Trung Quốc từ bỏ USD trong thỏa thuận mới với Brazil, thanh toán giao dịch LNG đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ
Hôm 29/03, Trung Quốc và Brazil đã ký kết một thỏa thuận để từ bỏ đồng USD và thực hiện các giao dịch tài chính cũng như thương mại trực tiếp bằng cách đổi đồng nhân dân tệ để lấy đồng real — và ngược lại — một bước tiến quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiếp tục đẩy mạnh mức độ hiện diện của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Cả hai quốc gia đều lưu ý rằng họ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc từ bỏ đồng USD hồi tháng Một.
Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận mới là hợp lý đối với cả hai bên. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Brazil trong hơn một thập niên, chiếm khoảng ⅕ tổng lượng nhập cảng. Trung Quốc cũng là thị trường xuất cảng lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này.
Các quan chức khẳng định, mục tiêu của thỏa thuận này là cắt giảm chi phí, đồng thời “thúc đẩy thương mại song phương nhiều hơn nữa và tạo thuận lợi cho đầu tư.”
“Banco BOCOM BBM tuyên bố trở thành thành viên của CIPS (Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc), giải pháp thay thế của Trung Quốc cho Swift,” Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Brazil (ApexBrasil) cho biết trong một tuyên bố. “Kỳ vọng là giảm chi phí giao dịch thương mại bằng việc hối đoái trực tiếp giữa BRL (đồng real) và RMB (đồng nhân dân tệ). Ngân hàng đó sẽ là thành viên tham dự trực tiếp đầu tiên vào hệ thống này ở Nam Mỹ.”
Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông BBM sẽ quản lý các giao dịch.
Mua LNG
Thỏa thuận này diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc hoàn tất giao dịch mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đẩy nhanh sự hiện diện của đồng tiền này trên thị trường quốc tế.
Reuters trích dẫn dữ liệu từ Sàn Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên Thượng Hải (SHPGX) cho biết, Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí ngoài khơi lớn nhất nước này, đã mua một lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ TotalEnergies của Pháp thông qua SHPGX.
Giao dịch này, gồm khoảng 65,000 tấn LNG xuất xứ từ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), đã được hoàn tất với một khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới.
CNOOC lưu ý rằng giao dịch này là một bệ phóng tiềm năng cho một mục tiêu lớn hơn: thúc đẩy việc định giá và thanh toán bằng nhiều loại tiền tệ trong thương mại LNG.
Trong chuyến công du Arab Saudi hồi tháng 12/2022, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ tăng cường sử dụng SHPGX như một phương tiện để thanh toán các giao dịch dầu khí bằng đồng nhân dân tệ.
Ông Tập nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập cảng một lượng lớn dầu thô từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), mở rộng nhập cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, đẩy mạnh hợp tác phát triển dầu mỏ và khí đốt thượng nguồn, dịch vụ kỹ thuật, lưu trữ, vận chuyển và lọc dầu, đồng thời tận dụng tối đa Sàn Giao dịch Dầu mỏ và Khí đốt Tự nhiên Thượng Hải như một nền tảng để tiến hành thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại dầu khí.”
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố gắng củng cố vị thế đồng nhân dân tệ trong thanh toán các giao dịch dầu khí như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tăng cường vị thế đồng tiền của họ trong nền kinh tế toàn cầu và làm giảm mức độ phổ biến của đồng USD trong thương mại quốc tế.
Nhân dân tệ cho tất cả
Trong khi đó, mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng Moscow sẽ bắt đầu thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ trong thương mại với các quốc gia Phi Châu, Á Châu, và Mỹ Latinh.
“Chúng tôi ủng hộ việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia Á Châu, Phi Châu, và Mỹ Latinh,” ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm rằng đồng tiền quốc gia này đang được sử dụng tích cực hơn trong thương mại song phương và khuyến nghị rằng “việc làm này nên được khuyến khích hơn nữa.”
Hồi tháng Hai, chính phủ Iraq đã xác nhận với Reuters rằng họ sẽ cho phép giao dịch từ Trung Quốc được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Ông Mudhir Salih, cố vấn kinh tế của chính phủ Iraq cho biết: “Đây là lần đầu tiên hàng nhập cảng từ Trung Quốc được tài trợ bằng đồng nhân dân tệ, vì hàng nhập cảng của Iraq từ Trung Quốc trước kia chỉ được tài trợ bằng USD.”
Campuchia đã tự do hóa việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Đầu năm nay, Campuchia tuyên bố sẽ cho phép khách du lịch Trung Quốc thanh toán các dịch vụ bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD hoặc đồng riel của Campuchia.
Quyết định này được đưa ra vào đúng khoảng thời gian Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) công bố kế hoạch tham gia Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) bằng đồng nhân dân tệ. Ý tưởng đằng sau việc gia nhập CIPS là cung cấp nhiều tùy chọn thanh toán hơn trên toàn thế giới nhằm tăng cường thương mại, đầu tư, và du lịch giữa hai quốc gia thông qua các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
“NBC đã nghiên cứu chi tiết các yêu cầu để trở thành thành viên CIPS kể từ khi hệ thống này được thành lập lần đầu tiên vào năm 2015, vì vậy NBC biết họ cần gì, đó sẽ không phải là những yêu cầu mới đối với chúng tôi,” Trợ lý thống đốc NBC Chea Serey cho biết hồi tháng Hai. “Thứ hai là, lãnh đạo hai nước đã thảo luận và đồng ý tiến hành việc này về mặt nguyên tắc. Hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh quá trình để Campuchia sớm gia nhập CIPS.”
Chiến dịch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang, vốn củng cố giá trị của đồng USD vào năm ngoái (2022), đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế ở các nước đang phát triển. Do đó, những thị trường ngoại quốc này thường cần một khối lượng nội tệ lớn hơn để mua các sản phẩm nhập cảng bằng đồng USD. Vì thế, đối với các quốc gia vay USD để duy trì và tài trợ cho thương mại cũng như thúc đẩy nền kinh tế quốc gia này, thì chi phí đã trở nên tốn kém.
Bất chấp những diễn biến mới nhất, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm chưa đến 3% thương mại toàn cầu. Để so sánh, đồng USD chiếm khoảng 41% thương mại thế giới.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times