Tổng thống Brazil Lula và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố khối chống phương Tây nhằm thế chỗ Hoa Kỳ
Trong bối cảnh dư luận bàn tán về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva bắt đầu từ ngày 12/04, lãnh đạo hai nước đã ký kết hơn 20 thỏa thuận song phương mới.
Nhìn bề ngoài, chuyến công du này là một chuyến thăm ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, một số người cho rằng chuyến đi này nhấn mạnh việc tiếp tục giảm ưu tiên trong mối bang giao với Hoa Kỳ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và cả hai quốc gia đều hoạt động với tư cách là thành viên nền tảng của khối thương mại tên là BRICS. Liên minh này cũng bao gồm Nga, Ấn Độ, và Nam Phi. Các thành viên của khối thương mại chia sẻ công khai mong muốn thay thế vai trò của đồng USD trong thương mại cũng như trong tư cách một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Kể từ khi ông Lula của cánh tả trở lại vị trí lãnh đạo của Brazil, các quan chức và nhà phân tích Hoa Kỳ đã đưa ra những lo ngại về sự thay đổi chính sách của quốc gia Nam Mỹ này theo hướng có lợi cho Bắc Kinh và các chính quyền độc tài khác.
Xu hướng này bắt đầu với việc ông Lula chào đón các chiến hạm Iran hôm 26/02. Ngay sau đó là thông báo hôm 29/03 rằng Brazil sẽ bắt đầu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thay vì đồng USD trong các giao dịch thương mại.
Trong phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Thượng viện hồi tháng trước (03/2023), Thượng nghị sĩ James Risch (Cộng Hòa-Idaho) đã bày tỏ báo động trước sự hợp tác mang tính bao trùm của Brazil với điều mà ông gọi là “những ảnh hưởng xấu từ ngoại quốc,” bao gồm cả Trung Quốc.
Cũng trong phiên điều trần kể trên, ông Brian Nichols, trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Tây Bán Cầu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng ông “hoàn toàn lo ngại” về sự đầu tư lớn của Trung Quốc.
Một phần của thỏa thuận Brazil-Trung Quốc bao gồm việc sử dụng Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do Bắc Kinh hậu thuẫn làm cơ sở thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ. Mục tiêu là tăng khối lượng và sức mạnh của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở châu Mỹ.
Trong thời gian thăm Thượng Hải, ông Lula giám sát lễ nhậm chức của bà Dilma Rousseff — cựu tham mưu trưởng của ông và là một chiến binh du kích theo chủ nghĩa Marx những năm 1960 — để trở thành người đứng đầu mới của NDB. Bà Rousseff từng là tổng thống Brazil sau ông Lula bắt đầu từ năm 2011, nhưng đã bị quốc hội nước này luận tội vào năm 2016 vì quản lý ngân sách yếu kém.
)
NDB được thành lập dưới sự giám sát của bà Rousseff, vì vậy việc bổ nhiệm bà làm người đứng đầu NDB hôm 13/04 là kết quả cuối cùng của các quyết định chính sách vốn đã khiến các quan chức phương Tây quay cuồng trong những tháng gần đây.
Các nhà phân tích cho rằng việc Brazil rời xa USD và kết giao với các chính quyền độc tài cho thấy BRICS, đặc biệt là Trung Quốc, đã trở thành ưu tiên lớn hơn so với mối bang giao của Brazil với Hoa Kỳ.
Viễn cảnh khó tránh khỏi
Một số người Brazil khẳng định việc ông Lula làm sâu sắc thêm mối bang giao với Trung Quốc và ưu tiên BRICS đã có từ lâu.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, ông Ernesto Araújo, nói với The Epoch Times: “Về căn bản, họ [BRICS] muốn hủy bỏ tư cách cường quốc thế giới của Hoa Kỳ.”
Ông Araújo cho biết ông Lula đã tập trung vào việc tăng cường quan hệ với các chính phủ chống Mỹ trước khi nhậm chức vào tháng Một.
Nhưng ông Araújo không ngạc nhiên. Ông Lula là thành viên sáng lập của UNASUR, một khối thương mại Nam Mỹ được thành lập vào năm 2008 cùng với cựu tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Vào thời điểm đó, ông Chavez cho biết UNASUR được thiết kế để tiếm quyền ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực.
Ông Araújo lưu ý rằng trong thời gian ông làm bộ trưởng ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, nghị trình của BRICS đã bị lùi lại phía sau. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Lula, Trung Quốc và BRICS đã được đưa lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên chính trị của Brazil.
Ông Araújo nói, “Bây giờ rõ ràng là ông Lula muốn dồn hết tốc lực với BRICS.”
Trong chuyến thăm của ông Lula, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một thông cáo báo chí hôm 14/04 cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc và Brazil là “hai quốc gia đang phát triển và là thị trường mới nổi lớn nhất ở Đông và Tây bán cầu.”
Bản tóm tắt kể trên cho biết thêm rằng hai nước có “những lợi ích chung sâu rộng.”
Đối với một số nhà phân tích an ninh, mối nguy hiểm đối với Hoa Kỳ tiềm phục trong đó.
Bà Irina Tsukerman, nhà phân tích an ninh khu vực và là người sáng lập Scarab Rising, nói với The Epoch Times: “Brazil đã có mối bang giao từ lâu với Trung Quốc, nhưng bước ngoặt hiện tại đặc biệt nguy hiểm.”
Bà Tsukerman lưu ý rằng việc Trung Quốc bơm một lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế Brazil về căn bản đã mua được lòng trung thành, khiến cho ảnh hưởng chống phương Tây của Bắc Kinh trở nên khó đối phó.
Bà nói: “Brazil, giống như Venezuela, sắp trở thành điểm trung tâm của các mạng lưới mạnh mẽ trên khắp châu Mỹ Latinh. Mạng lưới tình báo, băng đảng ma túy, hỗ trợ Trung Quốc thực hiện các hoạt động buôn bán fentanyl … và ảnh hưởng chính trị thuận lợi cho lợi ích của Bắc Kinh và đáng lo ngại cho lợi ích an ninh của Hoa Kỳ.”
Các lệnh trừng phạt bị suy yếu
Trong số các tác động an ninh tiềm ẩn với Hoa Kỳ là mối đe dọa về việc một đồng USD yếu hơn sẽ gây ra đối với sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đã dẫn đầu một gói trừng phạt nặng nề đối với Nga trong bối cảnh nước này đang tiếp tục tấn công Ukraine. Đồng thời, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho dự trữ đồng bạc xanh đang dần cạn kiệt. Điều này đặc biệt đúng ở các nước Mỹ Latinh như Brazil và Argentina.
Kết quả là một tâm trạng sẵn sàng chung để từ bỏ đồng USD và xây dựng cơ sở hạ tầng cho một loại tiền dự trữ toàn cầu mới. Đây là mục tiêu chính trong danh sách các mục tiêu của BRICS.
Ở quy mô đủ lớn, “phi USD hóa” sẽ làm suy yếu sức mạnh của các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ ở ngoại quốc, về căn bản làm suy yếu một trong những vũ khí phi quân sự mạnh nhất mà Hoa Kỳ sử dụng.
Gần một nửa thương mại toàn cầu được thực hiện bằng USD. Đồng bạc xanh cũng chiếm 60% tổng dự trữ ngoại tệ.
Nhưng khi lạm phát hàng hóa làm tê liệt các quốc gia vào năm 2022, thì cuộc tranh luận về các loại tiền tệ khác đã được khơi lại.
Bà Tsukerman nói, “Mặc dù nhân dân tệ với tư cách là một loại tiền tệ trao đổi trong tương lai gần sẽ không thay thế hoàn toàn USD ở Mỹ Latinh, nhưng thậm chí việc áp dụng nó … sẽ tạo ra rủi ro làm suy yếu ảnh hưởng tài chính của Hoa Kỳ và tạo điều kiện cho việc né tránh lệnh trừng phạt. Không chỉ đối với Trung Quốc và Nga mà còn đối với tất cả các đồng minh trong khu vực của họ.”
Trong khi đó, ông Nichols cho biết chính phủ Tổng thống Joe Biden muốn chứng minh rằng Hoa Kỳ vẫn là quốc gia tốt nhất để sắp xếp các cơ hội và tương lai của mình.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times