‘Thủy Hử’: Danh tác ngoài vòng pháp luật của Trung Quốc
“Thủy Hử” còn được biết đến với tựa đề bằng tiếng Anh là “Outlaws of the Marsh” hoặc “All Men Are Brothers,” là một trong những câu chuyện có sức ảnh hưởng lớn nhất xuất hiện từ Trung Quốc. Bộ truyện này được cho là của Thi Nại Am, một tác giả ít nổi tiếng sống vào thời nhà Nguyên. Nội dung tác phẩm là một chuỗi các câu chuyện được kết nối xoay quanh nhiều nhân vật anh hùng khác nhau — những người bị tham quan đàn áp, bóc lột, ngược đãi, và vu oan — cuối cùng cả nhóm người đã tập hợp cùng nhau ở thành Lương Sơn (trên Núi Lương), thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay.
Sức ảnh hưởng của danh tác này đã vượt xa các thể loại tiểu thuyết, phim ảnh, nghệ thuật, và sân khấu thông thường. Thậm chí cho đến thời nay, những câu chuyện này còn mang đến một góc nhìn tham chiếu về quy tắc danh dự, quy phạm xã hội và mạng lưới kinh tế, các hội kín, và cả những phong trào chính trị.
Nhiều thế hệ triều chính Trung Quốc đã cố gắng thể hiện mình là người bảo lưu tư tưởng tân-Nho Giáo, vốn được định hình với một cấu trúc chính trị và xã hội cố định, và có nền tảng về mặt đạo đức dựa trên các mối quan hệ có thứ bậc. Tuy nhiên “Thủy Hử” còn đại diện cho một điều khác, cũng hiện thực và tiêu biểu như vậy, đó là thế giới quan của người Trung Quốc. Trong thế giới này, sự bất công ở địa phương đã là chuyện thường ngày, và để tự vệ thì việc báo thù, mưu kế, và bạo lực là cách chống lại chính quyền địa phương tàn bạo.
Từ những quan điểm trên thì bản thân tác phẩm là sự miêu tả có tính trung gian cao về triều đại Bắc Tống đang suy tàn nhanh chóng vào thế kỷ 12, tạo ra các thế giới hư cấu của sai lầm, đấu tranh, và chính nghĩa, từng xuất hiện thông qua vô số câu chuyện và các phiên bản điện ảnh.
Trong số những hậu duệ này, quen thuộc nhất hiện nay là thế giới hư cấu của nhà văn Hồng Kông Kim Dung, vẫn luôn là điều gần gũi nhất trong danh sách đọc dành cho thanh thiếu niên Trung Quốc, và thể loại kungfu cũng trở thành biểu tượng toàn cầu của điện ảnh khối Hoa Ngữ (các quốc gia nói tiếng Hoa), ít nhất là kể từ sau bộ phim Lý Tiểu Long.
Nổi loạn với mục đích chính đáng
Với những bản in có niên đại từ thế kỷ 14, “Thủy Hử” phần lớn kể về những cuộc phiêu lưu của những cường giả, chủ quán trọ, thảo khấu, tá điền, những kẻ khất thực, ngư dân, thợ săn, quan lại nhỏ, và các quý tộc địa phương. Trong cuốn tiểu thuyết hàng ngàn trang này, xoay quanh những nhân vật chính là hàng ngàn thuộc hạ vô danh cũng như nhiều nạn nhân bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc thương tật (tình cờ giống như những nhân vật trong tác phẩm của Homer)
Mỗi khi họ xuất hiện, phụ nữ (không thường xuyên lắm), họ đều là những bà chủ khó tính, những nữ cường, những người vợ bất hạnh, những bang phái bí mật, hoặc những chủ trọ sát nhân (một trong số họ đã nảy ra ý tưởng giống như nhân vật bà Lovett trong câu chuyện Sweeney Todd về việc nướng thịt người làm bánh vào 800 năm trước). Điều này cũng khiến bộ truyện khác biệt so với tiểu thuyết cung đình dòng chính, vốn chủ yếu bận tâm đến các thú vui của giới quyền quý, những tài nữ và đấng lang quân uyên bác đầy tham vọng của họ, chưa kể đến những vị hoàng đế và các tướng lĩnh khác.
Đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết theo thời thế: Tác phẩm “Thủy Hử” thực ra là ghi chép lại những câu chuyện đang được lưu truyền vào thời điểm đó trên giấy trắng mực đen. Quyền tác giả của Thi Nại Am cũng giống như một sự quy ước, và nội dung tác phẩm này cũng không ổn định mà có nhiều phiên bản khác nhau kể từ thế kỷ 14, tức là hai trăm năm sau những sự kiện mà cuốn sách đã miêu tả. Đến thế kỷ 17 thì “Thủy Hử” trở thành phiên bản như chúng ta biết hiện nay.
Vào triều đại nhà Minh (thế kỷ 14 – thế kỷ 17) và nhà Thanh (thế kỷ 17 – thế kỷ 20), những nhân vật thảo khấu trong truyện “Thủy Hử” vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng lên mọi bang phái hoạt động cách xa triều đình, bất chấp những cố gắng trường kỳ nhằm ngăn cấm cuốn sách này.
Trên thực tế, những nhân vật phản diện trong cuốn tiểu thuyết này là các quan lại địa phương, trong khi những tên cướp ít nhất vẫn giữ lòng trung thành với triều đình trên danh nghĩa, đã đem đến một nguồn cảm hứng lâu dài. Nhiều người trở thành đại diện cho những kẻ nổi loạn đã cho thấy thực tế rằng dù họ đứng đối lập với pháp luật nhưng vẫn một mực khẳng định các giá trị như tình huynh đệ, danh dự, lòng trung thành, và ái quốc.
Di sản
Cốt truyện liên quan đến chính trị của tác phẩm này chưa bao giờ biến mất. Nó được các nhà cải cách thừa nhận vào những năm 1930 như một câu chuyện chống phong kiến lành mạnh, sau này còn được áp dụng trong một chiến dịch lớn của chế độ cộng sản vào năm 1975, trong đó thủ lĩnh băng cướp Lương Sơn Bạc của tác phẩm là Tống Giang đã bị “phê phán” vì chấp nhận lệnh ân xá của hoàng đế. Chẳng phải ông đã phá hỏng ván cờ rồi sao? Và vì thế, ông không mang tội cấu kết với các thế lực thù địch quần chúng, cũng giống như các đảng viên trong giai đoạn cuối thời Mao Trạch Đông, phạm tội “đầu hàng” nếu lòng nhiệt thành của họ bị sa sút?
Hành động này được diễn giải rộng rãi là đã cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ của “Bè Đảng Bốn Tên”, cho thấy các nhân vật trung tâm được ghi nhớ như thế nào ngay cả trong tâm thức của người dân Trung Quốc đương đại lẫn hiện đại.
Người ta thường than thở về sự vô thường của đời người và đối chiếu với tính bất biến của tự nhiên. Tuy nhiên, với những người đi tìm kiếm ở vùng đầm lầy rậm rạp ở vùng Sơn Đông — nơi mà trong tiểu thuyết này, những ngư dân mưu lược có thể khiến các quan lại nhỏ vụng về cả tin biến mất — sẽ tuyệt vọng. Toàn bộ địa lý trong cuốn tiểu thuyết đã bị thay đổi không thể nhận ra bởi kỹ thuật thủy lợi và hệ thống sông ngòi.
Tất nhiên điều này không thể ngăn cản nhiều chính quyền địa phương tiếp tục dựng lên các công trình biểu tượng cho một số sự kiện trong cuốn tiểu thuyết này, đồng thời hy vọng rằng thông điệp về cuộc nổi dậy chính nghĩa chống lại chính quyền địa phương sẽ không bao giờ được hiểu theo nghĩa đen. Lương Sơn — ngọn núi kiên cố, bất khả xâm phạm, và đáng sợ, trên thực tế chỉ cao 220 thước Anh (khoảng 200m).
Địa điểm trong tác phẩm “Thủy Hử” gần như đã được chuyển hoàn toàn vào trí tưởng tượng, và chính những tình huống, những sự kiện, các mưu kế, và trên hết là các nhân vật đại diện cho sự nổi giận và công lý, tìm cách xây dựng một thế giới đúng đắn — đã để lại dấu ấn của mình cho hậu thế.
Ông Josh Stenberg là giảng viên nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Sydney ở Úc. Bài viết này được xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí The Conversation.
Ghi chú: “Bè Đảng Bốn Tên” để chỉ một nhóm lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bị nhà cầm quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho là cấu kết với nhau để sát hại những Đảng viên không theo phe cánh từ Đại hội X của Đảng này. Họ gồm: Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn; họ bị bắt và xét xử năm 1976.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times