Thần tích của Trương Tam Phong lưu lại nhân gian
Bộ truyện thứ 2 của cái thế chân nhân Trương Tam Phong
“Đạo nhân từ lâu đã giống như không còn tai mắt, phóng khoáng như thoát khỏi sự câu thúc. Sáng bắt đầu nơi mặt trời mọc xứ Phù Tang, buổi tối đã tá túc tại chân mây Côn Lôn.” Trương Tam Phong, người đã đắc đạo thành tiên, tự do phiêu bạt trong nhân gian, ngoài việc tế thế cứu nhân, hóa giải nguy nan ra còn nhiều lần khuyên thế nhân quay đầu là bờ, chớ lầm lạc nơi danh lợi, đại ý là “xưa nay danh lợi như bụi trần.” Ngoài ra, ông còn dẫn dắt những người có duyên theo Đạo, thậm chí là bước vào con đường tu Đạo.
Phù sinh ảo mộng quay đầu là bờ
Các tác phẩm của Trương Tam Phong rất phong phú, bao gồm “Đại Đạo Luận,” “Huyền Cơ Trực Giảng,” “Huyền Yếu Thiên” v.v. đều được người tu Đạo đời sau tôn sùng. Tuy nhiên, tác phẩm nổi bật nhất của ông được gọi là đan từ “Vô Căn Thụ” (Cây không rễ). Trong đan từ nói: “Phàm là cây có rễ thì mới mọc, cây nếu không có rễ thì sống không lâu. Người ta ở trên đời, sinh lão bệnh tử, trăm nỗi lo lắng, trăm năm đời người, chớp mặt đã qua rồi, giống như cây không có rễ thôi.” Trương Tam Phong đã sáng tác đan từ gồm 24 bài thơ, lấy tên là “Cây không rễ,” đánh thức thế nhân, để họ nhìn thấu sự phù sinh ảo mộng, sớm tu tính mệnh.
Bài đầu tiên của tập “Cây không rễ” viết như thế này: “Cây không rễ, hoa u tối, tham vinh hoa phú quý ai muốn ngừng? Kiếp phù du, như thuyền trên biển khổ, phiêu đãng trôi dạt nhưng không được tự do. Vô bến vô bờ khó neo đậu, thường đi qua nơi hiểm nguy có ngư long. Biết quay lại, chính là bến bờ, đừng đợi sóng gió làm vỡ thuyền.”
Và phần mở đầu của đan từ đã chỉ ra rằng cuộc sống tham vinh hoa phú quý, giống như con thuyền nhỏ trôi dạt trong biển khổ, thường ở trong hoàn cảnh nguy hiểm, khuyên nhủ thế gian phải siêu thoát khỏi danh lợi, kịp thời tu luyện, “đừng đợi sóng gió làm hỏng con thuyền.” Trong hàng ngàn năm, lý luận của Đạo gia huyền bí và văn tự mù mờ, nên nó không thể được chấp nhận rộng rãi ở xã hội. Nhưng Trương Tam Phong đã sử dụng thể loại ca từ và ngôn ngữ bình dân để biến lý thuyết thâm sâu về tu luyện thành bài hát “Cây không rễ” mà ai cũng thích, và nó có ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ tu đạo sau này.
Ngoài ra, một số bài thơ của Trương Tam Phong cũng khuyên người đời nên siêu thoát khỏi danh lợi và đừng để bị ảnh hưởng bởi ham muốn vật chất, nói rằng “xưa và nay danh lợi đều như cát bụi,” phải kịp thời tu luyện và theo đuổi sự vĩnh cửu. Chẳng hạn, ông đã nói trong “Vãn bộ Hàm Dương”: “Thiên biên phi nhạn bài vân biểuNgã diệc trường ngâm Hàm Dương đạoHàm Dương cổ đạo thảo mê lyBách đại vương hầu tận khô cảoTây hành vạn lý đa hoài cảmNhân sinh khởi nhược Thần Tiên hảo!Nhậm tha thương hải tang điền,Hạc mạo tùng thế trường bất lão”
Tạm dịch:“Chân trời nhạn bay thành hàng ngang tầm mây, Ta cũng ngâm dài trên con đường tới Hàm Dương. Đường cổ Hàm Dương cỏ chập chờn, Làm vương hầu trăm đời rồi cũng tàn úa. Tây hành vạn lý lòng đầy hoài cảm, Đời người sao được như thần tiên! Mặc kệ thế gian bãi bể nương dâu thế nào, Thì Thần vẫn mang dáng tùng mạo hạc mãi không già.”
Đại ý cho rằng chuyện quá khứ như mây khói, những người từng là vương hầu ngày xưa nay cũng chẳng còn, dù thế gian có biến đổi to lớn như biển cả hóa thành nương dâu, nhưng tất cả vạn vật ở thần giới đều là vĩnh hằng.
Một ví dụ khác là những gì ông đã nói trong bài “Chủ nhật ngắm cảnh mặt trời mọc”: “Ngay khi con gà trời cất tiếng hát thì cửa biển đã mở ra, mặt trời thoát ra khỏi sóng lớn để xuất hiện trên biển. Ánh mắt xa vạn dặm vẫn là màu đỏ, và ba ngọn núi nhấp nhô một màu xanh. Nghe thấy tiếng hạc từ trên không vọng xuống, chỉ thấy đám mây rồng mang cơn mưa đến. Đặc biệt có cô tiên đang bay chỉ con nai, khiến người ta chỉ mong ước chốn Bồng Lai.” Trong cảnh mặt trời mọc do Trương Tam Phong miêu tả, hai điềm lành, khèn Hạc và rồng mây lần lượt xuất hiện, phi tiên vung tay có con nai ở trong, ý khuyến khích người đạo sĩ dấn thân vào con đường tu luyện trở thành tiên.
Trong “Bài thơ hoa Quỳnh,” Trương Tam Phong viết:
Quỳnh chi ngọc thụ thuộc tiên giaVị thức nhân gian hữu thử hoa.Thanh trí bất triêm phàm vũ lộCao tiêu trường đới cổ yên hà.Tạm dịch:
“Cây ngọc cành quỳnh thuộc họ hoa tiên, không biết nhân gian có loài hoa này. Thanh khiết không dính mưa sương cõi phàm,và một dải khói mờ dài và cao.”Qua việc miêu tả sự trong trắng không tỳ vết của hoa Quỳnh, để khuyên người thế gian phải có chính khí ngay thẳng, không nhuốm bụi trần và nên theo đuổi cảnh giới cao quý.
Theo Trương Tam Phong, điều tuyệt vời nhất chính là “làm sao có thể cùng về động trời,” động trời chính là nơi sinh sống của các vị thần.
Kỳ tích tại nhân gian
Một trong những sứ mệnh trọng đại của Thần Long ẩn đầu Trương Tam Phong là tìm người có duyên tại nhân gian, hướng dẫn họ theo Đạo, thậm chí là bước vào tu luyện, đồng thời vạch trần tà thuật, trừng trị kẻ ác, không để nó gây họa cho thế gian. Trong thời kỳ này, Trương Tam Phong đã để lại nhiều Thần tích tại nhân gian. Tác phẩm “Trương Tam Phong toàn tập” do người đời nhà Thanh biên tập đã thu thập một số câu chuyện về vấn đề này.
Điểm hóa cho Thẩm Vạn Tam
Thẩm Vạn Tam là một người giàu có vào đầu nhà Minh, nhưng đầu tiên ông chỉ là một hộ đánh cá lớn phổ thông ở vùng Giang Hoài, gia đình sống ở Châu Trang chỗ cửa sông Dương Tử đổ ra biển, là người có tâm từ bi hay bố thí. Một ngày nọ, anh ta tình cờ gặp Trương Tam Phong, anh ta tò mò về ngoại hình và hành vi kỳ lạ của ông, nên thường mời ông đi uống rượu và cung cấp cho ông những thứ cần thiết. Trong một lần uống rượu, Trương Tam Phong cho biết mình chính là Trương Tam Phong và kể lại chuyện tu Đạo của mình. Thẩm Vạn Tam nghe xong, quỳ sát đất và xưng “tổ sư,” xin thỉnh giáo, “kẻ hèn mọn xin được cứu giúp mọi người, không dám mong gì đến phúc thọ.”
Trương Tam Phong hiểu được tâm ý của anh ta và định dạy anh ta kỹ thuật giả kim. “Vì vậy, đã đặt mua dược liệu và chọn ngày bắt đầu luyện. Tuy nhiên, trong quá trình luyện, đã xảy ra sự cố lò bị cháy, Thẩm Vạn Tam biết rõ cơ duyên của mình chưa đến, nhưng vẫn kiên trì không nản. Trương Tam Phong thầm vui mừng, “phục dĩ tử hống điểm đồng thiết, tận thành hoàng bạch ngọc thạch” (tạm dịch: đã cố gắng luyện đồng và sắt bằng thủy ngân, biến thành vàng bạc ngọc thạch).
Trước khi đi, Trương Tam Phong nói với Thẩm Vạn Tam, “Đông nam vương khí rất mạnh,” tương lai sẽ gặp nhau ở tây nam. Sau đó, Thẩm Vạn Tam đã dựa vào kim thuật tạo ra vàng và trở nên giàu có nhất thiên hạ. Khi gặp những người nghèo khó, ông đã giúp đỡ rộng rãi.
Sau khi Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương nghe về sự việc thần kỳ của Thẩm Vạn Tam, đã hỏi vay một trăm vạn lượng vàng, Thẩm Vạn Tam đã giao đủ số lượng. Chu Nguyên Chương đã vô cùng kinh ngạc, bèn tìm cớ bắt ông cùng gia đình đày đến Lĩnh Nam, sau đó lại chuyển đến Vân Nam. Tại Vân Nam, Thẩm Vạn Tam gặp lại Trương Tam Phong, lúc đó mới biết lời hẹn gặp ở Tây Nam là sự thật. Sau đó, Thẩm Vạn Tam và người nhà uống đan dược và đều có thể bay lên.
Kết duyên với Thường Ngộ Xuân
Thường Ngộ Xuân là vị đại tướng chủ yếu đã giúp Chu Nguyên Chương chinh phục thiên hạ. Vào tháng Sáu năm Hồng Vũ thứ hai, ông đã lãnh đạo một đội quân tấn công Đại Hưng Châu, đi thẳng đến Khai Bình, đuổi quân Nguyên hàng trăm dặm, và giành chiến thắng. Vào tháng Bảy, khi đóng quân ở Liễu Châu, Thường Ngộ Xuân đột nhiên đổ bệnh. Ông nói với các tướng lĩnh rằng, lúc ông ra đời, có một ông lão đến nhà ông và để lại một mảnh giấy, bức thư viết: “Hoàng hoàng vĩ túc, kiểu kiểu hổ thần, hòa trung ngộ chủ, liễu hạ quy Thần” (tạm dịch: Huy hoàng ngôi sao Vĩ, kẻ bề tôi dũng mãnh như hổ, trong hòa bình mà gặp chủ, dưới cây liễu trở về Thần giới). Trước đây chân nhân Trương Tam Phong đã gửi đến một bức thư, và nay bị bệnh ở Liễu Châu, “điều đó có nghĩa là mệnh của ta sẽ không còn bao lâu nữa.” Quả nhiên, Thường Ngộ Xuân đã nhanh chóng qua đời vì bạo bệnh ở tuổi 34.
Sử sách ghi lại, Thường Ngộ Xuân tính tình cương nghị, đa trí, dũng cảm, sức mạnh hơn người, năm 23 tuổi thì đầu quân theo Lưu Tụ. Vì Lưu Tụ hay cướp bóc, không có chí lớn, nên Thường Ngộ Xuân cảm thấy Lưu Tụ không thể làm được việc lớn, vì vậy đã quyết định đầu quân cho Chu Nguyên Chương. Một hôm, khi đang nghỉ ngơi ngoài đồng, ông chợt mơ thấy một vị Thần mặc áo giáp vàng tay cầm khiên, gọi ông: “Dậy, dậy đi, chúa công ngươi đến rồi.” Lúc này, Chu Nguyên Chương tình cờ cưỡi ngựa đi ngang qua. Thường Ngộ Xuân bừng tỉnh và xin được gia nhập dưới trướng. Kể từ đó, ông theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc chiến, nhiều lần lập chiến công.
Chỉ điểm cho vua Thục Hiến Vương
Trong những năm Hồng Vũ, Minh Thái Tổ phong cho con trai thứ 11 Chu Xuân là Thục Hiến Vương. Một hôm, có một ông lão hành động nhanh như chớp đến gặp Chu Xuân và bảo anh ta tu luyện. Chu Xuân không nghe, nhưng nhìn ông ấy có vẻ rất khỏe mạnh cường tráng nên muốn mời ông về dưới trướng làm tân khách. Lão nhân cười nói: “Hà tất Chung Nam luận tiệp kính, thần tình vu ngã tự hồng mao” (Hà tất phải đi theo con đường làm quan, việc làm quan đối với ta tựa như lông chim hồng.” Chu Xuân nghe xong vô cùng khâm phục.
Sau vài ngày, ông lão nói với Chu Xuân rằng mình chính là Trương Tam Phong, và cảnh báo Chu Xuân rằng dù làm Phiên Vương cũng tốt, nhưng cũng phải biết tiến, lùi mới tránh được tai họa. Sau đó, khi Kiến Văn Đế loại bỏ các Phiên Vương, Chu Xuân vì đã nghe theo lời khuyên của Trương Tam Phong mới có thể thoát khỏi tai họa.
Chu Xuân đã từng viết một bài thơ có tựa là “Tượng Trương thần tiên”:
Kỳ cốt sâm lập.Mỹ nhiêm kích trương,Cự trùng dương hề vị viễn,Bộ hư tĩnh chi di phương.Phiêu phiêu hồ Thần tiên chi khí,Kiểu kiểu hồ băng tuyết chi tràng…”
Tạm dịch:
“Cốt cách kỳ lạ đứng như rừng,Bộ râu đẹp như kích. Cách trùng dương không xa, Mùi thơm lưu lại sau bước chân tĩnh lặng hư không. Nhẹ nhàng như khí chất của các vị thần tiên, Trong sáng như băng tuyết…”
Tuy rằng bài thơ không hay lắm, nhưng sự ngưỡng mộ đối với Trương Tam Phong vẫn rất chân thành.
Đại ẩn kinh đô
Những năm đầu thời Vĩnh Lạc, có một ông già đi du ngoạn ở kinh đô, ông “phong thái thanh cao, phất phất chòm râu đẹp.” Ông sống ở kinh đô một thời gian dài, ông rất tương hợp với quan cấp sự trung Hồ Huỳnh, thường cùng nhau uống rượu làm thơ. Ông lão nghe nói sau khi làm việc chính sự xong, các quan trong triều thường nói về các vị thần tiên, và nghe nói quan thị đốc Hồ Quảng tiến cử Trương Tam Phong với Minh Thành Tổ, trong lòng không vui. Một ngày nọ, khi đang uống rượu, ông lão nói với Hồ Huỳnh rằng ông sẽ rời kinh đô và lên núi. Hồ Huỳnh ngạc nhiên hỏi nguyên do. Sau khi hỏi đi hỏi lại, ông già mới nói cho ông ta biết, rằng ông là Trương Tam Phong. Nói xong lập tức rời đi ngay, cũng không biết là đi đâu.
Về sau, Hồ Huỳnh được Minh Thành Tổ ủy thác việc đi tìm Trương Tam Phong, từng viết câu
“Khước ước cố nhân tòng thử ẩn,Đề thơ thùy tự bào tham quân”
Tạm dịch:
“Nhớ ra rằng cố nhân từ nay đã đi ở ẩn rồi, Đề thơ cũng giống như Bào tham quân”
Kéo dài tuổi thọ cho Giác Thử ông
Vào thời Thiên Thuận của Minh Anh Tông, ở Kiến Châu có một ông lão bán bánh chưng, ông tâm địa thiện lương, hễ thấy người nghèo đói đi ngang qua, ông lại cho một chiếc bánh ú. Có người hỏi nguyên do, ông lão nói, ngày nào cũng bán bánh ú chỉ cầu giữ được vốn, có chút lãi là tốt rồi, còn lại giúp đỡ người khác, chuyện nhỏ nhặt như vậy không đáng nhắc đến.
Một hôm, đến buổi chiều chưa bán được cái bánh nào. Vừa may có một đạo nhân đi ngang qua và xin một cái bánh ú, ông lão đưa một chiếc bánh. Đạo sĩ ăn xong lại xin thêm một chiếc nữa, ông lão lại đưa cho. Như thế mấy chục lần thì lần nào ông lão cũng đưa cho đạo sĩ. Đạo sĩ cười lớn nói: “Ông thật là hào phóng. Ta không có đạo thuật gì khác, hiện tại trong túi ta có một hạt châu màu tím, ngươi có thể mang về cất vào trong cái bình ở nhà, ngày hôm sau hãy mở ra, sẽ có điều kỳ diệu trong đó.” Nói xong, đạo sĩ nhẹ nhàng rời đi.Ông lão đem hạt châu tím về nhà, cho vào hũ đựng gạo đã còn rất ít gạo theo đúng lời mà đạo sĩ dạy. Sáng hôm sau mở ra, hũ gạo đã thực sự đầy ắp. Khi đó, ông lão mới hiểu được chỗ kỳ diệu mà đạo sĩ nói. Vì vậy, ông lấy gạo làm bánh ú, bán 3 phần, còn 7 phần đem bố thí cho người nghèo. Ngày hôm sau, ông lão lại mở hũ gạo, phát hiện thấy gạo còn đầy như cũ, liền lại làm giống như hôm trước. Những người nhận bố thí của ông, đã đều tấm tắc ca ngợi ông là người đại thiện.
Sau một thời gian dài, ông lão đã có phần giãi đãi, không như thường ngày. Đồng thời lúc đó, ông lão phát hiện hạt châu màu tím trong hũ gạo không còn nữa, và gạo trong thùng cũng không sinh sôi ra nữa.
Qua một thời gian, đạo sĩ xuất hiện, ông ta nói với ông lão: “Ta là Trương Tam Phong, ngươi đã thu lợi được nhiều ngày. Ngươi có nguyện ý tu Đạo không?” Ông lão không đồng ý. Trương Tam Phong bèn lấy ra một viên đan dược và nói với ông lão rằng uống vào thì sẽ được trường thọ. Sau khi uống đan dược, ông lão cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, về sau sống hơn trăm tuổi, ngồi ngay ngắn mà ra đi.
Trêu chọc phương sĩ
Trong những năm Thành Hóa của Minh Hiến Tông, một số phương sĩ (người học phép thuật) ra vào triều đình để lừa gạt vô tội vạ, Trương Tam Phong vô cùng căm ghét. Một ngày nọ, Trương Tam Phong gặp phương sĩ họ Triệu và họ Vương, thông qua thần thông, ông thấy họ có ma quỷ trong tâm, họ định mang dị thuật hành nghề ở phương bắc. Thế là, ông liền biến thành hình dạng của Trương Thiên Sư và hỏi họ: “Trương Thiên Sư ta đây, có thể dùng bùa bay gọi Thần, pháp của ta rất hiệu quả, mấy người có muốn học không?” Ban đầu, hai người không tin, Trương Tam Phong bèn khoa tay trên không trung, trong giây lát đã xuất hiện thiên binh thiên tướng trên đám mây. Sau đó cả hai mới tin và cầu xin bùa chú.
Trương Tam Phong cố làm ra vẻ thần bí, tặng bùa chú cho họ, cả hai cười ha hả rồi bỏ đi. Khi đó, phương sĩ Lý Tư Tỉnh nhờ vào pháp ngũ lôi mà nhận được sự sủng ái của hoàng đế, Triệu và Vương đều dựa vào ông ta, mà gặp được hoàng đế. Hoàng đế hỏi họ có khả năng gì, họ bèn lấy lá bùa do Trương Tam Phong đưa cho và yêu cầu hoàng đế sau khi làm lễ tề trong ba ngày (lễ tề là một nghi lễ để làm sạch tâm và thân trước khi tế lễ thời cổ đại), có thể xem họ biểu diễn. Hoàng đế làm theo những gì họ nói, ăn chay tắm rửa và dựng một pháp đàn lớn, nhưng khi họ làm pháp thì không có chút linh nghiệm nào. Hoàng đế rất tức giận, cho rằng họ gian trá và đáng ghét, bèn ra lệnh cho thị vệ giết họ.
Trong một lần khác, Trương Tam Phong và một phương sĩ họ Lưu đã đánh cược xem ai có thể hàng phục quỷ thần. Khi phương sĩ đốt lá bùa, Trương Tam Phong đã ngầm dùng pháp lực chặn sự xuất hiện của quỷ thần; và khi Trương Tam Phong đốt bùa chú, thì lập tức có vô số quỷ thần xuất hiện, đi lại trên không trung. Lưu rất kinh ngạc và cầu xin chỉ bảo, Trương Tam Phong dạy anh ta và còn dạy diệu pháp chém ma quỷ. Người họ Lưu đã dựa vào kỹ năng này để kiếm sống ở kinh thành và được tiến cử vào cung. Một đêm, hoàng đế ra lệnh cho Lưu đốt bùa chiêu quỷ. Một lúc sau, hai con quỷ một nam một nữ xuất hiện, tiến đến gần hoàng đế. Hoàng đế kinh hãi ra lệnh cho Lưu rút kiếm chém nó, nhìn kỹ thì ra đó là người hầu gái Vân Nga và một thái giám nào đó. Hoàng đế vô cùng tức giận, cho rằng Lưu đang sỉ nhục mình và ra lệnh xử tử.
Trương Tam Phong đã nhiều lần trêu chọc các phương sĩ bởi vì chân tiên thật sự ghét phương sĩ, giống như quân tử ghét tiểu nhân vậy. Những hành động của Trương Tam Phong là vạch trần tà thuật để không gây ra họa loạn trên thế gian và ảnh hưởng mọi người tiến nhập vào cánh cửa của chính đạo. Vì vậy, sau đó còn có năm câu chuyện trêu trọc phương sĩ.
Đại náo đền thờ Ngụy Trung Hiền
Dưới thời Thiên Khải của Hoàng đế Minh Hi Tông, thái giám Ngụy Trung Hiền đã làm loạn triều chính. Đền thờ sống của ông có ở khắp mọi nơi, trong đó ngôi đền bên ngoài Đông Hoa Môn đặc biệt tráng lệ. Một ngày nọ, có ba đạo sĩ quần áo lam lũ, ở trong đền thờ, đột nhiên đập phá bức tượng của Ngụy Trung Hiền và lấy vật dơ bẩn phủ lên nó. Đạo nhân còn viết bốn câu trên tường: “Dâm từ xa hoa, vương thất như hủy, giang sơn gấm vóc, lại giao cho quỷ.” Thị vệ canh giữ đền kinh sợ và tìm cách bắt ba đạo sĩ, nhưng đạo sĩ đã đột ngột biến mất. Một trong những đạo sĩ là Trương Tam Phong. Điều này là để cảnh báo Ngụy Trung Hiền và thế nhân rằng đừng có gây họa nữa.
Ngụy Trung Hiền nghe xong liền hạ lệnh thanh tẩy từ đường, nhưng bài thơ trên tường còn lưu lại hương thơm, trên các bức tượng còn có mùi hôi thối. Đêm hôm đó, Ngụy Trung Hiền đã phải chịu đau đớn toàn thân.
Những chuyện thần tích tương tự có rất nhiều, và những gì thế nhân nhìn thấy là cái thế chân nhân Trương Tam Phong “vỗ tay đánh chưởng cười ha ha, ung dung tự tại, thật tự tại.” Về phần tại sao Trương Tam Phong lại để lại nhiều Thần tích như vậy, thì ngoài việc cứu thế độ nhân ra, còn là để chấn hưng lại lòng tin của mọi người đối với thần tiên và tu Đạo. Trong triều đại nhà Minh, nhà nhà hướng Đạo, đó là liên quan mật thiết đến việc này.
Do Zhang Xianyi thực hiện
Sương Sương biên dịch