Thủy Hử truyền kỳ: Thần nhân truyền thụ võ thuật, kỳ nữ Quỳnh Anh trong mộng học được tài nghệ
Trong tiểu thuyết cổ điển “Thủy Hử truyện“, Quỳnh Anh xuất hiện với một phong thái hiên ngang rạng rỡ. Thiếu nữ trong độ tuổi trăng tròn, chỉ với chiêu thức “một tay ném đá” đã có thể đả thương bảy vị anh hùng Lương Sơn.
Quỳnh Anh vốn là phú gia khuê nữ, sau khi song thân gặp nạn, nàng may mắn được ông trời thương xót: Trong mộng được Thần nhân truyền thụ võ công: “Thiên Tiệp Tinh” dạy nàng thuật ném đá, kỳ duyên, kỳ mộng, kỳ thuật, hai người trong mộng năm xưa đã trở thành một cặp giai nhân trời sinh.
Tống Giang sau khi được chiêu hàng, ông phụ mệnh tướng soái dẫn quân vây quét tiêu diệt Điền Hổ – một trong bốn đội quân xâm lược Đại Tống, chiếm cứu Hồ Bắc tự xưng Vương.
Tống Giang bao vây công kích Kiều Đạo Thanh, Điền Hổ triệu tập văn võ bá quan, thương lượng đối sách. Quốc cửu Ô Lê dâng tấu đề cử con gái của mình là Quỳnh Anh đảm nhiệm tiên phong, nhất định sẽ đánh bại Tống Giang.
Quỳnh Anh khi đó chỉ mới mười sáu tuổi, thiếu nữ đang độ tuổi thanh xuân vừa xuất hiện đã tràn ngập khí phách anh hùng, giương cao ngọn cờ càng thêm oai phong lẫm liệt. Thiếu nữ trẻ đảm nhiệm chức chủ tướng tiên phong, điều này lần đầu tiên xuất hiện trong anh hùng Lương Sơn. Quân tướng lập tức rộ lên xôn xao, tiếng hát tiếng trống nổi lên náo động cả một vùng trời.
Vương Anh háo sắc khinh địch, dẫn dầu xuất trận, lại bị Quỳnh Anh một kích đâm trọng thương. Hộ Tam Nương trông thấy tướng công Vương Anh bị thương, thì lập tức xông ngựa đến cứu viện. Quỳnh Anh vung tay ném đá, bách phát bách trúng, bảy vị tướng lĩnh như Lâm Xung, Lý Quỳ, Vương Anh, Hộ Tam Nương đều bị đả thương.
Vị nữ tướng dung mạo xinh đẹp này tuổi còn trẻ nhưng võ công sao lại có thể lợi hại như vậy được?
Gia đạo biến động, chủ tớ đều bị bắt vào hang hùm
Quỳnh Anh, nguyên họ Cừu, không phải là con gái ruột của Ô Lê. Nàng vốn là phú gia khuê nữ ở huyện Giới Hưu, Miến Thượng (địa danh). Phụ thân tên gọi Cừu Thân, mẫu thân là Tống thị, hai vợ chồng trên đường về hộ tang thì gặp phải cường đạo, Cừu Thân bị giết, Tống thị thì bị bắt. Nhà họ Cừu có một tổng quản tên gọi Diệp Thanh, hai vợ chồng Diệp Thị nhìn thấy chủ nhân gặp phải biến cố, vẫn hết mực trung thành, tiếp tục nuôi dưỡng chăm sóc con gái của chủ nhân là Quỳnh Anh, giữ vững huyết mạch nhà họ Cừu.
Một năm sau, Điền Hồ làm loạn, sai Ô Lê chia quân đi cướp bóc của cải, bắt cóc cướp giật. Vợ chồng Diệp Thanh cùng với Quỳnh Anh đều bị bắt. Ô Lê không người kế tự, nhìn thấy Quỳnh Anh diện mạo thanh tú, liền đem về gặp vợ là Nghê thị. Nghê thị vừa nhìn thấy Quỳnh Anh thì vô cùng yêu quý, xem như con ruột. Quỳnh Anh ở nơi doanh trại của giặc, không người thân thích, với tư chất thông minh nàng biết rõ không thể thoát khỏi hang hùm được. Nếu Nghê thị đã yêu thích mình như vậy, vậy thì làm nghĩa nữ của bà ta vậy.
Chủ tớ ba người nhà Cừu gia tạm thời ở lại doanh trại của giặc. Diệp Thanh cũng theo làm tổng quản. Sau đó, Ô Lê sai Diệp Thanh đi khai thác đá, Diệp Thanh tình cờ phát hiện ra thi thể của chủ mẫu Tống thị. Lúc này, ông mới biết được thì ra Điền Hổ là hung thủ đã sát hại hai vợ chồng chủ nhân. Tống thị sau khi bị Điền Hổ bắt đi, vì để thủ tiết bà nhảy xuống núi tự vẫn. Điều kỳ lạ là dù đã 3 năm trôi qua nhưng di hài của Tống thị vẫn còn nguyên vẹn. Diệp Thanh lệnh cho quân sĩ đào hố chôn cất chủ mẫu xong, bèn đem sự việc này âm thầm kể lại cho Quỳnh Anh.
Trong mộng học được tài nghệ Thần nhân truyền thụ võ công
Quỳnh Anh nghe xong, đau xót như ngàn vạn mũi tên đâm xé trong lòng, ngày đêm nuốt nước mắt, ngày đêm thầm khóc, nghĩ đến việc trả thù cho phụ mẫu. Có lẽ lòng hiếu thảo đã cảm động đến thần linh, sau đó, nàng thường xuyên nằm mộng, thần nhân xuất hiện trong mộng dạy nàng võ công. Quỳnh Anh với tư chất thông minh, sau khi tỉnh dậy vẫn nhớ như in những chiêu thức học được trong mộng, vì vậy nàng bèn ở trong phòng một mình luyện tập. Thần nhân truyền thụ võ công, quả nhiên không thể tầm thường. Lâu dần Quỳnh Anh càng thêm tinh thông võ nghệ.
Vào mùa đông năm Tuyên Hòa thứ tư, Quỳnh Anh lại nằm mộng. Trong mộng, một vị tu sĩ đầu chít khăn mỏ rìu đưa Quỳnh Anh đến gặp một trong 108 vị tướng Lương Sơn, xếp vị trí thứ 16, tên gọi là “Thiên Tiệp Tinh” Trương Thanh, dạy Quỳnh Anh nhất đỉnh kỳ thuật – ném đá bay. Trong giấc mộng này, tú sĩ còn tiết lộ một điều, vị Thiên Tiệp Tinh này và Quỳnh Anh có nhân duyên đời trước.
Kỳ mộng, kỳ duyên, kỳ thuật cứ như vậy mà đến với người con gái hiếu thảo này. Quỳnh Anh nhanh chóng học được võ công và dị thuật. Sau này, người dân trong thành đều biết chuyện nghĩa nữ của Ô Lê có tài ném đá bay, hơn nữa còn bách phát bách trúng, mọi người bèn đặt cho Quỳnh Anh biệt danh là “mũi tên Quỳnh”.
Tú sĩ truyền Thần dụ phá tan quân giặc nhờ “Mũi tên Quỳnh”
Xét từ các chương truyện khác nhau, vị tú sĩ truyền thụ võ nghệ trong giấc mộng này năng lực quả thật bất phàm, có thể liệu trước sự an bài của thế sự, có thể siêu việt không gian một cách tự do như ý và giao tiếp với nguyên thần của con người.
Trong “Thủy Hử Truyện” hồi thứ 39, vị tú sĩ này đi vào giấc mơ của Lý Quỳvà truyền 10 chữ yếu quyết “ tiêu diệt được Điền Hổ, tất phải Mũi tên Quỳnh”. Lý Quỳtỉnh giấc liền đem giấc mộng này kể với mọi người. Tống Giang và Ngô Dụng đều không hiểu “Mũi tên Quỳnh” nghĩa là gì. Vị tú sĩ trong mộng “đầu đầu chít khăn mỏ rìu, thân mang đạo bào màu vàng nhạt”, từ trang phục có thể thấy là một cao nhân đạo gia.
Nam Bắc giao tranh, thống soái Bắc quân là Ô Lê bị trúng mũi tên độc, chủ quản Diệp Thanh nhân cơ hội này rời thành, mượn danh nghĩa tìm kiếm lang y, ông vào doanh trại Tống Giang và nói rõ mục đích ra quy hàng của mình. Diệp Thanh đem chuyện vợ chồng chủ nhân bị sát hại kể với chư tướng quân Nam, và cả câu chuyện về giấc mơ kỳ lạ của Quỳnh Anh, muốn báo thù rửa hận cho chủ nhân và chủ mẫu.
Lúc này, Tống Giang mới biết, vào mùa đông năm ngoái Trương Thanh cũng có một giấc mơ kỳ lạ, trong mộng vị tú sĩ nhờ anh dạy thuật ném đá cho một thiếu nữ trẻ, đồng thời cho anh biết anh và thiếu nữ đó có mối nhân duyên từ tiền kiếp. Cùng với sự xuất hiện của Diệp Thanh, thân phận thật sự của “Mũi tên Quỳnh” cũng theo đó mà lộ diện. Người bên Tống Giang biết rõ nhân vật chủ chốt có thể tiêu diệt Điền Hổ là ai. Vì vậy, Ngô Dụng đã nghĩ ra một kế hoạch, do Trương Thanh, An Đạo Toàn, Diệp Thanh ba người âm thầm bí mật thực hiện.
Giai nhân trong mộng kết nhân duyên
Mượn cớ trị bệnh cho Ô Lê, Diệp Thanh trở về Bắc quân cùng với Trương Thanh và An Đạo Toàn. Thần y một khi đã ra tay, quả nhiên thuốc vào bệnh hết, tính mạng của Ô Lê đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, nhanh chóng đã chuyển nguy thành an.
Trước phòng luyện võ, Diệp Thanh và Trương Thanh đang tỉ võ. Quỳnh Anh đứng bên cạnh nhìn thấy Trương Thanh thì bất ngờ nhận ra anh chính là vị sư phụ trong giấc mơ đã dạy cô kỳ thuật ném đá – Thiên Tiệp Tinh. Quỳnh Anh đích thân thăm dò võ công của anh ta. Ném bao nhiêu đá cũng bị Trương Thanh dễ dàng chụp được một cách dễ dàng. Thử đi thử lại nhiều lần vẫn không làm khó được anh.
Thuật ném đá của Trương Thanh, nơi anh ta giơ tay lên, giống như sao băng vụt sáng, những viên đá bay đến một cách thần sầu quỷ khóc. Năm xưa lúc giao tranh với anh hùng Lương Sơn, chỉ trong 1 lần đã đả thương 15 hào kiệt Lương Sơn. Với võ công của anh thừa sức dạy Quỳnh Anh ném đá. Người trong mộng ngày xưa, nay bái đường kết thành phu thê.
Trời sinh một đôi, thề non hẹn biển, gắn bó keo sơn. Trong đêm tân hôn, Trương Thanh tiết lộ thân phận thật sự của mình. Quỳnh Anh cũng tận tình nói rõ về nỗi oan khổ của bản thân . Hai người thì thầm trò chuyện suốt đêm. Cuối cùng, hai người nội ứng ngoại hợp tiêu diệt Điền Hổ, lập nên kỳ công.
Kỳ nữ thủ trung trinh, nuôi dưỡng cô nhi thành chiến tướng
Giang Nam quân Phương Lạp nổi loạn, lập quốc hiệu mới, Cát Cư xưng vương. Tống Giang phụng chỉ dẫn quân chinh phạt Phương La. Lúc này, Quỳnh Anh mang thai lại nhiễm bệnh nên ở lại Đông Kinh, Trương Thanh dẫn quân xuất chinh. Trong thời gian chinh phạt Phương La, Quỳnh Anh sinh hạ một người con trai, đặt tên là Trương Tiết.
Trong trận chiến ở quan ải Độc Tùng, Trương Thanh bị tướng giặc giết chết. Quỳnh Anh hay tin thì đau buồn thống thiết. Sau đó cùng với lão bà An thị nuôi nấng dạy dỗ đứa trẻ khôn lớn thành người.
Trương Tiết sau khi trưởng thành trở thành tướng lĩnh kháng quân Kim. Trong trận chiến ở Hòa Thượng Nguyên,anh cùng với danh tướng Nam Tống là Ngô Giới đánh bại Kim Ngột Thuật, Kim Ngột Thuật hoảng loạn tháo chạy. Nhờ chiến công này, Trương Tiết được phong quan tước, quay về quê nhà hiếu dưỡng mẫu thân đến lúc cuối đời. Quỳnh Anh một đời hiếu nghĩa, giữ gìn trinh tiết, cuối đời được triều đình khen thưởng.
Quỳnh Anh vốn dĩ là một nữ tử bình thường, nhờ vào kỳ mộng kỳ thuật kỳ duyên này, cũng bởi nàng làm người có trách nhiệm, kiên định trung trinh nên được Thần nhân bảo hộ, khiến nàng bộc lộ tài năng, vận mệnh càng thêm vinh hiển.
Từ: Thủy Hử Truyện, Hồi 93-98-100-110
Do Đỗ Nhược thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo từ bản gốc Epoch Times Hoa ngữ