn ra này rõ ràng là một thảm kịch của nhân loại mà chúng ta phải lên tiếng cho dù đó là nạn buôn người, buôn bán nội tạng, hay buôn bán tình dục, thì từ ‘buôn bán’ này mang theo một số biến chứng và hậu quả rất nghiêm trọng.”
“Hoạt động này đang làm giảm giá trị của cuộc sống, làm giảm giá trị của một cá nhân, yếu tố con người mà chúng ta cần lên tiếng ủng hộ, và lên tiếng phản đối bất kỳ hình thức buôn bán nào, bởi vì với cá nhân đó thì chuyện này thực sự khủng khiếp.”
Ông Frank Cui, một kỹ sư và là một học viên Pháp Luân Công, thay mặt các học viên ở Delaware bày tỏ sự biết ơn về việc thông qua nghị quyết này. Ông nhấn mạnh vai trò của nghị quyết này đối với việc nâng cao nhận thức và ngăn chặn mọi người vô tình tham gia vào cuộc áp bức cấy ghép nội tạng.
“Nghị quyết này rất quan trọng vì giúp nâng cao nhận thức về cuộc áp bức cấy ghép tạng ở Trung Quốc, và bảo vệ người dân Delaware không vô tình trở thành đồng phạm của tội ác này. Bản thân sự nhận thức này là một phương tiện ngăn chặn cuộc áp bức và là một bước đi đúng hướng để tránh việc đồng lõa,” ông Cui nói.
“Vừa để xóa sổ Pháp Luân Công vừa kiếm được lợi nhuận, ĐCSTQ đã sát hại các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh để lấy nội tạng. Do đó, Trung Quốc khoe khoang có thời gian chờ ghép tạng ngắn nhất trên thế giới và thu hút những người được gọi là du khách ghép tạng từ các quốc gia khác.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân được dẫn dắt bởi các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã mang lại sức khỏe và sự an hòa cho hàng triệu học viên trên khắp thế giới. Bi kịch thay, vào năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khởi động một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Nghị quyết này cũng thừa nhận một báo cáo năm 2015 của Freedom House cho thấy các học viên Pháp Luân Công chiếm phần lớn trong số các nạn nhân bị thu hoạch nội tạng của chính quyền Trung Quốc, đồng thời tham chiếu đến một báo cáo điều tra từ năm 2016 ước tính Trung Quốc đã thực hiện 60,000 đến 90,000 ca cấy ghép mỗi năm, điều này phủ nhận tuyên bố của ĐCSTQ là 10,000 ca mỗi năm.