Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu bật hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc trong báo cáo thường niên
Bộ đã đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân chính trị trong báo cáo thường niên về nạn buôn người.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc về những cáo buộc về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức trong báo cáo mới nhất của bộ về nạn buôn người.
Được công bố hôm 24/06, báo cáo năm 2024 xếp Trung Quốc vào một trong số 13 quốc gia “Cấp 3,” nghĩa là các chính phủ được biết đến là có “chính sách hoặc mô hình” buôn người. Đặc biệt, đối với chính quyền Trung Quốc, báo cáo cho biết nhà cầm quyền này “đã bị cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân chính trị một cách có hệ thống.”
“Việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc dường như nhắm đến một số nhóm thiểu số về sắc tộc, ngôn ngữ, hoặc tôn giáo nhất định đang bị giam giữ ở các địa điểm khác nhau, thường là không được giải thích lý do vì sao bị bắt giữ hoặc không được phát lệnh bắt giữ,” báo cáo trích dẫn từ một tuyên bố chung từ một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 2021.
Tuyên bố năm 2021 do Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) phát hành này cho biết các chuyên gia “vô cùng chấn động trước các báo cáo về cáo buộc ‘thu hoạch nội tạng’ nhắm vào các nhóm thiểu số bị giam giữ ở Trung Quốc, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Hồi Giáo, người theo đạo Cơ Đốc.”
Các chuyên gia, trong đó có các báo cáo viên đặc biệt, đã đi đến kết luận như vậy dựa trên những gì OHCHR gọi là “thông tin đáng tin cậy” về việc một số nhóm người bị giam giữ ở Trung Quốc đã bị buộc phải tiến hành xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng mà không có sự đồng ý của họ.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc này viết: “Kết quả của các xét nghiệm được cho là đã được nhập vào cơ sở dữ liệu về các nguồn nội tạng sống nhằm tạo thuận tiện cho việc phân bổ nội tạng.”
Các chuyên gia cho biết: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc trước các báo cáo về việc đối xử mang tính phân biệt đối với các tù nhân hoặc những người bị tạm giam dựa trên sắc tộc, tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ.”
Đã có rất nhiều bằng chứng xung quanh hoạt động thu hoạch nội tạng được nhà nước hậu thuẫn của chính quyền Trung Quốc đối với các nạn nhân bị giam giữ, hầu hết họ là các học viên Pháp Luân Công.
Ví dụ, năm 2019, China Tribunal, một tòa án độc lập của người dân ở London, đã kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm “trên quy mô đáng kể” trong nhiều năm, với các học viên Pháp Luân Công là “nguồn cung chính” cơ quan nội tạng của con người.
Tòa án do Sir Geoffrey Nice QC chủ trì, người trước đây từng dẫn đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Tòa đã phát hiện ra rằng các xét nghiệm máu và xét nghiệm y tế — đặc biệt đối với những người bị giam giữ là học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ — “mang tính gợi ý rất lớn về các phương pháp được sử dụng để đánh giá chức năng của cơ quan nội tạng.”
Pháp Luân Công
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện được truyền ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992. Pháp Luân Công khuyến khích các học viên sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Đến năm 1999, theo ước tính chính thức, có ít nhất 70 triệu người tập luyện môn này.
Xem sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với quyền lực chính trị của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp toàn quốc vào tháng 07/1999 nhằm mục đích trấn áp môn tu luyện này. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ và vô số người bị sát hại.
Đầu tháng này, ông David Matas, một chuyên gia nhân quyền quốc tế, ước tính rằng chính quyền Trung Quốc có thể kiếm được khoảng 8.9 tỷ USD mỗi năm từ hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Trung Quốc từ lâu đã là một trong những điểm đến hàng đầu về cấy ghép nội tạng, nơi các bệnh viện thường hứa hẹn thời gian chờ đợi ngắn cho đến khi bệnh nhân có được nội tạng phù hợp.
Vấn đề này đã trở thành tâm điểm chú ý ở Delaware hôm 20/06, khi Hạ viện của tiểu bang nhất loạt thông qua một nghị quyết đồng thời (HCR143). Nghị quyết kêu gọi các nhà lập pháp khuyến khích cộng đồng y tế của tiểu bang “giáo dục người dân Delaware về những rủi ro khi đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng [và] giúp ngăn chặn người dân Delaware không vô tình dính líu đến việc sát nhân dưới hình thức thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các tù nhân lương tâm.”