Trương Tam Phong bàn về Hiếu Hành: Có vô tận cách để thực hành Hiếu đức
Trong cõi trần thế ồn ào, biển khổ vô tận, vì để thức tỉnh thế nhân giáo hoá dân chúng, Trương Tam Phong đã để lại cho chúng sinh với căn cơ, ngộ tính khác nhau một quyển sách “Thiên Khẩu” (Lời răn dạy của Trời), tổng cộng gồm 24 phần, nội dung đề cập đến ngũ đức, hiếu hành, dâm ác, nhân ái thương người, kính Thần, y dược, bói toán .v.v… Ông viết nên quyển “Thiên Khẩu” để hướng đạo nhân sinh, và chỉ rõ những điều lầm lạc cho con người tại các nền tảng căn cơ khác nhau. Bài viết này xin được giới thiệu câu chuyện của đức “Hiếu Hành” (Đức hạnh hiếu thảo) một phần trong sách “Thiên Khẩu” của ông.
Những sự tích về lòng hiếu thảo do Trương Tam Phong biên soạn, kể về các câu chuyện từ thánh nhân hoàng đế, đến dân thường hiền nhân, trong đó bao gồm hầu hết các tấm gương điển hình về lòng hiếu thảo tại Trung Hoa trong hàng nghìn năm qua. Ông đã dùng nhiều ví dụ khác nhau, để miêu tả nội hàm thâm sâu của đức tính hiếu thảo tại rất nhiều phương diện.
Hoàng đế nhân từ và hiếu thảo mà cai trị thiên hạ
Vào thời kỳ thượng cổ khi vua Nghiêu cai trị thiên hạ, có một vị hiếu tử gọi là Thuấn. Thuấn khi còn bé đã mất mẹ, cha tiếp tục lấy vợ là mẹ kế của Thuấn. Thế nhưng cha Thuấn là người đặc biệt ngu muội, không những phân không rõ đúng sai thị phi, mà còn không nói đạo lý. Thế là không hiểu vì sao đôi mắt của ông nhìn không được rõ, mọi người bèn gọi cha Thuấn là Cổ Tẩu (lão già mù).
Mẹ kế của Thuấn là một người phụ nữ có tính tình âm ngoan cay độc, dưới sự xúi giục và ly gián của bà, cha Thuấn không chỉ thương yêu cưng chiều người con trai do bà sinh ra, mà còn hợp mưu với bà, muốn hại chết Thuấn. Thật may là lần nào Thuấn cũng thoát chết trở về. Thuấn với một trái tim bao dung đại Nhẫn, vô luận là cha và kế mẫu đối xử như thế nào, Thuấn đều có thể nhẫn chịu những sự việc mà người bình thường không thể chịu được. Dù cho cha Thuấn ngoan cố, mẹ kế hung hăng càn quấy, người em trai khác mẹ hung ác kiêu ngạo, thì từ đầu chí cuối Thuấn đều không để bụng tính toán, trong tâm cũng không hề ghi hận mang thù.
Thuấn đi vào núi làm ruộng canh tác, thì có một con voi lớn dùng vòi của nó giúp Thuấn cuốc đất cày bừa; lại có chim bay đến, giúp Thuấn nhổ hết các cây cỏ dại trên đất. Câu chuyện này được ghi lại trong sách “Nhị thập tứ hiếu” (hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo), cho rằng đây là do hiếu đức của Thuấn đã cảm động trời đất mà ra.
Vua Nghiêu sau khi nghe được sự tích của Thuấn, liền gả hai người con gái cho Thuấn. Thuấn mang theo họ về nhà, vẫn giống như trước phụng dưỡng cha và mẹ kế, thương yêu em trai mình. Vợ của Thuấn cũng không hề kiêu căng, mà tuân thủ nghiêm ngặt bổn phận của mình.
Về sau vua Nghiêu đã truyền lại đế vị cho Thuấn. Thuấn lên làm vua mỗi ngày vẫn luôn bận rộn làm việc, xử lý chính sự trong thiên hạ đều ngay ngắn trật tự. Đây là bởi vì vua Thuấn lấy đức Hiểu làm đầu, mọi người dân đều tin tưởng vào mỹ đức của ông. Phàm là mệnh lệnh nào vua Thuấn đưa ra, mọi người đều cam tâm tình nguyện chấp hành làm theo. Vậy nên mọi chính sách của vua Thuấn đều thông suốt không gặp trở ngại.
Hơn ba ngàn năm trước, khi Chu Văn Vương vẫn còn là thế tử, mỗi ngày ông đều thỉnh an cha mẹ ba lần. Ngay khi tiếng gà vừa gáy, ông rời khỏi giường đến bên ngoài phòng ngủ của cha, hỏi người hầu sức khoẻ của cha ông như thế nào có tốt không? Nếu như người hầu trả lời “khoẻ mạnh”, Chu Văn Vương sẽ rất vui mừng; nhưng nếu như cha ông thân thể có chỗ nào không khoẻ, Chu Văn Vương nghe rồi, cả ngày sẽ luôn lo lắng, thậm chí bước chân đi đường cũng không vững. Khi ông dâng thức ăn lên cho cha, đều nhất định kiểm tra qua độ nóng ấm vừa phải, thức ăn có vừa miệng hay không, thì mới trình lên cho cha. Sau khi cha ông ăn xong, Chu Văn Vương lại tỉ mỉ hỏi cha đã ăn món gì, khẩu vị như thế nào, rồi lại đi phân phó với đầu bếp, chiểu theo sở thích yêu cầu của cha ông mà làm.
Về sau, Chu Văn Vương bị kẻ gian hãm hại, bị Trụ Vương giam giữ tại Dũ Lý. Chu Văn Vương nhẫn nhục, rèn luyện đức hạnh của mình. Trương Tam Phong đã nói: “Chu Văn Vương có cả trăm đức hạnh, thì hiếu đức là được nghe thấy đầu tiên.” Mọi người đều cho rằng Chu Văn Vương đã gặp bao nhiêu khó khăn trắc trở, nhưng vì lòng hiếu thảo nổi tiếng khắp thiên hạ của ông, nên dù trải qua bao tai nạn hung hiểm, cuối cùng đều có thể hoá giải hung hiểm chuyển nguy thành an. Về sau con trai thứ hai của Chu Văn Vương, Cơ Phát kế thừa tước vị Tây bá hầu, tuân theo ý chí của cha. Vào năm thứ mười một (khoảng 1046 trước Công nguyên), Cơ Phát đã phái binh đến Triều Ca kinh đô nhà Thương, đánh bại Trụ Vương, thành lập nên triều đại nhà Chu.
Vào năm thứ tư Hán Vũ Đế(năm 101 trước công nguyên), triều đình xây dựng một tòa cung điện bằng cây Quế. Trên các cây cột của cung điện có khắc một hàng chữ “Vạn điều ác dâm đứng đầu, trăm đức hạnh Hiếu trước tiên”. Lúc bấy giờ vua Hán Vũ Đế rất chú trọng lý niệm đức hạnh của chữ “Hiếu”, đồng thời lấy đó làm ngôn hành chuẩn mực truyền bá khắp thiên hạ. Ví dụ như câu chuyện của vua Hán Văn Đế, Lưu Hằng(năm 203 đến 157 trước công nguyên), ông vô cùng hiếu thuận đối với mẹ mình.
Trong ba năm Thái Hậu lâm bệnh, mặc dù trong cung có rất nhiều cung nữ, thái giám túc trực, nhưng Hán Văn đế vẫn tự mình hầu hạ Thái Hậu. Ông tự mình làm những việc như sắc thuốc và đút thuốc. Khi nước thuốc đã được nấu chín, ông sẽ tự mình nếm thử trước nhiệt độ chén thuốc không quá nóng, rồi mới đút thuốc cho mẹ ông uống. Mỹ đức nhân hiếu của Hán Văn Đế đã ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước. Trong hai mươi ba năm trị vì của ông, “chuyên dùng chính sách lấy đức hạnh mà cảm hoá dân chúng”. Ông và con trai ông Hán Cảnh Đế, đều lấy đạo hiếu mà trị vì thiên hạ, tạo nên thời kỳ “Văn Cảnh trị vì”, lưu danh thiên cổ.
Hiếu hạnh vị tha không oán không hận chỉ vì người khác đã cảm hoá mẹ kế và binh sĩ
Vào thời kỳ Xuân thu, nước Lỗ có một người tên là Mẫn Tử Khiên, là đệ tử của Khổng tử, từ nhỏ mất mẹ, cha cưới vợ kế. Mẹ kế của ông thiên vị hai đứa con trai mà bà sinh ra, nên thường hay ngược đãi Mẫn Tử Khiên. Vào ngày trời đông rét buốt, mẹ kế dùng bông gòn ấm làm áo bông riêng cho con trai bà, nhưng bà lại dùng hoa sậy bông lau để làm áo bông chống rét cho Mẫn Tử Khiên.
Khi cha ông ngồi xe kéo đi ra ngoài, Mẫn Tử Khiên bởi vì áo không đủ ấm, lạnh đến nỗi tay chân run lên cầm cập. Cha ông lấy roi đánh ông, lớp áo bị xé rách, lúc này cha ông mới phát hiện thì ra hoa sậy bông lau được đệm trong áo bông của Mẫn Tử Khiên. Bấy giờ cha Mẫn Tử Khiên mới biết được mẹ kế ngược đãi Mẫn Tử Khiên.
Cha Mẫn Tử Khiên tức giận liền muốn hưu thê (bỏ vợ), Mẫn Tử Khiên van xin cha: “Mẹ còn ở chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba anh em chúng con đều chịu rét lạnh.” Tấm lòng hiếu thảo thiện lương của Mẫn Tử Khiên đã cảm hoá người mẹ kế. Trong số các đệ tử của Khổng tử, Mẫn Tử Khiên nổi tiếng với sự tu dưỡng hiếu hạnh, về sau cha của Mẫn Tử Khiên qua đời, Mẫn Tử Khiên vẫn giống như trước, chăm chỉ phụng dưỡng mẹ kế của mình.
Vào triều đại nhà Hán, có một người tên là Thái Thuận, năm ông được ba tuổi thì cha mất, mẹ ông một mình nuôi ông khôn lớn thành người. Thái Thuận vô cùng hiếu thuận đối với mẹ mình. Vào những năm cuối triều đại Tây Hán chiến loạn không ngừng, cuộc sống người dân bấp bênh, tha hương kiếm sống nay đây mai đó. Thái Thuận vì để mẹ đỡ đói, ông mỗi ngày đều xách giỏ đi hái dâu. Ông chia những quả dâu hái được làm hai loại màu đen và màu đỏ vàng. Có một ngày, Thái Thuận đi ra ngoài không may gặp phải quân giặc Xích Mi, binh sĩ quân Xích Mi nhìn thấy Thái Thuận cầm hai giỏ dâu tằm có màu sắc khác nhau bèn hỏi ông vì sao làm như vậy?
Thái Thuận nói: “Trái dâu chuyển thành màu đen là đã chín, có vị ngọt để cho mẹ ăn; còn trái có màu đỏ vàng vẫn chưa chín, vị hơi chua, để lại cho bản thân ăn.” Quân Xích Mi cảm động với hành động hiếu thảo của Thái Thuận, thế là quân Xích Mi đã cho Thái Thuận ba đấu (30kg) gạo trắng và một chân giò trâu, để ông trở về hiếu kính với mẹ mình.
Lão Lai tử mặc áo hài đồng để cha mẹ vui vẻ, Chu Thọ Xương tìm mẹ cộng hưởng thiên luân
Sự tích “Biểu Y chi ban” (Màu sắc trên chiếc áo) trích từ câu chuyện “Hí Thải ngu thân”(Làm những việc vui biểu diễn để mua vui cho cha mẹ) trong sách “Nhị Thập Tứ Hiếu”. “Biểu Y” là chỉ chiếc áo bên ngoài, “ban” là chỉ màu sắc rực rỡ, sắc thái ban lan. Vào triều đại nhà Chu, tại nước Sở có một người gọi là Lão Lai tử, Lão Lai tử sống chung với cha mẹ ông. Khi Lão Lai tử hơn bảy mươi tuổi, cha mẹ ông vẫn còn sống khoẻ mạnh, nhưng đều đã là người già hơn chín mươi tuổi rồi.
Mặc dù Lão Lai tử cũng đã già, nhưng vì để cha mẹ ông vui vẻ, ông thường xuyên mặc những loại y phục trẻ tuổi màu sắc rực rỡ, giả dạng thành đứa trẻ, làm trò diễn kịch, hoặc ca hát nhảy múa để tìm niềm vui cho cha mẹ ông, khiến cho họ vào những năm cuối đời, có thể hưởng thụ được niềm vui của trời đất Thiên Luân.
Lòng hiếu thảo của ông được người dân ca tụng truyền đi khắp nơi, cuối cùng truyền đến trong hoàng cung. Vua Sở vốn yêu mến kẻ hiền người tài, bèn sai người mời ông làm quan. Nhưng Lão Lai tử muốn phụng dưỡng cha mẹ mình cho đến khi lên trời, vì vậy ông đã nhã nhặn từ chối lời mời của Vua Sở.
Vào thời vua Tống Thần Tông, có một vị quan viên tên là Chu Thọ Xương. Mẹ ruột của ông bởi vì là thiếp, nên bị phu nhân chính thất của Chu gia ép bà gả đi xa khỏi quê hương. Hơn năm mươi qua ông vẫn không có tin tức của bà. Mỗi khi nghĩ đến chuyện này, Chu Thọ Xương đều ăn ngủ không yên.
Có một năm, ông xin từ quan để đi tìm mẹ. Sau khi đi qua nhiều nơi trải qua hàng vạn dặm, cuối cùng ông tìm thấy mẹ mình tại Thông Châu, tỉnh Sơn Tây. Trương Tam Phong đã kể về câu chuyện “Chiêm Vân Chi Bạch” này trong sách “Thiên Khẩu”; “Chiêm” là chỉ sự mong chờ hy vọng, tìm được mẹ; “Vân Chi Bạch” ý chỉ hình dáng tóc mẹ đã bạc khắp đầu, trắng xoá như mây. Khi Chu Thọ Xương tìm được mẹ mình, bà đã là một bà lão tóc bạc trắng cả đầu rồi. Từ đó Chu Thọ Xương phụng dưỡng mẹ mình cho đến cuối đời.
Hiếu đức cảm động thiên thượng Thần tích xuất hiện không ngừng
Điển tích “Cảm Thạch Lưu Tuyền” (Lòng hiếu thảo khiến viên đá cảm động chảy thành dòng suối) trích từ câu chuyện “dũng tuyền dược lý” (Cá chép nhảy khỏi dòng suối) trong sách “Nhị Thập Tứ Hiếu”. Truyện kể rằng vào triều đại nhà Hán, có một cặp vợ chồng rất hiếu thuận, người chồng gọi là Khương Thi, người vợ gọi là Vi Bàng thị. Đôi vợ chồng này đồng tâm đồng lòng, cùng hiếu thuận phụng dưỡng mẹ già lớn tuổi.
Mẹ già của họ rất thích ăn cá. Vậy nên hai vợ chồng quyết định đi bắt cá. Mẹ già có một thói quen khi ăn cá, thích nấu chín cá bằng nước sông. Hai vợ chồng Khương Thi tâm địa thiện lương, có tấm lòng nhân ái, lại rất nhẫn nại, họ đã đi đến dòng sông cách xa khoảng sáu bảy dặm để lấy nước. Có một hôm, mẹ già nói, muốn ăn cá chung với mọi người, thế là hai vợ chồng đã mời hương thân trong làng đến nhà họ, cùng ăn cá với mẹ họ.
Lòng hiếu thảo của họ đã cảm động đến thiên thượng. Một hôm, trong sân nhà Khương gia đột nhiên xuất hiện một dòng suối nước phun lên, đồng thời thường hay thấy những con cá chép xinh đẹp mập mạp nhảy lên khỏi dòng suối.
Vào thời kỳ tam quốc, có một vị hiếu tử tên gọi là Mạnh Tông. Khi ông còn nhỏ đã mất cha, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Về sau khi mẹ ông đã già, nằm bệnh trên giường suốt mấy tháng liền, bà luôn muốn ăn một bữa cơm canh măng.
Khi đó đã là vào giữa mùa đông, không phải là mùa cây tre trúc sinh sản ra cây măng non. Mạnh Tông vừa biết được nguyện vọng của mẹ, quả thực không có cách nào thực hiện. Ông chạy đến trong rừng trúc, ôm lấy một gốc cây trúc vừa khóc, vừa cầu xin, hy vọng Thần linh từ bi, phù hộ cho ông tìm thấy được măng non. Người ta thường nói: “Lòng thành vừa đến, đá vàng cũng nứt mở ra.” Tấm lòng chí thành hiếu thảo của Mạnh Tông đã cảm động trời đất. Đột nhiên mặt đất tách mở ra, quả nhiên xuất hiện vài cây măng non mọc trên đó. Mạnh mẫu sau khi ăn măng non tươi mát này, bệnh tình của bà cũng dần dần được chữa khỏi một cách thần kỳ.
Vào triều đại nhà Tấn khi Vương Tường còn là một thiếu niên, ông thường bị mẹ kế của mình là Chu Thị ngược đãi. Chu Thị thậm chí còn nảy sinh sát tâm, muốn giết chết ông. Cho dù là vậy, Vương Tường vẫn không oán không hận, vẫn luôn trước sau như một hiếu thuận với cha và mẹ kế. khi cha mẹ bị bệnh, ông ngày đêm hầu hạ, chưa từng cởi áo đi ngủ, mỗi khi thuốc được nấu xong, ông đều tự thân trước tiên nếm thử.
Có một năm vào mùa đông, mẹ kế của ông bị bệnh nằm trên giường, muốn được ăn thịt cá tươi. Tuy nhiên, vào tiết trời mùa đông giá rét này, trời đất đều là băng tuyết giá lạnh, nước sông đã bị đóng băng từ lâu, làm sao có thể tìm được cá sống? Vương Tường vì để mẹ kế được ăn thịt cá tươi, đã cởi bỏ quần áo ngâm mình trong dòng sông băng, hy vọng có thể dùng độ ấm trong cơ thể mình để làm tan đi nước sông băng, mà bắt được cá cho mẹ kế ăn.
Lòng hiếu thảo thiện lương của ông đã làm cảm động trời đất, đột nhiên giữa mặt sông băng hiện ra một vết nứt. Càng thần kỳ hơn nữa, đó là từ trong khe nứt đó có hai con cá còn sống nhảy khỏi mặt sông băng. Ông liền bắt lấy chúng đem về cho mẹ kế ăn. Sau khi bệnh của mẹ kế đã khỏi, dần dần thái độ của bà đối với Vương Tường cũng chuyển biến tốt đẹp hơn. Lòng hiếu thảo chân thành thuần chính của Vương Tường, nhận được sự ủng hộ khen ngợi người dân trong làng.
Trong sách “Thiên Khẩu” Trương Tam Phong viết: “Quang minh khai nhật nguyệt, ái mộ thông địa thiên (Hiếu đức như áng sáng khai mở nhật nguyệt, được yêu mến cảm thông cả đất trời).” Ánh quang minh của Hiếu đức, tựa như ánh sáng nhật nguyệt chiếu khắp trời đất; đức hạnh của lòng hiếu thảo là biểu hiện cho tấm lòng thương yêu chân chính đối với con người, cái Thiện chân thật chất phác này, có thể cảm động cả đất trời. Từ những câu chuyện được ông biên soạn, chúng ta có thể nhìn thấy lòng đại nhẫn bao dung trong hiếu đức, có từ bi thiện lương, có chân thành, còn có cả những điều kỳ diệu, thần tích xuất hiện cảm động thiên địa. Hiếu Đức, trực tiếp kiểm nghiệm sự chân thật giả tạo của nhân tâm, mức độ thuần tịnh ở trong tâm. Quá trình thực hành chữ hiếu, khiến con người hướng về thế giới nội tâm thâm sâu, tìm kiếm bản tính càng chân thật hơn của chính mình, mà đối xử càng tốt hơn đối với người thân xung quanh.
Tư liệu tham khảo:
Tống Bảo Lam
Hân Bình biên dịch